Làm báo Tết có thể coi như một mỹ tục của văn hóa Việt Nam, ít có trên thế giới. Khởi đầu từ những ngày ấn loát thô sơ, các họa sĩ phải tự tay khắc bản gỗ tác phẩm sẽ dùng cho số báo xuân, công nhân nhà in tìm chọn từng con chữ chì cho đúng cỡ, hợp nội dung, năm nào cũng làm báo Tết, đến thời đại tin học ngày nay nhà báo chỉ cần múa mấy ngón tay đủ làm hiện lên mọi thứ có và không có trên đời.
Bác Hồ viết báo sớm, từ những ngày Người còn phải bôn ba ở các xứ người, tìm con đường cứu nước ta. Bác viết báo tiếng Pháp, Nga, Đức, Hoa... Người đã có nhiều tác phẩm báo chí vượt lên sức ép của thời gian, trường tồn với văn hóa dân tộc, nhưng phải đợi đến ngày trở về đặt chân lên đất Tổ quốc, Người mới thật sự làm báo xuân, viết thơ Tết chia sẻ với đồng bào qua báo chí.
Đọc lại các bài báo Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký dưới nhiều bút danh, chúng ta có thể rút ra nhiều điều đáng suy ngẫm về thời cuộc, qua đó học cách viết báo của Người.
Xin giới thiệu bài Chào xuân ký tên Hồ Chí Minh, in trên báo Đồng minh số Xuân Giáp Thân 1944, trong bối cảnh thế giới phải gồng mình lên tranh thắng bại trong chiến tranh thế giới thứ II, và nước ta trải qua những ngày đen tối nhất dẫn tới 2 triệu đồng bào chết đói năm sau, Ất Dậu 1945.
Một bài báo tổng kết thời sự không riêng cho năm sắp kết thúc mà điểm lại cả cuộc chiến thế giới giữa các nước Đồng minh và các nước thuộc phe Trục phát xít-quân phiệt, từ mặt trận Đức Nga qua chiến trường Địa Trung Hải đến chiến cuộc ở Thái Bình Dương, mà hơi văn lại nhẹ nhàng đúng hệt giọng... báo xuân.

Bài chia thành 6 đoạn, không có phụ đề, mở đầu bằng hai câu thơ:
Năm cũ lịch cũ vừa qua
Năm mới lịch mới lại tới
Đoạn 1 bàn về xuân: “Sau mùa xuân lạnh lẽo, muôn vật tiêu điều. Và tạo hóa lại cho mùa xuân mang đến cho thế gian những vẻ tốt tươi ấm áp, muôn hoa tươi thắm, ngàn lá đua xanh” (...) “Loài người lợi dụng cái luật tự nhiên của tạo hóa, chẳng những để hưởng cái hạnh phúc khoái lạc của mùa xuân” mà còn “để sắp đặt các kế hoạch và sống còn cho cả năm” (...) “Chẳng những là kẻ giàu sang tiếp xuân với sự hồ hởi mà người nghèo khó thấy xuân cũng vui mừng”.
Đó là chuyện của toàn thể nhân loại, không riêng của nước Việt Nam ta nơi những người dân nghèo:
Mồng một đốt toang ba chiếc pháo
Ba mươi kéo tuốt một con nêu.
Tác giả dí dỏm: “Chỉ có ba chiếc pháo mà vẫn inh ỏi cười xuân như ai! Xuân chẳng những là ôn hòa tươi đẹp, mà lại chí công vô tư. Đã không riêng cho một hạng người nào, cũng không riêng cho một nơi nào. Cho nên có câu ca dao:
Xuân ơi, xuân hỡi, hỡi xuân
Từ xa tới gần, xuân khắp mọi nơi”.
Đoạn 2 chuyển sang luận bàn thế sự:
“Ngày nay những tiếng pháo lốp đốp chào xuân đã bị những tiếng đùng đùng của ngư lôi ngoài bể và đại bác trên bờ át mất. Cái sắc đỏ của hoa đào, màu điều của câu đối xuân tựa hồ đã nhuộm bằng giọt máu hồng của những chiến sĩ ở các sa trường khắp thế giới!”.
Bác Hồ bàn chuyện toàn cầu nhưng thực chất Người có ý định nhấn mạnh về diễn biến tình hình ở nước ta, mà Người từng tiên đoán một bước ngoặt sẽ diễn ra trong năm 1945: “Trong tự nhiên thì xuân nay không khác gì xuân trước. Nhưng trong xã hội thì xuân này là (...) một xuân trọng yếu (...) nó sẽ quyết định vận mệnh của loài người trong bao nhiêu thời đại”(1).
Đoạn 3 giới thiệu tình hình các mặt trận trên thế giới: “Muốn biết từ xuân này, chiến tranh sẽ thế nào thì chúng ta phải xét lại từ xuân năm ngoái đến giờ, chiến tranh đã đến bước nào rồi”.
Đến xuân Giáp Thân 1944, “Trung Nhật chiến tranh đã qua 6 năm rưỡi, thế giới đại chiến 4 năm, Nga Đức chiến tranh đã 2 năm rưỡi, Thái Bình Dương chiến tranh 2 năm”.
Tác giả quan tâm nhiều hơn cả đến mặt trận Đức Nga:
Từ tháng 2 đến tháng 12 năm 1943, quân Nga đã lấy lại được nhiều thành thị trọng yếu. Kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga 1917, ngày 6-11-1943 Đại nguyên soái Stalin nói: “Kết quả trong 7 tháng vừa qua, quân đội ta đã tiến được nơi thì 500 cây số, nơi thì 1.500 cây số. Đã giải phóng hơn một triệu cây số vuông đất nước của ta, tức là hai phần ba đất đai tạm thời bị Đức chiếm cứ... Trong một năm nay, trên mặt trận Nga, quân phát xít đã tổn thất hơn 4 triệu người, trong số đó một triệu tư chết tại mặt trận. Phát xít Đức mất trên 14.000 chiếc tàu bay, hơn 35.000 chiếc xe tăng, hơn 40.000 khẩu đại pháo...”.
Stalin phát biểu như trên về chiến cuộc vào đầu tháng 11-1943. Còn phải chờ mấy tháng nữa, đến ngày 2-2-1944 mới trùng khớp với ngày mồng một tháng giêng âm lịch, thật sự là Tết Giáp Thân. Tác giả cập nhật tình hình: “Trong lúc viết bài chào xuân này, quân Nga đuổi quân Đức chẳng những ra khỏi đất Nga, mà lại vào sâu gần 60 cây số trong nước Ba Lan”.
Đoạn 4 và đoạn 5 nói về mặt trận Địa Trung Hải và chiến trường Thái Bình Dương. Tại Địa Trung Hải, quân Đồng minh đại thắng, “Mutxôlini phải chạy trốn”. “Tại Trung Quốc, mùa xuân trước đến mùa xuân này, không có đại chiến tranh”, (dù vậy) cuối năm “tỉnh Hồ Nam đã làm cho giặc Nhật một mẻ mất hồn”.
Đoạn kết trở lại với tình hình và nhiệm vụ ở Việt Nam:
“Xuân là xuân chung, vậy chúng ta phải gắng sức công tác thế nào cho Đồng minh hội chúng ta(2) có phần thắng lợi chung của Đồng minh lớn kia”.
Rót cốc rượu xuân, mừng cách mạng
Viết bài báo Tết, chúc thành công.♦
(1) Tại phần Phụ lục sách Lịch sử nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết dưới dạng diễn ca, xuất bản tháng 2-1942, tác giả dự đoán “Năm 1945: Việt Nam độc lập”.
(2) Việt Nam cách mạng Đồng minh hội.