Được tin nhà thơ Tố Hữu đến thăm Hội Sân khấu TP.HCM, một số anh em chúng tôi ra đón anh ngoài cổng hội. Nhìn thấy tôi anh hỏi ngay: “Anh làm ở đây à?”. “Thưa vâng. Hơn hai mươi năm không gặp, anh vẫn còn nhớ tôi ư?”, tôi xúc động đáp. “Quên anh sao được - Tố Hữu cười - Dân điện ảnh mà lại thành công nhiều về sân khấu. Các vở diễn của anh tôi đều có xem. Tốt lắm. Thôi ta vào đi. Kẻo anh em chờ”. Chúng tôi cùng vào với anh.
“Ngày nào nghe được một câu nói hay thì ngày đó cảm thấy đời mình có hạnh phúc”, một nhà văn Xô viết Nga đã từng nói như vậy. Và nếu câu nói đó được hiểu với các nghĩa đầy đủ nhất thì trong buổi gặp gỡ nhà thơ Tố Hữu sáng ngày 9-3-1993 tại trụ sở Hội Sân khấu TP.HCM là một ngày hết sức hạnh phúc đối với những người dự buổi gặp gỡ này, bởi từ lâu tên tuổi nhà thơ rất gần gũi thân thiết với những người làm công tác nghệ thuật sân khấu thành phố.
Hiếm có cuộc gặp gỡ nào mà nét mặt mọi người đều rạng rỡ, tươi vui và tiếng cười thoải mái với những tràng pháo tay liên tiếp vang lên hưởng ứng những câu đối thoại dí dỏm hết sức đậm đà tình người của nhà thơ với anh chị em nghệ sĩ. Dự buổi gặp mặt hôm nay có nhiều thế hệ nghệ sĩ thành phố như Nghệ sĩ ưu tú Công Thành, Văn Thành, Tú Lệ, Bạch Tuyết, các nghệ sĩ được giải Trần Hữu Trang như Ngọc Huyền, Phương Hồng Thuỷ, đạo diễn Hoa Hạ, Hoàng Sa, các anh trong Ban Thư ký: Lê Duy Hạnh, Minh Khoa, Ngọc Linh, Trương Quốc Khánh, Xuân Phong (chánh văn phòng), Dương Linh (Ban Sáng tác). Cùng tham dự còn có nhà thơ lão thành Bảo Định Giang, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM và Trần Hữu Phước, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ Văn hóa Thông tin phía Nam.
Đồng chí Lê Duy Hạnh, Tổng thư ký Hội Sân khấu TP.HCM, báo cáo với nhà thơ về tình hình hoạt động của ngành sân khấu thành phố trong nhiều năm qua từ khi thành lập hội năm 1981, như xây dựng nhà truyền thống ở số 133 Cô Bắc, xây dựng lại nghĩa trang nghệ sĩ trong đó có chùa Nghệ Sĩ ở Gò Vấp, bước đầu xây dựng viện an dưỡng nghệ sĩ già nghèo neo đơn ở quận 8, cũng như việc tuyển lựa giọng ca cải lương từng năm, giải nghệ sĩ triển vọng Trần Hữu Trang, việc đào tạo giọng ca cổ và nghệ sĩ trẻ kịch nói, liên hoan sân khấu nhỏ, cũng như ra được tờ báo Sân khấu có khối lượng độc giả đông đảo yêu sân khấu. Và hơn hết là tấm lòng của quần chúng đối với các công trình xây dựng của hội thể hiện qua các mạnh thường quân đóng góp của cải vật chất rất nhiều, không riêng thành phố mà cả kiều bảo ở nước ngoài cũng sốt sắng tham gia.

Từ trái sang: các nhà thơ Bảo Định Giang, Huy Cận, Tố Hữu và nhà nghiên cứu Trần Văn Khê, nhạc sĩ Đỗ Nhuận (năm 1980)
Trong khi nghe đồng chí Lê Duy Hạnh trình bày, đồng chí Tố Hữu thường hay xen vào đặt câu hỏi và nói ý kiến của mình. Khi nói về đoàn kết, đồng chí nhắc đến “lẽ phải và tình thương”, câu nói đầy ý nghĩa của anh Ba Lê Duẩn, bốn chữ này không phải hai phạm trù khác nhau mà chính là một cụm từ thống nhất bởi “trong tình thương có lẽ phải”. Đồng chí nhấn mạnh đến chữ “nhân” của Đảng, của Bác Hồ, của nhân dân ta. “Chói sáng lòng ta một chữ nhân”. Đây là một yếu tố quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh đầy gian khổ hy sinh của nhân dân ta chống lại kẻ thù xâm lược. Kẻ thù của chúng ta không bao giờ hiểu nổi chữ “nhân” của chúng ta, do vậy cũng không hiểu vì sao chúng ta chiến thắng chúng. Chiến thắng của Việt Nam chính là con người chiến thắng vũ khí. Đây là một vấn đề cực kỳ lớn, một đóng góp vô giá của dân tộc ta vào kho tàng lý luận đấu tranh cách mạng của các dân tộc đang phải đương đầu với kẻ thù có vũ khí tối tân. Đồng chí nhắc đến tấm lòng của các lãnh tụ của Đảng ta với nghệ sĩ, nhắc tới cô Bảy Phùng Há, cô Năm Phỉ và các nghệ sĩ tài danh khác đã làm rạng rỡ nền sân khấu cải lương đất nước ta. Đồng chí cũng nói về kỷ niệm của đồng chí với con sông lịch sử Sài Gòn. Chính con sông này đã là nơi hội tụ của hai người con vĩ đại của dân tộc: Bác Hồ và Bác Tôn Đức Thắng. Bến Nhà Rồng hay Bến Ba Son đều nằm trên sông Sài Gòn. Đây là ngẫu nhiên hay tất yếu lịch sử. Đồng chí cho rằng không phải ngẫu nhiên mà chính là tất yếu lịch sử… Nghệ sĩ ưu tú Công Thành đứng lên ngâm bài thơ Trưa tháng Tư của nhà thơ. Có lẽ chưa bao giờ anh ngâm thơ hay tới vậy, bởi trước anh, một nhà thơ lớn của cách mạng Việt Nam, người mà suốt cuộc đời đấu tranh của mình đã cống hiến cho nhân dân những vần thơ rực lửa nhưng cũng rất đỗi tình người, đã làm rung động hàng triệu trái tim của nhiều thế hệ trong đó có trái tim anh. Tiếng vỗ tay tán thưởng nổ ran khi anh vừa ngâm dứt, và nhà thơ đã bước đến ôm hôn anh, người nghệ sĩ một thời vang bóng, mái tóc đã bạc nhưng vẫn nồng nàn hơi ấm con tim, và nụ cười rất trẻ. “Trăm năm ngắn lắm người ơi! Thương nhau cho nở nụ cười cùng hoa” (Tố Hữu).
Trong câu chuyện nói vui, đồng chí Tố Hữu nói đến chữ “con người”. Đồng chí cho rằng không có nơi nào trên trái đất này lại có chữ “con người” phong phú như tiếng Việt ta, họ chỉ có chữ “người” gọn lỏn, đơn độc. Còn ta, “con người” bao gồm “con” và “người” nghĩa là phần con vật và phần người. Khi nào hành động không mang tính người thì chính là hành động của con vật. Cuộc đấu tranh “ai thắng ai” chính là cuộc đấu tranh giữa “con” và “người” trong suốt quá trình lịch sử của nhân loại.
Phía cử tọa vang lên tiếng vỗ tay hưởng ứng câu nói đầy tính triết học và nhân văn của nhà thơ. “Nói đến con người là nói đến hạnh phúc và đau khổ. Ít ai nhớ đến hạnh phúc mà nhớ nhiều đau khổ. Thời nào cũng có những đau khổ và nghệ thuật chính là nói đến nỗi đau khổ đó. Không nói được đau khổ là nghệ thuật vô duyên!”. Nghệ sĩ ưu tú Bạch Tuyết cảm động bước đến bắt tay cám ơn nhà thơ trong tiếng vỗ tay và nụ cười chia sẻ niềm vui bất ngờ của nhà thơ mang đến cho anh chị em.
“Nghệ thuật là cái gì? Chính là cái mong ước muôn thuở mà con người chưa có”. Nói đến nghệ thuật ngoài cái tài cũng phải có cái gan, cái dũng cảm. Nhà thơ cảm phục Nguyễn Du ngoài những câu thơ trữ tình bất hủ trong Truyện Kiều, ông còn dám vạch thẳng cái thối nát, cái cường quyền trong bạo lực của bọn phong kiến: “Trông lên mặt sắt đen sì” (đây là “trông lên” chớ không phải “trông xuống” đâu nhé!) và ca ngợi Từ Hải “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!” - Viết những câu thơ như vậy mất đầu như chơi, nhưng Nguyễn Du đâu có sợ! Ai dám bảo rằng Nguyễn Du chỉ có nét hào hoa phong nhã mà không có cái dũng khí của kẻ sĩ?
Nhân nói đến chữ “sợ” nhà thơ nói vui, trong đời tôi không bao giờ biết sợ, vậy mà trong bài Không đề, nhà thơ đã “thổ lộ” mình sợ tiếng gà. Nghệ sĩ ưu tú Văn Thành đã đứng lên đọc bài thơ Không đề và những trận cười vui quanh hai tiếng “sợ gà” thời trẻ và hiện nay chắc là không “sợ gà” nữa của nhà thơ. Nghệ thuật của ông cha ta ngày xưa trong chèo, hề cũng là người dũng cảm, dám vạch ra cái mặt trái của chế độ phong kiến, điển hình như nhân vật Mẹ Đốp trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính, nghệ thuật đề cao cái thiện chống lại cái ác. Con người có thể làm sai, nhưng không thể làm ác. “Ôi cái ác nghìn đời tai họa, lẽ nào ta đánh mất hồn ta!” (Tố Hữu). Nhà thơ nhắc đến Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, những con người nghệ sĩ sống có cá tính, “Sống là cho và chết cũng là cho”. “Khi ta nhắm mắt lòng thanh thản, để lại đời thơ và một nắm tro…”.
Đồng chí nhắc đến “phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe” trong những năm đấu tranh vùng tạm chiếm, bây giờ có thể tổ chức lại như vậy được không, trong điều kiện kinh tế thị trường? Nhân dân lao động rất muốn thưởng thức nghệ thuật nhưng họ lại nghèo, còn những kẻ có tiền lại muốn nghệ thuật phục vụ theo yêu cầu khác, mà nghệ thuật chân chính là phải biết phục vụ cho những đối tượng biết thưởng thức nghệ thuật chân chính. Nghệ thuật chân chính là lẽ sống của người nghệ sĩ luôn luôn phấn đấu cho cái đẹp, vì cái đẹp của cuộc sống con người.
Tình cảm của anh chị em buổi gặp mặt đối với nhà thơ hết sức xúc động. Anh Minh Khoa tặng nhà thơ một số báo Sân khấu và tập kịch chọn lọc Mỗi lần hoa mai nở anh vừa in xong; anh Ngọc Linh tặng tập truyện ngắn Lời thề không khắc ghi vào đá, viết về đề tài sân khấu.
“Đảng và thơ”. Một đời của người chiến sĩ cách mạng lão thành đã sống, chiến đấu, đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho hai tiếng thiêng liêng ấy. Những người làm nghệ thuật sân khấu thành phố Hồ Chí Minh ghi nhớ mãi cuộc gặp gỡ hôm nay, và coi như một vinh hạnh, một kỷ niệm hạnh phúc của đời mình. Anh chị em thành tâm chúc nhà thơ mạnh khỏe, sống lâu, trẻ mãi…
Trước khi về Hà Nội, anh có tặng tôi tập thơ Một tiếng đờn vừa mới xuất bản mà tôi trân trọng coi như một kỷ vật vô giá của anh đối với tôi.♦
16-11-2020