Câu chuyện thứ nhất: Mấy năm làm công tác chủ nhiệm lớp, tôi thường thấy có chuyện bi hài như sau: những học sinh thuộc diện hộ nghèo thì được miễn giảm học phí, nhưng phải là hộ nghèo đạt chuẩn quốc gia thì mới được miễn 100% học phí, còn hộ nghèo đạt chuẩn tỉnh thì chỉ được giảm 50% học phí. Thế là một số phụ huynh thuộc diện hộ nghèo chuẩn tỉnh đã nảy sinh tư tưởng phân bì, họ muốn con cái của mình cũng được miễn 100% học phí như “con nhà người ta” nên họ đã nói với tôi rằng: “Năm nay đành chấp nhận diện hộ nghèo chuẩn tỉnh, nhưng năm sau phải cố gắng để được công nhận hộ nghèo chuẩn quốc gia”.
Nghe phụ huynh nói thế, tôi chỉ muốn khóc! Hóa ra một số người dân ở nước ta đang “phấn đấu nghèo”.
Câu chuyện thứ hai: Hiệu trưởng trường tôi quy định mỗi giáo viên phải dạy 2 tiết chuyên môn để tổ trưởng và các giáo viên trong tổ đến dự giờ thăm lớp. Sau tiết dạy thì giáo viên đến dự phải ghi phiếu đánh giá dự giờ, xếp loại và chấm điểm tiết dạy. Nhưng sếp có một quy định rất vô lý như sau: 2 tiết dạy đó phải cùng một loại (cùng loại giỏi hết hoặc cùng loại khá hết). Nếu dạy 2 tiết mà 1 tiết đạt loại giỏi, còn 1 tiết chỉ đạt loại khá thì buộc giáo viên đó phải dạy thêm một tiết nữa (tiết thứ 3) để cả Tổ chuyên môn dự giờ và đánh giá tiếp. Có một số tổ trưởng dễ dãi, dù tiết dạy thế nào thì họ cũng đều xếp loại giỏi hết, gây ra “thành tích ảo”. Nhưng với những tổ trưởng nghiêm túc thì họ đánh giá khách quan, tiết nào dạy tốt thì xếp loại giỏi, tiết nào dạy chưa tốt lắm thì xếp loại khá, cho nên một số giáo viên phải dạy thêm một tiết nữa để được “soi” tiếp! Vì vậy, để tránh phiền phức và tránh “bị dự giờ” nhiều nên một số giáo viên đã cố gắng… dạy dở để đạt loại khá cả 2 tiết dạy.

Ảnh minh họa
Ngẫm mà buồn thay! Người ta thì phấn đấu dạy giỏi, còn mình thì phải phấn đấu dạy dở! Có lẽ vì Bộ ở xa quá nên ở dưới cơ sở, giáo viên vẫn bị trói chặt bởi những quy định cứng nhắc của một số cán bộ quản lý cấp trường, cấp Sở.♦