Lớn lao thay, Thánh triều ta!
Đức Thái Tổ Cao Hoàng đế trí dũng trời cho, dựng xây nghiệp lớn, diệt trừ tàn bạo, cứu dân lầm than. Khi vũ công đã ổn định, văn đức liền mở mang, nhằm thu nạp anh tài, đổi mới chính trị. Bèn xuống chiếu cho thiên hạ xây dựng nhà học, bồi dưỡng hiền tài. Trong kinh đô có Quốc Tử Giám, ngoài các phủ có nhà học. Người thân hành chọn con cháu các quan và thường dân tuấn tú vào làm học sinh các cục Nhập thị, Cận thị, Ngự tiền và làm giám sinh Quốc Tử Giám. Lại sai quan chuyên trách tuyển rộng trong dân gian lấy con em các nhà lương thiện vào làm sinh đồ ở các phủ, cử thầy dạy bảo, khắc sách ban cho. Nền tảng bồi dưỡng nhân tài thực là rộng lớn vậy. Còn như cách thi kén kẻ sĩ thì hoặc làm bài minh kinh(3), hoặc phú, hay luận, hoặc vua ra đề văn sách(4), rồi tùy bài học mà cất nhắc trọng dụng. Thuở ấy tuy chưa đặt tên khoa Tiến sĩ, nhưng thực chất thì đại khái đã đủ. Đặt nền móng thái bình cho muôn đời bắt đầu từ đấy.
Vẻ vang thay! Đức Thái Tông Văn Hoàng đế, nối tiếp nghiệp lớn làm rạng nếp xưa, xem xét nhân văn giáo hóa thiên hạ, coi trọng đạo sùng Nho là việc hàng đầu, cho cầu hiền, kính trời là mưu kế tốt. Người nghĩ rằng: mở khoa thi chọn sĩ tử là việc phải làm trước hết trong phép trị nước. Làm đẹp triều đình, mở mang giáo hóa cho đời thịnh trị là nhờ ở đó. Sửa sang chính sự đặt mọi việc giáo hóa nhân dân, gây phong tục tốt cũng là nhờ ở đó. Các bậc đế vương xưa làm nên sự nghiệp trị bình không ai không theo con đường ấy.
Đức Thánh Tổ Hoàng đế [Lê Thái Tổ] đã định ra mực mẫu nhưng chưa kịp thi hành. Nay chính là lúc phải làm rạng rỡ đời trước, khuyến khích đời sau. Năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) bèn mở rộng xuân vi(5), họp thi kẻ sĩ. Khi ấy có 450 người ứng thí, qua bốn kỳ(6), 33 người trúng cách. Quan chuyên trách kể tên dâng lên, vua sai chọn ngày cho vào đối sách ở sân rồng. Lúc ấy các bề tôi là Lê Văn Linh, Thượng thư Tả bộc xạ làm Đề điệu(7); Triệu Thái, Ngự sử đài Thị Ngự sử làm Giám thí cùng các quan viên Tuần xước(8), Thu quyển, Di phong(9), Đằng lục(10), Đối độc(11), mỗi người một việc. Ngày mồng hai, tháng hai, vua ngự ở điện Hội Anh, thân hành ra đề sách vấn. Ngày hôm sau các quan Độc quyển là các bề tôi Nguyễn Trãi(12), Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ kiêm Trung thư Quốc sử sự; Nguyễn Mộng Tuân, Trung thư sảnh Trung thư Thị lang; Trần Thuấn Du, Nội mật viện Tri viện sự và Nguyễn Tử Tấn, Quốc Tử Giám Bác sĩ đem quyển dâng đọc, rồi đệ lên vua xem xét định thứ bậc cao thấp. Vua cho Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Như Đổ đỗ Bảng nhãn, Lương Như Hộc đỗ Thám hoa, bọn Trần Văn Huy gồm bảy người đỗ Tiến sĩ và bọn Ngô Sĩ Liên gồm hai mươi ba người đỗ Phó bảng, những danh hiệu này gọi theo các đời trước. Ngày mồng ba tháng hai xướng danh treo bảng, để tỏ rõ cho đông đảo sĩ phu thấy sự vẻ vang. Ân ban tước trật để biểu dương, cấp mũ đai y phục để tô điểm, cho dự yến Quỳnh Lâm(13) để tỏ lòng yêu mến, cho ngựa tốt về quê để rõ ý ân cần. Sĩ thứ đất Tràng An(14) đâu đâu cũng tụ tập lại xem, đều ca ngợi thánh triều chuộng Nho, xưa nay ít thấy.

Khuê Văn Các ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Ngày mồng bốn, bọn Trạng nguyên Nguyễn Trực dâng biểu tạ ơn. Ngày mồng chín từ giã bệ ngọc vinh quy. Đó là khoa đầu tiên của Thánh triều ban ơn long trọng, cho đến nay sĩ phu vẫn còn ca ngợi. Từ đấy về sau, thánh nối thần truyền, vẫn theo lệ cũ.
Ngày nay, đức Thánh thượng trung hưng(15) nghiệp lớn, nhân văn mở rộng nền văn hóa, chế độ hoàn toàn đổi mới, tiếng tăm lừng lẫy khắp nơi. Nhất là phép chọn kẻ sĩ thì lại càng lưu ý, những việc đời trước đã làm nay noi theo và giữ lấy, những việc đời trước chưa đủ nay mở rộng và làm thêm. Sau khi lô truyền(16), yết bảng lại dựng đá đề danh để khuyến khích lâu dài. Phép hay ý tốt đều làm đến nơi đến chốn. Ôi, tốt đẹp thay!
Nay thấy các khoa thi từ niên hiệu Đại Bảo thứ 3 về sau, việc dựng đá đề danh còn thiếu. Bọn Quách Đình Bảo, Thượng thư bộ Lễ kính vâng lệnh trên đem tên những người đỗ, theo thứ bậc khắc vào bia đá và xin đổi Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa làm Tiến sĩ cập đệ, đổi Phó bảng làm Đồng Tiến sĩ xuất thân, theo thể chế mới. Vua cho lời tâu là đúng, sai bọn Thân Nhân Trung chia nhau làm bài ký.
Kẻ bề tôi này kính vâng lời thánh, vui mừng khôn xiết. Nghĩ rằng việc dựng bia một khi được tiến hành thì ý tốt cầu hiền tài, mưu thịnh trị của thánh tổ thần tông được lưu truyền lâu dài. Đó chính là phép lớn để rèn giũa người đời và là điều rất may cho Nho học.
Thần dẫu nông cạn vụng về, nhưng đâu dám từ chối, xin kính cẩn chắp tay cúi đầu mà làm bài ký rằng:
“Hiền tài là nguyên khí(17) của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Vì vậy các bậc thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quý trọng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng. Đã yêu mến cho khoa danh, lại đề cao bằng tước trật. Ban ân rất lớn mà vẫn cho là chưa đủ, lại cho ghi tên trên tháp Nhạn(18), tán dương long hổ(19). Lại đề tên, bày tiệc Văn Hỉ(20). Triều đình mừng được người tài, không có việc gì không làm đến mức cao nhất”.

Bia tiến sĩ
Nay thánh minh lại cho rằng chuyện hay việc tốt tuy có một thời lừng lẫy, nhưng lời khen tiếng thơm chưa đủ lưu vẻ sáng lâu dài, cho nên lại dựng đá đề danh đặt ở cửa Hiền Quan(21), khiến cho kẻ sĩ trông vào mà phấn chấn hâm mộ, rèn luyện danh tiết, gắng sức giúp vua. Há chỉ là chuộng văn suông, ham tiếng hão mà thôi đâu.
Ôi, kẻ sĩ chốn trường ốc lều tranh, phận thật nhỏ mọn mà được triều đình đề cao rất mực như thế, thì họ phải làm thế nào để tự trọng tấm thân mà ra sức báo đáp?
Hãy đem họ tên những người đỗ khoa này mà điểm lại. Có nhiều người đã đem văn học, chính sự ra tô điểm cho cảnh thịnh trị suốt mấy chục năm, được quốc gia tin dùng. Cũng không phải không có những kẻ vì nhận hối lộ mà hư hỏng, hoặc rơi vào hàng ngũ bọn gian ác, có lẽ vì lúc sống họ chưa được nhìn vào tấm bia này. Ví thử khi đó được mắt thấy thì lòng tràn đầy thiện ý, ý xấu bị ngăn chặn, đâu còn dám nảy sinh như vậy được? Thế thì việc dựng tấm bia đá này ích lợi rất nhiều: kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện theo đó mà gắng, dẫn việc dĩ vãng, chỉ lối tương lai, vừa để rèn giũa danh tiếng cho sĩ phu, vừa để củng cố mệnh mạch(22) cho Nhà nước, Thánh thần đặt ra đâu phải là vô dụng. Ai xem bia nên hiểu ý câu này.
Bề tôi kính ghi:
Bề tôi, Phụng trực Đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ, Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung vâng sắc soạn(23).
Bề tôi, Cẩn sự lang Trung thư giám chính tự, Nguyễn Tủng vâng sắc viết.
Bề tôi, Mậu Lâm lang Kim Quang môn Đãi chiếu, Tô Ngại vâng sắc khắc chữ.
Hoàng Việt ngày rằm tháng 8, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484) dựng bia:
Cho đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 7 người. .
1. Trần Văn Huy, huyện Bất Bạt, phủ Thao Giang.
2. Hoàng Sằn Phu, huyện Vĩnh Ninh, phủ Thiệu Thiên.
3. Nguyễn Hộc, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa.
4. Vũ Lãm, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu.
5. Nguyễn Hữu Phu, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai.
6. Hoàng Cư, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín.
7. Trần Bá Linh, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn.
Cho đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, 23 người.
1. Ngô Sĩ Liên, huyện Chương Đức, phủ Ứng Thiên.
2. Nguyễn Duy Tắc, huyện Tiên Lữ, phủ Khoái Châu.
3. Nguyễn Cư Đạo, huyện Gia Định, phủ Thuận An.
4. Phan Viên, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa.
5. Nguyễn Đạt, huyện Thanh Đàm, phủ Thường Tín.
6. Bùi Hựu, huyện Chương Đức, phủ Ứng Thiên.
7. Phạm Như Trung, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách.
8. Trần Đương, huyện Đông An, phủ Khoái Châu.
9. Ngô Thế Dụ, huyện Kim Hoa, phủ Bắc Giang.
10. Khúc Hữu Thành, huyện Thiện Tài, phủ Thuận An.
11. Lê Lâm, huyện Bất Bạt, phủ Thao Giang.
12. Nguyễn Thiện Tích, huyện Bình Hà, phủ Nam Sách.
13. Nguyễn Nghị, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách.
14. Trịnh Thiết Trường, huyện Yên Định, phủ Thiệu Thiên.
15. Trần Bàn, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn.
16. Nguyễn Quốc Kiệt, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn.
17. Nguyễn Mỹ, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng.
18. Trịnh Khắc Tuy, huyện Vĩnh Ninh, phủ Thiệu Thiên.
19. Nguyễn Địch, huyện Đại An, phủ Kiến Hưng.
20. Bùi Lôi Phủ, huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín.
21. Lê Cầu, huyện Phúc Lộc, phủ Quốc Oai.
22. Lê Hiển, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách.
23. Nguyễn Nguyên Chẩn, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách.♦
Bản dịch của PGS-TS Đỗ THỊ HẢO
trong Văn khắc Hán Nôm Thăng Long Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - NXB Văn học, 2010
(1) Văn Miếu Quốc Tử Giám: được dựng năm 1070 dưới thời Lý Thánh Tông. Văn Miếu ở phía nam hoàng thành Thăng Long được sửa chữa và dùng làm nơi dạy học cho các hoàng thái tử. Khoảng năm 1076, cũng ở khu vực này thành lập Quốc Tử Giám, để dạy các con cháu đại thần và về sau mở rộng cho cả những học trò giỏi trong cả nước. Có thể coi đây là trường đại học đầu tiên của nước ta.
Năm 1484, Lê Thánh Tông cho dựng tại đây những tấm bia các khoa thi Tiến sĩ, bắt đầu từ khoa thi năm 1442 thời Lê Thánh Tông. Từ đó trở thành lệ, cho đến khi Quốc Tử Giám bị dời vào Phú Xuân, đầu thế kỷ 19 dưới triều Nguyễn.
Qua những cơn binh lửa, bia Tiến sĩ ở Quốc Tử Giám triều Lê đã nhiều lần bị đập phá, mất mát. Hiện còn lại 82 tấm, xếp thành hàng ở hai bên giếng Thiên Quang, khoảng giữa Khuê Văn và cổng Đại Thành. Ngoài ra, di tích Quốc Tử Giám - Văn Miếu còn có ba tấm bia dựng dưới triều Nguyễn.
(2) Đề danh: ghi tên một cách trọng thể, dành riêng cho người đỗ Tiến sĩ. Theo lệ nhà Đường (618 - 916), những người đỗ Tiến sĩ được ghi tên ở tháp chùa Từ Ân, thời bấy giờ gọi là “Hội đề danh”.
(3) Minh kinh: bài thi làm sáng tỏ ý nghĩa sách kinh điển của nhà Nho.
(4) Văn sách: là bài thi viết trả lời những câu hỏi về nghĩa lý kinh điển, về công việc của các đế vương ngày xưa và về những vấn đề thời sự. Ra đầu đề bài văn sách gọi là “sách văn”, bài làm gọi là “đối sách”.
(5) Xuân vi: thi Hội. Thi Hội thường tổ chức về mùa xuân. Vi là khu dành cho người dự thi ngồi làm bài thi.
(6) Bốn kỳ: theo quy định, sĩ tử đi thi phải trải qua bốn kỳ (hoặc bốn trường), mỗi kỳ nội dung bài thi khác nhau. Chẳng hạn như khoa thi năm Hồng Đức thứ 6 (1475) thì: kỳ thứ nhất (trường nhất) thi bài kinh nghĩa, tứ thư; kỳ thứ hai (trường nhì) bài thơ, phú; kỳ thứ ba (trường ba) bài chế, chiếu, biểu; kỳ thứ tư (trường bốn) bài văn sách. Mỗi kỳ thi trong một ngày. Quy định trên có thể thay đổi theo từng khoa thi.
(7) Đề điệu: chức quan giám sát nội ngoại trường thi. Theo Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục, quan Đề điệu còn có quyền lấy đỗ, đánh hỏng.
(8) Tuần xước: chỉ người tuần tra canh gác ở trường thi.
(9) Thu quyển: người có nhiệm vụ thu bài thi sau khi thí sinh làm xong.
Di phong: phong kín không để lộ tên thí sinh trên quyển văn.
(10) Đằng lục: người sao chép những bài thi của sĩ tử. Quan trường sẽ chấm bài ở bản sao đó, để tránh lệ thiên vị, gian lận đánh dấu bài thi.
(11) Đối độc: người đọc soát bản sao so với bản chính.
(12) Nguyễn Trãi: văn bia viết sai là Nguyễn Tiến. Hai chữ Trãi 廌 và Tiến 薦 gần giống nhau.
(13) Quỳnh Lâm: chỉ việc đãi yến tiệc Tiến sĩ mới đỗ, Quỳnh Lâm là tên vườn ở phía tây thành phủ Khai Phong (Trung Quốc). Nhà Tống thường khao yến tiệc cho các vị tân khoa ở đây.
(14) Tràng An: chỉ nơi vua ở nói chung, ở đây chỉ kinh đô Thăng Long.
(15) Trung hưng: chỉ việc Lê Thánh Tông lên ngôi, sau khi Lê Nghi Dân tiếm vị bị phế truất.
(16) Lô truyền: truyền đạt. Trong lễ xướng danh, sau lời quan đọc họ tên quê quán người đó, một số vệ sĩ lần lượt nhắc lại để mọi người dù ở xa cũng nghe thấy.
(17) Nguyên 元 là thứ nhất, là đứng đầu. Nguyên khí 元氣 chỉ cái khí đầu tiên, khi trời đất hỗn độn chưa phân, vũ trụ chưa hình thành. “Nguyên khí là khởi đầu của trời đất, là tổ của vạn vật” (Nguyên khí giả, thiên địa chi thủy, vạn vật chi tổ - Hán Việt đại từ điển, Thượng Hải, La Trúc Phong chủ biên, q.2, tr.214). Cũng phiếm chỉ khí của tự nhiên, vũ trụ, cho nên nguyên khí là thiên khí. Nguyên khí cũng chỉ tinh thần, tinh khí của con người. Trong Đông y, nguyên khí đối lập với tà khí. Cùng chỉ cả lực lượng vật chất, tinh thần của quốc gia, xã hội: “Đạo trị nước, trước tiên là bồi dưỡng nguyên khí” (Trị quốc chi đạo, tiên tại dưỡng kỳ nguyên khí).
Trong câu “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, các nghĩa trên đều đúng. Duy, cho thật sát nghĩa, thì có lẽ nên hiểu là tinh thần, tinh khí hoặc lực lượng tinh thần (và cả lực lượng vật chất) của quốc gia.
(18) Tháp Nhạn: tên tháp ở chùa Từ Ân, huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Theo lệ nhà Đường, từ niên hiệu Thần Long (705 - 707), những người đỗ tiến sĩ được khắc họ tên lên tháp Nhạn.
(19) Long hổ: chỉ người đỗ Tiến sĩ, do chữ “Long hổ bảng”. Theo Đường thư: Âu Dương Thiềm, Hàn Dũ, Lý Quân, Lý Giáng đều là bậc nhân tài nổi tiếng và cũng đỗ Tiến sĩ một khoa. Người đương thời gọi bảng Tiến sĩ ghi tên họ là “bảng long hổ”.
(20) Văn Hỉ: nghe tin mừng, tên bữa tiệc mừng người mới thi đỗ.
(21) Hiền Quan: chỉ Quốc Tử Giám. Hán thư viết: “Đại học giả, hiền sĩ chi sở quan dã” (Đại học là cửa vào của bậc hiền sĩ).
(22) Mệnh mạch: tính mạng và huyết mạch, hai thứ trọng yếu nhất của con người. Đây chỉ vận mệnh của đất nước.
(23) Thân Nhân Trung: quê làng Yên Ninh, huyện Yên Dũng (nay thuộc tỉnh Bắc Giang), chưa rõ năm sinh năm mất. Đỗ Hội nguyên đứng đầu tam giáp Đồng Tiến sĩ khoa 1469, làm đến chức Thượng thư bộ Lại, đứng đầu Viện Hàn lâm, Đông các Đại học sĩ. Tháng 12 năm 1483, theo lệnh vua Lê Thánh Tông, ông cùng với Đỗ Nhuận, Quách Đình Bảo, Đào Cử, Đàm Văn Lễ biên soạn bộ Thiên Nam dư hạ tập ghi lại các thể chế về luật lệ, và tác phẩm thi ca dưới thời Lê Thánh Tông. Ông cùng Đỗ Nhuận được cử làm phó soái trong “Tao Đàn nhị thập bát tú”. Nhiều thơ của ông được ghi lại trong Quỳnh uyển cửu ca.