HV152 - Mệ Sen

Đồng bào một số vùng ở miền Trung thường dùng từ Mệ để gọi những phụ nữ lão thành. Mệ có nghĩa là “bà” (bà nội, bà ngoại…) hoặc là những bà cụ đáng kính trọng khác. Riêng ở Huế, từ Mệ còn được dùng để gọi những người thuộc hoàng phái - tức là con cháu các ông vua triều Nguyễn - bất luận người ấy là nam hay nữ, già hay trẻ. Mệ Sen là một trong những phụ nữ thuộc dạng Mệ hoàng phái. Mệ là công chúa Lương Linh, con vua Thành Thái. Mệ lớn lên ở Huế khi vua cha đã mất ngôi và bị thực dân Pháp đày sang đảo Bồng Bông (La Réunion) ở châu Phi. Thuở ấy giới thượng lưu quý tộc ở Huế còn xài những phương tiện giao thông cá nhân cổ lỗ sĩ như võng, lọng, xe kéo… thì Mệ Sen đã có xe hơi riêng do Mệ tự lái, không cần tài xế. Có lẽ Mệ là người phụ nữ đầu tiên biết lái xe hơi ở Huế. Vào thập niên 1960, Mệ Sen đã luống tuổi nhưng vẫn còn xuân sắc. Lúc ấy Mệ là công chức ở Phòng Du lịch, mỗi ngày đến sở thường mặc áo dài màu cánh sen, cổ đeo kiềng vàng, ngồi sau tay lái, nét mặt nghiêm trang, dáng vẻ phong lưu quý phái cách biệt với mọi người.

Năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp phong trào tranh đấu của đồng bào và phật tử trên toàn miền Nam. Những người tích cực tham gia phong trào tranh đấu, biểu tình, tuyệt thực… bị bắt đã đành; cả những người chỉ có lời nói hay thái độ biểu hiện tình cảm thân thiện với phong trào tranh đấu của Phật giáo cũng có thể bị bắt. Bọn Cần Lao tay sai của chế độ Diệm tung một mẻ lưới lớn nhằm hốt sạch cá lớn cá bé bên trong và bên ngoài nhà chùa. Đó là kế hoạch “Nước lũ” vô cùng điên cuồng của anh em họ Ngô do Cao Xuân Vỹ, thủ lĩnh Thanh niên Cộng hòa ở Sài Gòn làm tổng chỉ huy. Trong kế hoạch đó, hàng ngàn người dân ở Huế đã bị bắt trong vòng vài ngày đêm. Nhà lao Thừa Phủ vốn đã hết chỗ nên chúng phải sử dụng hai trung tâm có sức chứa lớn. Số quần chúng phật tử đông đảo hưởng ứng phong trào thì chúng giam ở sân vận động Tự Do. Số hạt nhân của phong trào mà chúng xếp vào loại nguy hiểm thì bị giam ở Tổng nha Cảnh sát Trung nguyên Trung phần cũng ở gần sân vận động, thuộc quận Hữu Ngạn. Mệ Sen ở trong số người bị giam ở Tổng nha Cảnh sát.

Trong tù có người hỏi:

- Rứa răng Mệ bị bắt?

Mệ Sen thở dài đáp:

- Ôi dà! Họ muốn bắt ai thì bắt. Họ bắt tui vì cái tội nghe đài BBC.

Nguyên từ ngày nổ ra phong trào tranh đấu ở các thành thị miền Nam, đài BBC Luân Đôn theo sát tình hình và cập nhật tin tức với quan điểm bình luận rất bất lợi cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Hằng ngày Mệ Sen nghe đài BBC, hễ có tin tức gì sốt dẻo thì tới sở lén phổ biến cho đồng sự. Tất nhiên trong sở có những tên tay sai mật vụ, báo cáo lại cho công an cảnh sát để bắt Mệ.

Mấy tuần lễ đầu, tù nhân bị quản thúc nghiêm nhặt, gia đình không được phép bới xách, thăm nuôi. Chính quyền Diệm đưa một lực lượng cảnh sát dã chiến từ Sài Gòn ra thay thế cảnh sát Huế trực tiếp canh gác tù nhân. Khi Mệ Sen bị bắt chỉ kịp mang theo cái bóp đầm xách tay và một bộ y phục đang mặc trong người. Tình trạng thiếu thốn trong nhà giam này đối với Mệ là quá sức chịu đựng. Một hôm Mệ cầm chiếc quạt giấy đứng phe phẩy trên thềm, nhân thấy một viên cảnh sát đi qua, Mệ vẫy quạt gọi lại nói:

- Này chú lính! Một lát chú có đi ra ngoài làm ơn mua cho Mệ vài cục xà bông và một chiếc chiếu để trải nằm chứ Mệ không quen nằm giữa sàn xi măng. Nằm hoài nhức lưng muốn chết.

Viên cảnh sát này là dân lục tỉnh ở Nam Bộ, nghe giọng Huế trọ trẹ của Mệ chỉ hiểu lõm bõm. Y đến mách với viên chỉ huy người Huế:

- Đằng kia có cái bà chưa già gì mấy mà xưng với tui là “mẹ”. Lại còn dám sai tui đi mua cái này cái nọ cho bả nữa.

Viên chỉ huy nhận ra đó là Mệ Sen thì mỉm cười hỏi:

- Bà ta muốn mua gì?

- Mua xà bông và chiếc chiếu.

- Thôi được. Cứ nhận tiền mua giùm cho bà ta vài món đồ dùng cũng không sao. Bà là công chúa, con của một ông vua. Phải ông già bà còn làm vua, bà muốn bỏ tù mình thì dễ chứ mình muốn đụng tới cái móng chân của bà cũng khó.

Viên cảnh sát nghe nói bà là công chúa, cứ như là nhân vật trong truyện cổ tích, có ý nể nang nên cư xử với Mệ Sen có phần lịch sự. Mệ nhờ mua gì y cũng sẵn sàng mua giùm. Còn ít tiền lẻ thối lại, Mệ khoát tay hào phóng nói:

- Thôi chú cất đi mà uống cà phê.

Thấy Mệ gửi mua đồ khá dễ dàng, một số người khác cũng nhờ Mệ gửi thêm cho họ vài món. Có cô nhờ Mệ gửi mua bịch băng vệ sinh phụ nữ, Mệ nhăn mặt lắc đầu:

- Thôi đi! Gửi chi cái thứ gớm guốc. Mi nhờ ai được thì nhờ. Mệ không gửi cho thằng ni mô.

Bọn con trai góp tiền nhờ Mệ gửi giùm một cây thuốc Ruby, Mệ cũng lắc đầu:

- Mệ không biết hút thuốc. Hơn nữa phụ nữ ai hút Ruby. Mệ thấy người ta toàn hút Salem.

- Thì Mệ gửi mua Salem cũng được. Hễ có thuốc, Mệ xé ra một bao châm một điếu làm bộ hút vài hơi cho tụi nó tin là Mệ biết hút.

- Thôi được, để Mệ làm thử.

Khi viên cảnh sát đem cây thuốc về, Mệ làm đúng như lời dặn. Lúc đầu Mệ diễn xuất khá tốt, ngậm điếu thuốc lên môi ra vẻ sành điệu. Nhưng vừa rít vài hơi, Mệ ho sặc sụa văng cả điếu thuốc xuống đất. Mệ nhanh trí nói:

- Thuốc chi mà nặng dữ! Thôi cho mấy anh em, ai hút thì hút. - Mệ vừa nói vừa trao cây thuốc cho mấy người chung quanh trước cặp mắt ngạc nhiên và nghi ngờ của viên cảnh sát.

Lại có lần Mệ gửi mua một bộ bài tây. Nhưng Mệ không rủ ai chơi, chỉ tìm một góc ngồi bói bài. Mệ cầm bộ bài xóc chín lần, miệng khấn khứa lâm râm rồi rải 52 lá bài thành 9 cột. Sau đó Mệ lật ngửa từng quân bài theo cách tính toán của Mệ gọi là phá trận. Ngày nào Mệ cũng tự bày trận rồi tự phá. Có lúc Mệ nhíu mày suy tư. Có lúc lộ vẻ lo âu căng thẳng. Hình như Mệ rất tin tưởng ở phép bói toán này. Rồi một hôm Mệ mừng rỡ nói nhỏ với mấy người bạn tù: “Tụi mình không ở đây lâu nữa đâu. Sắp được về rồi”.

- Ai nói với Mệ tin đó?

Mệ đưa bộ bài lên trả lời:

- Phá được trận rồi. Thông suốt cả.

Thì ra là như vậy. Thực ra kết quả bói bài của Mệ cũng có phần đúng. Khoảng hơn một tháng sau, Mệ và vài người già yếu khác được tha cho về. Phần lớn vẫn còn bị giam chưa biết ngày nào ra.

Rồi ngày 1-11-1963, chế độ Diệm bị lật đổ, cả nước reo mừng. Lúc này bộ máy chính quyền Ngô Đình Diệm đã bị vô hiệu hóa. Bộ máy chính quyền mới chưa được thành lập. Đồng bào Huế chỉ còn biết kéo đến trụ sở Tổng hội Sinh viên để nghe ngóng tình hình tin tức. Họ coi lực lượng sinh viên tranh đấu như người đại diện của chính quyền “cách mạng”.

Vào sáng ngày 2-11, chúng tôi đang ngồi trong trụ sở Tổng hội bỗng thấy một chiếc xe Limousine đen bóng từ từ dừng lại trước cửa. Mệ Sen từ trên xe bước xuống, lộng lẫy và rạng rỡ bước vào, trao cho chúng tôi một bao thư đựng tiền dày cộm và trịnh trọng nói:

- Đây là chút quà của Đức Từ gửi anh em sinh viên tranh đấu. Ngài biết anh em còn nhiều việc phải làm mà không có kinh phí. Vậy xin nhận món tiền nầy để tùy nghi sử dụng.

Hai tiếng “Đức Từ” là ngôn ngữ cung đình mà người trong Nguyễn Phước tộc dùng để gọi bà Từ Cung, mẹ của vua Bảo Đại. Sau khi được người Mỹ đưa về nước, Ngô Đình Diệm đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để truất phế quốc trưởng Bảo Đại. Bọn chúng in hai loại phiếu bầu cử. Loại màu xanh có tên và hình Bảo Đại. Loại màu đỏ có tên và hình Ngô Đình Diệm. Khẩu hiệu vận động tranh cử là “XANH bỏ giỏ, ĐỎ bỏ bì” (tức phiếu màu xanh của Bảo Đại thì bỏ vô sọt rác, bất tín nhiệm còn phiếu màu đỏ của Diệm cho vào bì thư, bỏ vô thùng phiếu tín nhiệm). Dĩ nhiên đây là cuộc bầu cử đầy thủ đoạn gian lận. Ở Huế, chúng ép bà Từ Cung đi bỏ phiếu. Không ai biết bà bỏ lá phiếu nào nhưng khi bà ra khỏi phòng, bọn tay sai của Diệm đưa lên một lá phiếu màu xanh mới lấy ra từ sọt rác và lớn tiếng reo hò: “Bà Từ Cung đã bỏ phiếu truất phế Bảo Đại và tín nhiệm Ngô Thủ tướng”. Bà Từ Cung bị kẻ cựu thần là Thượng thư Ngô Đình Diệm phản phé một cú quá độc, mang nỗi uất hận trở về cung An Định rồi phát bệnh. Từ đó Đức Từ và hoàng tộc nhà Nguyễn rất căm hận Ngô triều mà không làm gì được. Bởi vậy, ngày Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Đức Từ là người đầu tiên ủy lạo cho sinh viên tranh đấu một món tiền rất hào phóng.

Mệ Sen nói tiếp:

- Phần tui cũng có quà cho anh chị em nữa.

Khi nói chuyện riêng với ai thì Mệ xưng “Mệ” nhưng nay với Tổng hội Sinh viên, Mệ xưng “tui” cho lịch sự và khiêm tốn. Quà của Mệ là một thùng mười cây thuốc Ruby để tặng nam sinh viên. Các cô thấy thế bèn la làng:

- Mệ cho rứa là không công bằng. Tụi con đâu có hút thuốc được.

- Biết rồi. Các cô thì có quà dành riêng cho con gái, con trai không dùng được.

Rồi Mệ ra ngoài xe đem vào một cái hộp lớn mở ra. Các cô vừa nhìn thấy tức thì reo mừng:

- Phấn nụ!

Mệ nói: 

- Đây là loại phấn đặc biệt, tốt hơn thứ bán ngoài chợ nhiều. Thùng nầy có một trăm viên phấn. Biếu chị em chia nhau mà dùng.

Nhân đây xin nói thêm: Phấn nụ Mệ Sen là một thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng ở Huế từ hơn nửa thế kỷ nay. Ngày xưa, sản phẩm này chỉ dành riêng cho các bà các cô trong nội cung, phụ nữ ngoài dân gian không thể có mà dùng. Không hiểu bằng cách nào, Mệ Sen học được công thức bí truyền để làm loại phấn này. Khi chế độ phong kiến nhà Nguyễn suy tàn, Mệ phải ra khỏi cung cấm, tìm cách hội nhập vào cuộc sống mới ở bên ngoài. Việc sản xuất phấn nụ trở thành nghề tay trái của Mệ. Từ khoảng năm 1950, Phấn nụ Mệ Sen được sản xuất đại trà và đưa ra thị trường ở Huế với giá rất mềm. Giới phụ nữ bình dân cũng có thể mua được. Một hộp phấn nụ có ba màu: màu trắng làm nền, màu hồng để xoa phớt lên má, màu thiên lý pha màu hồng sẽ cho màu tím nhạt để tạo vùng tối (shadow) ở mắt. Hơn 50 năm kinh nghiệm cho thấy Phấn nụ Mệ Sen chưa hề gây biến chứng nào trên da. Có thể nói đây là thứ mỹ phẩm an toàn tuyệt đối. Trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, các cô văn công giải phóng từ trên rừng về thành phố Huế biểu diễn ở hội quán Hội Quảng Tri. Không biết ai đó đã bày cho các cô dùng Phấn nụ Mệ Sen để trang điểm khi lên sân khấu. Sau đó các cô thích quá, mỗi người gửi mua vài hộp bỏ vào ba lô mang theo lên rừng. Mệ Sen không biết chuyện này chứ nếu mà biết, chắc Mệ sẽ rất tự hào.

Mệ Sen nay đã qua đời nhưng sản phẩm phấn nụ của Mệ vẫn có người thừa kế tiếp tục sản xuất ở Huế. Ngày nay, mỗi khi các bà các cô cầm viên phấn nụ Mệ Sen trên tay, cũng nên biết rằng thứ mỹ phẩm xinh xắn này là chút hương sắc mà một bà công chúa đã để lại cho đời.

Bọn con trai chúng tôi không dùng phấn nụ nhưng có hút thuốc lá của Mệ. Những điếu thuốc Ruby mà Mệ cho trong ngày 2-11 năm ấy có lẽ là thứ thuốc lá ngon nhất đời vì nó rất đậm đà tình nghĩa. Tuy Mệ không hề xuống đường tranh đấu nhưng cũng đã cùng chúng tôi nếm trải những ngày tháng lao tù gian khổ, qua đó đã xóa bỏ được những khoảng cách biệt để có thể coi nhau như bạn chiến đấu. Trong ngôn ngữ của chúng tôi, Mệ Sen cũng là dân phong trào tranh đấu.♦

HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN