HV151 - Sôi sục Cách mạng tháng Tám 1945 Một câu hỏi lớn ở kinh đô Huế

Tin phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh ngày 15-8-1945 làm cho chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim - tay sai của Nhật ở Việt Nam - vô cùng hoang mang, bối rối, phải họp khẩn cấp để đối phó với thời cuộc.

Chúng tôi xin trích sau đây một số đoạn trong hồi ký Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc(*) của ông Phạm Khắc Hòe, một chứng nhân lịch sử, năm 1945, là Tổng lý Ngự tiền Văn phòng của Triều đình Huế, đã chứng kiến đầy đủ các sự kiện quan trọng diễn ra trong Triều đình Huế những ngày sôi sục Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở kinh đô Huế.

*

… “Sáng 17-8, Nội các họp ngay chung quanh bàn giấy của Bảo Đại và do Nhà Vua đích thân chủ tọa. Có mặt: Trần Trọng Kim, Trần Văn Chương, Trần Đình Nam, Hồ Tá Khanh, Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Trịnh Đình Thảo và Nguyễn Hữu Thí.

Mở đầu cuộc họp, Trần Văn Chương đọc các bản thông điệp của Nhà Vua kêu gọi sự giúp đỡ của Tổng thống Mỹ Tơ-ru-man, Vua Ang Giócgiơ VI, Thống chế Tưởng Giới Thạch và Đại tướng Đơ-gôn, để bảo vệ nền độc lập giành được từ tay Nhật”.

… “Các dự thảo thông điệp đối ngoại đã được đa số thông qua… Ông Vũ Văn Hiền đề nghị Hoàng đế cho bàn sang vấn đề đối nội.

- Đối nội thì điều quan trọng nhất - Trần Đình Nam nói - là toàn dân thắt chặt đoàn kết chung quanh tổ chức mạnh nhất, hăng hái nhất, tức là Việt Minh, làm cho nước ngoài không thể giở thủ đoạn “chia để trị” ra nữa. Vậy, tôi đề nghị chúng ta rút lui ngay, nhường hẳn quyền bính cho Việt Minh. Theo tôi nghĩ thì cả Hoàng đế cũng nên rút lui.

Câu nói cuối cùng này làm cho Trần Trọng Kim nhảy người lên, nghiêm khắc lên án Trần Đình Nam dám đòi Nhà Vua bỏ ngôi báu. Một cuộc tranh luận sôi nổi dấy lên:

Luật sư Vũ Văn Hiền, Bộ trưởng Bộ Tài chính, nói:

- Trong tình hình trước mắt, vấn đề quan trọng nhất là phải có một chính phủ “hợp pháp” bảo đảm được trật tự và có thẩm quyển ăn nói để khi Đồng minh vào họ không thể mượn cớ giữ gìn trật tự mà giúp cho thực dân Pháp quay trở lại. Muốn đạt mục đích ấy, thì tuy về mặt thực tế phải giao quyền bính cho Việt Minh nhưng về mặt hình thức, vẫn phải giữ chính thể quân chủ với một nội các Việt Minh thì mới “hợp pháp”.

Ý kiến ấy của Vũ Văn Hiền được các luật sư Trịnh Đình Thảo, Trần Văn Chương và Phan Anh phân tích tỉ mỉ làm “sáng tỏ” thêm nên cuối cùng đã được toàn thể Nội các tán thành và giao cho tôi trách nhiệm phải thảo xong đạo Dụ cần thiết ngay trong giờ giải lao. Thế là 15 phút sau triều đình lại có thêm một đạo Dụ nữa. Đó là đạo Dụ số 105 ngày 17 tháng 8 năm 1915, gồm hai điểm chính: Điểm thứ nhất: Nhà Vua sẵn sàng giao chính quyền cho Việt Minh là tổ chức đã đấu tranh nhiều nhất cho quyền lợi của nhân dân và mời các lãnh tụ Việt Minh về Huế thành lập Nội các. Điểm thứ hai: Vấn đề chính thể sẽ do nhân dân quyết định sau, Nhà Vua cam đoan sẽ làm theo ý chí của nhân dân.

Đạo Dụ này tạo điều kiện cho Bảo Đại vẫn giữ được ngai vàng mà không phải làm gì cả, nên ông ta tỏ ra rất hào hứng khi hạ bút phê chuẩn và phê chuẩn xong ông ta trịnh trọng tuyên bố:

- Bây giở Trẫm muốn cử Bộ trưởng Phan Anh lập tức lên đường đi Hà Nội để vận động thực hiện đạo Dụ mới cho kịp thời, các ông có đồng ý không? Mọi người trả lời “Tâu xin đồng ý”, và Bảo Đại vừa đứng dậy vừa hỏi: “Còn vấn đề chi nữa không?”. - Tâu, còn một vấn đề nữa - Trần Đình Nam nói - chúng tôi đề nghị Hoàng đế hạ Chiếu kêu gọi động viên toàn dân. Theo ý chúng tôi, thì trong giờ phút nghiêm trọng này... việc Nhà Vua hiệu triệu cổ vũ toàn thể nhân dân dứng dậy tỏ quyết tâm giữ vững nền độc lập còn quan trọng hơn, có ý nghĩa thiết thực hơn, lớn lao hơn là những thông điệp gửi cho các cường quốc trên thế giới. Hôm qua tôi đã nêu vấn đề này với ông Hòe và đề nghị ông Hòe nên có bản dự thảo. Nếu ông Hòe đã dự thảo xong thì xin Hoàng đế cho phép đọc lên để mọi người góp thêm ý kiến. 


Khi Bảo Đại quyết định thoái vị, ông trở thành vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, chế độ phong kiến chấm dứt tại Việt Nam

Bảo Đại nhìn tôi nói: - Chắc ông Hòe có sẵn dự thảo rồi. Đọc lên đi.

Tôi bèn đứng dậy đọc rất chậm, nhấn mạnh từng câu, từng chữ:

“Muốn củng cố nền độc lập của nước nhà và bảo vệ quyền lợi của dân tộc, Trẫm sẵn sàng hy sinh về tất cả các phương diện. Trẫm để hạnh phúc của dân Việt Nam lên trên ngai vàng của Trẫm. Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ. Trẫm chắc rằng toàn thể quốc dân cùng một lòng hy sinh như Trẫm”.

Nghe xong, Bảo Đại nói:

- Lần này Trẫm nghe rõ hơn và Trẫm thích cách nói như vậy. Giao cho Văn phòng làm văn bản chiều nay đưa Trẫm ký... Bây giờ quá 12 giờ trưa rồi, chúng ta chấm dứt.

Buổi chiều, đúng 4 giờ, tôi đưa bản dự thảo Chiếu động viên quốc dân vào lấy chữ ký của Bảo Đại thì ông ta không ký ngay như mọi lần mà miệng cứ lắp bắp đọc đi đọc lại câu “Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”. Tôi đâm ra lo... Nhưng cuối cùng Bảo Đại nhún vai một cái nhẹ nhẹ, rồi ký bản Chiếu, trao lại cho tôi.

Tôi vô cùng vui mừng, phấn khởi. Vì thế là cuộc vận động thoái vị đã tiến được một bước rất dài, chắc chắn sẽ thành công. Nhưng Bảo Đại vẫn thắc mắc không biết lãnh tụ Việt Minh là ai? Có đồng ý giữ chính thể quân chủ không? Và lúc tôi vội vàng cầm tờ Chiếu đã ký đi ra gần đến cửa Phòng Phê thì Bảo Đại gọi lại bảo:

- Tối nay ông cố đi tìm ông Tạ Quang Bửu và ông Tôn Quang Phiệt hỏi cho ra lãnh tụ Việt Minh là ai?…

Trong ngày 19-8, Bảo Đại bốn lần gọi tôi qua hỏi đã tìm biết được lãnh tụ Việt Minh là ai chưa?

Sáng ngày 20, sau khi đi ra phố xem và biết chắc rằng những lời đồn đại về một bức thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của nhà cách mạng Nguyễn Quốc mới được dán lên ở nhiều nơi công cộng là đúng. Tôi liền về báo cáo việc ấy với Bảo Đại và nói thêm: “Theo lời lẽ của bức thư, thì chắc chắn nhà cách mạng nổi tiếng ấy là người cầm đầu Việt Minh”. Rồi tôi vừa hỏi, vừa gợi ý xem Bảo Đại hiểu biết gì về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không, thì ngoài chuyện “Con rồng tre” đả kích Khải Định ra, ông ta không biết gì cả. Tôi bèn kể cho Bảo Đại nghe việc sớm đi sang các nước phương Tây của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc theo hiểu biết rất hạn chế của tôi lúc đó. Nhưng cảm thấy câu chuyện của mình không hấp dẫn Bảo Đại lắm, tôi chuyển sang chuyện một câu sấm được lưu truyền ở vùng Nghệ Tĩnh đã từ lâu và qua đó nhiều người, đã thần thánh hóa nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc. Đó là câu sấm “Đụn Sơn phân giải, Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh Thánh ra đời… Thánh đó là ai? Lúc đầu, người ta cho đó là nhà cách mạng Phan Bội Châu, nhưng khoảng từ năm 1920 trở đi, người ta lại cho đó là người yêu nước Nguyễn Ái Quốc mà hoạt động cách mạng ở Pháp đã bắt đầu vang dội vào trong nước…

- Ông muốn Trẫm thoái vị nhường tất cả quyền hành cho Việt Minh phải không?

- Tâu đúng như vậy.

- Nếu người cầm đầu Việt Minh là thánh Nguyễn Ái Quốc thì tôi sẵn sàng thoái vị ngay.


Quang cảnh vua Bảo Đại thoái vị ở Ngọ Môn (Huế) ngày 30-8-1945 

Sáng 23 tháng 8, tôi vào Văn phòng, nghe nói Nhà Vua dậy sớm hơn thường lệ, tỏ vẻ buồn và đang chờ tôi. Tôi liền qua gặp Bảo Đại thì được biết ông ta buồn vì chuyện chiều tối hôm trước, có mấy người Việt Minh leo lên kỳ đài hạ cờ vàng của Nhà Vua xuống và treo cờ đỏ sao vàng lên. Đại Nội đại thần Nguyễn Duy Quang ra can không được, vì những ngưới lính khố vàng có mặt tại chỗ, không những không giúp sức cho thủ trưởng tối cao của mình mà còn ủng hộ Việt Minh nữa. Bảo Đại rất bực dọc vì chưa cáo yết việc thoái vị với tổ tiên; chưa có đại biểu của Chính phủ cách mạng trung ương vào mà đã hạ cờ Nhà Vua xuống. Tôi hết sức an ủi Bảo Đại, nói cho ông ta biết cờ đỏ sao vàng đã treo đầy cả phố xá và chỉ một việc lính khố vàng ủng hộ Việt Minh ngay trước mặt Đại Nội đại thần cũng cho thấy rõ ràng thoái vị là con đường duy nhất đúng. Nhưng Bảo Đại vẫn năn nỉ bảo tôi đi tìm người đại diện Việt Minh để dàn xếp hạ cờ đỏ sao vàng xuống, kéo cờ vàng của Nhà Vua lên lại. Tôi đi tìm anh Tô Quang Phiệt gần hết cả buổi sáng không được.

Gần 12 giờ trưa tôi trở về Đại Nội, bước vào Phòng Phê thì thấy Bảo Đại đang ngồi nơi bàn giấy và trước bàn có hai người đứng là Nguyễn Duy Quang, Đại Nội đại thân và Nguyễn Xuân Dương, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ. Thấy tôi vào, Bảo Đại nói ngay: “À, ông Tổng lý đã về, đưa thư cho ông ấy xem đi”. Nguyễn Duy Quang trao ngay cho tôi một tờ giấy đánh máy nói là do Nguyễn Xuân Dương mới đưa vào. Tôi xem thì thấy đó là tối hậu thư của Việt Minh đòi Nhà Vua phải trả chính quyền cho nhân dân và hứa sẽ bảo đảm tính mạng, tài sản cho hoàng gia với mấy điều kiện như sau:

1) Nhà Vua phải giao lại cho chính quyền Cách mạng đội lính khố vàng, với tất cả trang bị, vũ khí đạn dược.

2) Nhà Vua phải báo cho Nhật biết là triều đình đã trao tất cả quyền bính cho chính quyền Cách mạng rồi.

3) Nhà Vua phải điện ra lệnh cho tất cả các tỉnh trưởng phải giao chính quyền cho Cách mạng tức là cho Việt Minh.

Cuối cùng bức thư hạn cho Nhà Vua phải trả lời trước 13 giờ 30 phút ngày 23 tháng 8 năm 1945 và cử ông Phạm Khắc Hòe làm liên lạc giữa Nhà Vua và chính quyền Cách mạng. Dưới bức thư đóng dấu “Thành bộ Việt Minh tỉnh Nguyễn Tri Phương” và không có ai ký tên cả.

Tôi xem bức thư vừa xong, thì Bảo Đại hỏi dồn Nguyễn Xuân Dương: “Tại sao nhận được thư từ sáng mà mãi đến gần 12 giờ mới đưa vào?”. Nguyễn Xuân Dương lúng túng, Bảo Đại đứng dậy quay lưng đi vào nhà và nói: “Thôi mặc kệ các ông, các ông muốn làm chi thì làm!”.

Sáng ngày 24-8, tôi vào gặp ông Bảo Đại thì ông ta với vẻ mặt lo buồn đưa cho tôi bức điện nhận được từ đêm 23-8 do Ủy ban Nhân dân Bắc Bộ từ Hà Nội đánh vào nhưng dưới lại ký tên Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên và Hồ Hữu Tường.

Toàn văn bức điện như sau: “Một chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời đã thành lập. Chủ tịch là Cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu đức Vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất nền độc lập của nước nhà”.

Nhưng cụ Hồ Chí Minh là ai mà lâu nay ở Huế chưa hề nghe tiếng? Biết đâu cụ Hồ Chí Minh và cụ Nguyễn Ái Quốc lại không phải là một? Tôi nói như thế với Bảo Đại rồi chạy ra nhà anh Tôn Quang Phiệt để hỏi. Nhưng anh Phiệt đi vắng... Tôi chạy qua nhà anh Đào Duy Anh. Anh này liền lục hết mọi tài liệu, sách vở giở ra xem thì cụ Nguyễn Ái Quốc có rất nhiều tên trong quá trình hoạt động cách mạng, nhưng không có tên nào là Hồ Chí Minh cả. Sực nhớ đến Vũ Văn Hiền vừa mới ở Hà Nội về, tôi chạy tới hỏi thì Vũ Văn Hiền nói ngay: “Đúng rồi! Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc”.

Tôi mừng quá, lên xe cấp tốc về báo tin vui với Bảo Đại thì Bảo Đại bật ngay ra một câu tiếng Pháp “Ça vaut bien le coup alors”, nghĩa là “Như thế thì thật đáng thoái vị”.

*

Ông Bảo Đại buộc lòng phải chấp nhận thoái vị, vì không thể cưỡng lại được. Cuộc đời chính trị của ông về sau này đã chứng tỏ điều đó.

Ở thời điểm Cách mạng tháng Tám, trong thâm tâm ông cũng kính phục Nguyễn Ái Quốc và rất sốt ruột muốn biết chính xác người cầm đầu chính phủ mới là ai. Đến đây, câu hỏi lớn trong ông (và cũng là của đông đảo nhân dân kinh đô Huế lúc bấy giờ) đã được giải đáp.

Theo ông Phạm Khắc Hòe thì ông Bảo Đại hay nói tiếng Pháp. Riêng với ông Hòe thì ông ta thường nói tiếng Việt. Nhưng khi bột phát, ý kiến thốt ra tự đáy lòng thì ông lại nói tiếng Pháp.♦


(*) NXB Thuận Hóa, Huế, 1987

ĐẶNG MINH PHƯƠNG (sưu tầm)