Chính phủ đã ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo. Nghị định mới quy định người dân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự sẽ được phép bắn pháo hoa trong các ngày lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi… Nghị định này có hiệu lực từ ngày 11-1-2021.
Người Việt cổ không đốt pháo vào ngày
Tết Năm mới ở Trung Quốc bắt đầu bằng việc xua đuổi con “Niên” (năm). Theo truyền thuyết, ngày xửa ngày xưa ở Trung Quốc có con thú dữ gọi là “Niên”, trên đầu mọc sừng, hết sức hung dữ. Con “Niên” quanh năm suốt tháng sống dưới đáy biển, cứ vào đầu năm mới thì nó mới lên bờ để giết súc vật và hại người. Tuy nhiên, con vật này sợ tiếng ồn nên người Trung Quốc đã dùng pháo trúc đốt để xua đuổi. Bởi vậy, những ngày đầu năm trong tâm thức của người Trung Quốc xưa là một nỗi sợ chứ không phải là mừng vụ mùa như người Việt cổ.

Ngày đầu năm mới của người Trung Quốc là ngày xua đuổi con “Niên” (năm) bằng tiếng pháo. Tranh minh họa
Sau này, pháo được người Trung Quốc dùng rộng rãi trong các ngày cưới hỏi, sinh nhật, tân gia, khai trương… Hiện, nước xuất khẩu pháo hoa đứng đầu thế giới là Trung Quốc với doanh thu 866,3 triệu USD và chiếm 84,2% lượng pháo hoa xuất khẩu toàn cầu.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, Trung Quốc đã ban bố lệnh cấm pháo. Thành phố đầu tiên cấm pháo là Thiên Tân và bắt đầu cấm từ ngày 3-2-1970. Lệnh cấm pháo quy mô lớn đợt 2 là vào năm 1993, và áp dụng ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và hơn 280 thành phố lớn khác.
Năm 2005, theo ý kiến của công chúng, chính quyền Trung Quốc đã thay đổi lệnh “cấm” thành “hạn chế”, nghĩa là pháo chỉ được sử dụng trong khoảng thời gian nhất định ở khu vực được quy định. Tuy nhiên, đến năm 2016, Thượng Hải và nhiều thành phố khác ở Trung Quốc đã ban lệnh cấm pháo hoa trong dịp mừng năm mới nhằm làm giảm tình trạng khói mù và cải thiện chất lượng không khí cho kỳ nghỉ lễ kéo dài 1 tuần. Tiếp đó, nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí, từ năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã cấm pháo hoa trên hơn 444 thành phố trên cả nước. Thậm chí, giao thừa năm 2018, Bắc Kinh và nhiều thành phố khác cũng đã sử dụng pháo hoa điện tử thay cho pháo hoa truyền thống.
Năm 2019, 5 ngày trước lễ hội Diwali (chính thức vào ngày 27-10), còn gọi là lễ hội ánh sáng của Ấn Độ, chính quyền nước này ban hành lệnh cấm nhập khẩu pháo hoa Trung Quốc. Bởi vì pháo hoa Trung Quốc chứa nhiều hóa chất gây độc hại môi trường như chì đỏ, đồng oxide, lithium…
Những người vi phạm bị phạt đến 3 năm tù.
Do bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, lúc trước Tết đến khắp mọi miền ở nước ta nhà nhà đều đốt pháo. Nếu xét về góc độ văn hóa, việc đốt pháo vào những ngày đầu năm mới không phải là nét văn hóa của người Việt. Nhà thơ Tú Mỡ (1900 - 1976) có bài thơ Ghét Tết như sau:
Thiên hạ sao ưa Tết?
Hẳn vì mặc áo đẹp
Tớ đây bảo Tết phiền
Ghét!
Tiêu pha thực tốn tiền
Chè chén cứ liên miên
Hết Tết đâm lo nợ
Điên!
Mồng một đi mừng tuổi
Chúc nhau nghe inh ỏi
Toàn câu sáo rác tai
Thối!
Mừng tuổi đèo phong bao
Năm xu lại một hào
Ai sinh cái lệ đó?
Hao!
Kiết xác như vờ rồi
Còn ngông đốt pháo mãi
Pháo kêu: Tiền hỡi tiền
Dại!
Đọc bài thơ Ghét Tết của nhà thơ Tú Mỡ, chúng ta nhận ra nhà thơ ghét Tết là do Tết “phiền”. Phiền là do Tết phải “tiêu pha thực tốn tiền”, “chè chén cứ liên miên”, phải nghe những câu chúc sáo rỗng, mừng tuổi phải lì xì, và phải tốn tiền mua pháo về đốt.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn cổ vũ việc đón Tết của người dân theo hướng tiết kiệm. Ngày 18-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài Mừng Tết Nguyên Đán như thế nào? (báo Nhân dân số 2132) nêu những việc đáng chê, đáng khen trong việc ăn tết, nhắc nhở cán bộ phải làm gương, hướng dẫn nhân dân ăn tết vui vẻ, tiết kiệm. Người nhận định: “Suốt năm chúng ta thi đua lao động, sản xuất, những ngày Tết Nguyên đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào xuân. Việc đó cũng đúng thôi. Nên chúng ta mừng xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không xuân”. Và Người kêu gọi: “Mừng xuân, xuân cả thế gian,/ Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới xuân”.

Pháo hoa tại Hồng Kông (Trung Quốc)
Bên cạnh đó, việc đốt pháo để xua con “Niên” không phù hợp với Việt Nam vì nước ta không hiện tồn một truyền thuyết nào về con “Niên” này. Người dân ta bỏ việc đốt pháo ngày Tết chứng tỏ được bản lĩnh văn hóa của Việt Nam.
Bởi thế chúng ta bỏ đốt pháo, thậm chí lúc trước Nhà nước cấm người dân đốt pháo. Ngày 8-8-1994, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ban hành Chỉ thị số 406-TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Chỉ thị nêu rõ: “Do sản xuất và đốt pháo đã gây ra hàng ngàn vụ tai nạn, cháy nhà, chết người hoặc gây thương tật suốt đời, ảnh hưởng đến trật tự an ninh, tổn thất kinh tế, ô nhiễm môi trường rất lớn không thống kê được…” và “Để nhanh chóng khắc phục tình trạng trên, cũng là xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chung của nhân dân trong cả nước và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ IV về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí” nên Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: “Kể từ ngày 1-1-1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa)” và “Trong các ngày lễ lớn, các ngày Tết, ngày hội có tổ chức bắn pháo hoa, đốt pháo hoa thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải thông báo cho nhân dân biết thời gian, địa điểm bán pháo hoa, đốt pháo hoa. Những dạ hội vui chơi du lịch, những dịp tổ chức khánh thành công trình, tổ chức lễ hội, hiếu hỉ, nếu đốt pháo hoa phải bảo đảm an toàn”. Do đó, Tết Nguyên đán năm Ất Hợi 1995 vắng bặt tiếng pháo, là Tết đầu tiên của người dân nước Việt không đốt pháo sau nghìn năm pháo nổ tưng bừng.
Tiếp đó, Nghị định 36/2009/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực từ ngày 1-6-2009 nêu rõ: Chính phủ thống nhất quản lý việc sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán, vận chuyển, bảo quản và sử dụng pháo hoa trong phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, theo Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực từ ngày 11- 1-2021 lại có điểm mới. Theo đó, tại Điều 17, nghị định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa trong trường hợp: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, quy định này lưu ý các cơ quan, tổ chức, cá nhân, khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Người Trung Quốc thời xưa không có Tết
Khổng Tử (511 - 479 TCN) là nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị nổi tiếng người Trung Hoa. Trong sách Kinh Lễ, ông viết: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn nguời Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó”.
Sách Giao Chỉ Chí của Trung Quốc cũng có đoạn viết về Tết. Sách viết: “Bọn người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới, không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang, Chúa động cũng đều tham gia lễ hội này”. Như vậy, Tết là ngày lễ hội lớn của người Việt cổ nhằm mừng một vụ mùa nông nghiệp mới. Về bản chất, Tết là khoảng thời gian người nông dân được nghỉ ngơi vui chơi trước khi bắt đầu một chu kỳ canh tác, gieo trồng mới.
Do nhu cầu canh tác nông nghiệp, người Việt cổ đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc “giao thời”). Trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên đán. Sau này nó được biết đến là Tết Nguyên đán, tức là Tết của người Việt.
Như vậy, Tết là đặc trưng của văn hóa Việt cổ. Nấu bánh chưng bánh dày, ăn trầu cau… là những nét độc đáo vào ngày Tết của người Việt cổ còn lưu lại đến tận bây giờ. Bởi vậy gần đây có quan điểm cho rằng phải bỏ Tết Nguyên đán, chỉ vui chơi vào Ngày Năm mới (New Year’s Day) như phương Tây đã khiến cho dư luận phản ứng. Bởi trong dương lịch, ngày 1-1 (Ngày Năm mới - New Year’s Day) ở phương Tây chỉ đơn giản là ngày đầu tiên của tháng 1 (January). Chữ January xuất phát từ tên của vị thần La Mã Janus - người gác cổng Thiên đường, được phác họa có hai đầu, một trông về phía trước, một trông về phía sau, biểu tượng cho sự chuyển giao giữa cái cũ và cái mới.♦

♦ BÙI MẠNH NHỊ Nhớ Bác Nâng bông mai Bến Nhà Rồng Ai về Hà Nội thưa cùng: Bác ơi! Bấy mùa xuân nhớ khôn nguôi Mai Phương Nam vẫn đợi Người vô thăm Ký họa đêm giao thừa Hà Nội Hà Nội choàng mưa xuân ra phố Rét ngọt sông Hồng, đào thắm má phố xưa Kìa Tháp Bút lung linh mâm ngũ quả Năm cửa ô nâng phút giao thừa… Khai bút Ban công bên hoa đọc sách Ngày xuân chọn chút thư nhàn. Sài Gòn lung linh sao sáng Phố như trời Trời như phố Đêm đêm… Làm sao ta già được nhỉ Bên ta xuân vẫn thầm thì. Rượu ngon vẫn chờ bạn quý Ngang trời lại hẹn nâng ly. Kéo vạt sao vào chăn ngủ Ghẹo ta khúc khích xuân thì… |