Năm 1958, chị Lê Thị Bạch Cát thi đậu vào trường Thể dục Thể thao trung ương. Sau khi tốt nghiệp, chị trở thành cán bộ giảng dạy tại trường cho đến năm 1963… Được “đi B” vào Nam chiến đấu là ước nguyện của triệu triệu thanh niên miền Bắc thời ấy. Cô gái 25 tuổi, đã có nghề nghiệp chuyên môn ổn định như chị Bạch Cát đủ chín chắn để quyết định khi ký vào lá đơn tình nguyện ra đi. “Đời đẹp nhất là đời đi chiến đấu” là tâm thế lớp thanh niên miền Bắc những năm ấy. Lồng ngực thanh xuân của cô gái trẻ đã cùng đồng đội hòa nhịp bản quân hành. Năm 1964, chị được chọn về học tại Trường bồi dưỡng cán bộ đi B ở Phú Thọ.
Ngày 22-12-1964, chị trong đoàn cán bộ vượt Trường Sơn vào Nam. Trong số những người đi chung với chị trong chuyến ấy ngày nay còn sống có ông Trương Song Đức, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục TP.HCM; bà Phạm Kim Dung, đã từng công tác ở công đoàn Sở Giáo dục TP.HCM... Giữa tháng 7-1965, chị Bạch Cát về đến căn cứ Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định ở Bến Cát, Bình Dương. Chị tìm đường hợp pháp thăm thân nhân ở Đà Lạt. Nhân cuộc viếng thăm này, chị thuyết phục người cháu của mình là Lê Thành Dũng đi theo cách mạng. (Sau ngày hòa bình, ông Dũng công tác ở Sở Thương binh - Xã hội Đà Lạt). Sau đó, chị về Sài Gòn tham gia công tác Thành đoàn, chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968…
Từ tháng 5-1966, chị được phân công về lực lượng vũ trang Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định. Chính trong thời gian này, chị đã liên hệ với người anh ruột tên là Lê Văn Nghinh (cha của Lê Thành Dũng, lúc đó đang làm tài xế và sống tại Đà Lạt) để nhờ giúp đỡ, giới thiệu về sống tại nhà của ông Tô Thanh ở quận 4, cũng như liên hệ với một số cơ sở cảm tình cách mạng tại quận nhì cũ (nay thuộc quận 1). Ông Tô Thanh giải thích với mọi người: “Đây là cháu Đinh Thị Lan (tên căn cước giả của chị), sinh năm 1944, là cháu ruột, người đồng hương Nghệ An với tôi”. “Cháu Lan” của ông Tô Thanh phải làm đủ nghề kiếm sống, từ thợ may, bán chanh ớt, bán rau cải, làm hộp thiếc, làm nón… Chính tại đây, chị Bạch Cát đã giúp đỡ cho Tô Liên (năm 1988 là Chủ tịch UBND phường 8, quận 4, TP.HCM) - con trai của ông Tô Thanh - đến với cách mạng.
Từ gia đình Tô Thanh, chị Bạch Cát làm quen với một đồng hương Nghệ An khác. Anh làm nghề lái xe ở hẻm 83, trở thành cơ sở hoạt động của chị. Từ đó, chị chuyển vũ khí về ém trong những căn nhà này.
Trong Tổng tấn công và nổi dậy đợt I xuân Mậu Thân 1968, chị Bạch Cát tổ chức hoạt động võ trang tuyên truyền ở quận 4. Trong chiến dịch này, chị nhận nhiệm vụ phát động quần chúng nổi dậy bằng võ trang đánh vào hẻm Hiệp Thành (Bến Vân Đồn). Những đội viên cảm tử trong Đội võ trang tuyên truyền do chị Bạch Cát chỉ huy như Tô Liên, Phan Giáo Dục, Lê Hòa... đã treo được lá cờ cách mạng từ 23 giờ đến 3 giờ đêm mồng 1 rạng sáng mồng 2 Tết Mậu Thân. Trong tổng tấn công giữa nội đô Sài Gòn vào khoảng tháng 3-1968, chị Bạch Cát chuyển về quận nhì cũ, nhận nhiệm vụ Quận ủy viên, phụ trách Bí thư Quận đoàn, chuẩn bị tấn công đợt II chiến dịch Mậu Thân. Theo kế hoạch, mũi võ trang tuyên truyền do chị phụ trách hợp đồng cùng các mũi võ trang khác của quận nhì cũ và thành phố, đồng loạt tấn công bất ngờ lần thứ II vào các cơ quan đầu não của ngụy quyền tay sai Sài Gòn. Chị đã chọn hẻm 83 Đề Thám, nơi chị đã xây dựng được các cơ sở cách mạng như gia đình ông Trần Văn Quỳ, ông Trần Quới Huê… làm nơi chuyển cất vũ khí, tập kết lực lượng và xuất kích.
Theo ông Nguyễn Chí Nhân (Hai Nhân), phụ trách quân sự, Phó bí thư Quận ủy thì chị Bạch Cát chọn địa điểm quận nhì cũ khởi nghĩa cũng nhằm mục đích tấn công vào Ty Cảnh sát quốc gia ở 72 Yersin (ngày nay là trụ sở Công an quận 1).
.png)
Nữ biệt động Hồng Quân (Đào Thị Huyền Nga); trong trận đánh ở hẻm 83 đường Đề Thám, năm 1968, chị bị đạn làm gãy cánh tay, chị đã dũng cảm cắt cánh tay và tiếp tục chiến đấu
Đúng vào giờ G, khoảng 5 giờ sáng ngày 5-5- 1968, từ hẻm 83, chị Lê Thị Bạch Cát đã cùng với các đồng chí của chị là Trần Thị Viễn, Hồng Quân, Võ Thị Út, Phan Văn Phê, Nguyễn Hữu Phước Sáu, Quang (16 tuổi, Việt kiều ở Lào), Hà Văn Tiết… nhất tề kêu gọi nhân dân nổi dậy “diệt ác phá kiềm”, đồng thời phân phát truyền đơn, tuyên truyền đường lối Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam. Lệnh khởi nghĩa vừa được phát thì trên chung cư Cô Giang, một tiểu đoàn cảnh sát dã chiến đã bố trí nã đạn xuống. Chị Bạch Cát bị thương nặng. Cảnh sát dã chiến và cảnh sát quận nhì cũ bao vây hai mặt tấn công, từ trên cao bắn xuống và từ ngoài bắn vào. Anh Hà Văn Tiết cũng bị thương nặng. Chị Hồng Quân bị đạn làm gãy cánh tay; để đỡ vướng víu, chị cắt cánh tay tiếp tục chiến đấu. Chị Bạch Cát dù đang trong tình trạng bị thương nặng nhưng hiểu tình thế đã trở nên nguy kịch. Chị truyền lệnh cho đồng đội rút quân - cải trang thành thường dân, hòa vào đám đông đồng bào đang tản cư để ra khỏi khu vực chiến đấu. Tấm lòng bà con đô thị năm ấy thật cảm động. Để giúp bộ đội rút lui được an toàn, trong bom rơi đạn nổ, máu lửa ngập tràn, có những bà mẹ ở hẻm 83 sẵn lòng cho các chiến sĩ Giải phóng bế những đứa con còn đang tuổi nằm nôi của mình để làm thế hợp pháp rút ra ngoài. (Theo lời chị Hồng Quân kể, hai em bé - hai “chiến sĩ tí hon” năm ấy giờ đã trưởng thành, vẫn sống tại khu vực cũ). Trước khi rút đi, chị Thu quyết định trao lại cho chị Bạch Cát, Hồng Quân - hai đồng đội đang bị thương nặng - mỗi người một quả lựu đạn. Đó là một cuộc chia tay đầy cảm động, bởi trước lúc vào trận, những chiến sĩ cùng có chung lời thề quyết tử, sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng.
Chị Thu vừa rút đi thì nghe phía sau mình vang lên một tiếng nổ dữ dội. Chị đoan chắc đó là tiếng nổ trái lựu đạn quyết tử của chị Bạch Cát. Trận chiến đấu ấy, chị Bạch Cát hy sinh, nữ chiến sĩ Hồng Quân bị địch bắt làm tù binh, bị đày đi nhà tù Côn Đảo…
Bà con ở hẻm 83 khu vực Đề Thám đã chứng kiến hành vi trả thù hèn hạ của địch. Vào khoảng 7 giờ sáng hôm ấy, quân cảnh sát dã chiến thu dọn chiến trường. Chúng cột chân, tay chị Bạch Cát từ hẻm 83 lôi xềnh xệch trên mặt đường ra ngã năm. Thi thể chị Bạch Cát tơi tả. Chúng còn hèn hạ cởi áo chị rồi để bàn tay anh Hà Văn Tiết, người chiến sĩ cùng hy sinh với chị trong trận đánh đặt lên ngực chị, nhằm làm nhục những chiến sĩ cách mạng. Nhưng hành vi ấy của chúng càng làm tăng thêm lòng căm thù trong lòng đồng bào...
Theo lời kể của đồng đội, trên tuyến đường vượt Trường Sơn vào Nam, chị Bạch Cát có một mối tình rất lãng mạn và cảm động. Chị rất mong gặp lại anh sau chiến dịch Mậu Thân 1968. Nhưng mãi mãi chị không bao giờ thực hiện được ý định ấy. Chị hy sinh khi bước vào tuổi 28 tràn đầy hứa hẹn. Để tưởng nhớ chị, thành phố Hồ Chí Minh đã lấy tên chị đặt cho một con đường thuộc khu vực phường 13, quận 11. Lê Thị Bạch Cát, tên chị đẹp như một dòng cát trắng sáng lên lấp lánh giữa thành phố Sài Gòn đã thấm máu bao thế hệ chiến sĩ cho ngày giải phóng…♦