♦ TRẦN THANH ĐẠM Hương xoan Tưởng đâu như dạo mùa thu ấy, Bạn hái cho mình nhánh dạ hương. Đâu biết mùa xuân đằm thắm vậy, Hoa xoan đêm trước nở trong vườn.
Cành mai Huế trong Hội hoa Hà Nội Xuân này không được về thăm Huế, Chưa biết làm sao bớt nhớ thương. Bỗng gặp cành mai thanh lịch thế, Tưởng chừng gặp lại dáng quê hương… |
Thơ Nguyễn Xuân Sanh trong Xuân thu nhã tập ngôn từ chọn lọc, âm thanh khác lạ, gợi sự hiếu kỳ. Có bài tưởng như đã hiểu, mà thật ra không hiểu được. Ngày xưa, tôi cho đó là niềm vui của ước đoán, của tưởng tượng - một trò chơi của trí tuệ. Có những câu hấp dẫn:
... Ánh ngọt mi hương lệ tóc mềm
Thơ vàng tưới lụa mướt chân êm
(...)
Hãy vớt mai trầm vang nắng gió
Đường xuân rồi khép với chiều tơ.
Với ba động từ “vớt, van, khép” tôi ngâm ngợi tưởng đó là những câu thơ thương tiếc, muốn níu kéo thời gian. Nhưng nhìn vào văn bản thấy chữ “vang” (có “g”) thì không hiểu rõ nữa.
Theo tôi, anh Nguyễn Xuân Sanh được ghi công vì đã trăn trở, mạnh dạn đi tìm con đường đổi mới thơ. Nhưng những sáng tác của anh theo hướng đó chưa thành công. Thơ không nhất thiết lúc nào cũng viết cho đám đông. Nhưng thơ cũng không thể viết cho một, hai người. Họ nói họ hiểu cả, nhưng sự giảng giải của họ thì mù mờ khiên cưỡng lắm.
*
Sớm đến với cách mạng, Nguyễn Xuân Sanh đã từ bỏ cuộc thí nghiệm không phù hợp với thời đại, với người đọc đông đảo. Lên chiến khu, anh trở lại với tiếng nói trong sáng, gần gũi với khiếu thẩm mỹ chung. Và sớm có kết quả đáng ghi nhận. Bài Làng Nghẹt trong rừng đêm viết năm 1947 là một bài thơ như thế (đã in báo, và in trong Tập văn cách mạng và kháng chiến, có lẽ là tuyển tập đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam, xuất bản năm 1949, có ảnh hưởng trong toàn quốc).
Người thơ nhìn sự vật mới ở chiến khu đầy thiện cảm, với niềm vui của khám phá, có chút “lạ lùng”:
Làng nho nhỏ cạnh rừng sương,
Có khe nước chảy mà vương mây trời.
Ấm lòng Việt Bắc sáng ngời,
Nơi đây cây núi với người thương nhau.
Tình sau trước, nghĩa trước sau,
Em cây say chữ nên trau chuốt cành.
Đêm đêm hoa dại nghiêng mình,
Lắng nghe chị Mán ngâm kinh i tờ.
Đá xuân cũng tỉnh giấc mơ,
Nghiêng tai nghe nước suối tơ học ngầm.
Nước non có ánh trăng rằm,
Tâm tư miền núi tình thầm bao la.
Người thơ vẫn giữ những nét thư sinh duyên dáng, giữ giọng điệu của riêng mình:
Anh từ Hà Nội xa xa,
Cắp dăm quyển sách là hoa đồng bằng.
Thêm cây đàn ngọt như trăng,
Màu mây tháng ấy cũng rằng thanh thanh.
Đường dài có chút quà xinh,
Bình dân học vụ hay tình miền xuôi.
Nghe vui làng nhỏ bỗng cười,
Trăm con mắt thắm xuân tươi lạ lùng.
Bài thơ mang nét thư sinh trong sáng và duyên dáng ghi lại được sự chuyển biến trong tâm hồn, trong quan niệm sáng tác của Nguyễn Xuân Sanh những ngày đầu cách mạng. Làm sao có thể bảo bài thơ không mang cá tính của người viết? Tiếc rằng khi giới thiệu thơ Nguyễn Xuân Sanh cho các em trong bộ sách của Nhà xuất bản Kim Đồng, Vũ Quần Phương đã bỏ qua bài này. Và cả bài Rừng vui:
Sáng nay rừng vui cái vui xanh
Tiếng hót chim sương cành gọi cành
Đã rạng đông rồi, rừng trở giấc
Đường xa, mây hồng, em với anh...
*
Bước ra khỏi lối diễn đạt tối nghĩa theo trực giác, theo vô thức... Nguyễn Xuân Sanh đã có những bài thơ trong sáng, kiệm lời, vươn đến vẻ đẹp cổ điển. Như bài Trước xuân, thăm chùa Hương:
Đò đi ngược suối. Cuối đông,
Lòng anh những muốn tìm xuân trước ngày...
Vắng em. Không thể cầm tay,
Đường đi vẫn thấy đó đây hai mình.
Sáng trời. Hương Tích gió hanh,
Nắng thơm bến suối, thung xanh vào mùa.
Xuân chưa về, núi chưa mưa,
Nhưng bên ta khắp rừng mơ nở rồi.
Khăn tơ xuân trải thung dài,
Anh nghe xuân đến: bên đồi, bước em...
Đại già còn trắng sương đêm,
Chờ ai hò hẹn bên thềm mùa xuân.
Lối đi mây đá chất chồng,
Vắt ngang núi cũ xuân hồng ngày nay.
Chân ta bước, mắt ta say,
Hoa mơ dặm thẳm, hương lay bạt ngàn.
(1962)
Bài thơ nói đúng cái ý “Trước xuân, thăm chùa Hương”, gợi lên cái đẹp của “bầu trời cảnh Bụt” với núi, rừng, mây, đá,hoa mơ, hoa đại, với khăn tơ (sương) trải thung dài. Hai khổ 2 và 3 khá đẹp. Tình cảm đậm đà, kín đáo. Đi vào đất Phật, lòng trần nén lại, “chính ngữ” được sửa sang. Đọc thơ ta hình dung ra cốt cách thanh nhã khiêm nhường của nhà thơ đàn anh: Nguyễn Xuân Sanh.
*
Nguyễn Xuân Sanh có những tìm tòi hình ảnh độc đáo rút ra từ cuộc sống. Như trong bài thơ Sóng, cát Cửa Việt (1973).
Bài thơ có ba khổ. Khổ thứ nhất nói về cát miền biển, gió biển từng đợt, từng đợt và cát tung lên mịt mù hết lớp này đến lớp khác:
Cát bãi cuối mùa làm võng đưa
Đưa trời, xanh nắng mặt hàng dừa
Đưa sông Thạch Hãn ra cùng biển
Đua chim hải âu về tránh mưa.
Gió cát sánh với cái võng có hợp không? Hợp, vì võng cũng đưa qua đưa lại hình vòng cung, như cát tung lên mịt mù theo từng trận gió...
Khổ thứ hai nói về sóng:
Sóng mặn cửa khơi làm võng đan
Nâng buồm tiếp mũi bao thuyền cá
Nâng rừng phi lao đi nhiều ngả
Đến mỗi bờ sông, mỗi xóm làng.
Paul Valéry (1871 - 1945) trong bài Nghĩa địa bên biển cả có hình ảnh: “Trên mái nhà xanh, những con bồ câu trắng đang đi”. Những con sóng biển nối tiếp nhau như những lớp lớp ngói, ác đoa... Trên mái nhà lớp sóng xanh đó những cánh buồm trắng của các du thuyền như những bồ câu. Hình ảnh mới mà đúng. Nguyễn Xuân Sanh nhìn sóng lô nhỏ như lưới võng. Và cái lưới võng khổng lồ dập dềnh đó như nâng cao thuyền bè, nâng cao cảnh vật. Nói đến Cửa Việt phải nói đến những trận đánh ác liệt của chiến trường Quảng Trị, thêm thanh thế cho cuộc đấu tranh ngoại giao ở hội nghị Paris:
Sóng cát ngày đêm làm võng ru
Ru doi cỏ lấp bãi tăng thù
Ru những giấc mơ người chiến sĩ
Đẹp như hè đang chuyển sang thu.
Bài thơ ngắn, ghi lại những hình ảnh rất động, rất dữ dội của gió cát, của sóng biển Cửa Việt; cũng ghi lại cuộc chiến đấu ác liệt với quân thù.
*
Ở đây chưa bàn đến toàn bộ thơ Nguyễn Xuân Sanh sau Cách mạng tháng Tám, mà chỉ ghi lại những cố gắng của anh từng bước từng bước đưa thơ vào cuộc đời, với quan niệm thơ gần gũi với người đọc đông đảo... Anh đã có những bài thơ lý thú, đã có những kinh nghiệm, và bài học về nghề thơ cho lớp người đi sau. Cũng nên nhớ, Nguyễn Xuân Sanh còn là cây bút nghiên cứu, giới thiệu và dịch nhiều tác giả thơ lớn của Ấn Độ, của Pháp, của Thụy Điển...♦