HV155 - Tết thời chiến

Năm hết Tết đến. Lo ăn tết. Cái lo này ngày xưa là to lắm, từ đầu tháng chạp đã phải bắt đầu làm hay tích lũy vật liệu để làm bao nhiêu món nọ món kia. Rồi may sắm quần áo mới cho trẻ con, gọi thợ vôi ve sơn phết lại trong ngoài, trang hoàng nhà cửa, giặt phơi chăn màn v.v… Tết thì “vui như Tết”, nhưng chuẩn bị Tết rất dễ làm mi mắt người nội trợ đảm đang trở nên thâm quầng…

Dĩ nhiên đưa năm cũ đi đón năm mới về không phải chỉ là dịp để ăn ngon, mặc đẹp, chơi thỏa thích, mà còn là lúc vui gia đình đoàn tụ. Dù đang học hành, làm ăn ở phương trời nào, nếu có thể được, người ta cũng sắp xếp để về quê…

Thỉnh thoảng, trong lịch sử dân tộc có những năm người Việt Nam bỗng xuê xoa đi, chểnh mảng đi đối với Tết. Việc chuẩn bị rất sơ sài, hoặc không có. Và vô số gia đình đến tận ngày cuối năm vẫn không thấy mặt mũi một vài thành viên thân thiết nhất. Cái gì phá Tết thế này? Thì cái thứ khói lửa mà không phải ở trong bếp, cái âm thanh nghe như pháo mà cũng không phải, chứ còn gì nữa.

Nhưng thực ra chiến tranh dẫu lúc ác liệt nhất cũng không thể cản trở Tết đến trong lòng người Việt Nam. Thậm chí, chính những cái Tết phải thu vào trong lòng đó lại làm cho ta càng thêm quyết tâm nỗ lực cho Tết sớm lại bung ra.

Sau đây là một số ghi chép về Tết thời chiến. A, vậy mà nó vẫn có thể có nét tưng bừng riêng đấy.

Tết kháng chiến đầu tiên của Bác

“Đêm 19-12-1946, Bác rời Vạn Phúc (…). Đêm 13-1-1947 (…) Bác cháu tôi tới xóm Lai Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Sơn Tây (…). Nhớ (…) một cuộc họp thân mật (có) Bác đến dự. Trời rét, mưa phùn, nhìn Bác gầy mà đầu đội nón, quần xắn cao, tay chống gậy đi vào phòng họp, nhiều đồng chí đã khóc. Có đồng chí thốt: “Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác sao mà vất vả quá chừng. Giành được độc lập, tự do cho nước, cho dân mới được hơn một năm lại phải lãnh đạo cuộc kháng chiến khó khăn nhiều bề” (…). “Thế các cô các chú có thấy có lúc nào Bác phàn nàn, kêu ca không? Nếu có thật vất vả thì vất vả của Bác so với chiến sĩ và nhân dân là không đáng kể. Vì vậy, Bác không dám kêu ca, phàn nàn mà phải cố gắng cho đến khi kháng chiến thắng lợi!” (…). Chiều ngày 21-1-1947 (…) Bác đi dự phiên họp Hội đồng Chính phủ tất niên (…) dọc đường xe sa xuống ruộng, 21 giờ mới tới phủ Quốc Oai (…). 22 giờ rưỡi, xe lại đưa Bác đến Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam trong hang chùa Trầm (…) đường lầy, trơn, gần nửa đêm mới tới nơi (…). Người vào ngay nơi thu thanh (…) đọc bài thơ chúc Tết gửi đồng bào cả nước: “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/ Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/ Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/ Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/ Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!/ Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/ Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!/ Thống nhất độc lập, nhất định thành công!” (…). 0 giờ 45 phút mồng một Tết, Bác lên xe ra về. Trời vẫn mưa to. Lại phải xuống xe đẩy mấy quãng (…). Cách nhà chừng hai cây số thì xe lại tụt cả hai bánh xuống ruộng (…). Mấy Bác cháu cuốc bộ về nhà “xông đất” (…. Năm giờ sáng, Bác cháu mới đi nằm (…). Bảy giờ sáng tôi dậy (…). Bác đã dậy trước (…). Anh Cả (Nguyễn Lương Bằng) cùng mấy anh em xuất hành đi khênh xe (…). Trưa (…) Bác vẫn như ngày thường (…) đeo kính trắng ngồi đọc sách (…). Chiều (…) anh Ninh và tôi ăn cơm nguội, mấy anh em khác ăn Tết cùng đồng bào. Riêng Bác có một suất cơm nóng, nhưng là cơm độn sắn, có mấy miếng thịt nạc rim và bát canh rau cải (...). Chín giờ tối, các anh Nhân (Trường Chinh), Văn (Võ Nguyên Giáp), Nam (Hoàng Hữu Nam) vào họp và chúc Tết Bác (…). Xe các anh cũng bị tụt bánh (…) chúng tôi đi khênh hộ (…). Một giờ sáng các anh ra đi (…). Kháng chiến quả là vất vả (...). Nhưng hằng ngày trông Người cặm cụi làm việc, nhớ đến lời thơ chúc Tết của Người (...) tôi thấy như được tiếp thêm sức mạnh. Giờ đây, mỗi lần Tết đến, không còn được nghe Bác đọc thơ chúc Tết trên Đài phát thanh, nhưng trong tôi vẫn vang vọng lời thơ như tiếng kèn thúc trận từ đêm giao thừa năm ấy”(1). “Vất vả quá chừng”? Còn đúng nào hơn! Ba mươi năm bôn ba hải ngoại chỉ có châu Úc là chưa ghé qua, đến khi về nước thì gần năm năm ẩn náu nơi rừng núi xa xôi hiểm trở vốn rất hiếm người Kinh từng lên, rồi ở Hà Nội chỉ được có vỏn vẹn một năm mấy tháng, lại phải trở lại mạn ngược… Tết Đinh Hợi, Hồ Chủ tịch đã gần sáu mươi. Trước kia tới lục tuần là được gọi bằng “cụ”, nếu làm quan có thể cáo lão. Ở cái tuổi mà điển hình người ta sắp sửa về quê nghỉ ngơi, thì Bác chuẩn bị lên núi vào rừng để lãnh đạo một cuộc kháng chiến khó khăn chưa từng có trong lịch sử dân tộc: quân giặc được trang bị dồi dào đủ thứ phương tiện chiến tranh hiện đại, còn quân ta thì súng đạn hết sức ít mà chưa biết đến bao giờ thì mới bắt đầu được các bạn chi viện. Làm sao đây? Làm gì thì cũng phải giữ cho dân có cái tinh thần cao nhất. Cho nên “…nhất định thắng lợi! (…) nhất định thành công!”… Trong chuyến công tác cuối năm ấy, ngồi trên cái xe thích sa xuống ruộng và ưa quay tít bánh để đứng yên tại chỗ, có lẽ Hồ Chủ tịch có lúc đã ước có một con ngựa, nhưng rồi rút cuộc Bác chỉ được cưỡi chính mình! Năm giờ sáng mới đi nằm, để chưa tới bảy giờ đã dậy, suốt ngày sinh hoạt như thường, này, bây giờ ai vào tầm tuổi ấy thử làm như Bác một lần xem sao! Và Tết năm nay, ngày mồng 1, ta hãy ăn bữa cơm độn sắn để tưởng nhớ một quốc trưởng vất vả vì nước hơn bất cứ quốc trưởng nào xưa nay ở bất cứ đâu.


Bác Hồ chúc tết đồng bào​

Tết thủ đô đánh Pháp

“Trước Tết Đinh Hợi 1947 ít hôm (…) bí thư Đảng ủy, chính trị viên trung đoàn Thủ Đô nói với (ban chỉ huy) “Này! Các cậu nghĩ xem ta có nên tổ chức một bữa chiêu đãi lãnh sự quốc tế vào dịp Tết không? Nếu có buổi đó sẽ làm cho nước ngoài thấy rõ người Hà Nội ta vẫn đàng hoàng mặc dù đang đánh nhau ác liệt. Tiện thể ta thăm dò thái độ của họ xem sao” (…). Chúng tôi điện ra ngoài xin ý kiến (…). Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội chấp thuận (…). Khách mời gồm lãnh sự Anh, Mỹ, Trung Hoa Dân quốc, một số đại biểu Hoa kiều (…). Anh em tiếp tế vận tải tiểu khu Trúc Bạch - Lãng Bạc mang từ ngoại thành vào mấy cành đào rất đẹp, chậu quất thật sai, nhiều hoa tươi, rau, quả, thịt, bánh chưng v.v… Các tiểu khu Đông Thành, Đồng Xuân, Đông Kinh Nghĩa Thục tìm những đầu bếp giỏi nhất (…). Chúng tôi chọn ngôi biệt thự Anh Hoa, nằm giữa hai mặt phố Ngõ Gạch, Hàng Chiếu (…). Bức chân dung Bác Hồ được lồng vào khung kính treo ở nơi trang trọng (…). Mồng 1 Tết (…) 17 giờ, từ phía Hàng Bài, một nhóm người (…) bước (tới chỗ có) liên lạc viên của ta chờ sẵn (…). Những ngọn bạch lạp (…) làm tôn vẻ đẹp của các bức tranh, cành đào, cây quất. Trên bàn có bánh chưng, yến, vây, bóng, mực, có rau quả tươi, có rượu nếp cẩm, rượu trắng và cả rượu Tây. Các vị khách đều tỏ vẻ ngạc nhiên trước không khí lịch sự và nội dung thịnh soạn của bữa tiệc (…). Chúng tôi giới thiệu chủ, khách (…) nhắc lại nhân dân Việt Nam sẽ hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì độc lập, thống nhất (…) chuyển lời chúc mừng năm mới của Hồ Chủ tịch đến chính phủ và nhân dân các nước Anh, Mỹ, Trung Hoa Dân quốc (...). Lãnh sự THDQ (…) đứng lên đáp lời bằng tiếng Việt khá sõi (…) cảm ơn chính phủ và quân đội Việt Nam đã giúp đỡ Hoa kiều (…) chúc cụ Chủ tịch Hồ, các vị chỉ huy và “cán binh” liên khu 1 sức khỏe (…). Kế tiếp (…) lãnh sự Anh đứng dậy phát biểu bằng tiếng Pháp: “Xin (…) nhận ở tôi lòng biết ơn về sự giúp đỡ các Ấn kiều (…). Tôi ghi nhận tinh thần kỷ luật rất cao của quân đội các ngài (…)”. Ông nâng cốc chúc mừng năm mới hạnh phúc và uống cạn một hơi ly rượu trắng Việt Nam mà ông nói thích hơn các thứ rượu Tây bày trên bàn. Đến lượt lãnh sự Mỹ là Sullivan đứng lên xin có lời. Cũng bằng tiếng Pháp, ông cảm ơn thiện ý (…) đã mời ăn tết, cảm ơn sự đón tiếp hữu nghị, rồi bỗng thốt: “Hãy kiên trì và kiên trì, các bạn sẽ thắng!” (Patience et patience, vous aurez la victoire!). Tôi ngỡ mình nghe lầm! Mọi người vỗ tay kéo dài hưởng ứng trong khi ông kết thúc bằng câu: “Nhờ (…) chuyển lời chúc sức khỏe Cụ Hồ kính mến”. Tiệc kết thúc sau khoảng hơn một tiếng đồng hồ (…). Các vị khách ra về (…) mỗi người được tặng một chai rượu và một bó hoa tươi”(2). Hà Nội đang kháng chiến. Phố xá là trận địa, nhà cửa là ổ chiến đấu, bàn ghế giường tủ đã ra đường làm vật cản. Súng nổ thay pháo. Tết nhất gì cái năm Đinh Hợi này. Ờ, nhưng mà nếu người Hà Nội thấy nên cho những ai đó biết mình vẫn có thể ăn Tết rất “đàng hoàng” thì cũng không có khó gì cả. Mặc nó ra sức cản trở, các đường tiếp tế của ta vẫn hoạt động được, đưa vào nội thành đủ các thức cần dùng. Trong các phát biểu của khách, chỉ có lời Sullivan là đáng chú ý. Do tham vọng riêng, Mỹ không muốn Pháp tái thuộc địa hóa Đông Dương. Nhưng chỉ khoảng hai tháng nữa thôi, Tổng thống Mỹ Truman sẽ quyết định chẳng thà để Pháp chiếm lại Việt Nam hơn là để Việt Nam trở thành một nước cộng sản. Lời của lãnh sự Mỹ rồi sẽ có giá trị tiên tri không phải chỉ đối với Pháp, mà cả đối với Mỹ!

Tết trước Điện Biên Phủ

Ngày 2-2-1954 (29 Tết). Suốt buổi sáng đi xem đường, nghe công binh trình bày yêu cầu mà phát sốt (…). Cả buổi sáng và chiều leo đèo, vượt qua (điểm cao) 1206 mới quay trở lại, trời nắng gắt (…) rất mệt nhưng thấy anh em tíu tít cuốc đất chặt cây bẩy đá thi đua sôi nổi, phấn khởi quên cả mệt (…) anh em mệt hơn mình biết bao nhiêu ấy chứ (...). Chiều xuống, sắp trở về thì gặp văn công (…). Trông thấy Nga, Phi, Ly đeo ba lô mồ hôi đọng trên trán, mình thương quá (…) hỏi: “Chiều nay ba mươi Tết rồi, Nga có nhớ nhà không?”. Mắt Nga chớp mấy cái (…). “Em chỉ nhớ ít thôi, thương các anh nhiều hơn”. Câu nói của một em gái mười bốn tuổi (…). Lẽ ra cái tuổi này đang được cắp sách đến trường (thế mà lại vượt đường xa thăm thẳm), leo qua bao nhiêu đèo cao, lội qua bao nhiêu suối giá buốt, đi theo các anh ra mặt trận, chịu đựng gian khổ không kém gì các anh, để giữa bom đạn vẫn ca hát (…) động viên mọi người (…). Dọc đường về lại gặp văn công. Họ cười nói tíu tít chúc tụng bộ đội. Cái Tết ở trong lòng mọi người, ở tiếng cười câu nói của mọi người…”(3). Rút cuộc, cái nghĩa lý của văn công nó là thế nào nhỉ? Thấy đại khái, đời sống ở chiến trường là “khô” lắm, đã thiếu rau tươi cho cơ thể, lại thiếu cái gì đó tươi cho tâm hồn, “các em” đến, tưới tươi vào lòng “các anh”… Mười bốn có còn ít tuổi quá chăng? Thời trước con người ta trưởng thành sớm, và hoàn cảnh khó khăn cũng giúp chóng già dặn. Đào vẫn còn nụ đấy, nhưng mà đào đã làm nên được xuân rồi, trong những lòng đang khao khát xuân.

Tết Trường Sơn


Niềm vui nhận được thư từ quê nhà

“Trường Sơn không có hoa đào, bộ đội (…) chặt hoa mai rừng, hoa chuối rừng, hoa phong lan v.v… về trang trí Tết. Hàng tết một phần từ miền Bắc, phần lớn (…) nuôi trồng tại chỗ, còn lại do (…) trao đổi với dân Lào (…). Các đơn vị xe ô tô (đang) “tổng công kích” (…) tất cả các đoàn xe đều tranh thủ vượt cung tăng chuyến (…). Hàng Tết được (…) hậu cứ của đơn vị chuẩn bị và phân phát cho từng xe (…). Những cành mai được chặt về đặt trong ca bin (…) Bộ đội phòng không (…). Không khí Tết về trên từng mâm pháo, từng khẩu đội trọng liên (…). Hoa mai rừng tỏa sắc vàng rực rỡ hòa cùng ánh thép nòng súng vươn cao hướng lên trời xanh (…). Hậu cứ (…) có nơi gói được bánh chưng, có nơi nấu cơm nếp mang ra cho những người đang trực chiến (…). Lính phòng không từng tốp đi xông trận địa thay cho xông đất (…). “Chúc nhau trận địa vững vàng/ Giương cao nòng súng hiên ngang giữa trời/ Bắn cho quạ Mỹ tơi bời/ Xe ra tiền tuyến không ngơi đêm ngày” (…). Bộ đội công binh chốt trên các trọng điểm bám đường (…) không có nhà mà ở dưới hầm chữ A (…). Trong hầm có hoa quả rừng trang trí Tết, có thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng (…). Xông hầm thay xông đất (…). Đúng giao thừa, những loạt súng đủ các loại trên các trận địa phòng không, trên các chốt giao thông, trên các đoàn “Đại bàng”, “Tuấn mã” bùng lên, vang vọng khắp núi rừng Trường Sơn, chào đón bài thơ chúc Tết của Bác Hồ (và) lời Bác Tôn qua sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bộ đội ô tô dừng xe vào chúc Tết bộ đội công binh (…). Từ năm 1971, hệ thống đường kín được mở ra (…). Những đoạn đi qua rừng non, rừng thưa, các khung tre gỗ được dựng lên, cài cây rừng che phủ, (cuối năm) nhiều nơi chị em lấy phong lan treo lên vừa là ngụy trang vừa là trang trí đón xuân (...). Không khí ngày Tết Trường Sơn thật náo nức (…) bừng lên hào khí với niềm tin chiến thắng”(4). Khung thời gian trong bài ký này chắc là dịp Tết năm 1972. Không gian là quanh binh trạm 32, đường 9 Nam Lào. Nơi đây, mới đầu năm ngoái, địch đã hùng hổ huy động đông đảo lực lượng tinh nhuệ nhất vượt biên giới nhằm cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh và phá hủy hết kho tàng của quân ta. Mỹ đánh giá “Chiến dịch Lam Sơn 719 là một thảm họa cho quân lực Việt Nam Cộng hòa”(5). Tiêu biểu cho “thảm họa” là sự kiện một đại tá lữ trưởng Dù bị bắt sống cùng toàn bộ chỉ huy… Năm nay, hệ thống đường Trường Sơn kín đã phát triển, xe ra vào nườm nượp ngay giữa ban ngày, chạy dưới lá nên mắt thịt của đám giặc lái không thấy, mà nhiệt xe tỏa ra lẫn với nắng khiến mắt máy hồng ngoại của bọn ác điểu AC130 cũng mù… Treo hoa vừa che đường vừa đón xuân, tuyệt quá. Tưởng tượng trước và sau cái Tết ấy, ngày đêm, hai bên đường người người sẵn sàng nổ súng bắn máy bay, người người chuẩn bị lấp hố bom sửa đường, để cho người người lái xe chạy như một cơn lốc chở những thứ cần thiết cho quân ta dậy một cơn bão lửa địch chưa từng thấy trong suốt cuộc chiến tranh này! Đã có những Tết Trường Sơn chẳng những vật chất vô cùng khó khăn mà tinh thần cũng căng thẳng cơ hồ không còn chịu nổi. Tuy từ đây đến ngày toàn thắng vẫn còn cách một chiến dịch Xuân Hè cực kỳ sôi động, nhưng trên những miền cao dọc chiều dài đất nước, thời kỳ thử thách nhất đã qua rồi…♦ 

Tháng 11-2020


(1) Đăng trên trang sub.dost.dongnai.gov.vn.

(2) Đăng trên trang quansuvn.net.

(3) Thượng tướng Vũ Lăng, NXB Quân đội Nhân dân, 2005.

(4) Thiếu tướng Hoàng Kiền, tuần báo Văn nghệ TP.HCM, số Xuân 2020.

(5) Trang mạng bách khoa tiếng Anh en.wikipedia. org.

THU TỨ