HV151 - Thơ Tố Hữu đọc trong ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông

Có một bài thơ mà trong những ngày chiến đấu vừa qua, chúng ta ít nói đến. Có lẽ vì bài thơ nói về một vị tướng Quốc dân đảng. Cũng có lẽ vì ngày ấy chúng ta không còn thích cái tinh thần lãng mạn chủ nghĩa của một thời ấy nữa, cũng có lẽ vì… Câu chuyện này, có lẽ Tố Hữu đã đọc đâu trên báo (những năm 1936 - 1939, thời Mặt trận Bình dân, báo chí khá tự do, phong phú), và bằng trí tưởng tượng của một chàng trai 18 tuổi, ông đã thể hiện nó bằng thơ.

Mã Chiếm Sơn buông cương và ngẫm nghĩ

Ngựa rung đầu hí lạnh giữa tàn quân

Đây là một tráng sĩ, một vị chỉ huy sư đoàn, thất trận và mệt mỏi buông cương giữa đám tàn quân. Rồi tiếp đó, ấn tượng và kịch tích nhất là màn Mã dâng rượu chúc thọ mẹ. Và chính từ màn kịch “ly rượu thọ” với tâm hồn cao cả của bà mẹ, mà “Và xuân ấy năm nghìn quân của Mã/ Đánh tan xương của Nhật, một sư đoàn”.

Rừng phương xa loáng bạc nắng lung lay

Hoa đào bay, trước cửa, hoa đào bay

Trong hoa tuyết trắng ngần rơi lả tả...

Mùa xuân năm ấy, chiến thắng của vị tướng thất trận đã làm ngây ngất lòng người, đã làm say trời đất…

Đấy là những câu thơ đẹp nhất trong thơ Tố Hữu và cả trong thơ Việt, những câu thơ lãng mạn, mới, chưa từng có trong Thơ mới. Bởi đây là chủ nghĩa lãng mạn mới, cách mạng, ra khỏi cái tôi buồn, cam chịu.


                                  Nhà thơ Tố Hữu (1920 - 2002)

Cũng trong những ngày tháng trước Cách mạng tháng Tám ấy, Tố Hữu bị tù. Ở trong tù, ông nghe những tiếng gọi của đời:

Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh

Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về...

Thơ là những cảm xúc tinh tế, nó nghe được những điều mà người thường khó lòng nghe được. Trí tưởng tượng, phải, chỉ có thể từ một trí tưởng tượng ấm nồng vị yêu đời, mới viết nên những câu thơ như vậy.

Thế rồi, ở trong tù, ông nghe “tiếng chim tu hú”. Tiếng chim tu hú cũng là tiếng cuộc đời. Từ tiếng chim, ông hình dung ra bao nhiêu cái hấp dẫn, cái thú vị, đáng yêu của cuộc đời ngoài kia, ngoài song sắt ngục tù. Cái kỳ diệu là bài thơ không hề nói đến chữ “tù”, mà chỉ nói đến cuộc đời, cảnh đời, rồi cuối cùng mới thốt lên tâm trạng:

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi.

Ngột làm sao, chết uất thôi

Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu! 

Người đọc mới biết rằng tác giả đang ở tù, đang khát tự do, đang muốn đạp tung cửa ngục để về với cuộc sống tươi xanh.

Năm 1948, ở Gia Điền, Hạ Hòa, Phú Thọ, nhà bà cụ Gái, Tố Hữu làm bài thơ Bầm ơi, một bài thơ đỉnh cao. Thời đó, không có nhiều những tác phẩm viết về kháng chiến đã đến được độ chín. Tố Hữu là một nhà thơ tiên phong và đã có thâm niên sáng tác văn chương cách mạng, nên ông đã nhập vào nhân vật, khung cảnh... một cách nhuần nhị, tự nhiên. Bài thơ nói về chiến tranh vệ quốc từ một bà mẹ ở làng quê, mà đó là một bà mẹ có thật, có con đi bộ đội, bà ngày ngày mong nhớ con. Nhà thơ đọc cho bà cụ nghe bài thơ và bà cụ cảm động lắm, tưởng là con mình nhắn tin về thật. Xuân Diệu nói rằng bài thơ đã làm anh ứa nước mắt.

Người ta nói Tố Hữu là “nhà thơ của tình thương mến”. Không có một mạch ngầm tình thương mến nối giữa tác giả và bà mẹ quê lam lũ, không thể viết được những câu thơ dung dị, tình sâu:

Ai về thăm mẹ quê ta

Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm...

Bầm ơi có rét không bầm!

Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn

Bầm ra ruộng cấy bầm run

Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non

Mạ non bầm cấy mấy đon

Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.

Mưa phùn ướt áo tứ thân

Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!

Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều

Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!

Con đi trăm núi ngàn khe

Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm

Con đi đánh giặc mười năm

Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.

Con ra tiền tuyến xa xôi

Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền.

Nhớ thương con bầm yên tâm nhé

Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân.

Con đi xa cũng như gần

Anh em đồng chí quây quần là con.

Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí

Bầm quý con, bầm quý anh em.

Bầm ơi, liền khúc ruột mềm 

Có con có mẹ, còn thêm đồng bào

Con đi mỗi bước gian lao

Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm!

Bao bà cụ từ tâm như mẹ

Yêu quý con như đẻ con ra.

Cho con nào áo nào quà

Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi.

Con đi, con lớn lên rồi

Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con!

Nhớ con, bầm nhé đừng buồn

Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm.

Mẹ già tóc bạc hoa râm

Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con.

Cái chi tiết bà mẹ nghe Tố Hữu đọc bài thơ và thật thà tin rằng đó là lời nhắn của đứa con đi bộ đội, nói lên rằng bài thơ đã đến đỉnh. Thơ là lời gan ruột tâm tình, không cần lời cao xa hoa mỹ. Từ bài thơ làm ra đến nay đã bảy chục năm (1948 - 2020), xa lắm rồi những ngày đầu kháng chiến ấy, nhưng đọc bài thơ người ta vẫn thấy nóng hổi tình người.

Từ đó, từ Việt Bắc, Tố Hữu, nhà thơ phát ngôn cho cách mạng, cho kháng chiến, cho đất nước đã kinh qua biết bao đoạn thơ. Nào là Điện Biên, Ta đi tới, Quê mẹ cho đến Miền Nam, rồi Toàn thắng về ta… bài thơ nào cũng có những câu thơ hay, những đoạn hay ngời chói. Nhưng tôi phục nhất cái câu này:

Ôi Việt Nam! Yêu suốt một đời.

Nay mới được ôm Người trọn vẹn, Người ơi! viết sau năm 1975 toàn thắng. Câu thơ diễn tả được cõi lòng sâu sắc của tác giả, từ khi đất nước chia cắt đến đất nước thống nhất, vẹn toàn. Nói đến niềm vui thống nhất mà nói được vừa giản dị, vừa thâm sâu như thế, thật tuyệt!

Cũng trong năm 1948 đầu kháng chiến chống Pháp ấy, ông có bài thơ Mưa rơi, một bài thơ tình, nhưng mãi mấy chục năm sau mới công bố. Lý do là, như ông có lần tâm sự, trong khi toàn dân toàn quân đang đổ máu hy sinh, mà mình lại yên ổn vùi vào tình yêu, thì có vẻ vô lương tâm làm sao ấy! Do đó, mà ông không khai thác đề tài tình yêu lứa đôi. Và đây là trường hợp duy nhất:

Mưa rơi đầm lá cọ

Mái tóc em ướt rồi,

Đôi má em bừng đỏ

Muốn hôn quá... mà thôi 

Sợ em mình xấu hổ

Cầm hai bàn tay nhỏ

Xa nhau, chẳng muốn rời.
 

Em đi, đường đất mưa rơi

Bùn non son quánh chân đồi Phù Ninh

Em đi anh nhớ dáng hình

Cái khăn mỏ quạ, cái mình áo nâu

Chiều nay heo hút rừng sâu

Mưa nguồn suối lũ biết đâu mà tìm?

Ước gì anh hóa thành chim

Bay theo em, hót cho tim đỡ buồn!

Bài thơ là một bài thơ tình đúng nghĩa, muôn thuở như bất cứ bài thơ tình nào khác. Tất cả chỉ là tình, là mưa và chia ly. Mưa, mưa hoài mưa mãi, rừng sâu đèo heo hút và hai người yêu nhau không muốn rời. Nhưng rồi phải ra đi “Ước gì anh hóa thành chim/ Bay theo em, hót cho tim đỡ buồn!”. Mưa vẫn rơi, ngoài trời và trong lòng. Có vẻ như “Il pleure dans mon cœur” (Mưa rơi trong tim tôi) như nhà thơ Pháp Paul Verlaine.

Ta có thể tiếc là tác giả đã không làm nhiều những bài thơ tình như thế. Nhưng kháng chiến, cách mạng là hy sinh hết thảy, mà tác giả là người lãnh đạo. Bù lại, tác giả đã dịch bài thơ tình tuyệt vời của Simonov, cũng là cách trút nỗi lòng riêng.

Thơ Tố Hữu trong suốt cuộc đời của ông còn có bao câu thơ hay thấm thía, vừa giản dị mà thâm trầm như thế. Nhưng tôi chỉ xin nói thêm một điều:

Tố Hữu là nhà thơ từ thời trai trẻ, đã làm cách mạng, yêu đất nước và nhân dân mình tha thiết và ngay từ đầu, thơ ông đã là tiếng gọi đàn, thức tỉnh được cả một dân tộc. Mà thức tỉnh là bằng trái tim yêu thương, bằng giọng ngọt lịm xứ Huế:

Những chàng trai quý, gái yêu ơi!

Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước.

Chọn một dòng hay để nước trôi?  

Ai có thể làm ngơ trước tiếng gọi thân thương ấy. Cũng phải nói rằng, lòng người dạt dào tình yêu nước, không cam tủi nhục nô lệ, nên đồng lòng đứng lên, và nghe tiếng gọi kêu ấy, họ đã góp lửa trong lòng mình. Những lời trăn trối, những tâm tư trong tù của ông, truyền lửa lòng tin, chí bất khuất cho các thế hệ đến sau. Cứ như thế, giữa các thế hệ người đọc và tác giả đã kết thành một liên minh bền chặt.

Những ngày ấy, người ấy, giờ đây đã xa. Nhưng thơ Tố Hữu liệu có biến thành trầm tích?

Văn hào Nga Chekhov, nói về tác phẩm và người đọc của mình, khi xưa có nói: người ta sẽ ngừng đọc tôi trong năm bảy năm, rồi sẽ đọc lại mãi mãi. Tác phẩm bao giờ cũng có số phận của nó, như người vậy, cũng thăng trầm theo năm tháng.

Dù sao, tôi cả tin rằng, cái chất người, tình người, cái chất nhân văn, cái chất thơ đích thực, sâu đằm, riêng có của Tố Hữu sẽ làm thơ ông sống mãi trong những thế hệ người Việt Nam yêu nước bây giờ và mai sau.♦

                                                                   10-8-2020

                                                                                                      Việt Bắc


 

MAI QUỐC LIÊN