HV151 - Việt Nam - Đất nước tôi* và trái tim Nguyễn Thái Bình…

Trái tim Nguyễn Thái Bình, phải, bởi chính anh đã từng nói về nó như là một thứ vũ khí duy nhất của anh khi đối đầu với kẻ thù. Đó là những dòng thư anh viết cho Tổng thống Mỹ Nixon: “Thưa ông Tổng thống, để tàn phá, giết chóc, bắn phá ở Việt Nam cũng như Đông Dương, ông nắm trong tay tất cả những vũ khí tối tân, giết người hiệu quả nhất. Còn trong cuộc chiến đấu vì tình thương yêu, hòa bình và công lý, tôi chỉ có lòng tin vào nhân loại… Hiện nay, quả bom duy nhất của tôi là trái tim của tôi. Trái tim này có thể nổ vì tôi chấp nhận hy sinh vì đại nghĩa, để kêu gọi tình thương yêu để khôi phục niềm tin của con người vào công lý”.


Nguyễn Thái Bình trên một diễn đàn tại Mỹ

Tên của anh chính là ước mơ của cha mẹ anh, bởi khi mẹ anh đang nằm trên bàn sinh để sinh anh thì gặp lúc ta và quân Pháp giao tranh dữ dội, đạn lửa đỏ trời. May mà cả mẹ con đều an toàn, và cái tên của anh chính là ước vọng chung của người dân Việt Nam: Thái Bình…

Và hình ảnh Nguyễn Thái Bình được phục hiện qua lời kể của người mẹ, bà Lê Thị Anh, những người em, người chị, người bạn Vũ Ngọc Côn cùng tranh đấu với anh khi du học ở Mỹ. Từng lời kể rất chân phương của chị em trong nhà về nếp sống rất thanh bần của một gia đình đông con, cả nhà hơn 10 người chỉ trông vào đồng lương thư ký của người cha ở công ty Thương cảng Sài Gòn. Nguyễn Thái Bình học rất giỏi, thi đậu vào trường Trung học Pétrus Ký và thi đậu 4 trường đại học: Y, Dược, Nông Lâm Súc, Học viện Quốc gia hành chánh, nhưng anh chọn Nông Lâm Súc với hy vọng trở thành một chuyên gia giúp nông dân đỡ vất vả.

Học giỏi, Nguyễn Thái Bình được cấp học bổng du học tại Mỹ năm 1968 do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) bảo trợ. Sau 1 năm học tại Đại học cộng đồng ở Fresno, California, anh đã chuyển đến học tại Đại học Washington và trở thành một trong những sinh viên xuất sắc trong ngành ngư nghiệp của Đại học Washington.


Sinh viên Nguyễn Thái Bình phân phát tờ rơi phản chiến tại Mỹ ngày 26-5-1972, ngày anh nhận bằng tốt nghiệp đại học


Nguyễn Thái Bình (áo trắng) phản đối chiến tranh trên đường phố Mỹ  

Khác hẳn với thời gian trong nước, trong quá trình du học, Nguyễn Thái Bình đã dần nhận ra được tình cảnh của đất nước đang bị chìm trong lửa đạn, nhân dân phải sống trong cảnh chia đôi Nam - Bắc... Trong lá thư ghi âm gửi về nước ngày 27-3-1971, anh đã thổ lộ: “Tôi nghĩ thà rằng cho tôi làm hạt cát phù sa để bón cho cây lúa của nông dân nghèo còn hơn làm viên kim cương lấp lánh trên tay bà mệnh phụ kênh kiệu, giàu có nhờ tham nhũng và bóc lột”.

Chính những điều đó, khi nhận định về Nguyễn Thái Bình, người ta có thể thấy được trái tim quả cảm của anh bởi thay vì lặng lẽ sống và học tập ở xứ người để có được tiền tài, quyền lực và địa vị… anh đã theo tiếng gọi của con tim hướng về Tổ quốc. Mùa hè năm 1970, Nguyễn Thái Bình được về nước thăm gia đình. Nhân dịp này, một người Mỹ, giám đốc một hãng thực phẩm lớn đề nghị anh ký trước một bản hợp đồng để khi ra trường làm việc cho hãng ông ta. Một số nhà gia thế ở Mỹ... muốn gả con gái cho anh, kể cả công chúa Thái Lan cũng dành cho anh những tình cảm đặc biệt. Theo bạn bè nếu anh chỉ tiến thêm vài bước nữa là có thể trở thành “phò mã” của Vương quốc Thái Lan. Song anh nói: “Tôi chỉ muốn làm một người Việt Nam bình thường sống trên quê hương tôi thanh bình, độc lập”.

Anh đã cùng các du học sinh khác xuống đường tổ chức những cuộc biểu tình phản chiến. Có thể kể đến đỉnh cao của các phong trào này là vào ngày 10-2-1972, cùng với 9 du học sinh khác, Nguyễn Thái Bình đã đột nhập và chiếm tòa lãnh sự của chế độ miền Nam Việt Nam tại New York. Anh đã yêu cầu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức, đồng thời quân đội Hoa Kỳ cũng phải rút khỏi Việt Nam vô điều kiện và giải thể chế độ dã man tại miền Nam Việt Nam. Ngày 19-5-1972, anh đã cùng các sinh viên Việt Nam yêu nước khác tổ chức kỷ niệm lần thứ 82 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng trong năm này, Nguyễn Thái Bình bị mất học bổng để theo học lên cao học tại Đại học Washington và buộc phải về nước.

Ngày 1-7-1972, Nguyễn Thái Bình rời Mỹ trở về quê hương, trên chuyến bay Washington - Honolulu - Sài Gòn.

Ngày 2-7-1972, trên chiếc máy bay Boeing-747 của hãng Pan America do cơ trưởng Gene Vaughn điều khiển bay từ Hoa Kỳ về Sài Gòn. Trước khi máy bay hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất, anh đã bị hạ sát bởi 5 phát đạn từ một nhân viên cảnh sát của Hoa Kỳ đang có mặt trên chuyến bay.

Nguyễn Thái Bình ngay từ lúc ngồi trên máy bay, anh đã biết trước mình sẽ hy sinh, anh đã viết thư để lại cho gia đình như một lời vĩnh biệt: Lá thư đề: “Guam, ngày 2-7-1972”, tức thời điểm chuyến bay 841 hạ cánh xuống phi trường ở đảo Guam trước khi bay đến Manila.

“Ba má,

Con biết ba má và các em con sẽ khổ nhiều trong cuộc sanh ly hay tử biệt này...

Suốt mấy năm qua khi nghĩ đến quyết định này đã làm cho con giằng co tâm não, để cuối cùng chọn con đường chông gai, khổ nhọc này vì con đã thấy rõ đâu là con đường sống của dân tộc, đâu là con người tàn bạo dã man nhất.

Sự đau khổ của đồng bào quê hương suốt mấy chục năm qua dưới bom đạn đốt phá không gì sánh nổi. Đau khổ này của ba má ví bằng đau đớn của bao triệu cha mẹ Việt Nam mất đi đứa con yêu.

Hôm nay vì chính nghĩa, vì sự sinh tồn của cả một dân tộc, vì chân lý, lẽ công bằng nhân đạo mà con có hy sinh thì cái chết này không phải là một sự chấm dứt mà là một sự khởi đầu cho một sự hồi sinh của thế hệ tương lai.

Đường con đi nhất định theo chân anh hùng Việt Nam đi vào thanh sử chứ không bám gót ngoại xâm làm thân tôi đòi nô lệ...

Con yêu của ba má

Anh của các em thương

                                       Nguyễn Thái Bình”


Bà Lê Thị Anh - mẹ của liệt sĩ Nguyễn Thái Bình bên di ảnh con tại nhà riêng ở quận 7, TP.HCM năm 1966


 Lễ truy điệu Nguyễn Thái Bình ở California 

Cái chết của Nguyễn Thái Bình đã trở thành một trái bom nổ gây chấn động mạnh mẽ dư luận trong nước và Hoa Kỳ. Hàng ngàn sinh viên, du học sinh đã xuống đường tuần hành, các cuộc biểu tình đã nổ ra xung quanh cái chết của anh. Ngày 4-7, ngay khi nghe tin anh bị sát hại, Hội Sinh viên Việt Nam tại Mỹ đã họp báo tại San Francisco và ra tuyên bố về sự hy sinh anh dũng của sinh viên Nguyễn Thái Bình, công bố 2 lá Thư ngỏ của Nguyễn Thái Bình gửi Tổng thống Nixon và gửi nhân dân yêu chuộng hòa bình công lý trên thế giới. Bản tuyên bố có đoạn: “Hội Sinh viên Việt Nam ở Mỹ gọi cái chết của Nguyễn Thái Bình là “Cái chết của một người yêu nước… Là một vụ ám sát chính trị” và yêu cầu: “Phải đưa kẻ giết Nguyễn Thái Bình ra trước nhân dân Việt Nam và dư luận thế giới!”.

Hội Sinh viên Việt Nam ở Mỹ kêu gọi “nhân dân ở khắp nơi hãy có hành động ủng hộ sự hy sinh của Nguyễn Thái Bình vì hòa bình, tự do và độc lập của đất nước chúng tôi và phản đối cuộc xâm lăng tàn bạo của chính phủ Mỹ ở Việt Nam”.

Ngay từ đầu phim, tiếng nói của Nguyễn Thái Bình đã vang lên như một lời hiệu triệu bên xứ người: “Tôi là người Việt Nam, thưa các bạn. Thật là bất hạnh và không may trong vị thế một người Việt lúc này. Người dân của đất nước Đông Nam Á nhỏ bé của chúng tôi phải chịu đựng sự thống khổ tột cùng do cuộc chiến tranh xâm lược này gây ra. Tôi đã sinh ra tại đó, tôi đã lớn lên giữa đồng bào yêu dấu trên quê hương mình. Cho nên tôi sẽ sống và chết như một người Việt chân chính, sống và chết cho Việt Nam”. Đó là bài diễn văn bằng tiếng Anh tháng 8-1971 tại Mỹ. Sau 2 tháng anh trở về quê hương, với chiếc xe Honda 67, anh đi khắp các làng thôn Việt Nam và chứng kiến hình ảnh thảm khốc của đồng bào mình tại Sơn Mỹ. Nói như người bạn Bùi Ngọc Côn phát biểu trong phim: “Ở Sài Gòn bị bưng bít thông tin, nên khi sang Mỹ các sinh viên Việt Nam mới biết rõ nhân dân mình đã bị giết chóc, quê hương mình bị tàn phá như thế nào dưới họng súng xâm lược của Mỹ”. Thư viện trường Đại học Washington có đầy đủ tư liệu tố cáo tội ác của Mỹ.


Xác sinh viên Nguyễn Thái Bình tại phi trường Tân Sơn Nhất, bên ngoài chiếc phản lực cơ khổng lồ Boeing-747

Tiểu sử và những hành động quả cảm Nguyễn Thái Bình không phải xa lạ với chúng ta. Nhưng phim chính là hình ảnh, mà hình ảnh trong phim với nhiều thước phim quý giá về hoạt động Nguyễn Thái Bình ở Mỹ, những buổi diễn thuyết, biểu tình sôi động của anh, những tư liệu đầy ắp về con người quả cảm ấy đã hiển hiện trước mắt người xem như được chứng kiến chính con người bằng xương bằng thịt, dù đã gần 40 năm qua. Ngay cả những phút phỏng vấn người trong nhà, bạn bè và cả bà Phùng Thị Lệ Lý, tác giả quyển tiểu thuyết Khi đất trời đảo lộn(1) nói về anh với sự cảm phục vô bờ… cũng cho thấy sự cao tay của đạo diễn. Bởi tất cả đã làm nên  một chân dung Nguyễn Thái Bình cực kỳ sinh động. Bộ phim đã đi được vào trái tim người chính bằng trái tim quả cảm ấy, đó chính là lòng tự hào, là sự thương cảm dâng trào khi nhìn ánh mắt như chứa đầy lửa căm thù của chàng thanh niên 24 tuổi, sôi sục đấu tranh đòi tự do, hòa bình cho dân tộc mình… Và nó khiến chúng ta cũng muốn nói như anh khi anh đứng giữa đất Mỹ: Tôi là Nguyễn Thái Bình, tôi là người Việt Nam.♦


* Hãng Phim truyền hình TP.HCM sản xuất, năm 2018. Biên kịch, đạo diễn: NSƯT Nguyễn Hoàng. Phim được trao Huy chương vàng Liên hoan phim toàn quốc 2019, Giải nhì Giải báo chí TP.HCM 2019.

(1) Cuốn tiểu thuyết đã được đạo diễn lừng danh Oliver Stone chuyển thành phim Trời và Đất.

NGÔ NGỌC NGŨ LONG