Trải nghiệm về tầm quan trọng của bản sắc văn hóa
Tôi có thời gian 5 năm làm nghiên cứu sinh tại Paris (Pháp). Cũng ngần ấy năm là phóng viên chuyên bình luận đờn ca tài tử - cải lương trên sóng Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI - Paris), tức là tôi bình luận đờn ca tài tử - cải lương trên sóng quốc tế của RFI. Cũng trong thời gian đó, tôi đi hát và tổ chức hát cải lương cùng với các nghệ sĩ lão thành. Rồi tôi cùng nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân (đào chánh của Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga sau khi Thanh Nga mất, Trưng Nhị trong Tiếng trống Mê Linh bên cạnh Trưng Trắc-Thanh Nga) lập Hội Cải lương mang tên Về Nguồn và biểu diễn khắp nước Pháp. Đặc biệt, Hội về Nguồn còn tổ chức đờn ca tài tử - cải lương định kỳ mỗi tháng tại Paris suốt năm 2014. Khi ấy, tôi vừa là hậu đài vừa là nghệ sĩ phụ, nghệ sĩ chánh, vừa là soạn giả vừa là đạo diễn. Bởi thế mà có thể nói rằng, tôi có thời gian 5 năm gắn bó với đờn ca tài tử - cải lương và 5 năm làm đờn ca tài tử - cải lương trên đất Pháp. Tôi có được những trải nghiệm quý báu không chỉ cho nghề ca hát mà còn cho bản sắc văn hóa dân tộc.
Một trải nghiệm đầu tiên tôi xin đề cập liên quan đến chiếc áo dài. Như chúng ta đã biết, áo dài thật sự đã là một bản sắc của phụ nữ Việt Nam. Ở Pháp, trong trải nghiệm của tôi thì áo dài giữ một vị trí quan trọng. Như nói ở trên, Hội Về Nguồn tổ chức đờn ca tài tử - cải lương định kỳ mỗi tháng một lần trong một nhà hàng cạnh Paris. Cứ trước một tuần là tôi thấy các cô, các chị người Việt ở Paris bàn tán hẹn nhau mặc áo dài gì cho đẹp. Đang diễn trên sân khấu, nhìn xuống khán giả thấy những chiếc áo dài đủ màu sắc, tuyệt đẹp, bỗng nhiên câu ca của nghệ sĩ chúng tôi cũng có hồn hơn. Hay như khi mùa thu về hay mùa xuân đến, các cô các chị hẹn nhau mặc áo dài đi chụp hình. Mỗi dịp lễ tết quan trọng, các cô các chị cũng đến với chiếc áo dài. Lúc đầu tôi thấy ngạc nhiên vì nghĩ rằng họ ở Tây thì phải chuộng đồ đầm mới phải. Nhưng dần về sao, tôi càng hiểu ra rằng, trong nhiều lý do để mặc áo dài của các cô, các chị, còn có một lý do rất quan trọng: nơi xứ người, trong nền văn hóa của người, bỗng nhiên câu chuyện khẳng định bản sắc, khẳng định sự khác biệt trở nên quan trọng hơn. Và tôi không còn ngạc nhiên khi thấy mỗi lần về nước, các cô, các chị đặt may một lần nhiều bộ áo dài để mang sang Pháp mặc.
Có người nói với tôi rằng, phải có sự gián cách thì bản sắc mới trở nên quan trọng. Ngoài minh chứng bên trên, tôi cũng tìm được minh chứng khác cho sự gián cách này, và liên quan đến đờn ca tài tử - cải lương. Số là, ở Pháp, nghệ sĩ diện cải lương đôi khi không thuộc tuồng bằng khán giả. Có những khán giả mê cải lương quá nên tuồng nào cũng thuộc và khi nghệ sĩ quên thì họ sẵn sàng nhắc giúp. Mỗi khi tôi vô vọng cổ, tôi đều nhìn thấy những ánh mắt như nhìn thẳng vào tim tôi, như nuốt từng từ từng chữ của bài vọng cổ. Một lần nọ, tôi cùng nhiều nghệ sĩ cải lương biểu diễn phục vụ kiều bào tại thành phố Toulouse (miền Nam nước Pháp). Khán phòng có chừng 300 khán giả là người Việt.
.png)
Biểu diễn ca vọng cổ trong chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Paris (Pháp), năm 2010
Vách tường phòng làm bằng kính nên nhìn thấy rõ cảnh vật bên ngoài. Đến cuối chương trình, tôi được ban tổ chức đề nghị ca thêm một bài vọng cổ. Thế là tôi ca bài Xuân đất khách của NSND Viễn Châu. Bên ngoài tuyết rơi mù mịt, tôi lại ca tới đoạn “Xuân đất khách lạnh lùng mưa tuyết đổ, đâu phải xuân quê nhà nên cây cỏ xơ rơ. Ôi biết bao giờ mới trông thấy cảnh xuân xưa, mà ngày về quê cũ cứ nay lần mai lựa. Xuân năm trước hẹn mùa xuân tới, xuân năm này lại hẹn đến xuân sau…”. Tôi ca vừa tới đó thì bên dưới một khán giả cất lên tiếng khóc rất to, to đến mức mà trên sân khấu tôi nghe rõ. Thế là bên ngoài tuyết rơi, bên trong ca vọng cổ và khóc.
Thế đấy, khi xa xứ, nghe vọng cổ có cảm giác khác hơn nhiều so với khi nghe ở trong nước. Cảm giác đó phải trải nghiệm rồi mới thấm chớ không tả cho rõ ràng tường tận được. Có phải chăng, đờn ca tài tử - cải lương đã thuộc về cái hồn dân tộc, nên khi chạm vào đó nơi xứ lạ quê người càng có cảm giác nhớ thương. Bản sắc văn hóa lúc bình thường nghe nói thì đôi khi chỉ nghe cho xong, còn khi xa xứ, khi cần có nó để làm chỗ dựa tinh thần, để làm cái phân biệt mình với cộng đồng sắc tộc khác, thì khi ấy chúng ta nhận thức rất rõ tầm quan trọng và chân giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc.
Truyền thống và hiện đại phải song hành
Ngày nay, ở thời đại số, các nền văn hóa thật sự quá dễ dàng tiếp cận với nhau. Bản sắc văn hóa của các nước có nền kinh tế yếu đương nhiên càng bị đe dọa. Chưa kể là dù có ra sức bảo vệ không để bản sắc bị đánh mất, thì bản sắc ấy cũng có quá nhiều nguy cơ bị lai tạp, bị thay đổi dần để phục vụ cho cái gọi là hội nhập với thế giới hiện đại. Nhưng chắc ai cũng biết hòa nhập khác hòa tan rất xa. Trong bối cảnh đó, bảo vệ bản sắc văn hóa càng trở nên cấp thiết đối với bất kỳ quốc gia dân tộc nào, nhất là đối với những nền văn hóa yếu thế dễ có nguy cơ bị xâm thực, bị mai một.
Giữ gìn bản sắc riêng của từng nền văn hóa, đó không phải là đóng cửa không tiếp xúc với ai, mà là phải thuận theo dòng chảy toàn cầu hóa để làm quen với các nền văn hóa khác và cũng nhân đó để giới thiệu bản sắc của mình đến với bạn bè quốc tế. Mỗi dân tộc nếu đều làm được như vậy, thì thế giới mới duy trì được sự đa dạng về văn hóa.
Đờn ca tài tử - cải lương trong không gian văn hóa đô thị
Nhìn lại lịch sử “Nam tiến” của Việt Nam, thì vùng đất phương Nam dĩ nhiên là được khai hoang lập ấp muộn nhất. Và trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc, thì đất phương Nam này chỉ hơn 300 năm. Trong 300 năm đó, những nét văn hóa mà người di cư vào Nam mang theo cũng dần được “địa phương hóa”, và dần hòa hợp với bản tính, con người của vùng đất mới. Âm nhạc cũng vậy, đất phương Nam đã cho ra đời một loại hình âm nhạc, dù có gốc nguồn từ Nhã nhạc cung đình Huế, nhưng nền âm nhạc đó đã được địa phương hóa cho hợp với bản tính, con người và giọng nói của miền Nam. Nếu âm nhạc là một loại ngôn ngữ, thì đờn ca tài tử - cải lương là một kiểu ngôn ngữ miền Nam.
Là một đặc trưng văn hóa như thế, nên đờn ca tài tử - cải lương cần phải có một vị trí tương xứng trong thiết kế không gian văn hóa đô thị ở TP.Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, trên phương diện kinh tế, đờn ca tài tử - cải lương thật sự là một “đặc sản” của du lịch Nam Bộ nói chung và của TP.Hồ Chí Minh nói riêng. Nếu làm đúng cách thì có thể khai thác có hiệu quả đặc sản này, vừa về bảo tồn văn hóa vừa về kinh tế. Thêm vào đó, chúng ta cũng không quên rằng, dù đờn ca tài tử hay cải lương được phôi thai và ra đời ở các tỉnh miền Tây, nhưng thật sự thì khi đến với TP.Hồ Chí Minh những bộ môn âm nhạc ấy mới được phát triển rực rỡ cả về danh tiếng lẫn kinh tế.
Cũng dễ hiểu thôi vì xưa nay, TP.Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế lớn, hội tụ được nhiều nghệ sĩ - nghệ nhân. Ở cái thời hoàng kim của sân khấu cải lương, các đại bang danh giá của cải lương cũng hình thành ở thành phố này, mấy chục rạp hát cũng hoạt động sôi nổi. Ngay cả sau năm 1954, đại bang Kim Chung từ Hà Nội cũng tìm đến và đã ăn nên làm ra, đẩy cải lương phát triển theo lối đi riêng để tạo được dấu ấn riêng của Kim Chung. Còn những bậc nghệ nhân đờn ca tài tử nổi tiếng cũng hoạt động rất nhiều ở thành phố này. Người được xem là “đệ nhất nữ danh ca tài tử Bạch Huệ” cũng hoạt động chủ yếu ở đây. Hay như nhạc sư Sáu Tửng (thân sinh của cô Bạch Huệ), và nhiều nhạc sư danh tiếng (Mười Tiểng, Vĩnh Bảo, Hai Thơm...) cũng hoạt động chủ yếu ở thành phố này. Nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân muốn tiến thân cũng tìm đến nơi này...
Với tư cách đó, TP.Hồ Chí Minh có đủ lý do để chú trọng đờn ca tài tử - cải lương trong thiết kế không gian văn hóa của mình. Câu chuyện thiết kế không chỉ tính đến đờn ca tài tử - cải lương nói chung của miền Nam, mà còn phát huy cho được thế mạnh riêng với lịch sử mấy chục đoàn hát lớn và rất nhiều nghệ sĩ - nghệ nhân thành danh và sinh sống ở đây. Như vậy, bên cạnh việc trưng bày hay trình diễn đờn ca tài tử - cải lương trong những nét chung của hai bộ môn này ở cả miền Nam, thì TP.Hồ Chí Minh có thể tạo điểm nhấn ở những nét vừa nói ở trên: như triển lãm hay vẽ tranh hoặc treo hình những đoàn hát lớn, những nghệ sĩ - nghệ nhân lớn ở những không gian văn hóa. Việc treo hình hay vẽ tranh không nên chỉ tập trung ở các nhà triển lãm, nhà hát hay nhà văn hóa, mà nên nghĩ đến những không gian văn hóa gần gũi, dễ tiếp cận để người dân, nhất là tuổi trẻ có thể nhìn thấy dễ dàng, nhìn thấy lâu rồi thành quen và đi vào tiềm thức lúc nào không biết. Những không gian dễ tiếp cận đó có thể là các công viên, vách tường ở các vỉa hè, hay ở các trạm xe buýt... Chúng ta không lo ngại là nhiều hình ảnh truyền thống sẽ khiến thành phố mất vẻ hiện đại, mà như đã trình bày ở trên, thiết kế không gian văn hóa đô thị cần kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tạo điểm nhấn bằng di sản, bằng bản sắc. Thử tưởng tượng ở một nhà chờ xe buýt hiện đại có vẽ hình một rạp hát cải lương xưa hay một buổi đờn ca tài tử thì đẹp biết bao nhiêu. Khách du lịch cũng dễ dàng chiêm ngưỡng và thích thú khi nhận cái đặc sắc của địa phương.
Bên cạnh đó, cũng nên chú ý đến việc đưa đờn ca tài tử - cải lương chính thức vào các tuyến du lịch. Tức là, trong tour ghé tham quan TP.Hồ Chí Minh thì có một điểm đưa du khách đến thưởng thức đờn ca tài tử - cải lương. Công ty du lịch có thể là của nhà nước hay tư nhân, và tùy vào khả năng riêng mà mỗi công ty chọn cho mình một điểm để du khách thưởng thức đờn ca tài tử - cải lương. Đâu cần thiết phải sân khấu đèn màu hoành tráng, mà chỉ cần một góc nhỏ trên thảm cỏ xanh như ở khu du lịch Bình Quới hay khu du lịch Văn Thánh cũng đủ hay và đủ gần gũi rồi. Nếu đưa được đờn ca tài tử - cải lương vào tour du lịch chính thức như vậy, thì chúng ta sẽ kết hợp được dễ dàng lợi ích kinh tế và việc bảo tồn - phát huy bản sắc văn hóa, tạo được lối thoát cho cái ngõ cụt mà bấy lâu nay nhiều nơi vẫn chưa thoát được là: Đờn ca tài tử - cải lương ít người coi, thua lỗ thì làm sao có tiền mà làm tiếp để góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa như mong muốn?!
Trên phạm vi thành phố, cũng nên tạo một không gian văn hóa chung cho đờn ca tài tử - cải lương. Chúng ta đã có đường sách Nguyễn Văn Bình là một điểm hẹn văn hóa rất đẹp cho người dân thành phố đủ các lứa tuổi, cho du khách từ nơi khác đến. Nếu cần làm nhanh thì có thể lấy một góc nhỏ ở đường sách này phục vụ cho đờn ca tài tử - cải lương, Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền mặt bằng, các câu lạc bộ đờn ca tài tử - cải lương sẽ đăng ký luân phiên đến biểu diễn. Dần dần như vậy, mọi người sẽ quen với việc ở đường sách Nguyễn Văn Bình có biểu diễn đờn ca tài tử - cải lương, và nhất là tuổi trẻ sẽ được đến với đờn ca tài tử - cải lương ở đường sách. Đơn vị biểu diễn sẽ thống nhất với ban quản lý trong việc làm sao để vừa biểu diễn mà vừa có thu nhập (như bán hàng lưu niệm, tạo không gian bán cà phê...).
Còn nếu như có nhiều thời gian và để tạo điểm nhấn thật sự cho đờn ca tài tử - cải lương ở thành phố này, thì nên tìm một con đường và sử dụng con đường này phục vụ cho nghệ thuật truyền thống nói chung, trong đó có đờn ca tài tử - cải lương. Cách thiết kế phải khéo léo làm sao để các thể loại truyền thống đều có không gian trưng bày, biểu diễn. Con đường sẽ trở thành một không gian văn hóa, một địa điểm trong tour du lịch chính thức khi du khách ghé TP.Hồ Chí Minh. Đờn ca tài tử - cải lương cũng có một không gian trong đó để các nghệ sĩ - nghệ nhân đến biểu diễn, vừa làm du lịch vừa bảo tồn nghề tổ truyền.
Liên quan đến nhà hát hiện đại, ở các thành phố phương Tây đều có nhà hát. Ở một thành phố đứng đầu cả nước về kinh tế và hội nhập như TP.Hồ Chí Minh thì đương nhiên cũng cần xây dựng một nhà hát hiện đại, xứng tầm trong bối cảnh nhiều nhà hát ở thành phố theo thời gian đã xuống cấp. Thế nhưng, nhà hát hiện đại sẽ xây đó phải có kiến trúc thế nào để vừa có nét hiện đại vừa có dấu ấn truyền thống. Nên nhớ rằng, khách du lịch phương Tây đến TP.Hồ Chí Minh không phải để ngắm cái nhà hát mới xây chưa có bề dày lịch sử mà có kiến trúc hoàn toàn 100% của phương Tây. Chức năng nhà hát đó phải đa dạng, phục vụ được nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, trong đó có hát bội, đờn ca tài tử - cải lương. Về tên của nhà hát thì thiết nghĩ, không nên đặt tên “Nhà hát Giao hưởng”, mà nên đặt tên là “Nhà hát Cải lương”. Hoàn toàn hợp lý khi mà cải lương đủ tư cách đại diện cho bản sắc văn hóa và âm nhạc miền Nam. Vì là nhà hát đa năng, nên nếu có giao hưởng hay những loại hình khác thì đều có thể biểu diễn ở đó được.
Kết luận
Nhìn sang các nước được gọi là phát triển văn minh quanh ta như Hàn Quốc hay Nhật Bản, họ hội nhập rất tốt mà giữ gìn bản sắc văn hóa cũng rất tốt. Bởi vậy mà, cần thống nhất với nhau rằng, một xã hội văn minh là một xã hội mà ở đó truyền thống và hiện đại cùng tồn tại, tương trợ lẫn nhau, cái này không được lấn cái kia, cái này không được triệt tiêu cái kia. Trên tinh thần đó, thì thiết kế không gian văn hóa tại TP.Hồ Chí Minh cũng cần chú trọng hơn đến việc kết hợp hài hòa hiện đại và truyền thống. Làm sao để khi người ta đến, khi nhìn vào các không gian văn hóa đó người ta thấy được sự trang trọng, bài bản, tinh tế của hiện đại mà cũng nhận ra ngay điểm nhấn văn hóa bản địa. Và với tư cách thuộc bản sắc văn hóa Việt Nam, đặc sản văn hóa đất phương Nam và TP.Hồ Chí Minh, đờn ca tài tử - cải lương phải được chú ý nhiều hơn nữa và xứng đáng có sự hiện diện quan trọng trong không gian văn hóa ở TP.Hồ Chí Minh.♦