Anh André Menras - Hồ Cương Quyết
thân mến!
Anh André Menras - Hồ Cương Quyết (gọi tắt là André Menras) có còn nhớ không? Tôi - Trịnh Phi Long - là một trong hơn 800 tù nhân chính trị bị giam giữ ở khu FG, Khám lớn Sài Gòn. Chúng tôi vẫn còn nhớ mãi: Khoảng giữa năm 1970 có hai người Pháp bị giam giữ ở khu ED. Hai anh đã đấu tranh với ngụy quyền Sài Gòn, đòi chúng cho các anh sang khu FG để thăm chúng tôi, nhiều lần bọn chúng giải quyết yêu sách của hai anh.
Ngày ấy, tất cả tù chính trị chúng tôi đều đồng phục, quần áo bà ba đen, khăn rằn quấn cổ. Vậy mà, hai “ông Tây” cũng xin được… đồng phục. Anh em tù chính trị chúng tôi đã nhờ gia đình may gởi vào cho hai bộ bà đen ngoại khổ, song các anh mặc vào vẫn ngắn cũn cỡn trông dễ thương làm sao. Từ ngày được trang bị… bà ba đen, khăn rằn, các anh luôn mặc bộ quần áo ấy trên người, quấn khăn rằn trên cổ đi lại trông có vẻ thích thú, tự hào. Hai “ông Tây” nói tiếng Việt lưu loát, các anh đã học thuộc và luôn hát hai bài ca: Kết đoàn và Giải phóng miền Nam.
Tìm hiểu về các anh, chúng tôi được biết anh Jean-Pierre Debris, sinh năm 1944, quê quán vùng Ăng-danh miền Bắc nước Pháp, còn anh André Menras, sinh năm 1945, quê quán ở Bêdi-ê tỉnh Hê-rôn miền Nam nước Pháp. Cả hai đều là giáo viên. Năm 1968, đều bị bắt đi quân dịch và được chính phủ Pháp lúc bấy giờ điều sang Việt Nam làm nhiệm vụ “hợp tác” với chế độ ngụy ở Sài Gòn. Sau đó, cả hai được cử ra Đà Nẵng dạy học.
Qua những tháng ngày sống ở miền Nam Việt Nam, hai anh nhận ra rằng: “…Cuối cùng còn có hàng chục con mắt luôn rình mò theo dõi ‘thằng Mỹ’ không lúc nào lơi, khôn khéo, thông minh, dũng cảm, nhưng cũng có cả nỗi đau khổ không thể tưởng tượng nổi, một tinh thần hy sinh thường xuyên cổ vũ những con người ưu tú nhất trong nhân dân Việt Nam…” (Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn - chúng tôi vạch tội. NXB Văn nghệ Giải phóng, năm 1974, trang 32).
Từ nhận thức như vậy, các anh nắn nót viết ra từng chữ bằng tiếng Việt nguyên văn như sau: “Thiệu, Kỳ… cũng như người Mỹ hứa hẹn hòa bình với các bạn, đồng thời họ tiếp tục và tăng cường chiến tranh. Những danh từ: dân chủ, tự do họ dùng không còn ý nghĩa gì nữa ở miền Nam Việt Nam. Đâu đâu sự có mặt của người Mỹ là đồng nghĩa với hoang tàn, tang tóc, tham nhũng, buôn gian bán lận, mại dâm… Con đường của hòa bình phải thông qua việc rút hết quân đội Mỹ và việc lật đổ những kẻ là công cụ của họ: Thiệu, Kỳ và Khiêm”. Các anh đã quay ronéo hơn 2.000 tờ và đã rải ở nhiều nơi như Đa Kao, Khánh Hội, Tân Sơn Nhất, Chợ Lớn…
Không hài lòng với việc chỉ rải truyền đơn, hai anh đã may một lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam dài 4m, rộng 2m để rồi đúng 12 giờ 45 ngày 25-7-1970 leo lên đầu tượng đài hai tên lính Thủy quân lục chiến ngụy cao đến 9m đặt tại công trường Lam Sơn, đối diện trụ sở Quốc hội ngụy, phất cờ và rải truyền đơn. Các anh đã bị chúng bắt, đánh đập dã man và đưa vào nhà lao Chí Hòa giam giữ cùng chúng tôi, các anh là đồng đội của chúng tôi. Hai anh có biết đâu rằng hành động, việc làm của hai anh đã cổ vũ, động viên anh em tù chính trị chúng tôi hữu hiệu biết nhường nào. Từ đây hai anh và chúng tôi đều có chung “đấu trường” đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ với Mỹ - ngụy, làm được bất cứ việc gì nhằm đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào mục tiêu chung giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Anh em tù chính trị chúng tôi đã đặt tên cho anh Jean-Pierre Debris là Hồ Tất Thắng, và anh André Menras là Hồ Cương Quyết (hai anh vinh dự được lấy theo họ của Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Được biết cuối năm 1972, ngụy quyền Sài Gòn đã thả và trục xuất các anh về Pháp. Các anh đã đem được tài liệu từ nhà tù Chí Hòa về tận Pháp trao lại cho đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ở bên ấy và viết sách tố cáo chế độ nhà tù khắc nghiệt của Mỹ - ngụy. Sách ấy đã nằm trên bàn Hội nghị Paris và được Liên Hiệp Quốc đồng ý, sách được dịch ra 7 thứ tiếng và lưu hành tại 21 quốc gia. Chính Jean-Pierre Debris - Hồ Tất Thắng đã mang sách ấy sang tận Mỹ tuyên truyền trong công chúng Mỹ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1977, hai anh sang Việt Nam và đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đón tiếp thân thiết như người nhà.
Năm 2002, anh André Menras sang Việt Nam, được công nhận là công dân danh dự của thành phố và được tặng Huy hiệu Thành phố Hồ Chí Minh. Lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh lúc bấy giờ tặng quà và hoa cho André Menras (ảnh).
.png)
Ảnh: PHI LONG
Năm 2009, anh được Chủ tịch nước ký Quyết định là công dân có quốc tịch Việt Nam. Tình nghĩa của Đảng Cộng sản - Nhà nước và Nhân dân Việt Nam thân tình, thắm thiết, nồng ấm với anh André Menras như vậy. Chúng tôi vui mừng khôn xiết khi anh André Menras nói: “Sự tình cờ ngẫu nhiên của cuộc sống và lịch sử đã trao cho tôi nhiệm vụ đoàn kết với Việt Nam” (báo Người lao động, 22-1-2012).
Vậy mà không hiểu vì lẽ nào, thời gian gần đây anh André Menras nói vậy mà không phải vậy! Anh viết: “…Và tôi thấy thảm họa mà chế độ nay đang buộc nhân dân Việt phải chìm xuống ngày càng sâu. Tham nhũng, đàn áp, cướp, bỏ trong tù, phá môi trường, bán rẻ tài nguyên, bán rẻ ngư dân cho địch. Không cho tưởng nhiệm [niệm] các liệt sĩ đã ngã xuống bảo vệ tổ quốc trước China có nghĩa là xúx [xúc] phạm tổ tiên, xóa bỏ lịch sử… một lũ bán nước phản dân ngày càng dữ như tại Đồng Tâm vào đêm rồi…”.
Anh André Menras ơi!
Đọc đoạn nói trên của anh tôi bị bất ngờ! Tôi không ngờ nhận thức của anh quá tệ! Thực tế, “ngay từ năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGS) về xóa nghèo, về đích trước 10 năm so với thời hạn (năm 2015)…
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng: “Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Tỷ lệ nghèo trong các dân tộc thiểu số tiếp tục giảm mạnh là kết quả rất đáng khích lệ, kết quả của những nỗ lực chính sách tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các dân tộc thiểu số…” (Quân đội nhân dân online, 5-5-2019).
Rõ ràng, tình hình chính trị, kinh tế xã hội - xóa đói giảm nghèo, dân số, quan hệ quốc tế của Việt Nam đều phát triển… được bạn bè quốc tế thừa nhận.
Còn nhận thức như anh thực tế không có trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng tôi: Nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ và 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 2019), chiều 11-7-2019, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dâng hương, hoa viếng các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Tại đây, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cùng đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ anh linh của các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ nghĩa trang Vị Xuyên, cũng như những người đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu đã bày tỏ lòng thành kính đối với sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ vì độc lập tự do của dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam (Thanh niên online, 11-7-2019).
Anh viết: “Không cho tưởng nhiệm [niệm] các liệt sĩ đã ngã xuống bảo vệ tổ quốc trước China có nghĩa là xúx [xúc] phạm tổ tiên, xóa bỏ lịch sử…”. Rõ là vịt cồ!
Ngay cả cố Thủ tướng, cố Phó tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Cao Kỳ còn có nhận thức:
“Nước Việt Nam có mất cho Tây cho Tàu đâu mà phục quốc? Chưa kể là một số người cho là 3 triệu người hải ngoại không thể nhân danh tổ quốc Việt Nam được. Và tôi từng hỏi nếu họ thật sự yêu nước thì họ phải biết ngồi im và biết suy nghĩ chứ đừng đi theo một lũ côn đồ, hám danh hám lợi, lừa gạt mọi người. Cứ nhân danh chính nghĩa quốc gia, nhân danh tự do dân chủ, nhân danh chống cộng, dân chủ mà đi lừa gạt người ta...” (Wikipedia)
Sự thật, đất sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm là đất quốc phòng, đất ấy được Nhà nước giao cho quân đội quản lý, phục vụ công tác phòng thủ, giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo độc lập, hòa bình, thống nhất của một quốc gia. Nếu như ở nước Cộng hòa Pháp có trường hợp tương tự, công dân Pháp có ai dám làm như ông Lê Đình Kình, lập ra “tổ đồng thuận” tập hợp được khoảng 20/9.400 nhân khẩu của toàn xã Đồng Tâm chuẩn bị lựu đạn, bom xăng, dao phóng… để chống lại chăng?
Theo thông báo của Bộ Công an: Từ 31-12- 2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn, thành phố Hà Nội theo kế hoạch. Trong quá trình xây dựng, sáng ngày 9-1-2020, một số người có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối tử vong, 1 đối tượng bị thương. Các đơn vị chức năng đã bắt giữ những người vi phạm pháp luật nghiêm trọng, và đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tại phiên xử sơ thẩm ngày 14-9-2020, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án 29 bị cáo, trong đó có 2 án tử hình, 1 án chung thân.
Ông Phạm Hồng Sỹ, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, cho biết: toàn xã có 9.400 nhân khẩu, sự việc vừa qua chỉ liên quan đến một nhóm nhỏ, do vậy “dư luận không nên và không thể đánh đồng toàn bộ người dân trong xã với một bộ phận có hành vi chống đối”. “Mọi người hãy đến Đồng Tâm và trực tiếp nhìn thấy đại đa số người dân đang sản xuất, lao động bình thường và chuẩn bị đón tết Nguyên đán”, ông Sỹ nói (VnExpress 20-1-2020).
Anh André Menras thân mến!
Theo tôi, người trí thức không cho phép chúng ta nghĩ sai, nói không đúng sự thật, làm điều không lương thiện; làm việc gì cũng phải nghĩ đến kết quả của nó. Đời người thành công hay thất bại chủ yếu do nhân tố chủ quan quyết định. Thời tuổi trẻ, anh đã không ngần ngại khó khăn, gian khổ, tù đày, thậm chí có thể hy sinh tính mạng để ủng hộ chúng tôi, ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và ngụy quyền tay sai để giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất nước nhà. Sự nghiệp vĩ đại ấy hoàn thành đã gần 45 năm. Tình nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong đó có các cựu tù chính trị chúng tôi đối xử với anh thắm thiết, chân tình, chan chứa như bát nước đầy; nay nỡ lòng nào anh đem đổ đi hả anh André Menras? Mong rằng anh có quyết tâm thật cao như thời tuổi trẻ để hoàn thành nhiệm vụ đoàn kết với Việt Nam như anh nói và bảo tồn tình nghĩa bạn bè thủy chung của chúng ta.
Chúc anh mạnh khỏe, chào anh!♦