Gần đây, trên mạng thông tin xã hội có đưa ý kiến của một số người từng làm việc thời chế độ Việt Nam Cộng hòa, trong đó Lâm Lễ Trinh phỏng vấn Huỳnh Văn Lang cho rằng Phạm Ngọc Thảo không phải là chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam mà là một người yêu nước hồi chánh thôi. Nhiều người trong chúng ta cũng chỉ biết Phạm Ngọc Thảo là nguyên mẫu cho nhà văn Trần Bạch Đằng, bút danh Nguyễn Trương Thiên Lý dựng thành nhân vật Nguyễn Thành Luân trong bộ phim Ván bài lật ngửa.
Quá trình hoạt động cách mạng của Phạm Ngọc Thảo rất đặc biệt, lý thú như huyền thoại, có lẽ chỉ trong cuộc kháng chiến giải phóng đất nước của chúng ta mới có. Khi thế hệ học viên khóa 16 Trường Sĩ quan Lục quân 1 chúng tôi nhập học, buổi đầu tiên được tham quan nhà truyền thống, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là Phạm Ngọc Thảo là học viên khóa 1. Lúc ấy trường mang tên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Hoàng Đạo Thúy, Chính trị ủy viên Trần Tử Bình. Khóa đầu tiên ấy đã có 12 cán bộ, chiến sĩ từ chiến trường Nam Bộ tham dự. Do nhu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến, giặc Pháp gây hấn ở Nam Bộ nên khóa đào tạo đầu tiên chỉ trong thời gian 5 tháng. Năm tháng học nhưng đã đào tạo nên nhiều tài năng quân sự, chính trị cho quân đội ta như Trung tướng Trần Văn Nghiêm - Tư lệnh Quân khu 9, Trung tướng Vũ Xuân Vinh - Cục trưởng Cục Đối ngoại... Người lập được chiến công thầm lặng nhưng vô cùng to lớn chính là Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo. Bảng vàng danh dự nhà trường ghi: Số 24 - Đại tá Phạm Ngọc Thảo, sinh 1922, hy sinh 1965, Anh hùng Lực lượng Vũ trang (truy tặng ngày 30-8-1965). Người tham quan, đặc biệt là học viên mới thường dừng lại rất lâu trước trang sổ vàng truyền thống nhà trường, đọc tên Anh hùng tình báo Phạm Ngọc Thảo với lòng ngưỡng mộ, tự hào.
Cán bộ nhà trường thường kể với học viên về tài năng của Phạm Ngọc Thảo rằng tuy thời gian học ở trường 5 tháng nhưng Phạm Ngọc Thảo miệt mài, khiêm tốn, học rèn như chiến sĩ mới. Trong khóa này Phạm Ngọc Thảo là kỹ sư công chánh nhưng anh không hề thổ lộ với ai, chỉ có hiệu trưởng, chính ủy nhà trường biết qua lý lịch. Trong mấy tháng anh đã viết hai chục bài báo đăng trên tờ nguyệt san của trường, nội dung về nghệ thuật chiến tranh du kích, binh vận, dân vận, bấy giờ là lĩnh vực khá mới mẻ.
*
Phạm Ngọc Thảo sinh năm 1922 trong một gia đình Công giáo, cha là Adrian Phạm Ngọc Thuần, nhà có nhiều ruộng đất, mang quốc tịch Pháp, nên Phạm Ngọc Thảo có tên khai sinh là Albert Phạm Ngọc Thảo. Những năm hoạt động ở chiến khu, đồng đội gọi thân mật là Chín Thảo. Phạm Ngọc Thảo có anh trai là Gaston Phạm Ngọc Thuần, nhân sĩ yêu nước, tham gia phong trào Việt Minh từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta ở Nam Bộ. Thoát ly ra chiến khu, Phạm Ngọc Thuần được bầu làm Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ. Một năm sau, Phạm Văn Bạch, chủ tịch Ủy ban Hành chính Nam Bộ ra Bắc, Phạm Ngọc Thuần đảm nhiệm luôn chức vụ này. Sau này Phạm Ngọc Thuần được cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Anh trai thứ bảy của Phạm Ngọc Thảo là Phạm Ngọc Hùng tham gia cách mạng rất sớm, giữ chức vụ Ủy viên Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam. Truyền thống yêu nước của gia đình Phạm Ngọc Thảo tiêu biểu cho những trí thức lớn ở Nam Bộ.
Thuở nhỏ Phạm Ngọc Thảo học trường Tư thục Công giáo ở Sài Gòn, sau đó đi học trường Công chánh Hà Nội, tốt nghiệp bằng kỹ sư công chánh. Khi tham gia cách mạng, Phạm Ngọc Thảo đã được trang bị vốn văn hóa cao.
Sau khi tốt nghiệp Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngọc Thảo được điều về công tác ở trạm giao liên tỉnh Phú Yên. Đây chính là trạm nối giữa Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong một lần đi qua trạm này, đồng chí Lê Duẩn đã gặp Phạm Ngọc Thảo và phát hiện được tài năng của người chiến sĩ này nên đã đưa Phạm Ngọc Thảo cùng trở về Nam Bộ. Lê Duẩn giới thiệu Phạm Ngọc Thảo với đồng chí Mai Chí Thọ, Trưởng ban địch tình Xứ ủy Nam Bộ, Trần Quốc Hương tức Mười Hương, và Cao Đăng Chiếm. Phạm Ngọc Thảo được giao nhiệm vụ Trưởng phòng mật vụ Ban quân sự Nam Bộ, tổ chức đầu tiên của quân đội ta ở Nam Bộ, một thời gian sau giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 410. Sau khi Hiệp định Genève ký kết, đồng chí Lê Duẩn chỉ định Phạm Ngọc Thảo ở lại miền Nam và trực tiếp giao nhiệm vụ tình báo viên hoạt động trong lòng chế độ tạm chiếm, phục vụ cho mục tiêu thống nhất đất nước. Để tạo điều kiện vào hàng ngũ kẻ thù, Phạm Ngọc Thảo về Vĩnh Long và gặp linh mục Ngô Đình Thục, người rất thân với gia đình Phạm Ngọc Thảo. Ngô Đình Thục bảo lãnh cho Phạm Ngọc Thảo vào làm ở Sở Tài chánh Nam Việt. Từ đây Phạm Ngọc Thảo tiếp xúc với Huỳnh Văn Lang, Tổng giám đốc Viện hối đoái và Bí thư Liên kỳ bộ Nam Bắc Việt của đảng Cần Lao nên được cử đi học khóa huấn luyện tại Trung tâm Nhân vị ở Vĩnh Long. Sau đó, tháng 10-1956, Phạm Ngọc Thảo gia nhập đảng Cần Lao. Tuy vậy, Phạm Ngọc Thảo không ký tên vào bản hồi chánh và khai mình từng là đảng viên đảng Cộng sản. Đây chính là biểu hiện khí khái của một chiến sĩ cách mạng.
Có lẽ vì thế mà Lâm Lễ Trinh, Huỳnh Văn Lang và rất nhiều kẻ trong Ủy ban hồi chánh, chiêu hồi không lần ra được manh mối hoạt động tình báo của Phạm Ngọc Thảo. Năm 1957, Phạm Ngọc Thảo về làm việc ở Phủ tổng thống, cũng thời gian này Phạm Ngọc Thảo tham gia biên tập nguyệt san Bách khoa, tạp chí của nhóm trí thức Cần Lao. Sau đó, Phạm Ngọc Thảo đi học Trường Võ bị quốc gia Đà Lạt. Tốt nghiệp, Phạm Ngọc Thảo về làm tỉnh trưởng Kiến Hòa, nay là Bến Tre. Tình hình vùng đất Kiến Hòa thời gian này rất phức tạp, nhiều tổ chức cách mạng hoạt động gần như công khai, Phạm Ngọc Thảo yêu cầu tỉnh trưởng được liên hệ trực tiếp với tổng thống chứ không qua Bộ Quốc phòng và được Ngô Đình Diệm chấp thuận. Về Kiến Hòa, Phạm Ngọc Thảo thả 2.000 tù nhân chính trị. Đây chính là lực lượng lớn cho cách mạng ở Bến Tre. Phạm Ngọc Thảo còn bí mật liên lạc với bà Nguyễn Thị Định, người chỉ huy phong trào Đồng khởi ở Bến Tre.
Chiến công của Phạm Ngọc Thảo lập nên vô cùng to lớn nhưng thời bấy giờ do hoàn cảnh chiến tranh nên khống thể đề cập trên phương tiện truyền thông được. Năm nay, kỷ niệm 55 năm ngày Đại tá Phạm Ngọc Thảo anh dũng hy sinh, chúng tôi xin được viết về người đồng chí, thế hệ học viên đầu tiên của trường sĩ quan lớn nhất của quân đội, người Anh hùng của đất nước ta, như một lời tri ân của một chiến sĩ hậu thế tiếp bước người anh hùng đang ở cõi bất diệt.♦