HV153 - NGUYỄN VIẾT LÃM - người hiền của một thế hệ đã qua

Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm (1919 - 2013)

Đầu năm Quý Tỵ 2013, nghe tin nhà thơ Nguyễn Viết Lãm qua đời tại thành phố cảng Hải Phòng, nơi ông đã gắn bó hơn nửa cuộc đời mình, tôi không bất ngờ mà chỉ cảm thấy bàng hoàng, thương xót. Những người bạn văn thơ cùng thời với ông đã lần lượt ra đi từ lâu.Trong cảm nhận của tôi, ông thực sự là một người hiền của thế hệ “khai sơn phá thạch”, sáng lập nên Hội Nhà văn Việt Nam. Những người như ông đóng góp cho nền văn học nước nhà không chỉ bằng các tác phẩm của mình mà còn bằng cả cuộc đời cầm bút, hết lòng gắn bó với sự nghiệp văn chương của đất nước. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Viện Văn học chúng tôi tổ chức cuốn hồi ức tư liệu về đời sống văn học thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Khi nhận được thư mời của chúng tôi, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm đã cộng tác rất tích cực. Bài viết Miền Nam Trung Bộ, đất thơ trong kháng chiến chống Pháp của ông đã cung cấp nhiều tư liệu quý về những hoạt động văn học nghệ thuật ở vùng đất Quảng Ngãi - quê hương ông. Ông đã kể lại thật sinh động kỷ niệm về những người bạn từ thời trước cách mạng như Chế Lan Viên, Quách Tấn, Hàn Mặc Tử… Suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Quảng Ngãi trở thành trung tâm chính trị của miền Nam Trung Bộ và Nguyễn Viết Lãm có vai trò không nhỏ đối với những hoạt động văn nghệ thời kỳ này với vai trò là người phụ trách phong trào. Trong những năm chống Pháp, anh em viết văn làm thơ của miền Nam Trung Bộ đã nỗ lực vượt qua những khó khăn của chính mình để vươn tới những giá trị thẩm mỹ mới. Nhóm Bạn Học - một tổ chức văn học nghệ thuật được thành lập với sự gợi ý của đồng chí Phạm Văn Đồng, do Phan Thao và Nguyễn Viết Lãm phụ trách, đã thu hút đông đảo văn nghệ sĩ trí thức Quảng Ngãi - ngày càng phát triển, hoạt động ở phạm vi rộng đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến. Sau này nhóm Bạn Học đã được chuyển thành Đoàn Văn hóa kháng chiến bao gồm các giới khoa học, giáo dục, văn nghệ, trong đó văn học nghệ thuật vẫn là hoạt động chủ yếu. Những thông tin trong bài viết đã cho thấy những hoạt động sôi nổi của cả một thế hệ trí thức văn nghệ sĩ đồng hành cùng dân tộc mà trong đó nhà thơ Nguyễn Viết Lãm đã thầm lặng đóng góp bằng rất nhiều hoạt động đáng trân trọng. Và một điều ít ai biết là ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm đã có tập sách nghiên cứu lý luận: Một nền văn nghệ nhân dân, với mục đích khiêm tốn là hướng dẫn phong trào trong bước đi ban đầu. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên về thể loại này được phát hành nhân dịp Đại hội văn nghệ Liên khu V năm 1950.

Nguyễn Viết Lãm góp mặt với đời sống văn học nước nhà trong nhiều tư cách: nhà thơ, nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu biên khảo. Nhưng có lẽ ông được biết đến nhiều hơn cả trong tư cách nhà thơ. Nguyễn Viết Lãm làm thơ từ thời Thơ mới và là bạn thân của một số nhà thơ nổi tiếng đồng hương miền Trung như Chế Lan Viên, Hàn Mạc tử, Quách Tấn, Yến Lan, Tế Hanh… nhưng ông không có may mắn lọt được vào tập sách Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân. Nhưng có thể thấy, giữa những phong cách, những giọng điệu của “một thời đại mới trong thi ca” đó, Nguyễn Viết Lãm đã có một điệu hồn riêng với những câu thơ mang màu sắc hiện đại khá mới mẻ:

Anh lắng giữa đêm dài

Khe khẽ tiếng màu đi

Qua những kẽ bàn tay không cầm hương được nữa

Qua những kẽ thời gian rạn vỡ

Sáng sáng anh tìm

Một chút màu xưa nhạt mất trong đêm... (Màu đi)

“Khe khẽ tiếng màu đi… không cầm hương được nữa” - hình như trước đó trong thơ lãng mạn Việt Nam chưa ai viết thế. Màu sắc, hương thơm làm sao có thể níu giữ được? Câu thơ thật cụ thể mà cũng đầy tượng trưng hư ảo! Kiểu thơ đó sau này không còn in dấu trong thơ Nguyễn Viết Lãm. Đi theo cách mạng, bước vào thời kỳ kháng chiến dường như nhà thơ cũng đã cố gắng để thay đổi lối thơ quen thuộc của mình. Ông đã kể lại trong hồi ký:

“Năm 1947, trong một tập thơ in li-tô (do nhóm in của anh Phan Huỳnh Điểu phụ trách tại Sông Vệ, Quảng Ngãi), anh Tế Hanh đã viết:

Sang bờ tư tưởng ta lìa ta

Một tiếng gà lên tiễn nguyệt tà…

Đó cũng là tiếng nói chung của nhiều anh em thế hệ chúng tôi. Nhưng sự phấn đấu để khắc phục những mâu thuẫn nội tại của thế giới quan, của quan điểm thẩm mỹ không dễ gì một sớm một chiều mà kết thúc. Giữa 1947, báo Giữ vững xuất bản ở Quảng Ngãi in bài thơ Men xanh của tôi, tuy được khen hay, nhưng đó là bài thơ đậm nét chủ nghĩa ấn tượng, xích gần đến siêu thực… Tôi nhận được thư của anh Lê Văn Nhiễu, chính ủy mặt trận An Khê, cho biết bộ đội ở Tây Nguyên cám ơn bài thơ dài Tú Thủy của tôi đăng ở tạp chí Kháng chiến của Quân đội miền Nam Trung Bộ, nói về những anh hùng hy sinh trong trận đánh lớn đầu tiên ấy. Nhưng tôi vẫn thấy, sau khi bài thơ được phổ biến, còn nhiều tính chất anh hùng phong kiến, bàng bạc cái không khí bi tráng nhất khứ bất phục phản (một đi không trở về) của thơ cũ”.

Qua những lời tâm sự đó có thể thấy nhà thơ đã chủ ý thay đổi lối viết trước đây của mình, để thơ đến được gần hơn với cuộc đời chung rộng lớn. Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, sau 1954, Nguyễn Viết Lãm tập kết ra miền Bắc. Tiếp xúc với hiện thực cuộc sống mới, nhà thơ hăm hở sáng tác. Trong thơ ông có hai nguồn cảm hứng chủ đạo. Đó là lòng thương nhớ quê hương miền Trung trong xa cách đợi chờ và hiện thực mới của đất nước đang từng ngày thay da đổi thịt. Tập thơ Chân trời ra đời năm 1961 tập hợp hàng loạt bài thơ viết về bức tranh lao động sản xuất trên miền Bắc như Người gác đèn biển, Đàn chim non trên cửa biển, Đêm cuối năm trên cảng, Tiếng hát người ra biển và đặc biệt là bài Hạ Long, đêm bốc vác. Bài thơ mang đậm cảm hứng hào sảng, ngợi ca khí thế mới của đất nước trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, đồng thời cũng thể hiện những cảm xúc tràn đầy của một tâm hồn thơ hết lòng gắn bó, yêu thương cuộc đời:

Bờ quê hương có ai thương nhớ nhỉ

Đèn Hồng Gai thao thức dãy sao khuya?

Yêu đất nước đôi vai càng không nghỉ

Trăng hãy chờ ta, trăng vội chi về?

 

Sương mờ xanh, Hạ Long còn lạnh giá,

Nhưng mồ hôi mưa xối đổ lưng trần,

Tay cần trục theo tay người hối hả,

Chưa kịp nhìn, trời nước đã sang xuân!

 

Sao mai ơi, vội vàng chi dậy sớm,

Biển chưa nghe giọng gáy núi Đôi Gà

Trăng dù xế, mây hồng dù đã chớm,

Vạn tấn hàng nao nức vượt khơi xa.

 

Dang tay đón đầu tiên hơi gió sáng

Tự chân trời thổi nắng tới non cao,

Ta xin gởi lòng ta về hải cảng

Với cả niềm vui sóng vỗ thân tàu.

Hạ Long, đêm bốc vác cùng với một số bài thơ sáng tác thời kỳ này như Ngói mới của Xuân Diệu, Bài ca xuân 61 của Tố Hữu, Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận, Nông trường cà phê của Tế Hanh, Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên… đã ghi lại thật ấn tượng khung cảnh và khí thế của một thời hòa bình, kiến thiết và dựng xây đất nước.

Trong thơ Nguyễn Viết Lãm, nổi bật lên tình cảm sâu nặng đối với hai vùng đất. Đó là Quảng Ngãi quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn với bao nhiêu kỷ niệm gắn bó với gia đình, tuổi thơ. Nơi có con sông Trà Khúc hiền hòa thơ mộng (Tôi nằm đây, dù khát quê hương/ Thiếu tiếng bờ xe trưa gió nồng/ Trà Khúc vẫn nguyên lòng sỏi trắng/ Mưa chiều nắng quái xế ngang sông…; Dài như năm tháng chờ mong/ Nước sông Trà vừa ngọt vừa trong/ Sông nước ấy nguôi sao lòng mẹ!), có đỉnh núi Thạch Bích oai nghiêm hùng vĩ, có những vườn dâu xanh loáng bạc giữa đêm sương, những rừng cờ mía sáng trưng màu lụa bạch… Suốt những tháng năm dài sống trên đất Bắc, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm luôn mang nặng trong lòng nỗi hoài nhớ quê hương. Ngày 24-3- 1975, Quảng Ngãi được giải phóng, nhà thơ đã kịp thời sáng tác bài thơ Quảng Ngãi quê ta giải phóng rồi để gửi vào đó bao tình thương nỗi nhớ và lòng tự hào biết ơn tha thiết:

...

Những người con từ núi rừng khởi nghĩa

Trà Bồng, Ba Tơ đổ xuống trung châu

Nước mắt sẽ khôn ngăn trên khuôn mặt sạm nâu

Các chiến sĩ bước lên nền đất cũ…

Xin gửi lòng biết ơn về quê hương chốn cũ,

Nửa thế kỷ hy sinh để được có hôm nay…

Và tình yêu thứ hai ông dành cho Hải Phòng - vùng đất ông đã hơn nửa đời gắn bó. Không sinh ra ở thành phố này, song phần lớn thời gian trong cuộc đời và sáng tác, ông gắn bó với mảnh đất và con người Hải Phòng. Tính từ khi ông chuyển về làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Hải Phòng năm 1962 cho đến khi qua đời, nhà thơ có hơn nửa thế kỷ gắn bó, chứng kiến những thăng trầm, đổi thay của thành phố cảng. Những địa danh của thành phố hoa phượng đỏ: từ sông Cấm đến bến Bạch Đằng, từ bóng núi Tràng Kênh đến cửa khơi Nam Triệu, từ Lạc Viên, Đình Hạ đến bến cảng, An Lão, Thủy Nguyên… đã đi vào thơ ông thật tự nhiên, gần gũi. Hải Phòng thực sự trở thành quê hương thứ hai của nhà thơ Nguyễn Viết Lãm. Những vần thơ ông viết về biển, về màu xanh áo thợ, về những người thủy thủ, về những con tàu lướt sóng ra khơi mạnh mẽ, cuồn cuộn sức trẻ… là những minh chứng cho tình cảm sâu nặng của ông đối với Hải Phòng.

Mùa Xuân trên sông Cấm

Chảy tràn năm cửa ô

Nắng xua tan sương mờ

Tình đời trẻ trung dạt dào trong mạch sống

Đường 14 Đồ Sơn gió lộng

Đến rừng xưa vỗ sóng Bạch Đằng Giang…

                                        (Xuân quê hương)

Khác với các anh chị đồng nghiệp ở Hải Phòng, có nhiều dịp làm việc và tiếp xúc với nhà thơ Nguyễn Viết Lãm, tôi được gặp và trò chuyện với ông chỉ đôi ba lần. Mặc dù ông là bạn, lại là người đồng hương miền Trung với cha tôi - nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và chú tôi - nhà thơ Lưu Trùng Dương. Từ thời kháng chiến chống Pháp họ đã có thời gian cùng hoạt động ở Hội Văn nghệ Liên khu V. Tôi còn nhớ lần ông đến nhà thăm cha tôi. Khi đó thành phố Đà Nẵng, quê hương tôi vừa được giải phóng ngày 29-3-1975. Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, Hải Phòng và Đà Nẵng là hai thành phố biển kết nghĩa anh em. Hôm đó nhà thơ Nguyễn Viết Lãm đọc cho cha tôi nghe những câu thơ của mình trong niềm rưng rưng xúc động: “Đường xa cách chỉ đậm thêm nỗi nhớ/ Trong tình yêu không tường chắn không gian/ Yêu Đà Nẵng cả trong từng hơi thở/ lòng Hải Phòng nồng ấm như mùa xuân/ Mỗi tầm khuya nghe còi xa gọi bến/ Mỗi bình minh nhìn sông Cấm sương tan/ Người Hải Phòng nổi sôi lồng ngực biển/ Hướng về Nam day dứt nhớ sông Hàn”. Là những người con miền Trung các ông rất vui sướng và đang háo hức đợi ngày về thăm quê hương. Nhưng niềm vui như lắng lại, khi các ông cùng nhắc đến nhà thơ Nguyễn Đình, người Quảng Ngãi, là hàng xóm cùng ở trong khu nhà tập thể với gia đình tôi. Các ông thương bạn đã mất nên không được chứng kiến niềm vui hôm nay. Nguyễn Viết Lãm là người như vậy, luôn biết chia sẻ với niềm vui và nỗi đau của bạn. Phải chăng vì thế mà ông đã linh cảm để viết bài thơ Nguyện cầu gửi Hoan (Chế Lan Viên), ngày ly biệt: “Bạn mắc bệnh hiểm nghèo nhà lại ngặt/ lòng mình đau giống nỗi bạn đau xưa/ Mình sẽ cầu Khúc tinh như ngày nào Hàn Mặc Tử/ Níu giữ Hoan không cho bạn xa đâu”.

Lần cuối cùng tôi gặp ông là ở Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII, tháng 8-2010, khi đó ở tuổi 90, sức khỏe nhà thơ Nguyễn Viết Lãm đã giảm sút, bên cạnh ông luôn có người bạn đời theo sát từng bước. Ông mặc bộ đồ lụa mỡ gà, đi đứng chậm chạp nhưng trí nhớ vẫn còn mẫn tiệp. Tôi còn được nghe ông nhắc lại với nhà thơ Lưu Trùng Dương những kỷ niệm về một thời hoạt động sôi nổi của các ông. Các ông nói với nhau, tuy sức yếu nhưng vẫn cố đi dự Đại hội, vì đây là dịp hiếm có để được gặp đông đảo anh em, bạn bè, biết kỳ Đại hội sau thế nào? Nhìn các ông trò chuyện, tôi ngậm ngùi nhớ đến bài thơ Đề từ của Chế Lan Viên: “Anh như ông vua Thục/ Bị đuổi khỏi thời gian/ Trước mặt là bể lớn/ Sau lưng đất chẳng còn”.

Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm đã sống một cuộc đời trọn vẹn với thơ ca, với những vùng đất quê hương mà ông yêu thương gắn bó. Những bài thơ ông để lại không phải đều đạt hiệu quả nghệ thuật. Còn không ít bài dàn trải, kể lể, đơn điệu. Nhưng với tất cả những gì đã đóng góp cho nền văn nghệ nước nhà, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm xứng đáng với sự tưởng nhớ và tôn vinh của các thế hệ đi sau.♦


     
Tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký​


Nhà văn Tô Hoài​

 

     Nhân 100 năm ngày sinh

     nhà văn Tô Hoài (1920 - 2020)

  Cậu bé hàng xóm

ĐỖ TRUNG LAI

     Tôi bảo cậu:

     - Phải! Cụ Tô Hoài đã mất

     khóc mãi cũng vậy thôi

     cụ sống lại đâu nào?

     Nghe tôi nói, cậu càng thêm mếu máo:

     - Con Dế Mèn, họ… chôn nó nơi nao?

 

     Ôi cậu bé Tô Hoài chưa từng gặp

     Cậu khóc Cụ Tô hay khóc Dế Mèn

     Cụ viết sách và tôi cho cậu mượn

     Để bây giờ, cậu lẫn hết tuổi tên.

 

PGS-TS LƯU KHÁNH THƠ (Viện Văn học)