Trong khoảng nửa đầu thế kỷ 20 ở nước ta có nhiều thế hệ học trò tiểu học đã thuộc lòng bài đoản văn trong sách Quốc văn giáo khoa thư nhan đề Chăn trâu. Nói thuộc lòng nghĩa là từ thuở ấu thơ cho đến khi tóc bạc, bài học ấy vẫn thấm sâu trong lòng. Cho đến thời kháng chiến chống Mỹ, bài học ấy vẫn còn được nhà thơ Giang Nam bồi hồi nhắc lại trong bài thơ Quê hương:
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
“Ai bảo chăn trâu là khổ?”
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao…
Nhạc sĩ Phạm Duy đã mở đầu bài Em bé quê bằng lời hát: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ…”. Trong hội họa, ta bắt gặp hình ảnh rất thảnh thơi qua những bức tranh Chăn trâu của Thái Tuấn. Nhà văn Sơn Nam cũng có nhiều tình nghĩa với sách Quốc văn giáo khoa thư. Trong truyện ngắn Mùa len trâu ông đã đặc tả công việc chăn trâu của em bé quê ở miền Tây Nam Bộ - vất vả, dữ dội nhưng có sức tôi luyện để con người lớn lên từng ngày. Truyện ngắn ấy đã được đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh cùng các nhà làm phim Pháp, Bỉ và Hãng phim Giải phóng hợp tác đưa lên màn ảnh.
Hiện nay có những quyển sách Tiếng Việt không hề lưu được dấu vết nào trong ký ức của các thế hệ học trò, thậm chí còn bị ném gạch đá - có lẽ vì những người viết sách soạn bài ấy chỉ biết xóa bỏ cái cũ mà không tìm được cái mới thay thế những văn ảnh trong tâm hồn trẻ thơ.
Trong lịch sử nước ta có những người chăn trâu làm nên sự nghiệp lớn.
Có ông Bộ Lĩnh họ Đinh
Con quan thứ sử ở thành Hoa Lư
Khác thường từ thuở còn thơ
Rủ đoàn mục tử phất cờ bông lau
Dập dìu kẻ trước người sau
Trần ai đã thấy công hầu uy dung…
(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Ông Đào Duy Từ cũng từng đi chăn trâu. Ông quê ở Thanh Hóa, là người có chí có tài nhưng ở Đàng Ngoài không thể được trọng dụng bèn trốn vào Đàng Trong phò chúa Nguyễn. Lúc mới vào ông phải đi chăn trâu cho một nhà giàu ở Bình Định. Về sau được một vị đại thần là Trần Đức Hòa phát hiện chân tướng, gả con gái cho rồi tiến cử với chúa Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi). Chúa gặp được ông, rất vừa ý, phong tước Hầu, trao trọng chức coi việc quân cơ. Ông đã để lại một công trình sách về lý luận và thực hành nghệ thuật quân sự Việt Nam là Hổ trướng khu cơ - hai công trình kiến trúc chiến lược trên đất Quảng Bình là lũy Thầy và lũy Trường Dục - để lại cho người dân Bình Định truyền thống nghệ thuật hát bội và để lại trong văn học sử hai bài phú là Ngọa Long Cương ngâm và Tư Dung vãn. Đó là một người chăn trâu có tài thao lược và có tầm vóc danh nhân văn hóa.
Ngay trong thời đại chúng ta có một người được mệnh danh là ông Sáu 5D (Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nhận khuyết điểm) - đó là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thời niên thiếu, ông đã từng phải đi chăn trâu cắt cỏ. Chăn trâu thực sự chứ không phải kiểu chờ thời như Đào Duy Từ. Ông Kiệt không hề giấu chuyện này mà trái lại thường kể rõ trong những trang hồi ký của đời mình. Có ai ngờ cậu bé chăn trâu ấy sau này được trui rèn trong lò lửa cách mạng đã làm nên sự nghiệp lớn:
Ra Bắc vô Nam, mở cửa mở đường, xây đắp công trình, để lại dấu son thời đổi mới.
Đánh Tây đuổi Mỹ, vì dân vì nước, dắt dìu thế hệ, phất cao cờ đỏ chí anh hùng.
(Câu đối của sĩ dân Nam Bộ mừng sinh nhật lần thứ 80 của cụ Võ Văn Kiệt).

Tranh Tìm trâu (một phiên bản màu nước của bộ tranh Thập mục ngưu đồ)
Thời Đông Chu liệt quốc ở Trung Hoa có Ninh Thích là một nhân tài nhưng chưa gặp thời nên phải đi chăn trâu. Vua Tề Hoàn Công ban ngày gặp Ninh Thích ngồi ca hát trên mình trâu, biết ông có tài vương tá nên ngay tối hôm đó đã thắp đuốc mang áo mão đến phong tước cho Ninh Thích để tỏ lòng chiêu hiền đãi sĩ.
Thường thì những người chăn trâu đều phải biết cỡi trâu và ngược lại, người cỡi trâu cũng là người chăn trâu. Nhưng trong sử sách Trung Hoa có những người thường cỡi trâu nhưng không chăn trâu: đó là Tôn Tẩn và Lão Tử. Tôn Tẩn là cháu nội Tôn Võ Tử, nhà quân sự lừng danh của Trung Quốc. Ông cùng Bàng Quyên theo học thầy Quỷ Cốc Tử nhưng sau khi xuống núi Tôn Tẩn bị Bàng Quyên mưu hại, chặt hết cả hai bàn chân. Không có bàn chân thì rất khó cỡi ngựa nên Tôn Tẩn phải cỡi trâu. Thế mà trận nào cũng thắng, giết được Bàng Quyên. Chuyện cỡi trâu của Tôn Tẩn có dụng ý cho thấy rằng người có tài đại tướng thì cái tài nằm ở mưu lược trong đầu óc chứ không phải nằm ở sức mạnh tay chân của kẻ dõng phu. Đó cũng chính là yếu lĩnh của binh pháp Tôn Võ Tử.

Lão Tử
Còn Lão Tử là người sống cùng thời đại với Khổng Tử nhưng tư tưởng của Lão Tử rất đối lập với giai cấp thống trị, coi việc thuế má như nạn trộm cướp, coi của cải như nguồn gốc của chiến tranh loạn lạc. Ông chọn con trâu làm phương tiện đi lại, hẳn có ý cho thấy mình không có nhu cầu lên xe xuống ngựa, không thích giao du với giới quan quyền, không màng công danh phú quý. Trong truyện Phong thần, con trâu xanh của Lão Tử là một linh vật, bốn chân phát hào quang chở Lão Tử bay đi phá trận Tru Tiên của phe Triệt giáo. Trong truyện Tây du ký, ông được gọi là Thái Thượng Lão Quân. Con trâu xanh này được giao cho một tiên đồng chăn giữ. Một hôm chú tiên đồng ăn vụng mấy viên linh đơn của ông nên ngủ li bì hết ba ngày. Trâu xanh thừa cơ trốn xuống trần gian biến thành Ngưu Ma Vương tác yêu tác quái trong ba năm, báo hại thầy trò Đường Tăng một phen khốn đốn. Cứ theo truyện này thì Lão Tử rõ là người bất cẩn: Lo dạy người đời ăn ở hiền lành mà không quan tâm đến việc thuần phục con trâu của mình dầu biết nó là một con thú dữ - thuốc độc hại mà không để ngoài tầm tay trẻ em, khiến nó nhầm là kẹo mà ăn vụng, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngưu Ma Vương
Đạo Phật nghiên cứu việc chăn trâu rất sâu sắc, từ đó rút kinh nghiệm để giúp con người tu tâm dưỡng tính. Phái Thiền tông thường dùng 10 bức tranh chăn trâu gọi là Thập mục ngưu đồ để hướng dẫn phép tu dưỡng này. Tương truyền tác giả bộ tranh quý này là đại sư Khuếch Am Sư Viễn đời Tống, xuất hiện từ năm 1150 rồi thất truyền. Đến năm 1460 mới được tái hiện trong bộ sưu tập tranh của họa sĩ người Nhật là Châu Văn. Bản gốc là tranh đen trắng, sau này có người phỏng theo đó vẽ lại thành mười bức tranh màu nước rất đẹp. Mười bức tranh ấy có tên như sau: 1) Tìm trâu. 2) Thấy dấu. 3) Thấy trâu. 4) Được trâu. 5) Dắt trâu. 6) Cỡi về nhà. 7) Quên trâu còn người. 8) Người và trâu đều quên. 9) Trở về cội nguồn. 10) Thõng tay vào chợ. Con trâu trong Thập mục ngưu đồ là con trâu ảo nhưng chăn dắt không dễ dàng chút nào. Chỉ khi đã thuần phục được con Ngưu Ma Vương trong tâm tính của mình thì mới có thể thõng tay vào chợ mà không sợ lấm bụi trần nhơ.
Vậy nên hiểu chăn trâu không phải là chuyện dễ và người chăn trâu chưa hẳn là kẻ tầm thường.♦
 Sông Cầu chiều buông
Kỷ niệm sông Cầu ♦ KIM DŨNG Tôi có nhiều kỷ niệm với sông Cầu Những ngày ấy em còn quàng khăn đỏ Tôi uống sông Cầu say làn Quan họ Gạo sông Cầu trắng dẻo thơm cơm Nhớ những ngày ở trường Sư phạm Ra sông Cầu tắm tối trăng lên Nhớ kỷ niệm trường đi chống úng Đồng Việt Yên - thuyền thúng gặt chiêm Tôi quen gặt liềm, chưa quen gặt hái Lưỡi hái ngoắc vào tay ngượng nghịu - em cười Đêm ngủ mơ thấy ông Đề Thám Tiếng quân reo, ngựa hí vang trời… Sáng chủ nhật ra Đáp Cầu dạo phố Ngắm sông Cầu nước chảy lơ thơ Em giặt áo bến sông bừng nắng đẹp Em về rồi - cây đứng ngẩn ngơ… Mấy thập kỷ qua rồi, nay trở lại May mắn gặp em cô gái sông Cầu Em hát say sưa tình người Quan họ Ngày ấy sao anh chẳng mời trầu? Bây giờ tóc đã điểm màu Hẹn anh về với sông Cầu hội Lim Cùng người xe chỉ luồn kim Trái tim tìm đến trái tim đừng về... |