HV152 - Những pha thoát chết kỳ bí

Sau giải phóng, một cô thầy ở khu kinh tế mới Lê Minh Xuân nói với bà xã tôi, “ông chồng chị nhiều phen thoát chết trong gang tấc là nhờ có người anh chết trẻ luôn luôn theo phù hộ. Nhưng ông chồng chị không cúng giỗ cho người anh, chị về nói ổng lập bàn thờ thờ ông anh đi”. Tôi rất kinh ngạc, ngay cả bà xã cũng không biết tôi có người anh mất lúc 12 tuổi, vì từ hồi ngoài Bắc tới giờ nhà tôi có ai lập bàn thờ cúng ông bà đâu, huống hồ cúng những người chết trẻ. Ngẫm lại những phen thoát chết không lý giải được chỉ có thể nhờ đến quý nhân phù hộ.

1. Hai lần thoát chết liên tục

Năm 1967, Ban tuyên huấn I4 đóng tại Hố Bò, xã Phú Mỹ Hưng, Củ Chi. Sáng hôm ấy, chiếc trực thăng UH-1 lên quần từ Sa Nhỏ qua Phú Hòa xuống Hố Bò về Xóm Trại mấy vòng. Đó là dấu hiệu Mỹ sẽ đổ quân đi bố ráp. Những thanh niên trong tổ du kích cơ quan chúng tôi nai nịt ôm súng chạy lên chiến hào trên bìa trảng giáp với rừng Cây Sộp để chiến đấu chống càn. Tôi phục ở đầu chiến hào, các bạn khác bố trí tiếp theo về bên trái đến đầu bìa rừng chồi giáp với rừng cao su. Hai chiếc trực thăng UH-1A đầu đỏ ì ì bay lên yểm trợ cho một bầy “cá nóc” (trực thăng chở quân) đổ lính Mỹ xuống Sa Nhỏ, Xóm Trại.


Anh của tác giả mất năm 12 tuổi, năm 1947

Đứng dưới chiến hào quan sát, các cây cỏ hôi, cỏ mắc cỡ che lấp hết tầm nhìn. Tôi bò lên nhổ cỏ. Phía trước chiến hào khoảng 2m có một ụ gò mối làm vật cản rất thuận lợi. Lúc này dàn pháo bầy Tân Tây Lan (New Zealand) với hàng chục khẩu (chúng tôi thường gọi là dàn nhạc Tân Tây Lan) ở Trâm Vàng bắn đề pa dọn đường. Ở chiến trường quen với tiếng bom pháo của giặc, tiếng đạn pháo bay kêu hú hú là đạn pháo bay qua đầu không rơi ngay mình, tiếng đạn pháo kêu xè…è… xè…xè… là đạn sẽ rơi gần mình. Loạt đạn pháo bầy đầu tiên, tiếng đạn pháo kêu hú hú, tôi yên tâm nằm trên bờ chiến hào, nấp sau ụ gò mối. Quả nhiên đạn pháo bay qua đầu rơi nổ ầm ầm cách mấy trăm thước về phía xóm Hố Bò. Tôi tiếp tục vẹt cỏ cho trống tầm nhìn. Dàn pháo Tân Tây Lan ở Trâm Vàng tiếp tục đề pa, tiếng hú của đạn pháo giống hệt loạt pháo ban đầu. Không hiểu sao tôi tuột xuống chiến hào cái rẹt chui vào hộc khoét dưới lòng chiến hào. Hàng chục trái pháo bay qua đầu nổ ầm ầm ngay vị trí loạt ban đầu. Nhưng có một trái không biết vì lý do thiếu liều thuốc phóng hay khiếm khuyết gì đó không bay tới mục tiêu mà rớt ngay ụ gò mối tôi vừa mới nằm làm nổ tan gò mối luôn, khói bụi trùm lên chiến hào mù mịt.

Ngày hôm đó lính Mỹ không càn tới xóm Hố Bò. Chiều, tôi được lịnh triệu tập đi học nghị quyết ở nhà in B3 bên kia sông Sài Gòn thuộc tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương bây giờ) vì tôi là đảng viên. Ngày hôm sau, các đồng chí du kích tiếp tục lên chiến hào chống Mỹ đi càn. Một trái pháo Tân Tây Lan nổ ngay chiến hào. Ba đồng chí đều hy sinh hết.

2. Ba lần hầm bí mật bị lộ

Đợt tôi và anh Ba Thưởng (tức anh Đặng Đức Thưởng) về công tác ở ấp Lợi Hòa Đông, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng thuộc phân khu 1, anh Hai Cơm - cán bộ của báo Khởi nghĩa và phân xã thông tấn - có tuyển một tân binh cho đơn vị. Chúng tôi đào một hầm bí mật dưới một hàng tầm vông bìa Sở Cốt.

Một buổi sáng, như thường lệ tôi và anh Ba Thưởng lên ngồi thum (ngồi gần hầm bí mật khi địch vô xuống hầm cho kín đáo). Không biết trời khiến thế nào, tôi và anh Ba rủ nhau lên ấp Tịnh Phong chơi với các bạn cán bộ trên đó.

Chúng tôi không hay biết tối hôm qua cậu tân binh mới tuyển đã ra chiêu hồi (hoặc có thể thám báo địch cài vào). Tên này dẫn lính ở bót Suối Sâu vô chỗ hầm bí mật của tôi và anh Ba Thưởng. Tên chiêu hồi kêu gọi chúng tôi lên đầu hàng, may là tôi và anh Ba Thưởng đã đi Tịnh Phong. Không thấy động tĩnh gì, nó giở nắp hầm thì không thấy ai ở dưới, bèn đậy nắp lại để đánh sập bẫy chúng tôi vào lúc khác. Tuy nhiên chúng tôi được người dân báo lại và may mắn thoát nạn.

Tôi và anh Ba Thưởng còn một hầm bí mật ở Sở Cốt dưới hàng tầm vông giáp ngoài bãi đất trống trên đường qua cánh đồng Bàu Mây. Hôm ấy, lính ở bót Suối Sâu đi càn vào Lợi Hòa Đông và Rừng Rong. Chiều chúng kéo ra Sở Cốt. Tôi và anh Ba Thưởng ở dưới hầm bí mật từ sáng. Bọn lính dừng quân và ngồi lại dưới hàng tầm vông, hai thằng ngồi ngay sát nắp hầm bí mật của tôi và anh Ba Thưởng. Một thằng hỏi:

- Bữa nay mầy kiếm được gì hôn?

- Lấy được hai chục đồng. Con đó nó giấu trong rổ may đồ.

Anh Ba Thưởng do hồi hộp, khó thở nên cứ đằng hắng. Tôi sợ tụi lính ở trên nghe thấy ra hiệu cho anh cố giữ im lặng, anh bụm miệng nhưng vẫn không nén được tiếng đằng hắng. Thằng lính kia hỏi:

- Còn mầy kiếm được gì?

- Được nồi măng.

- Măng kho hay măng xào?

- Măng xào.

Thằng lính ngồi cạnh trên nắp hầm táy máy nhổ cái gốc tầm vông khô đậy lỗ thông hơi của hầm bí mật. Một luồng ánh sáng xuyên qua lỗ thông hơi rọi xuống hầm. Anh Ba Thưởng hỏi tôi:

- Rút chốt lựu đạn chưa?

Tôi nhăn mặt sợ tụi lính nghe thấy, chìa trái lựu đạn da láng (M26) đã bẻ chốt ngay ra cho anh Ba.

Vừa lúc đó bên kia bờ tầm vông tụi lính la hét:

- Hầm tụi Việt Cộng bên này.

Tụi lính phát hiện một hầm bí mật giấu thuốc men và dụng cụ y tế của một đơn vị nào đó dưới hàng tầm vông cách chỗ tôi khoảng chục mét. Chúng kéo hết qua đó. Tôi và anh Ba Thưởng thoát nạn.

3. Lọt vô ổ phục kích của Mỹ

Năm 1969, sau Mậu Thân, Mỹ phản kích đánh phá ác liệt vùng căn cứ cách mạng khu Sài Gòn - Gia Định. Theo lời khai báo của Tám Hà, phó chính ủy tiền phương, ra chiêu hồi, tại một vị trí của Việt Cộng, đánh bom B-52 đến lần thứ ba vẫn còn tác dụng. Vì vậy cứ hai tiếng đồng hồ, 6 lượt B-52 bay lên trút hàng trăm tấn bom xuống vùng “tam giác sắt” (tức vùng Củ Chi - Bến Cát - Dầu Tiếng). Dưới đất, chúng dùng chiến thuật “biệt kích tràn ngập lãnh thổ”. Giữa những cuộc hành quân lớn, chúng tổ chức các tổ biệt kích phục kích chủ yếu vào ban đêm trên tất cả các đường mòn Việt Cộng hay đi. Chiến thuật này gây cho ta nhiều tổn thất lớn và làm cho hoạt động của ta gặp rất nhiều khó khăn.


Đồng bào Tân Biên tản cư

Cách đánh của chúng là cho trực thăng khoảng 5-6 giờ chiều đổ một tiểu đội biệt kích xuống một vị trí gần một đường mòn Việt Cộng hay đi. Sau đó bí mật di chuyển đến đường mòn, gài trái pháo sáng và mìn claymore(1) ở hai đầu đường cách chỗ phục kích khoảng 50m. Khi Việt Cộng đi vấp dây gài pháo sáng, pháo sáng cháy sáng lên, chúng sẽ bấm ma nhê tô điện, mìn claymore nổ gây sát thương cho Việt Cộng.

Một buổi chiều năm 1969, tôi và anh Tư Thư, cán bộ ban tuyên huấn phân khu 1 (trước là cán bộ giáo dục đi B) đi theo một tốp bộ đội trung đoàn 16 từ căn cứ Bến Tranh, Thủ Dầu Một, định vượt sông Sài Gòn qua Củ Chi đột nhập vào ấp chiến lược Trung Hòa mua gạo. Tôi và Tư Thư cùng với ba đồng chí trinh sát đi đầu. Tốp đi sau cách 20m, khoảng mười người là các đồng chí đi tải gạo. Băng qua khu rừng Đất Un bị xe Mỹ cán rạp xuống đất, một thi thể bộ đội chết khô đã lâu nằm gác trên cái cây bật gốc, chúng tôi phải vượt nhanh qua vì trời còn sáng sợ máy bay phát hiện. Trời mưa lâm râm, chúng tôi lấy tấm ni lông ra choàng. Nơi nguy hiểm nhất là đường 14, biệt kích Mỹ hay phục kích.

Đợi trời nhá nhem tối, chúng tôi tiếp cận gần đường, lựu đạn rút chốt cầm tay, nằm nghe động tĩnh. Hồi lâu thấy yên một đồng chí trinh sát vọt lẹ qua đường quan sát xung quanh rồi trở lại khoát tay cho tổ trinh sát cùng tôi và Tư Thư băng qua, nhanh chóng lẫn vào rừng tre gai bị xe Mỹ ủi rạp. Vượt qua rừng tre gai lổm chổm là sẽ tới bờ sông Sài Gòn. Chúng tôi gài lại chốt lựu đạn, đeo vào thắt lưng. Trời tối. Tốp trinh sát đi đầu vượt qua khoảng 50m hết rừng tre gai bị ủi, vào rừng chồi lác đác những bụi le rũ xuống.

Bỗng nhiên tốp đi tải gạo phía sau vướng trái sáng, trái sáng bùng cháy phù phù sáng rực. Chúng tôi nghĩ có lẽ trước đây khi ủi rừng tre này địch đóng quân, gài pháo sáng để bố phòng, khi rút đi chúng còn bỏ lại. Vì vậy phải chạy lẹ xuống bờ sông kẻo địch ở các chốt khác nhìn thấy sẽ gọi pháo bắn. Vừa chạy được mấy bước bỗng nghe tiếng lính Mỹ xi xô sát bên, chúng tôi vội ngồi thụp xuống quan sát. Cách khoảng mười mấy mét phía trước nghe tiếng “bụp”, một trái pháo sáng tay(2) bay vọt lên nổ “bụp” trên không, bung dù ra một trái pháo sáng treo lơ lửng soi sáng cả khu rừng như ban ngày. Lúc này tôi mới nhìn rõ xung quanh. Những lều bạt của biệt kích Mỹ căng thấp dưới các bụi le cách tôi chừng mươi mét… Do trời mưa nên chúng rúc cả trong lều nói xi xô qua máy thông tin. Chúng tôi choàng tấm dù bông nép sát xuống mấy bụi cỏ. Có lẽ tụi Mỹ cho rằng do thú rừng đi ăn đêm vướng dây pháo sáng nên không bấm nổ mìn claymore. Chờ cho pháo sáng trên không rơi tới đất và tắt, chúng tôi rón rén rút ra. Khi chúng bắn tiếp pháo sáng khác thì ngồi thụp xuống. Cứ như vậy toàn bộ chúng tôi rút ra khỏi ổ phục kích Mỹ về lại căn cứ Bến Tranh an toàn để mấy hôm sau lại tiếp tục vượt đường 14 và sông Sài Gòn qua ấp chiến lược Trung Hòa mua gạo.

Điều tôi suy nghĩ mãi có phải Mỹ tưởng rằng do thú rừng đi ăn đêm vướng dây trái sáng nên không bấm nổ mìn claymore không? Quả là điều hi hữu khó tin! Nếu hôm đó chúng tôi là lính đặc công thì tiểu đội biệt kích Mỹ sẽ bị tiêu diệt gọn hơ.

4. Pháo Pol Pot cũng phải lép

Để lập công xun xoe với Mỹ, năm 1977 bọn phản động Trung Quốc cho đệ tử Khmer Đỏ Pol Pot - Ieng Sary đánh phá qua biên giới Việt Nam. Tại Tây Ninh, chúng tấn công qua Tân Biên giết hại dã man hàng trăm dân thường, trẻ em, thầy cô giáo. Chúng hãm hiếp phụ nữ, mổ bụng trẻ em quăng xuống giếng, đốt sạch làng mạc.

Sở Văn hóa Thông tin TP.Hồ Chí Minh chỉ thị cho Hãng phim tài liệu - thời sự cử một tổ làm phim đi lên Tây Ninh. Tháp tùng có một nhà báo Hungary. Tỉnh ủy và UBND Tây Ninh đón chúng tôi tại trụ sở ủy ban. Sau khi nghe tỉnh đội báo cáo tình hình, các đồng chí bộ đội dẫn chúng tôi lên hiện trường Tân Biên. Gần đến nơi, các đồng chí bộ đội dẫn đường yêu cầu xe chúng tôi dừng lại không đi nữa vì bọn Khmer Đỏ đang ở rất gần. Nhìn phía trước cả trăm mét thấy bộ đội vẫn đang bám trụ canh gác trên đường, chúng tôi yêu cầu cho lên hiện trường để tác nghiệp. Thấy chúng tôi quyết tâm, các đồng chí bộ đội dẫn đường cho chúng tôi lên tiếp. Đi khoảng vài trăm mét, các đồng chí ra hiệu chỉ vào vệ đường. Trời tối mịt, chúng tôi bật đèn pha rọi vô, sáu bảy xác chết chồng chất lên nhau, các thi thể đang trong quá trình phân rã, xộc lên một mùi nhức óc. May mà lúc ở ủy ban chúng tôi đã bỏ túi một số vỏ quýt. Bỏ vỏ quýt vào khăn tay, chụp lên mũi như khẩu trang chúng tôi nhanh nhẹn hoàn thành các cảnh quay, còn giúp rọi đèn cho bạn nhà báo Hungary chụp một số pô ảnh nóng hổi.


Tác giả bên đầu đạn sơn pháo 75 lép do quân Khmer Đỏ bắn trúng vị trí đoàn làm phim nhưng không nổ

Ngày hôm sau chúng tôi vào một xóm dân khi quân Khmer Đỏ vừa rút đi. Gần tới đã nghe tiếng khóc thảm thiết của các bà mẹ mất con, mất chồng. Bọn Khmer Đỏ man rợ tới mức không tưởng tượng nổi. Chúng mổ bụng phụ nữ kéo ruột ra giăng lên đường, chặt đầu trẻ em rồi thả thòng xuống giếng. Trước khi rút đi còn gài lựu đạn trên các đường mòn, bờ ruộng.

Các đơn vị quân đội ta đã được điều động để đánh trả quân Khmer Đỏ, đặc biệt là phải bắt được tù binh để khai thác và quay phim. Đêm, chúng tôi theo xe của bộ đội chạy đèn gầm từ Gò Dầu áp sát biên giới Campuchia để quay cảnh khai thác tù binh. Hôm sau chúng tôi được lệnh sẽ theo xe tăng đánh vào chốt Cây Me. Chúng tôi chờ xe tăng tại một đội hình bộ binh, các đồng chí bộ đội có công sự phòng thủ, còn tổ làm phim không có công sự phải nấp sau một vách tường đất của căn nhà hư.

Pháo của địch bên kia biên giới bắn qua, nổ ầm ầm trước ruộng. Lát sau nó chuyển làn bắn vào đội hình bộ đội. Một quả sơn pháo 75 xoèn xoẹt vút tới xuyên qua bức tường tổ làm phim đang nấp, bụi bung ra mù mịt, quả đạn rơi ngay vài thước sau lưng tôi, nó đâm xuống đất rồi trồi lên xoáy vòng tròn tại chỗ như con vụ nhưng không nổ. Tôi quen chiến trường nên đứng nhìn quả đạn lép, mừng thoát nạn, còn anh Quý quay phim sợ quá bỏ chạy, lao qua rạch, ướt hết hai cuộn phim. Ngày hôm đó có lẽ lo không an toàn nên chúng tôi không được cho theo xe tăng. Tôi chụp ảnh lại đầu đạn 75 lép để lưu niệm, còn các bạn làm phim thì lè lưỡi ớn lạnh một phen hú vía.♦


(1) Mìn claymore là mìn định hướng của Mỹ, vật sát thương là hàng trăm viên bi sắt nhỏ như đầu đũa, gây thương vong rất cao.

(2) Pháo sáng tay là trái pháo sáng có dù, đựng trong một cái ống nhôm nhỏ như ống thổi lửa, khi bắn chỉ cần tháo nắp có kim hỏa bên trong, lắp vào đít ống nhôm dộng nhẹ, thuốc tống sẽ bắn trái pháo lên cao bung dù rồi cháy sáng cả phút mới tắt.

NGUYỄN NGỌC HIẾN