Năm nay, dân chúng Pháp cảm thấy cái ý nghĩa đặc biệt của cây thông Noël. Phải qua tranh đấu với chính phủ mới được bán cây thông Noël vì lý do dịch COVID-19 sợ dân chúng đổ xô đi mua cây thông Noël, phải giãn cách xã hội ở những nơi bán cây thông Noël, chỉ cho bày bán ở ngoài đường, ngoài trời, nghe thì thật là vô lý nhưng đó là một sự thật. Người vui kẻ khóc, những thứ như tiệm ăn, quán bar, dancing... nơi vui chơi công cộng của những người thích sống theo “chủ nghĩa khoái lạc” (hédonisme) còn phải đóng cửa tạm thời đến ngày 15-12, có vẻ còn phải nghỉ làm ăn lâu hơn nữa.
Dân chúng không phải đổ xô đi, cứ từ từ mà đi mua cây thông Noël, nhiều nhà vườn đã được mùa, mới ngày Advent(*) thứ hai hàng hóa đã vơi đi 2/3.
Chúng tôi đến một nhà vườn, thấy lối vào và lối ra đã được phân biệt rạch ròi và tấm bảng đề “không quá 7 khách hàng cùng một lúc”, trong vườn đã thấy thấp thoáng 2 đoàn khách - một đoàn 1 người và một đoàn cả 4 người gia đình đi chung, đoàn chúng tôi 2 người.
Chẳng cầu kỳ, trò chuyện lôi thôi với người bán hàng, tôi chọn nhanh một cây cao gần 2m đủ nhét vào xe chở về, trả tiền, đi ra, mua bán không đầy 15 phút. Mắt tôi đã quen nhìn cây thông Noël, biết cây nào đẹp, còn tươi lâu, cây nào là cây giống normande lá tròn không như kim nhọn không đâm đau tay, có màu xanh lá cây thẫm, hoặc đẹp hơn nữa thì ngả sang màu xanh dương bàng bạc giống Colorado là nhất hạng, năm nay một cây thông như vậy cao khoảng 1,5m có giá là 157 euro.
Năm nay, sau nhiều năm tôi mới lại “bày” ra cái trò dựng cây thông Noël nhưng từ tận đáy lòng đó là cách của tôi thể hiện lòng biết ơn Trời Đất trong Mùa Vọng một đấng cứu thế, cứu khổ cứu nạn đã đem lại cho tôi niềm hy vọng về sự sống, cũng như đem lại chút ấm cúng trong mùa dịch đảo lộn COVID-19 cho người bạn đời đã cùng tôi sánh vai đồng cam cộng khổ. Không có anh, chắc có lẽ tôi cũng cố gắng làm hết sức mình, nhưng không có được cái “dễ dàng” như luôn có người bên cạnh như thế. Người Pháp nhà quê, không biết làm màu làm mè kiểu này kiểu nọ có tính chất lãng mạn như dân thành thị, nhưng tôi biết chắc là anh rất thật tình. Chàng cười chế giễu, vườn nhà thiếu gì thông mà lại đi mua thêm một cây rồi lại vứt nó đi, nhưng nói vậy rồi cũng chiều vợ.
Trong lúc vợ chồng tôi đi mua cây thông Noël thì còn trong giãn cách xã hội, mà theo thông báo chính thức 50.000 người đã biểu tình tại Paris và các thành phố lớn trên khắp nước Pháp chống lại luật dự định sẽ ban hành, trong đó có việc cấm quay hình cảnh sát “đang làm việc”. Ở các siêu thị, cuối tuần đã thấy người ta mua sắm nhiều hơn, có lẽ không bằng những năm trước. Các cửa hiệu đua nhau gửi tin nhắn SMS đến điện thoại thúc giục đi mua sắm hoặc mua trên mạng và hạ giá bớt 70% giá bán, còn 30% giá mua, đấy có thể là giá vốn cộng thuế 20% VAT của họ. Có một lần tôi hỏi người bán hàng, bán không được thì làm gì với hàng hóa, được một câu trả lời thành thật: tiêu hủy hay đẩy sang những nước nghèo với giá rẻ. Trong thùng thư thì đủ thứ quảng cáo và cộng thêm những lá thư kêu gọi quyên góp cho các “tổ chức từ thiện” giả mạo.

Bây giờ ra đường đi đâu cũng nơm nớp sợ bị phạt, hai người hai cái vé phạt tiền 135 euro nhân hai là 270 euro đau điếng, đủ để đi chợ ăn cả hai tuần lễ chứ ít gì, nhà nước tính kỹ lắm.
Ngày nào cũng COVID, sáng COVID, trưa COVID, chiều COVID... ăn mãi, suốt từ tháng 3 năm 2020 tới giờ ngán ngẩm, vậy mà có người nói, chết thì chẳng còn tự do cá nhân nữa, đấy là lý luận theo kiểu Đức Totschlagargument (lý luận cho chết luôn, không cãi được), đúng là chết là hết rõ ràng, vì thế phải hạn chế tự do cá nhân đến mức tối đa. Điều này ủng hộ cho cái mới của chính phủ, bữa ăn đêm Noël trong gia đình chỉ được phép tụ họp 6 người lớn, như vậy có nhà người thân xếp hàng đến lượt ăn cả ba, bốn ngày mới hết bữa Noël! Tiền đâu ra? Mà, chính phủ tự cho phép can thiệp vào nội bộ gia đình trong vòng thân mật thì còn gì là tự do cá nhân nữa?! Thế này thì chẳng khác nào không cho phép vợ chồng được ngủ chung giường, phải giãn cách 6 mét vuông và phải đeo khẩu trang... Đúng, chết là hết, chẳng còn tự do cá nhân gì nữa, làm cho người ta sợ!
Nói đến tiền, thì chính phủ than: từ đầu mùa dịch COVID đến giờ dân để dành tiền nhiều quá, phải ăn xài cho kinh tế sống lại đi chứ. Nói như thế thì chỉ có người ngồi trong văn phòng ấm cúng suốt ngày mới nói được, đi mua mà cứ phải xếp hàng chờ đến lượt mình mới được bước chân vào cửa hàng, trong khi ngoài trời lạnh giá, mưa lạnh, gió thổi buốt da buốt thịt, về nhà lại hắt hơi sổ mũi lên cơn nóng lạnh, cảm lạnh... lo dính COVID rồi chăng, thì ai mà thèm đi. Rốt cục dân chúng lại đổ xô vào những trung tâm thương mại ấm cúng, chỉ tội những cửa hàng buôn bán nhỏ. Đám trẻ con cũng buồn vì cha mẹ thất nghiệp không có tiền mua đồ chơi làm quà Noël.
Hôm nọ, tôi hộ tống ông chồng đi khám ở một bệnh viện đa khoa tư ở thành phố Amiens, cách nhà tôi 80km, bà thư ký lắc đầu cương quyết không cho tôi bước chân vào phòng đợi, vì theo chỉ thị phòng tránh COVID thì chỉ cho người bệnh vào, không có thân nhân đi kèm. Chồng tôi giận dữ nói, vợ tôi đang bị ung thư, đuổi ra ngoài đợi để không chết vì COVID mà chết vì rét à, xong anh ấy bỏ đi về luôn, bỏ cái hẹn với bác sĩ, ngay tại chỗ, tại phòng mạch. Cũng như cái “sự kiện” ấn định mỗi một nhà thờ chỉ được tiếp đón 30 con chiên ngoan đạo, nhà thờ lớn, bé, ở thành phố ở thị trấn hay ở vùng quê sâu thẳm, 30 là 30 như nhau, làm dấy lên một sự phản đối, chính phủ phải xem xét lại quyết định.
Ở thành phố cứ bước chân khỏi cửa là cửa hàng san sát nhau, hàng nọ kế hàng kia suốt đường ngang đường dọc; ở vùng quê chạy 25km mới thấy một cái cửa hàng bán tạp hóa, thế mà luật là luật, từ Paris với 2,2 triệu dân của nội thành, tính cả vành đai Île de France thì lên đến 12,21 triệu dân, thành phố lớn, nhỏ, thị trấn cho đến thôn quê làng mạc thưa thớt, gần 67 triệu dân Pháp chỉ được ra khỏi nhà co dãn chân cẳng trong vòng... 1km trong 1 tiếng quanh nhà. Trong khi nước Pháp có 33.000 làng, trên tổng số 34.970 làng (kể cả nước Pháp hải ngoại), chỉ có dưới 64 dân/km2 . Nội đi vòng quanh một thửa ruộng cũng đã hơn 1km, đi hàng chục cây số không một bóng người, không một con mèo lạc lối, không một con chó chạy rông. Người dân tự hỏi, không biết người nào ngồi (cạo) bàn giấy ở tít tận Paris rặn ra những thứ luật lệ như thế?... Nhân danh “COVID”, có nhiều điều không có tình cũng không có lý khiến dân chúng chẳng ai hiểu được.
Chưa hết đợt hai lại nghe nói đến sửa soạn đợt dịch thứ ba sau Noël và Tết dương lịch, rồi ngày nào cũng có tin về vắc xin chống dịch, người tin người không tin..., mà phải nửa dân số chịu tiêm vắc xin mới đạt được mức độ miễn nhiễm cộng đồng. Giãn cách toàn thể xã hội và giới nghiêm kéo dài, thất nghiệp, phá sản, ly dị, tan vỡ, ngoại tình, bạo lực gia đình... những hậu quả xã hội của thời kỳ COVID làm cho người ta lo ngại đến những vấn đề sức khỏe như ung thư, trầm cảm, tự tử... sẽ tăng nhanh không tránh khỏi trong thời kỳ hậu COVID.
Con số tròn 2020 không đem lại may mắn từ đầu năm đến giờ, biết đâu chừng “tiền hung hậu kiết”, cầu mong Ơn Trên được như thế, những người chưa có kinh nghiệm chống dịch, thì năm nay đã được thử lửa để đề phòng dịch bệnh, kinh nghiệm đầy mình để tự cứu lấy mình.♦
(*) Advent: Mùa Vọng, khoảng thời gian 4 tuần trước lễ Giáng sinh.