Trong chiến tranh, tôi có nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có nhưng có một kỷ niệm mà tôi không thể quên được. Đó là sau trận đánh Trùm Giao, một trận đánh lớn phối hợp với chiến dịch Thượng Đức (do Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo) của Mặt trận 4(1) Quảng Đà. Trong trận đánh này, ta đã tiêu diệt gọn một tiểu đoàn địch tăng cường, nhưng tên tiểu đoàn trưởng thoát được nên gọi pháo cối bắn chặn đường rút của ta. Tôi cùng mấy đồng chí làm công tác chính sách và mấy chục thương binh, tử sĩ kẹt lại ở thôn Cẩm Văn, xã Điện Văn (nay là xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) không qua được đường 100 để về điểm tập kết tại xã Điện Xuân. Lúc ấy, trời đã sáng. Hàng trăm xe bọc thép của địch từ Đà Nẵng lên tiếp ứng cho Thượng Đức bị ta chặn đánh ở phía trên đã dừng lại ở phía bắc thôn này. Chúng tức giận định tấn công “Việt Cộng” ở đây để trả thù. Bên kia sông Yên, bọn giặc ở đồn Bồ Bồ (xã Điện Tiến) không hiểu do đâu biết được lực lượng của nhóm chúng tôi nên hò hét qua sông tiêu diệt “Việt Cộng”. Tình hình căng quá, anh em chúng tôi đưa mắt nhìn nhau. Anh Lượng, tiểu đoàn phó, nói với chúng tôi:
- Chúng ta tập trung súng đạn lại. Những anh em còn khỏe, kể cả anh nhà báo [tôi] chuẩn bị chiến đấu, chúng ta sẵn sàng hy sinh đến người cuối cùng.
Tôi được nhận về phần mình 3 quả lựu đạn và 2 khẩu CKC của thương binh nặng. Trong lòng tôi, nói thực, cũng thoáng qua những phút do dự, lo sợ: “Sao mình hy sinh sớm quá vầy, oái oăm vầy? Sao mình không ở lại chỉ huy sở theo ý kiến của các đồng chí chỉ huy để sau trận đánh đến hỏi chuyện các chiến sĩ rồi viết bài chứ ra chi trận địa để bị kẹt lại? Giá mình chạy nhanh một chút nữa thì vượt qua đường 100 rồi chứ không bị kẹt lại như thế này”. Nhưng nhìn hàng chục liệt sĩ đang nằm đó, hàng mấy chục thương binh đang nằm đây, tôi lại nghĩ: “Sao anh em cũng như ta mà chịu hy sinh?”. Ý nghĩ ấy làm tôi bình tĩnh lại và tôi cũng quyết tâm chiến đấu với mọi người.
Từ lúc thấy chúng tôi chuẩn bị chiến đấu - vì lúc ấy chúng tôi trú trong nhà dân - các bà mẹ cứ lặng lẽ nhìn, bàn nhau gì đó. Đến lúc này, một bà cụ đến bên anh Lượng nói:
- Chú chỉ huy nè, các chú có ít người quá, bọn địch thì đông, lại bao vây cả hai mặt nữa. Thôi các chú cứ lo chăm sóc thương binh để bọn qua(2) “đánh” cho.
Các mẹ rủ nhau chia làm hai cánh, một cánh chèo thuyền qua đồn Bồ Bồ, một cánh đi ra đường 100. Chẳng hiểu các mẹ “đánh” địch bằng cách nào mà thời gian đi qua, đã đến nửa buổi, rồi trưa rồi chiều và mặt trời xuống sau đỉnh núi ở phía Tây mà bọn địch vẫn không xông vô tấn công đám Việt Cộng nhỏ chúng tôi, dù chúng đông quân, có hàng đàn xe tăng và súng ống. Tôi lân la hỏi bà cụ chủ nhà - đang ngồi lặng lẽ bỏm bẻm nhai trầu sau khi ra đường 100 về - nhưng bà mẹ chỉ cười, vẻ bí mật:
- Tụi tao có cách đánh của tụi tao, bây đừng lo.
Tối hôm đó, Mặt trận 4 tổ chức đánh địch trên đường 100 để mở đường rút cho chúng tôi. Bọn địch phải co cụm lại. Một đơn vị bộ đội được cử sang thôn Cẩm Văn để cùng chúng tôi đưa thương binh, liệt sĩ về Gò Nồi. Trước khi chúng tôi ra đi, bà mẹ chủ nhà mới nói:
- Các con đi yên tâm nhé. Bọn địch nhát lắm. Các mẹ chỉ hù rằng: “Các ông đừng vô. Việt Cộng đông lắm. Họ giấu quân dưới hầm, có súng to súng nhỏ, có khẩu giống như cái bắp chuối. Các ông đánh họ, họ bắn các ông chết, bỏ vợ bỏ con lại tội lắm!”. Nghe các mẹ nói, bọn địch xì xào với nhau, các mẹ nghe chúng nói: “B40, B41 đó” rồi im re không thấy hó hé gì nữa. Thôi các con đi...
Và các mẹ đứng nhìn theo chúng tôi, nâng vạt áo lên lau nước mắt...♦
(1) Mặt trận 4: Mật danh của Tỉnh đội tỉnh Quảng Đà.
(2) Qua: Người lớn tuổi xưng với những người nhỏ hơn mình.