Lúc đầu các điểm cư trú của người Việt chưa gọi là LÀNG mà là các KẺ, các CHẠ. Từ khi người Hán vào thì các làng còn gọi là các HƯƠNG, GIÁP. Về sau giáp được dân ta biến thành tên gọi của một thiết chế của tổ chức làng xã. Đó là tổ chức của đàn ông trong làng nhằm phân công đăng cai lễ hội và cắt cử trông coi sửa chữa các góc đình bị hư hại. Vì thế làng xã Việt Nam thường có bốn giáp gọi theo phương hướng như giáp Đông, giáp Bắc, giáp Tây, giáp Nam. Hoặc gọi theo thứ tự của cư dân đến lập làng như: giáp Nhất, giáp Nhị… Cũng có thể chia giáp theo các họ đến mở làng: giáp Nguyên (Nguyễn), giáp Bùi, giáp Lê, giáp Đặng.
Sang thời Tiền Lê, làng Việt mới được gọi là LÀNG để phân biệt với các ĐỘNG của người thiểu số.
Thời tiền sử, qua hiện vật khảo cổ ta biết từng nhóm người Việt đến cư trú ở vùng gò bãi, làm nhà ở đỉnh gò đồi trông mặt xuống ruộng nước. Con người thời văn hóa Phùng Nguyên, cách nay khoảng 4.000 năm; thời văn hóa Gò Mun khoảng 3.000 năm rồi ở liên tục đến thời văn hóa Đông Sơn 2.000 năm cho đến ngày nay. Đó là những làng Việt cổ gần chân núi Hùng như Kẻ Gáp, Kẻ Cuôi, Kẻ Vầy, Kẻ Mương v.v… Các làng Việt cổ còn để lại các dấu tích khảo cổ học và các tài liệu dân tộc học khác.
Ở Phú Thọ có hai nhóm Việt cổ cư trú từ thời tiền sử, đó là Việt Mường và Tày Thái cổ. Qua tên đất, tên làng còn rớt lại và qua các dòng họ như họ Ma, Mai, Mè, Tạ biết họ thuộc gốc gác Tày Thái cổ và Đinh, Quách, Bạch, Hà, Cao… ta biết họ thuộc nhóm Việt Mường. Ngày nay các nhóm này ở vùng ngoài thuộc Việt Trì, thị xã Phú Thọ, Lâm Thao đã bị Kinh hóa thành người Kinh. Ông Ma Văn Bảo ở Việt Trì là trưởng tộc họ Ma người Tày, có cụ Tổ là Ma Khê thời Hùng Vương thứ 18 theo Vua Hùng cùng Nguyễn Tuấn Tản Viên chống lại Thục Phán. Khi tôi có bài đăng trên báo Nhân dân về hiện tượng này thì các chi tộc họ Ma ở Yên Bái, Tuyên Quang về Việt Trì để khớp lại và nhận họ nhận hàng. Đất Tổ Phú Thọ duy nhất có họ Ma còn giữ được tộc phả liền mạch từ đó đến nay. Hiện tượng này giải thích vì sao, dù chưa có chữ viết nhưng các thầy cúng của các nhóm người thiểu số vẫn nhớ được tên tuổi các cụ tổ nhiều đời, là do mỗi đám cỗ lễ lớn họ phải đọc văn cúng, có khi mất nhiều ngày nhiều đêm xướng tên các đời tộc trưởng đã từng đến đâu để vỡ đất dựng nền nhà cho con cháu nghe mãi mà nhập tâm.
Biển tiến lần cuối cách ngày nay khoảng 4.000 năm, cửa biển lên đến Việt Trì. Sau đó biển rút, từng nhóm Việt cổ tiến về xuôi khai phá miền trung châu. Họ tiếp biến văn hóa với người ở biển vào mà thành người Kinh. Đến thời trung đại đất Tổ Phú Thọ trở thành vùng đồi thưa dân.
.png)
Thời nhà Lý cả nước mới có khoảng 2 triệu dân. Khi ấy vùng trung châu trở thành nơi tập trung đông người, có nhiều nơi buôn bán sầm uất. Từ đây từng nhóm người hoặc do kế sinh nhai, hoặc do có tội với làng, với nước họ lại kéo lên vùng đất Tổ để mai danh ẩn tích rồi sinh cơ lập nghiệp. Làng Việt xưa vốn có tổ chức cộng đồng chặt chẽ đến mức mọi con dân của làng rất sợ bị cộng đồng gọi là kẻ “bỏ làng”. Người mới đến xin ngụ cư phải sống khai phá ở ngoài làng. Sau ba đời nếu làm ăn khấm khá có đủ tiền của mua ngôi thứ ở làng, đóng góp nhiều tiền của cho làng làm công ích thì được công nhận là dân chính cư. Hoặc những người mới đến xin làm con nuôi những nhà có máu mặt trong làng, họ xẻ ruộng đất cho người mới đến làm ăn. Họ mua ngôi thứ đóng góp cho làng thay cho người mới đến để người đó được công nhận là dân chính cư. Phú Thọ đất rộng mênh mông cũng không cho phép ai muốn đến tự ý sinh sống vì “đất của vua, chùa của làng” đều có sự kiểm soát chặt chẽ.
Khi có người mới đến xin ngụ cư, họ được địa phương chấp nhận cho khai hoang sinh sống ở khu vực nào đó. Sau này khi đã có của ăn của để, dân cư đông lên, họ có thể xin lập làng. Khi còn nghèo khó người ta chỉ lập một ngôi miếu thờ thần linh thổ địa. Khi có lực họ đóng góp nhau làm ngôi đình riêng gọi là đình giáp hoặc đình làng. Họ đến ngôi đình cộng đồng của toàn xã xin chân nhang duệ hiệu của vị thành hoàng ở đây về thờ ở đình làng mình. Đó là trường hợp một xã có nhiều làng nhỏ hợp lại. Khi ấy người ta gọi cấp xã là cấp thôn. Một thôn có nhiều làng, cũng có trường hợp một làng lớn có nhiều xã, tức là làng có nhiều thôn. Tùy theo số đầu đinh (đàn ông) và diện tích canh tác đủ theo quy định của triều đình để được thành lập một xã. Vì thế xã là cấp hành chính thấp nhất của triều đình. Còn làng là điểm tụ cư nhỏ nhất của nước. Với mọi người Việt Nam thì làng mới quan trọng, cái gì cũng của làng ta. Hội làng, chợ làng, gái làng, đường làng, ao làng. Người ta tự hào mọi cái của làng ta. Khi có hỏa hoạn, cướp bóc người ta đều réo: “Ối làng nước ơi!”, không ai kêu: “Huyện nước ơi! Tỉnh nước ơi!”. Vì thế văn hóa làng chính là cơ sở của văn hóa nước. Hay nói cụ thể thì làng là một cái nước nhỏ. Nước là một cái làng lớn.
.png)
Nhà Mường ở Phú Thọ ngày nay
Phú Thọ đất Tổ Vua Hùng có rất nhiều làng cổ có các di chỉ khảo cổ cách đây 4.000 năm, 3.000 năm, 2.000 năm. Vùng Mường Phú Thọ tìm thấy trống đồng Hê-gơ loại II hay còn gọi là trống đồng Mường hơn 70 cái, nhiều gấp đôi cả nước cộng lại. Làng nào cũng có những hèm tục hoặc truyền thuyết về thời Vua Hùng, nhưng thống kê các dòng họ hiện đang sinh sống thì thấy gần như trăm phần trăm các họ đều có vài chục đời biết đích xác từ Thanh Hóa, Sơn Tây, Hưng Yên, Bắc Ninh lên. Vậy con người nguyên thủy ở đây đi đâu?
Năm 1958 tại nơi sơ tán của Hội Nhà văn Việt Nam, lớp khóa III chúng tôi được nghe một giáo sư văn hóa dân gian đến nói chuyện về làng cổ Tứ Xã quê tôi, ở gần Đền Hùng. Theo sử sách thì thời Trần, thời Lê triều đình đều an tháp tù binh Chàm về ở làng này. Từ đó giáo sư khẳng định làng tôi từ giọng nói đến lễ hội đều do ảnh hưởng của người Chàm.
Làng tôi có lễ hội Trò trám điển hình được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Giáo sư giải thích Trò trám chính là trò Chàm. Sau này nghiên cứu tôi mới thấy trò đó là của dân xóm Trám. Tên chữ còn ghi xóm ấy là xóm Cổ Lãm (rừng trám). Đó là lễ hội của cư dân nông nghiệp lúa nước miền Bắc. Người làm lúa nước có tục cầu thờ phồn thực, cầu cho con người, con của mùa màng sinh sôi nảy nở. Nhiều làng ở Sơn Tây, Hưng Yên, Vĩnh Phúc cũng có lễ hội này. Còn lễ hội Ka Tê điển hình của người Chàm lại nhằm mục đích kỷ niệm vua, quan hoặc các vị thần của họ. Về tiếng nói thì dân làng tôi còn bảo lưu nhiều từ cổ rớt lại của hệ ngôn ngữ Việt Mường. Điển hình làng tôi gọi những người dưới hoặc ngang hàng là ngoay… đó là hiện tượng san di của hệ ngôn ngữ Việt Mường, là từ được rút gọn từ nguyên âm đầu của hai từ ông ghép với mày. Để chỉ một thái độ xưng hô thân thiện, không đến mức tôn là ông và cũng không xem thường đến mức gọi là mày. Hơn nữa theo quy định chặt chẽ của làng Việt xưa thì tù binh còn bị cảnh giác, bị khinh hơn dân ngụ cư nhiều. Họ không thể đem văn hóa Chàm nhuộm vào dân Kẻ Gáp được. Họ chỉ bị người bản xứ đồng hóa chứ không có chuyện ngược lại. Mà làng Kẻ Gáp xưa nay đều là làng giàu mạnh nhất tỉnh. Về hiện tượng Tứ Xã là một đảo ngôn ngữ (hàng trăm từ địa phương đang thông dụng), giáo sư Hoàng Văn Hành - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ đã giải thích cho tôi: Làng này vì đông dân, hùng mạnh so với quanh vùng nên không khác gì làng quê của Tần Thủy Hoàng bên Trung Quốc. Vì có Tần Thủy Hoàng nên họ tự hào đến mức bảo thủ giữ riêng tiếng nói của mình.
Cư dân của các làng Việt nhìn chung không có biến đổi lớn. Lúc nào cũng có người đi, người đến. Phong tục tập quán của làng nhìn chung không thay đổi. Văn hóa không bao giờ mất đi, nó chỉ tích tụ bồi đắp dày lên mãi mãi. Sự bảo lưu ấy do làng Việt có kết cấu khá chặt chẽ. Làng xã người Việt có hội đồng kỳ mục là cơ quan cao nhất làng xã. Hội đồng này bao gồm quan lại đã nghỉ hưu và đương chức, các ông chánh phó lý, thư ký hộ lại, quản xã (trông coi về quân sự, an ninh). Người nào có phẩm hàm cao nhất trong làng được làm tiên chỉ gọi là được ăn tiên chỉ làng và một hoặc hai ông thứ chỉ. Hội đồng này cùng những người đỗ đạt có quyền bầu ra hội đồng lý dịch gồm chánh phó lý tức là chủ tịch và phó chủ tịch, và thư ký hộ lại cùng quản xã. Hội đồng này quyết định mọi việc làng từ cho xây đình mở chợ, trường học đường làng v.v… Họ quyết định cho hội đồng lý dịch, tương đương ủy ban xã, được phép thu thuế ở đình hay đến tận nhà, cho tuần phiên đi thu lúa gồi ngay ngoài bờ ruộng, mỗi sào mấy gồi lúa để về chi phí tiền chè thuốc cho ban lý dịch.
Hội đồng kỳ mục quyền lớn nhưng họ không có lương, không trực tiếp với dân, họ chỉ lấy “oai” làm chính. Họ ở trong hội đồng này thì vợ con anh em cả họ được dựa bóng. Đương nhiên họ là gia đình danh giá, làm việc vì làng là chính, những ai muốn ra làm lý trưởng, phó lý phải bỏ tiền đút lót các cụ “Hội”. Làm chánh phó lý trưởng cũng không phải là quan. Triều đình phong kiến chỉ thừa nhận các chức quan từ cấp huyện phủ trở lên. Cấp xã không cho lĩnh lương nhà nước. Làm thế để bọn này đỡ ỷ vào cấp trên để bóc lột dân. Về lý thuyết thì triều đình muốn lấy dân làm gốc. Vua muốn được lòng muôn dân. Vua không dựa vào vài tên tay chân ở làng xã. Vì thế khi có lý dịch lạm quyền hách dịch, hội đồng kỳ mục họp bỏ phiếu cách chức trình quan về thu con dấu của lý trưởng để trao cho người khác được bầu thay.
Tổ chức hội đồng kỳ mục tương đương với chế độ thổ tù lang đạo trong Mường. Các ông quan thổ lang thổ tù trong Mường là tổ chức xã hội của người Mường được rớt lại dấu ấn xã hội thời Hùng Vương. Họ được hưởng quyền thế tập cha truyền con nối làm thổ lang, thổ tù ở vùng Mường Phú Thọ. Các chức thổ lang trông coi các xóm bản, thổ tù trông coi cả một Mường. Người Mường không có tổ chức dòng họ. Người Mường nào cũng đinh ninh mình là anh em con cháu ông lang, ông tạo của Mường. Thời phong kiến có những quy định khá chặt chẽ đối với dân các Mường.
Nói tóm lại các triều đình phong kiến đã biết phát huy cao độ tính tự quản của các làng Việt. Thực tế lịch sử đã chứng minh nhờ có tính tự quản này mà làng Việt bền vững đến mức trở thành những pháo đài bất khả xâm phạm. Nước có thể mất nhưng làng mãi mãi còn. Giặc ngoại xâm chỉ có thể đóng ở các lỵ sở đồn bốt. Làng vẫn do dân tự quản, dân ta vẫn nói tiếng ta, thờ thần của ta, sống theo phong tục của ta. Đến một lúc nào đó các nhân tài từ các làng Việt nổi lên liên kết lại để đánh đuổi kẻ ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, giành độc lập cho nước nhà.
Các làng Việt cổ là minh chứng hùng hồn cho tinh thần Việt Nam ngàn năm văn hóa, ngàn năm văn hiến của đất nước hình chữ S này.♦