Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên trang 100 viết nguyên văn là:
“Ngày 8 tháng 10 năm 1952, huyện đội Khoái Châu cử 2 trung đội cùng với lực lượng du kích của 3 xã Mễ Sở, Đông Tảo và Dạ Trạch tiếp tục đào giao thông hào xung quanh bốt Thiết Trụ để vây ép bắn tỉa quân địch ở trong bốt. Ban ngày ta bắn tỉa không cho chúng đi lại ở trong bốt, ban đêm ta bắc loa kêu gọi: Binh lính không đi lính chết thay cho thực dân Pháp: “Hỡi anh lính gác trong đồn/ Ngày đêm ôm súng có buồn hay không/ Ở nhà vợ nhớ con mong/ Bố mẹ khắc khoải chờ trông con về/ Hay gì cái kiếp đánh thuê/ Xóm làng phỉ nhổ cười chê muôn đời/ Về đi thôi, về đi thôi!”. Có đêm ta còn phóng bùi nhùi rơm đốt lửa và cho đạn nổ vào trong bùi nhùi để uy hiếp tinh thần quân địch. Chúng gài mìn xung quanh bốt nhưng ta vẫn bí mật tìm cách tiếp cận. Chúng phải gọi phi pháo ở các nơi bắn về hòng ép quân ta phải giãn vòng vây, nhưng vòng vây ngày càng siết chặt…”.
Bị vây hãm quá chặt chẽ, lính trong bốt liên tục gọi đại bác yểm hộ từ Bần Yên Nhân bắn ra, từ Thường Tín bắn sang, từ Phà Đen câu xuống cùng với súng liên thanh từ trong bốt bắn ra; du kích, bộ đội ta ở ngoài bắn vào. Đạn tăng sình từ ca nô, tàu chiến bắn lên cùng với máy bay thay nhau ném bom bắn phá. Suốt cả ngày đêm ầm ầm tiếng nổ, rất ít thời gian được bình yên.
Nhân dân xã Mễ Sở (nay chia hai là xã Mễ Sở và xã Bình Minh), trước còn chạy tản cư xa, sau nghe tin du kích vây bốt chốt giặc ở trong làng đã về ngay bờ luồng, bờ ruộng trên cánh đồng nhà làm lều lợp cỏ gianh để ở, đắp hầm, đào hố ngủ tránh đạn bom. Ban ngày ngớt tiếng súng, lại ra đồng tăng gia sản xuất tự túc lấy lương thực ăn còn nuôi du kích vây bốt chống càn, tối về các cụm dân cư lại được tập trung nghe tin thời sự, họp hành, học tập, múa hát ngay tại sân lều.
Trung tâm văn hóa nơi sơ tán ở khu gốc cây quếch giữa cánh đồng thôn Hoàng Trạch, cán bộ xã cử đồng chí Nguyễn Văn Vẽ làm trưởng ban văn nghệ. Sân khấu diễn kịch tuồng chèo, sàn cột ghép bằng tre xung quanh cắm lá dừa, phông màn quay bằng cót, ánh sáng thắp đèn măng sông. Các cô gái lấy áo tơi quây làm váy đầm nhảy múa điệu Liên Xô, vừa múa vừa hát. Con trai xếp hàng rồng rắn diễn điệu bộ đội hành quân, trèo lên vai ba tầng, trồng đống phun dầu lửa bùng cháy, nhảy vỡ bung ra giả làm bộc phá vỡ lô cốt đánh bốt. Đêm 23 Tết ông Công Nhâm Thìn năm ấy (1952), đồng chí đảng viên Hoàng Viết Chế, trưởng thôn Thiết Trụ, đội mũ ông Công đi hia bằng giấy cưỡi cá chép giả hóa rồng bay lên thiên đình đề đơn tấu cáo:
Muôn tâu thượng đế,
Tôi chức thổ công
Mễ Sở cộng đồng
Đề đơn tấu cáo
Vì giặc Pháp láo
Dám đem quân về
Đóng tại thôn quê
Tàn sát đốt phá
Nó dã man quá
Giết chóc bao người
Nhân dân khổ sở
Bác Hồ biết rõ
Cho quân về vây
Lần trước bảy ngày
Thì nó phá vỡ
Tăng sình nó nổ
Đại bác vu vu
Máy bay thả dù
Quân bộ tiếp đến
Giặc đông như kiến
Bộ đội ta lui
Nó xổ cũi rồi
Nó ra nó đốt
Nhà cửa cháy hết
Bao người đau xót
Trước cảnh điêu tàn
Xóm như bãi hoang
Tha ma mộ địa
Bom đạn cày xới
Khói bay ngút trời
Du kích Mễ Sở
Bao vây lại rồi.
Muôn tâu thượng khẩn!
Thượng đế lòng dân nghe lời tấu cáo, mọi người yên tâm không ai sợ giặc chạy tản cư xa. Bàn thờ tổ tiên lập ngay ở trong lều, ăn tết ngoài đồng, bám đất nằm vùng tăng gia sản xuất lấy lương thực ăn “Thực túc binh cường”. Quân với dân thi đua đoàn kết, làm theo lời Bác Hồ dạy: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thành công”.
Kể từ ngày ấy đến nay đã gần bảy chục năm rồi, những người thuở ấy nay còn sống ở xã Mễ Sở và xã Bình Minh ai cũng nhớ những ngày giáp Tết này, thường hay kể chuyện: Đồng chí trưởng thôn, đảng viên Hoàng Viết Chế đóng giả ông Công bay lên thiên đình đề đơn tấu cáo: “Du kích Mễ Sở bao vây lại rồi”.♦
* Cựu chiến binh, nguyên là quân báo du kích xã Mễ Sở.