… Chế Lan Viên đã đẹp trai, tài cao, giảng văn lại hấp dẫn. Học sinh ở Chấn Thanh hiện giờ cũng như ở Mission Thanh Hóa năm trước đều có cảm tình đặc biệt với Chế. Ở Chấn Thanh có năm, sáu nữ học sinh đều đem lòng yêu Chế. Cô nào cũng dễ thương nhưng có hai cô xuất sắc là Tuyết và Giáo. Chế Lan Viên rất để ý và cũng rất có cảm tình song chưa biết chọn cô nào là người chung thủy. Loan(1) nói:
- Sao anh không tham gia ý kiến.
Tôi cười:
- “Xem mặt mà bắt hình dong”, mặt chưa xem thì làm sao biết lòng ngon dở.
Loan bảo:
- Thì bảo anh Hoan giới thiệu.
Tôi theo lời, sáng hôm sau trong giờ ra chơi, Chế tổ chức cho Tuyết, Giáo và nam nữ học sinh giỏi quốc văn trong trường đến tham kiến “nhà thơ Đường cuối cùng của Việt Nam”. Chỉ giáp mặt và nói chuyện trong mười lăm phút tôi đã nắm các yếu tố cần thiết để giúp đỡ Chế giải quyết “vấn đề”.
Tuyết rất đẹp, một vẻ đẹp quý phái, rất mặn mà nhưng sắc sảo. Còn Giáo thì không đẹp nhưng dễ thương như người thục nữ trong Kinh Thi. Trưa về, Chế hỏi ý kiến. Tôi đáp:
- Nếu Hoan muốn có một quán trọ cao sang để nghỉ chân trên con đường thơ muôn dặm thì nên chọn Tuyết. Còn muốn có một tổ ấm để con chim trời bay mỏi đêm trở về nghỉ ngơi thì nên chọn Giáo. Vì có Loan nên tôi không dám nói trắng vì sợ rủi chạm lòng tự ái Loan. Khi chỉ có Chế cùng tôi thì tôi bảo Chế:
- Hoan đã tỏ tình yêu cho cô nào chưa?
Chế đáp:
- Thật tình chưa.
- Thế thì từ nay chỉ nên chú tâm vào Giáo và phải hỏi thật Giáo có bằng lòng làm vợ Hoan chăng, nếu Hoan quyết tâm lấy Giáo làm vợ. Nhưng không nên làm mích lòng Tuyết.
Hôm sau tôi đưa Loan ra Huế xem các lăng tẩm rồi chúa nhật sẽ vào. Ra Huế, ở chơi có hơi lâu nên khi vào không còn thì giờ để ghé Đà Nẵng chơi với Chế. Tôi đánh điện tín hẹn cùng Chế gặp nhau ở ga Đà Nẵng. Chế cho biết là đã gặp được Giáo rồi và hai bên đã quyết định nếu cuộc trăm năm không thành thì Giáo nhất định không lấy chồng và Chế nhất định không lấy vợ. Tôi cười:
- Thề thốt có hơi vội... nhưng không sao. Trước hết Hoan nên mượn người thân với gia đình Giáo đến nhà dò ý cha mẹ Giáo rồi sẽ liệu.
Một tháng sau Chế viết thơ cho biết rằng đã cho người đến nhà Giáo dạm hỏi rồi. Cha mẹ Giáo nhất định không gả con cho những người không có sự nghiệp. Tôi không lấy làm lạ vì đã dò hỏi, biết rõ tâm tánh của ông thân sinh và bà thân sinh của Giáo rồi, ông là Ba Hội vốn là một công nhân với hai bàn tay trắng lập nên cơ nghiệp, còn bà là người rất khó tính. Thời bấy giờ hạng nhà giàu đặt tiền của lên trên hết. Còn Chế chỉ là một thiên tài mà thôi. Kế đó tôi lại được một bức thư của Giáo than khóc về hoàn cảnh của mình: bị bà mẹ dày vò và định không cho tiếp tục học nữa. Giáo buồn thương, Chế đau khổ. Tôi viết thơ cho Chế bảo rằng: “Nếu hai bên Hoan, Giáo quyết lòng thương yêu nhau thì noi gương Trác Văn Quân và Tư Mã Tương Như”.
Mùa hè năm 1943, tôi đương ngồi nghĩ vẩn vơ về chuyện Hoan, Giáo thì thấy Yến Lan và Hoan, Giáo bước vào nhà. Tôi không ngờ Giáo lại có thể là Trác Văn Quân. Tôi nửa mừng nhưng nửa sợ; sợ gia đình tôi có bằng lòng dung túng Hoan, Giáo hay không. Cũng may gia đình tôi coi Chế Lan Viên như em ruột và trông thấy Giáo thùy mỵ dễ thương lại thêm có Yến Lan nói vào nên mọi việc đều ổn thỏa.
Nhưng sau đó ít hôm, tôi lại được tin rằng ông thân sinh Giáo đòi đâm đơn kiện Chế về tội dụ dỗ gái vị thành niên. Chừng ấy tôi mới giật mình tự nghĩ:
Trác Văn Quân là gái góa, Trác Tôn ông lại chỉ từ con gái chớ không đi kiện Tương Như cho nên cặp uyên ương đó mới có thể sống yên ổn trong cảnh nghèo. Còn Giáo là gái vị thành niên, ông Ba Hội lại nhờ pháp luật can thiệp, như thế thì nguy to.
Giáo lại thú thật rằng ở Nha Trang, Giáo có một người cậu tên là Tư Tào. Tôi nghĩ thế nào ông Ba Hội cũng nhờ Tư Tào dò xem coi Giáo có vào Nha Trang không, bởi ở Đà Nẵng ai cũng biết chuyện Giáo và Chế và nhiều người biết Chế quen thân với tôi. Nếu bắt được quả tang Giáo và Chế ở nơi nhà tôi thì thế nào tôi cũng bị liên lụy. Cho nên sau khi bàn cùng Chế, tôi đem gởi Giáo ở đường Đoàn Thị Điểm và bảo Hoan lên ở nhà Nguyễn Đình, chỉ một mình Yến Lan ở nơi tôi. Tôi yêu cầu Chế và Giáo không được tìm cách gặp nhau và cũng đừng ra đường trong một thời gian để tôi tìm cách giải quyết.
Ông Tư Tào cùng tôi vốn là chỗ quen biết. Giáo và Chế rời chỗ tôi được vài hôm thì ông Tư Tào đến thăm. Biết rõ mục đích của ông Tư tôi tìm cách cho ông ta lén nhìn khắp trong phòng… Hai hôm sau, ông Năm Cần quen với Tư Tào mà cũng là chỗ quen thân với tôi tìm đến nữa. Ông Năm Cần tánh thật thà nhân hậu. Tôi tìm cách dò hỏi về việc gia đình ông Ba Hội ở Đà Nẵng. Ông Năm nói:
- Ông Ba Hội mới làm giàu mươi năm nay, người ít học nhưng hay làm sang, tôi và ông ta là bạn thân lúc nhỏ nhưng bây giờ ông ấy giàu tôi nghèo nên tình thân không còn như cũ.
Tôi nói:
- Tôi nghe ông Ba Hội có người con gái đẹp lắm phải không?
Ông Năm đáp:
- Đẹp thì không đẹp nhưng dễ thương. Nghe đâu con nhỏ đã theo trai rồi, gia đình cho người đi khắp nơi để tìm kiếm.
Tôi làm bộ ngạc nhiên hỏi:
- Người con trai ấy là ai?
Ông Năm đáp:
- Là Chế Lan Viên.
Rồi ông hỏi lại tôi:
- Chế Lan Viên là bạn của ông. Vậy mà ông không nghe chuyện ấy sao?
Nói quanh co hồi lâu tôi cười, hỏi:
- Chắc ông Ba Hội hay anh Tư Tào nhờ ông Năm đến xem coi Giáo và Chế Lan Viên có ở nhà tôi hay không chớ gì?
Ông Năm bèn thú thật rằng quả như vậy, tôi nói:
- Tưởng theo ai chớ theo Chế Lan Viên thì cũng nên mở đại tiệc ăn mừng vì Chế Lan Viên là người có tiếng tăm trong làng thơ hiện đại như ông Năm đã biết. Con mình đụng được người chồng như thế ấy còn muốn gì hơn! Ở đời này người ta chỉ trọng tiền của và địa vị. Ông Năm có con gái thơ hay sắc đẹp mà gả cho Bửu Đáo là một công chức nghèo. Thế mà ai cũng khen là vợ chồng sống với nhau hạnh phúc thua gì những bậc quyền quý phong lưu. Ông Năm cùng ông Ba Hội là chỗ cựu giao sao không nhân dịp này khuyên ông Ba Hội noi theo gương sáng của ông Năm đã treo đó.
Ông Năm nói:
- Ai khuyên can ông Ba Hội được, chỉ trừ một người là ông Thông Tùng ở Đà Nẵng bởi ông Ba Hội xưa kia là vai em út của ông Thông Tùng và nhờ ông Thông Tùng mà giàu có. Cho nên ông Thông Tùng nói gì ông Ba Hội cũng nghe.
Tôi mừng quá vì ông Thông Tùng cũng là bạn thân. Khi ra Đà Nẵng thăm Chế, tôi có đến thăm ông. Tôi bèn nói thật mọi việc cùng ông Năm và nhờ ông Năm ra Đà Nẵng. Ông Năm nhận lời.
Mấy hôm sau, ông Năm Cần đi Đà Nẵng về cho hay rằng mọi việc đã xong xuôi. Nhưng phải vượt qua nhiều khó khăn, nhiều gay cấn.
Một mặt tôi nhờ ông Năm Cần đem Giáo lên cho ông Tư Tào để đưa về Đà Nẵng. Một mặt bảo Chế Lan Viên về thưa với ông bà cụ sắm lễ vật ra nhà ông Thông Tùng để cùng ông Thông Tùng đến nhà ông Ba Hội. Vài tháng sau lễ thành hôn cử hành vào ngày 26 tháng 9 năm 1943.
Cưới vợ rồi Hoan không dạy ở Đà Nẵng nữa. Giáo về Bình Định ở với ông bà cụ Chế, còn Chế ra Huế dạy trường Việt Anh.
Ở Huế Hoan không có bạn thân lại ở một mình. Nghĩ đến Hoan nhiều đêm tôi không ngủ được và có bài thơ nhớ Hoan:
Gió lạnh chim kêu sương rụng cành
Sầu theo canh lụn trễ tràng canh
Thương ai chiếc bóng phòng thơ mỏi
Một ngọn đèn khêu mấy đoạn tình.
Tết năm Giáp Thân (1944) tôi về Bình Định, ghé thăm Chế thì Chế cùng Giáo đã về Đà Nẵng. Tôi về Bình Khê thăm bà con và phần mộ ông bà thân rồi trở vào Nha Trang. Xuân năm này hoa mai bỗng nở nhiều hơn mọi năm nhưng bạn thân không còn ai ở gần, em lại ở xa nên lòng buồn vô hạn. Tôi có bốn câu chép gởi cho Chế :
Ba luống tường vi cánh nõn nà
Mai vàng một khóm mấy tầng hoa
Bao phen gói ghém hương vườn cũ
Em mãi chưa về bạn ở xa.
Chế biên thư cho biết rằng từ mùng một đến mùng ba Tết, Chế cùng Giáo đi mừng tuổi bên họ nội, họ ngoại, hết nhà này đến nhà khác, không hưởng được chút thú sướng. Thân xác và tinh thần đều mỏi mệt, chán ngán. Đến mùng bảy Tết đã phải đi dạy nên Chế ở luôn Đà Nẵng để đi Huế cho gần.
Chế Lan Viên cưới vợ rồi tiếp đến Yến Lan cũng cưới vợ. Khi chưa vợ hai bạn lấy gia đình tôi làm gia đình hai bạn, hễ có ngày nghỉ, ngày rảnh rang thì cùng nhau về Nha Trang. Từ khi hai bạn có gia đình thì dưới bóng mận trước sân chỉ còn mình tôi thơ thẩn. Nhớ bạn, bóng cây mận thường len lỏi vào thơ:
Năm ngoái trời trưa chung bóng mận
Năm nay bóng mận lại chờ nhau
Đầu xanh gặp gỡ dần thưa thớt
Mây ráng thêm thương tuổi bạc đầu.
(Bóng mận)
Khóm mận ba nhành huê lại huê
Đường xa ba bạn mãi chưa về
Dưới sân trải chiếu chờ tin mận
Bướm lững lờ qua gió bốn bề.
(Chờ tin mận)
Năm 1944 Chế không vào Nha Trang. Thư từ cũng thưa thớt vì tâm trí không được thảnh thơi như hồi chưa có gia đình. Chế dạy ở Huế đến tháng mười, mười một thì có chuyện xích mích với Đoàn Phú Tứ, Chế liền thôi dạy. Chế về Bình Định thăm nhà rồi vào Nha Trang cùng tôi. Hỏi thăm về Giáo, Chế đáp:
- Tình vẫn mặn nồng như cũ. Nhưng về nội trợ thì tốn kém quá.
Tôi cười:
- Ở trường có môn dạy về “nội trợ” đâu mà giỏi? Ở với bà cụ ít lâu thì công việc gia đình sẽ thạo chớ chẳng khó gì?
… Lại một hôm vào sáng chủ nhật, một ông bạn đồng nghiệp của tôi là Lê Ngọc Định đến thăm tôi, Chế đang ngồi cùng tôi, tránh không kịp, phải cùng tôi ngồi tiếp khách. Khách không biết Chế nhưng tôi biết tánh Chế nên không giới thiệu theo cách xã giao vì thà chịu thất lễ với khách còn hơn phật ý bạn. Khách vốn là người trí thức có danh ở Nha Trang, chữ Pháp giỏi, đọc sách Việt nhiều, đã từng đọc thơ Điêu tàn và Vàng sao của Chế. Trong câu chuyện, khách phê bình Chế:
- Một thiên tài, nhưng Điêu tàn và Vàng sao mới là hai tia sáng. Sự nghiệp tương lai chưa biết lên cao đến đâu. Song rất ngại “tài mệnh tương đố” như Vương Bột đời Đường.
Tôi hỏi:
- Có khi nào anh mong được gặp Chế Lan Viên không?
Khách đáp:
- Thi sĩ cũng như anh hùng, có cái đẹp của cánh buồm, chỉ nên đứng xa mà ngắm. Có nhiều cánh buồn ở xa trông tuyệt đẹp nhưng khi đến gần thì rách vá lung tung… lại còn hôi tanh mùi cá…
Chế thản nhiên ngồi nghe, khách đi rồi, cười nói:
- Lần đầu tiên, Hoan gặp người biết kiêu ngạo.
… Tháng 8 năm 1946, tôi được đề cử gia nhập đoàn văn nghệ sĩ Bình Định đi Hà Nội dự hội nghị văn hóa toàn quốc. Chế Lan Viên thuộc đoàn Thừa Thiên. Chúng tôi lại được gặp nhau và sống với nhau trong một thời gian ngắn. Toàn dân nổi dậy chống Pháp, chúng tôi không còn dịp gặp nhau. Chế ở Liên khu 4 còn tôi ở Liên khu 5. Đường giao thông gián đoạn. Nhớ thương không ngớt. Thỉnh thoảng gặp cán bộ liên đoàn, chúng tôi gởi thư cho nhau. Thường thì gởi mười may ra nhận được một, đôi khi đi đường, thư bị nhòa không còn đọc được nhưng tôi vẫn quý nên giữ cẩn thận làm kỷ niệm. Những bức thư tôi nhận được đôi khi chỉ là một bài thơ Chế mới sáng tác. Như:
Ở đây không phải Đào Nguyên
Ngón son không đỏ lối thuyền lãng du
Chàng Lưu ví có thăm dò
Rặng mây nước mắt che mờ màu hoa
Ngõ xưa năm tháng dương tà
Khuất cây thương nhớ ấy là lãng quên
Ở đây không phải Đào Nguyên
Khóm đau tre trúc xanh phiền thế gian
Áo tiên ví đến nhân hoàng
Chết con bướm phấn dặm đàng trở xa.
Miếng ngon đắng với canh gà
Tỉnh đôi mắt khóc đâu là Đào Nguyên.
(Ở đây)
hoặc:
Nếp áo tiền thân vừa hút mắt
Tiếng gà lại kiếp cách ngàn sao
Ta nằm ở giữa cân trời đất
Khối ngọc chưa nghiêng một hướng nào
Thâm khuê ý phức chong đèn lạnh
Mặt nguyệt tâm tư tròn vẹn gương
Chiếc én thành son chưa đầy cánh
Nét đau xanh liễu chửa buông tường
Em đến rủ ta vào cuộc sắc
Nghe em ta hái cụm hoa ngời
Nhớ thương từ ấy xanh trong mắt
Đỏ nụ lòng ta chói ánh vui
Đây kiếp xe son quá bụi hồng
Con roi hư ảo dặm đường không
Ta khêu đĩa bấc trần tâm lại
Chim bướm phiền hoa lại nối vòng
Mé rừng qua khuất nắng hư vàng
Trên bến gà kêu sao rụng ngọc
Ôm mặt nghìn năm ta lại khóc
Bến xưa rừng cũ thấy thời gian
(Lại)
Thư ngắn nói được nhiều. Xem thơ tôi đoán biết được hoàn cảnh và tâm sự của Chế.
Thời kháng chiến chống Pháp, tình hình ở Bình Định cũng như ở các tỉnh thuộc Liên khu 5 không được yên ổn, tàu bay địch thường ném bom nên đồng bào cũng như các cơ quan, luôn luôn đổi chỗ. Sự liên lạc của Chế và tôi bị gián đoạn kể từ năm 1950. Tuy thế, thỉnh thoảng tôi vẫn được thư Chế qua anh em cán bộ lưu động. Năm 1948, Chế gởi thư cho biết đã cùng Giáo sinh được một trai đặt tên là Lai Triều. Thư chan chứa tình nhớ thương và khuyên tôi, Lan, Tạo tiếp tục việc văn chương. Sau đó ít lâu tôi lại nghe tin Giáo sinh một trai nữa. Nhớ đến tôi, nhớ đến cuộc đi thăm quê tôi ở Trường Định năm 1943, Chế đặt tên con là Trường Định để làm kỷ niệm. Rồi từ 1950 trở về sau liên lạc giữa Chế và tôi bị đứt hẳn vì Chế không còn ở Khu 4 mà đã đổi ra Việt Bắc.
*
Sau ngày ký kết Hiệp định Genève, tôi trở vào Nha Trang năm 1955. Trong khoảng 1965 - 1970, tôi nhận được thư của người bạn trẻ Thi Vũ đang du học ở Paris gởi về Nha Trang cho biết rằng có gặp Chế ở Pháp. Chế có cho Thi Vũ biết rằng năm trước sang Trung Hoa, nhân đi chơi núi Nhạc Lộc (một ngọn trong Ngũ Nhạc), chạnh nhớ đến tôi bèn hái một lá cây phong ép khô đợi khi gặp nhau sẽ tặng. Đi đâu Chế cũng mang theo. Thi Vũ biết rõ Chế rất thương yêu tôi và tôi cũng rất thương yêu Chế nên dùng hai tập thơ Đọng bóng chiều và Mộng Ngân Sơn in giấy đặc biệt dành riêng cho Vũ, đem tặng Chế thay tôi. Sau đó Thi Vũ gởi thư tin cho tôi biết những việc ấy. Tôi rất cảm động: thái độ của Chế rất thanh cao, thái độ của Thi Vũ thật thâm hậu.
Tôi lại nghe tin rằng Giáo lại sinh thêm một gái nữa đặt tên là Thanh. Nhưng Chế và Giáo không còn là vợ chồng nữa. Việc Chế - Giáo bỏ nhau vào khoảng giữa năm 1959: Chế bị lao phổi phải sang Trung Quốc điều trị. Ở nhà Giáo không còn chung tình nữa. Khi Chế ở Trung Quốc về thì Giáo xin ly dị và giao ba đứa con cho Chế. Được tin ấy tôi và nhà tôi rất lấy làm đau thương. Đau thương cho vợ chồng Chế thì ít, đau thương cho ba đứa con thì nhiều. “Con không cha ăn cơm với cá, con không mẹ lót lá mà nằm”.
Tủi vì cái kiếp con không mẹ
Hổ cũng như ai sãi có chuồng
(Phan Sào Nam)
Không mẹ đã đau thương, nhưng thà không mẹ hẳn, đau thương còn có lúc nguôi ngoai. Đây lại không có mà có, có mà không thì đau thương thật vô cùng vô tận.
Cũng có nhiều tin vui về Chế bay đến tôi, song tin vui không làm tăng thêm tình bạn và cũng không làm giảm bớt nỗi mong nhớ chờ trông:
Nước chia đôi nhà cũng chia đôi
Anh Nam em Bắc bạn phương trời
Chờ mong mộng luống chìm theo mộng
Thương nhớ lời không dám mở lời
Mòn mỏi niên quang hoa lá rụng
Bẽ bàng tâm sự nước mây trôi
Những đêm ánh sáp ngời trang sử
Sùi sụt dòng Ngân sóng bể khơi.
Vì vậy năm 1975, đất nước được thống nhất, lòng tôi vui mừng khôn xiết, lòng mong gặp lại bạn, em, người quen thân ở miền Nam đi tập kết ra Bắc luôn luôn bồn chồn náo nức.♦
* Trích trong cuốn Bóng ngày qua của Quách Tấn, NXB Văn nghệ TP.HCM, 2001. Đầu đề là của Hồn Việt.
(1) Đoàn Thị Kim Loan, bạn gái của Quách Tấn.