HV151 - Quê hương - thời niên thiếu

LTS: Đọc hồi ký Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật(*) của GS Hà Minh Đức ta gặp nhiều chuyện thú vị. Đó là con đường của một trí thức cách mạng qua nhiều chặng đường. Kháng chiến chống Pháp, ông học phổ thông (trung học) ở một vùng quê Thanh Hóa, có lúc vừa đi học vừa làm “thợ cày”. Nhưng anh chàng thợ cày ấy, ra Hà Nội học đại học, sau khi thủ đô giải phóng (1954) đã được giữ lại làm “cán bộ giảng dạy đại học”, rồi đào tạo, nghiên cứu, được phong làm Giáo sư, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học, làm chủ nhiệm khoa, làm viện trưởng…

Đến nay, tuổi đã gần 90, ông ngồi viết, nhớ lại từng chi tiết cuộc đời đã qua, ấm áp nghĩa tình qua các đại học, viện…, qua các công trình nghiên cứu, sớm nhất là về Nam Cao, năm ông mới 24 tuổi… Người ta nói: “Thói quen tạo nên tính cách. Tính cách tạo nên số phận”, phải chăng do tính tình đôn hậu mà ông đã đi qua cuộc đời lửa cháy của kháng chiến, biết bao phức tạp, trong thế thái nhân tình và thành đạt…


GS Hà Minh Đức

Hồn Việt xin giới thiệu một đoạn trong hồi ký.

Tuổi thơ của tôi gắn nhiều năm tháng với làng quê. Làng bé nhỏ và phần lớn thuộc người của họ Hà.

Những năm đầu của bậc trung học, tôi học ở trường tư thục Hải Lân cách làng ở một vài cây số… Vào khoảng năm 1949, tôi thi đậu trung học phổ thông và được vào học ở trường trung học Lam Sơn. Tản cư về vùng Cốc Thượng tôi phải đi trọ học ở xa, hằng tháng về một lần. Những ngày hè lại cùng gia đình tham gia công việc đồng áng. Dần dà, tôi cũng nhanh ý và làm quen với những công việc cày, bừa, cuốc góc, làm bờ, nhổ mạ rồi gặt hái, đập thóc, xay thóc, giã gạo. Những ngày trọ học thường ở chung thành nhóm và tự nấu lấy ăn.

Đời sống khó khăn, nên những món chủ lực thường là cà chua nấu với khoai lang, bắp cải, xu hào, ăn không chán, rất ngon miệng. Thỉnh thoảng ra chợ gặp những thằng Tây tù binh râu ria xồm xoàm gánh những gánh sắn tăng gia được ở trại đem bán, chúng không quen gánh nên mặc dù người cao to vẫn oằn lưng, người cong cong hai tay đỡ đòn gánh, trông rất thảm hại. Mấy bà bán hàng ở chợ nhìn chúng vừa bực tức vừa thương hại: “Cha tổ chúng mày! Ở nhà không yên phải sang đây mà bắn phá, rồi bây giờ mang vạ khổ vào thân”. Thời gian tôi học ở trường trung học là 3 năm: lớp 8, lớp 9 và lớp 9 bổ túc. Nhà trường tản cư trên một vùng đất khung cảnh rất đẹp. Dòng sông Nông Giang từ đập Bái Thượng đổ nước về, ăm ắp, mấp mé những con đường nhỏ ven bờ. Học sinh tập trung từ các huyện trong tỉnh, kể cả học sinh ở Khu 3 cũng về học.

… Chiều chiều, khi trời sắp tối, từng đôi trai gái đi dạo trên bờ sông Nông Giang, không khí rất thơ mộng. Khi tôi vào trường mới 16 tuổi, trông dáng hình và cách ăn mặc còn mang nhiều vẻ quê kệch nên không dám để ý ai và cũng không được ai chú ý. Mẹ tôi tự may cho tôi một chiếc áo sơ mi bằng vải vàng. Cổ áo sơ mi quá to, lả ra chiếm gần hết cả vai áo. Bạn bè và nhất là các bạn gái nhiều hơn tôi một, hai tuổi, gọi đùa là áo “Hoàng bào”. Một chị thương hại, bảo hôm nào đến chị sửa cho và chị đem nhuộm thành áo màu nâu. Đời sống khó khăn nên học sinh thời kỳ này có phong trào làm gia sư kèm cặp cho con cái các gia đình, cơm ngày ba bữa không công. Tôi được giới thiệu vào một gia đình giàu có nhưng sống tiết kiệm, chặt chẽ. Ngoài những buổi sáng đi học, chiều ở nhà. Mỗi lần cơn mưa đến thật vất vả. Mây vừa kéo lên thì ông chủ đã kêu: “Anh giáo, anh giáo! Ra giúp tôi!”. Nhiều lúc khiêng hàng chục những nong thóc. Nhưng rồi trời không mưa, nắng lại lên, ông lại gọi: “Anh giáo! Anh giáo! Giúp tôi với! Cái nắng mùa đông này quý lắm, thóc nhanh khô”. Có hôm phải giúp ông gẩy rơm. Thường thì dạy cho con ông chủ vào buổi tối, sau khi ăn cơm xong. Công việc nhọc nhằn, vài tháng sau tôi không chịu nổi và xin phép chuyển đến một gia đình khác. Bạn tôi giới thiệu tôi làm gia sư cho một gia đình ông thầy thuốc bắc khá nổi tiếng trong vùng. Buổi sáng khi tôi đi học thì ông chưa ngủ dậy. Ông thường ngồi trên một cái phản gỗ đánh bóng, trước mặt là một bộ đồ trà, một ống điếu thuốc lào. Ông dặn người nhà phải lễ phép với thầy, cơm nước phải chu đáo. Buổi chiều tôi được mời ăn cơm chung với ông vì thường các ông lang hay có các món nhắm vào buổi chiều, có khi là một đĩa cá chép rán, đầu đuôi kho dưa, có khi là đĩa thịt gà cháy cạnh hoặc ba ba om. Ông không gắp cho tôi nhưng thỉnh thoảng lại mời: “Thầy cứ tự nhiên cho”. Tôi ăn nhanh cho xong bữa và sau đó ông còn khề khà cho đến tối mịt. Gia đình có nền nếp, công việc dạy dỗ cũng nhàn nên tôi ở dạy đến gần nửa năm, cho đến khi tốt nghiệp ra trường. Gần một nửa lớp tôi đều làm gia sư, thỉnh thoảng lại chuyện đổi cho nhau. Tên tuổi các nhà chủ và chuyện riêng các gia chủ thường được kể vanh vách trên lớp. Kết thúc lớp 9 bổ túc tôi lại trở về quê nhà.

Lúc này có hai hướng, một là đi học lớp dự bị đại học được mở ở Cầu Kè - Thọ Xuân - Thanh Hóa, hai là chờ đi học một lớp đại học ở Trung Quốc về khoa học tự nhiên. Tôi chọn lớp dự bị đại học và vào học ngành Văn - Sử. Ở đây có các thầy nổi tiếng. Thầy Trần Văn Giàu ngoài việc giảng dạy thỉnh thoảng có tổ chức những buổi nói chuyện cho đông đảo cán bộ giáo viên trong vùng. Rồi các giáo sư: Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh đều giảng dạy ở trường dự bị đại học. Lớp học không có bàn ghế, mỗi học sinh đến đều mang theo mỗi bộ bàn ghế cá nhân gồm một chiếc ghế nhỏ như người bán hàng ở chợ và bộ bàn con được xếp lại để xách tay đi học. Đến lớp bàn ghế được mở ra đặt trước mặt và một ngọn đèn dầu tự túc. Chúng tôi thường lấy hộp thuốc đánh răng loại “díp” bằng nhôm và lắp van xe đạp vào hộp van xe đục thủng, bỏ hạt gạo đi và một sợi bấc được luồn qua van để hút dầu từ phía dưới cho cháy bùng lên đủ soi sáng cho mỗi người học. Tan buổi lại xách bàn ghế về như người bán kẹo kéo trông rất ngộ nghĩnh và vui. Tôi học dự bị đại học một thời gian không lâu phải xin nghỉ vì công việc gia đình cũng cần đến tôi có mặt. Lúc này đã vào cuối năm 1952, đầu năm 1953, nông thôn đã phát động phong trào đấu tố địa chủ chây lười nộp thuế nông nghiệp. Ở Thanh Hóa cũng dấy lên phong trào đấu tranh chính trị. Trên đường về nhà, mỗi lần tôi đều cảm nhận không khí căng thẳng của làng quê. Và riêng đối với gia đình tôi cũng đã có những dấu hiệu không bình thường. Gia đình về quê nhưng sinh hoạt thành phố đã trở thành một nếp sống không dễ thay đổi nhanh, từ trang trí nhà cửa đến cách ăn mặc có phần kiểu cách. Chị tôi cũng vào loại đẹp gái, ngày Tết lại đeo kiềng vàng, mặc áo dài trông duyên dáng. Còn bố tôi hay giao du với một số ông Ký, ông Phán ở làng bên. Cũng giống như nhân vật Hoàng trong truyện Đôi mắt của Nam Cao. Họ rủ nhau đánh tổ tôm tài bàn. Đèn măng sông thắp sáng trưng. Sau đó thì uống rượu và ăn cháo gà. Sinh hoạt kiểu đó thật không thích hợp với một làng quê nghèo. Nhà có mấy mẫu ruộng cũng phát canh. Nhiều tá điền cũng ngoan ngoãn theo lệnh của gia chủ. Một số người nghèo phải vay mượn, nhất là lúc tháng 3, ngày 8, đến mùa mới có dịp trả. Trong dịp hè về quê, tôi thường tham gia lao động nhiệt tình và cũng chan hòa với bà con trong làng. Ở vào tuổi 17, 18 tôi lao động khá giỏi. Tôi cày luống thẳng, bừa gọn và cuốc bờ, cuốc góc vuông vắn nhìn cũng ưa mắt. Trên đường thường có những lão nông đi qua đứng nhìn một lúc rồi tấm tắc khen. Cụ cố Nhắc bảo: “Anh làm gọn, theo được nghề nông”. Tôi cũng trồng thuốc lá trên những mảnh vườn xung quanh nhà. Khó nhất của trồng thuốc là phải gánh nước và tưới đều. Mỗi buổi sáng tôi có thể gánh từ 10 đến 15 gánh nước. Phải ra bến sông múc nước gánh hai thùng leo lên bờ sông và chạy dài khoảng vài trăm thước. Người làng vẫn thường trông thấy và khen tôi. Bố tôi từ sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công cũng tham gia một số công việc ở xã như Ủy ban Liên Việt và một vài công việc khác. Nhưng rồi gia đình chậm thuế, trở thành một con nợ bị phê phán và ông cũng dần thôi các trách nhiệm ấy. Tôi sống trong không khí vừa lo lắng, vừa chờ đợi những điều không tốt lành nhất là bố tôi, người gầy hẳn đi và sống thu mình lại.


Bìa sách Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật

Không khí làng quê như sắp bước vào thời kỳ bùng nổ. Lúc này ở Thanh Hóa theo chủ trương của tỉnh và cấp trên đã tiến hành một cuộc đấu tranh chính trị. Cuộc đấu tranh này nhằm trấn áp những phần tử mà họ cho rằng có dính dáng đến hoạt động chính trị của những phần tử phản động. Sau một thời gian thì bố tôi cũng bị gọi. Trong đợt phát động quần chúng giảm tô, bố tôi là đối tượng đấu tranh. Tôi không có mặt nên không hình dung hết được cảnh ngộ, chỉ biết rằng những điều quy kết là không có thực. Ông không đánh đập ai, không chiếm đoạt tài sản của ai. Ông là một viên chức hỏa xa già, một địa chủ nhỏ trong một làng nghèo. Thời kỳ này gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Ruộng đất nông dân lấy một phần, một phần phải tự làm trong hoàn cảnh trâu bò không có. Đội chủ trương ruộng cấm không được bỏ hoang. Công việc ấy dồn vào cho hai anh em tôi. Chị tôi lúc này đã lấy chồng và ở xa. Mẹ tôi ngày ngày đi chợ để kiếm sống cho gia đình. Bà thường đi những chợ xa ở Hoằng Hóa, Hậu Lộc thấy gì rẻ thì mua: nào ngô, khoai, gạo và đem về chợ gần để bán cũng dư ra được chút ít. Mỗi lần mẹ tôi về dáng vất vả, thả gồng gánh xuống, tuy nhẹ tênh nhưng cũng có một, hai cân gạo, một vài cái bánh nếp, bánh khoai. Chúng tôi chia nhau mỗi người một chiếc ăn ngon lành. Mẹ nhìn chúng tôi ăn thương xót và bảo: “Chốc nữa các con ăn cơm”. Ngày này sang ngày khác, mẹ tôi vẫn đi chợ và đó là nguồn sống duy nhất cung cấp cho gia đình. Cũng rất may là bà con nông dân không ngăn cấm, và khi gặp nhau vẫn chào hỏi. Vào những ngày lũ lụt dường như tất cả đều bế tắc. Sông Mã nước dâng cao cuồn cuộn sóng, trống mõ giục liên hồi nhắc nhở mọi người phải thức để xem chừng con nước. Tôi nhớ một lần được chứng kiến cảnh con đê đầu làng bị vỡ. Nước từ sông tràn vào. Tuy làng ở chân núi nhưng nước cũng từ từ dâng lên, từ 10 giờ đêm đến sáng mai thì nước đã trắng xóa cả cánh đồng. Nhiều nhà ngập trong nước. Ngay từ lúc đê vỡ trong cơn “thủy hỏa đạo tặc”, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng gọi nhau náo nhiệt cả một vùng. Mọi người tất tả dắt trâu bò lên núi, lợn gà thì dồn lên chỗ cao trong nhà rồi ra đi. Làng gần núi nên mọi việc cũng an toàn và khoảng một, hai ngày hôm sau nước rút lại trở về. Lần này đê không vỡ nhưng gia đình tôi rơi vào cảnh thiếu lương thực. Mẹ bị mệt không đi chợ được nên đành phải ăn những thức ăn tự chế biến. Tôi chặt dần các buồng chuối xanh ở sau nhà và đem về luộc. Ngày thường thấy chuối xanh thì ngại ngùng và dùng để nấu ăn với lươn, ếch. Còn hôm nay chuối luộc, bóc ra chấm muối vừng sao thấy ngon lạ, tưởng như thức ăn trời cho mà mình chưa bao giờ biết đến. Ngô bung, khoai lang khô dự trữ tỏ ra rất hiệu quả trong những ngày lũ lụt.

Nước rút, bước vào thời vụ canh tác, gia đình tôi phải lo để cày cấy khoảng gần một mẫu ruộng. Khó khăn nhất là thiếu trâu bò. Ở làng có lệ đổi công. Một công trâu bò đổi lấy một công người. Tôi phải nói với một số bà con nông dân để xin đổi công và họ vui vẻ nhận lời. Có thể vì một phần thương cảm hoàn cảnh gia đình tôi, nhưng quan trọng cả làng đều biết tôi cày bừa giỏi. Tôi nhớ đổi công bò cho nhà anh Đạt. Anh Đạt trạc tuổi tôi, hoặc hơn một, hai tuổi. Anh bảo:

“Chú lên lấy bò về cày, phải ăn đủ ba bữa cơm ở nhà anh”. Tôi cười và nói: “Nhà tôi đang thiếu lương thực, tôi ăn nhiều anh có ngại không?”. Anh bảo: “Nhiều lắm là ống rưỡi bò (khoảng gần nửa cân gạo) chứ mấy”. Sáng hôm sau, trời vừa tảng sáng, tôi lên nhà anh. Anh dọn cơm, chỉ có hai anh em tôi ăn: “Ăn xong chú đi cày, tôi lên núi hái củi, mẹ con nhà nó ăn sau”.

Nồi cơm vừa vần trong bếp lửa giở ra, gạo mới, thơm và dẻo tôi ăn hết ba bát ngon lành. Thức ăn chẳng có gì, chỉ có dưa cải ngồng muối vừa độ chín, tép muối và hành sống. Hành sống từng củ bóc ra chấm mắm tép, ăn rất ngon. Anh thấy tôi buông bát sớm thì bảo: “Chú ăn nữa đi, ngon miệng cứ ăn cho no”. Tôi gật đầu, buông bát đũa, uống nước rồi ra sân dắt bò. Anh dặn: “Cày xong chú ra bến Đá mà tắm, còn bò thì buộc ở gốc cây phượng trước sân đình, người nhà tôi sẽ ra để chăn dắt. Nhớ tắm xong lại về ăn cơm trưa”. Tôi lại gật đầu. Cày xong tôi ra bến Đá để tắm. Nước bến Đá chảy xiết và trôi xuôi cách bến Cống khoảng 100 thước. Tôi thường bơi ra ngoài cho trôi xuôi xuống bến dưới, tắm xong lại về nhà anh Đạt ăn bữa cơm ngon lành. Bữa trưa có thêm món cá kho đậm đà, ngon miệng. Chiều cày đến khoảng 5 giờ, thả cho bò ăn cỏ, về nhà nghỉ ngơi, khoảng 7 giờ tối, anh Đạt lại nhắn tôi lên ăn cơm. Đêm ấy chắc bụng ngủ ngon giấc. Sáng ngày mai tôi lên sớm để mượn bò về cày cho nhà mình. Vụ này tôi phải đổi công cho anh khoảng năm lần và còn làm thêm cho một vài gia đình khác để mượn trâu bò.

... Làng quê đã in sâu vào tâm trí tôi hai ấn tượng thiên nhiên đẹp và một vùng quê vừa nhân ái, vừa có lúc dữ dội như những cơn sóng cồn lên, gây bao nhiêu đau khổ. Thiên nhiên luôn làm dịu đi những nỗi buồn của hiện tại. Tôi nhớ những ngày đi chơi trên núi hái sim, hái quả mâm xôi, ngồi nhấm nháp bên tảng đá cho đến khi mặt trời xuống đỏ rực ở phía dòng sông. Về làng, nhiều người căn dặn: “Trời tối không được thẩn thơ ở bờ núi, dạo này có hổ về”. Không phải là một lời đe dọa mà là hổ thật. Người đi làm trên cánh đồng chứng kiến hổ đuổi theo bò, rồi tiếng bò kêu trước khi gục ngã. Ngày hôm sau bò không thả trên núi nữa nhưng vẫn còn những con leo cao đêm không kịp về chuồng đều bị hổ bắt.Làng bàn bạc và tổ chức đánh bẫy hổ. Hổ bị sập bẫy, đêm ấy cả làng vui như Tết. Núi của làng còn có trăn. Những con trăn dài khoảng trên dưới hai thước thường nằm cuộn tròn dưới các tảng đá lớn chờ dịp bắt dê nhảy nhót xung quanh.

Núi làng tôi gọi là núi Cấm nhưng không ngăn cấm ai, mà là nơi cả làng kiếm củi và đào những loại củ như sâm rừng, củ mài. Trong ký ức tôi, núi không cao nhưng là một hòn núi đẹp. Và dòng sông cũng gắn liền với bao kỷ niệm. Ở giữa ngã ba Bông khi dòng sông chia về đôi ngả, mặt sông rộng lớn, tôi nhớ đến câu thơ của Huy Cận:

Tới ngã ba sông nước bốn bề

Nửa chiều gà lạ gáy ven đê.

Tiếng gà không chỉ âm vang từ làng xóm, mà nhiều khi từ những con thuyền của xóm chài đậu ở ven sông. Ấn tượng sâu sắc với tôi về dòng sông là trong những đêm trăng tôi thường đi chơi trên đê làng và ra ngồi ở quãng đê nhìn xuống phía dòng sông rộng lớn. Trăng tỏa sáng, càng lên cao càng ngời sáng và người ngắm cảnh như cảm thấy cô đơn giữa một không gian rộng lớn, lung linh trong đêm trăng. Tôi ngồi cho đến khi con đò dọc từ những chợ phiên miền ngược xuôi về. Từ xa đã nghe những tiếng vang, nhịp dậm chân và tiếng hò da diết, náo động cả đêm trăng. Tiếng hò sông Mã nổi lên như một ca khúc hùng tráng của những người lao động trong đêm trăng. Đêm qua, thuyền ngược từ Hàm Rồng đem hàng lên những phiên chợ Bồng, chợ Kiểu và hôm nay lại xuôi về. Lúc lên, đò phải dùng sào chống hoặc kéo dây dọc theo bờ sông. Những tay cầm sào lực lưỡng đi lại trên mui thuyền phóng sào xuống bờ đất ven sông. Có chỗ phải dùng dây kéo, vừa kéo vừa hò, não nuột tưởng như người leo núi, lúc mạnh mẽ, lúc như đứt hơi. Còn khi thuyền xuôi về thì con thuyền lướt sóng theo nhịp của mái chèo với tiếng hò “Dô tá dô tà” và những câu hát đan xen...♦


(*) NXB Văn học, 2020

GS HÀ MINH ĐỨC