HV157 - 10 mối tình đầu(*)

Cô em tôi bảo: “Hồi ký của anh nhạt như nước ốc, toàn chuyện chính trị; các ông viết hồi ký ai cũng làm như cả đời không biết đến một cô con gái nào cả”. Nay được phép bà xã, xin kể thêm, ngắn thôi, cả đời tôi cũng chỉ có mười mối tình đầu.

Thời trẻ, qua học ở Paris, giao du với sinh viên trăm nước tránh sao khỏi duyên và nợ. Đầu tiên, quen một cô gái Pháp, tóc vàng, da trắng hồng, thân mình thon thả, hai bên đều ham của lạ, gặp nhau là dính, thật là duyên thiên lý. Khốn nỗi, trong tiếng Pháp dùng động từ phải biết chia cho đúng cách, một động từ như “đi” chẳng hạn, hôm nay đi, ngày mai đi, ngày kia đi lại nói một cách khác nhau. Tán gái mà mỗi lần mở miệng ra lại bị cô ta bảo: “Sai văn phạm rồi anh ơi!”. Tình duyên mà cứ phải gắn với văn phạm, tôi đành bỏ cuộc.

Sau đó, quen với một cô sinh viên Mỹ. Cô này tiếng Pháp chẳng giỏi gì hơn tôi, không còn câu chuyện ngôn ngữ bất đồng. Một hôm cô ấy kể: “Căn phòng tôi ở đây, chiếc ô tô tôi đang dùng là quà tặng của anh chồng trước của tôi đấy. Anh có biết tại sao tôi bỏ nó không? Hắn là một tay kinh doanh có cỡ, anh nghĩ con gái như tôi cũng cần một ít tiền tiêu vặt, thế mà khi tôi bảo nó mỗi tuần ký cho tôi một tấm séc 2.000 USD, nó không chịu, chỉ ký một mình thôi. Tôi bỏ nó”. Hôm sau tôi cũng bỏ cô.

Rồi kết thân với một cô gái Ý, tóc đen, nhí nhảnh, vui rộn. Một hôm đến nhà cô, định mời ăn cơm trưa, sau đó cùng vào lớp học. Đến nơi, thấy cô còn nằm dài trên giường. Tôi nói: “Gần 12 giờ trưa rồi mà chưa dậy à!”. Nhõng nhẹo, cô ta bảo: “Anh không biết trên đời không có gì sướng bằng nhởn nhơ nằm dài, không làm gì, mà cũng không suy nghĩ gì cả. Tiếng Ý chúng tôi gọi là far niento”, không thể dịch ra bất kỳ tiếng nước nào cả. Tôi nhìn quanh phòng, đồ đạc lung tung, đầy bụi và cạnh vòi nước một đống bát đĩa bẩn. Cô ta bảo: “Cả tuần nay tôi chưa dọn nhà, may có anh đến, anh giúp cho một tay”. Tôi đành xắn tay áo quét dọn, rửa bát đĩa. Làm xong, thấy cô ta vẫn còn nằm dài. Nghĩ đến triển vọng ngày ngày phải quét dọn nhà cửa, rửa bát đĩa, tôi nhẹ nhàng rút lui.

Thấy con gái Âu Mỹ không phù hợp, tôi hướng về Á Phi.

Đôi con mắt sâu thẳm của một cô gái Ả Rập thu hút tôi như nam châm. Chỉ một điều không biết mặt mũi cô ra sao, khăn choàng bịt kín, gái Ả Rập đến đêm tân hôn mới mở khăn để chồng xem mặt. Một hôm cô ta bảo phải đi chữa răng, tôi đưa đến một bà nha sĩ quen, nhờ bà ấy mượn cớ chụp phim bộ răng, chụp cho tôi một bức ảnh mặt mũi cô ấy. Nhìn tấm ảnh, tôi vỡ mộng.

Chuyển sang làm quen với một cô châu Phi da đen. Một hôm, đi xem phim ở rạp, nửa chừng tôi bảo: “Chán lắm, khuya rồi, ra ăn một miếng rồi về thôi”. Tôi khoác tay cô bạn đi ra. Vừa ra khỏi rạp, bị một cô da đen khác chạy theo níu tay lại la lên:


Bà Nguyễn Thị Nhất và ông Nguyễn Khắc Viện thời trẻ

“Cái anh này tệ quá, mới thề thốt trăm năm đó, đã bỏ người ta chạy theo con đĩ kia!”. Thế là hai cô da đen khỏe mạnh, mỗi cô kéo một tay, tôi tưởng chừng như bị xé xác, tôi cố gỡ ra rồi bỏ chạy. Oái oăm là lúc vào rạp ngồi đúng vào giữa hai cô da đen, lúc đi ra trong bóng tối, không nhận ra cô nào là cô mình quen, cứ thế khoác tay một cô mà đi.

Đến với một cô Nhật Bản, tôi nghĩ rằng chắc là dễ hòa hợp. Đúng là con gái Nhật biết chiều chuộng tận tụy với đàn ông. Một hôm, cô ta trân trọng đưa cho tôi một cái bao rất đẹp, trong đó có con dao găm nhọn hoắt, rồi bảo: “Nếu em bị ai làm nhục, anh sẽ dùng con dao này giúp em tự mổ bụng, sau đó anh cũng tự mổ bụng luôn, chúng mình sống chết có nhau”. Hôm sau, tôi gửi trả lại con dao, nghĩ rằng nếu ai làm nhục mình thì dùng dao buộc họ xin lỗi, không việc gì tự hại mình. Tôi không chơi kiểu cuồng đạo ấy.

*

Tôi trở về Việt Nam.

Có người làm mối cho một cô đồng hương Nghệ Tĩnh. Duyên dáng, nết na, cần cù. Tôi cũng ưng ý. Một hôm, cô ấy bảo phải chiêu đãi tôi một bữa cơm hoàn toàn cá gỗ. Đến thấy một đĩa xơ mít muối và một khúc cá kho mặn đắng. Cô ta kể lể: “Dân Hà Nội không biết ăn xơ mít, ra chợ xin đem về muối ăn cả tháng không mất một xu. Cá thật mặn ăn đỡ tốn, chỉ cần nhiều cơm. Như vậy có thể tiết kiệm đến nửa đồng lương, 5 năm mua được cái nhà”. Nghĩ đến cảnh suốt 5 năm chỉ ăn xơ mít với cá kho mặn, tôi rùng mình.

Hướng về gái Hà Nội vậy, ăn Bắc mặc Kinh! Làm quen với một cô gái Hàng Đào vào dịp mới lãnh nhuận bút một quyển sách cặm cụi viết cả năm, thế là cô ta dắt tôi đi khắp phố phường Hà Nội, chim quay, chả cá, vịt tần, bún thang với những giọt cà cuống tính giá bằng vàng, chẳng mấy hôm khoản nhuận bút của tôi đã tiêu tan. Tôi hoảng sợ, lo không biết viết bao nhiêu sách mới nếm hết những món ăn của đất nghìn năm văn hiến này. Thôi vậy.

Trở lại miền Trung. Vượt Hoành Sơn, vô đến Huế. Bánh bèo, tôm chua, mè xửng, giọng nói Huế ngọt lịm. Gần đến lúc tôi làm rể đất Cố Đô thì một hôm, có anh chàng trai trêu chọc vị hôn thê, cô ta chỉ nhẹ nhàng nói: “Yêu nà!”. Tôi đỏ mặt, ai cũng yêu cả, ỡm ờ thế sao được. Tôi cắt đứt. Sau mới hiểu, “yêu” đây là yêu quái, chậm mất rồi.

Lại Nam tiến.

Cô gái ấy mua một quả dừa, mượn bà bán hàng con dao, vung lên ba phát, dùi một lỗ, mời tôi uống nước dừa. Tôi khen: “Giỏi!”.

Bà bán hàng bảo: “Gái Bình Định mà! Nước dừa Bình Định vừa mát vừa ngọt, xơ dừa Bình Định làm dây buộc không bao giờ đứt”.

Từ đó, tôi bị buộc chặt cho đến ngày nay gần 80 tuổi.♦

Viết tại Đà Nẵng ngày 1-3-1992


Thư của bà Nguyễn Thị Nhất(1) gửi bác sĩ Nguyễn Khắc Viện(2)

Anh thân yêu,

Yêu anh nhiều, nhiều lắm, nhiều hơn bao giờ hết. Anh an tâm nhé!

Tất cả những chuyện cũ của anh là của anh, hoàn toàn thuộc về anh(*). Em không nghĩ gì đến đâu. Mà cũng không có lý gì để nghĩ. Anh đừng lo. Cũng như đừng nghĩ đến những chuyện cũ mà em đã trải qua. Chưa bao giờ em tự thấy chín chắn, có ý thức về sự tự do, tự chủ của tâm hồn mình, tình cảm mình như hiện nay. Chưa lúc nào biết mình muốn gì, nên làm gì như hiện nay. Không có một ràng buộc gì, dù trong tư tưởng, trong tình cảm. Tự nhiên và tự do như một người được giải phóng. Tự nhiên và tự do hơn cả thời thanh niên lúc mới lớn lên, bước chân vào đời. Lúc đó còn bị nhiều ràng buộc về thành kiến, định kiến, mơ hồ lung tung...

Em muốn anh đánh giá được điều đó. Và thấy hết giá trị của nó để chúng ta sống đầy đủ hạnh phúc của mình. Thế thôi.

Thôi em đi đây, muộn giờ rồi!

Yêu nhớ!

Nhất


Trích một lá thư khác của bà Nguyễn Thị Nhất(4)

3 giờ khuya.

Anh yêu quý,

Không hiểu sao đêm nay nhớ quá. Không ngủ được. Nhớ anh, rồi nhớ Bình(5), nhớ đến xốn xang, dường như không sao chịu được nữa. Hai ngày nay vắng, sao cứ mong và lo. Thật là sốt ruột. Không biết còn phải chờ đến bao lâu nữa mới được ở cạnh nhau. Khi nào thì chỉ cần đưa tay ra là nắm chắc được người yêu của mình, và chỉ riêng của mình.

Dạo này sao thấy anh gầy nhiều đi. Mỗi lần nhìn thấy chỉ muốn tự xem anh đã ăn gì, ngủ ra sao, làm việc thế nào. Muốn đưa anh đi một nơi xa, chỉ có chúng mình, suốt ngày không phải tiếp một ai, suốt ngày sẽ bắt anh ngủ, và ăn, và đi dạo chơi, và nói chuyện, và đọc sách. Chúng mình còn ở với nhau bao lâu nữa nhỉ? Chắc là sẽ ít lắm. Cho nên những ngày bên nhau sẽ rất quý. Em sẽ không cho phép anh phung phí. Có lẽ em sẽ ghen với tất cả mọi người. Em mong sao được chết trước anh, để đến phút cuối cùng vẫn có anh bên cạnh. Rất có thể em sẽ chết một ngày không xa. Nhìn lại cuộc đời mình, từ tuổi thơ, chỉ là một sự chờ đợi dài, mãi chẳng dứt. Thật đến não ruột. Vừa rồi, có một cô bạn bé, 17 tuổi, nó thân mật hỏi: Thế nào là tình yêu, thế nào là tình bạn nhỉ? Làm sao phân biệt được? Thật là khó trả lời. Vì có lẽ bản thân mình cũng chưa có kinh nghiệm, bản thân mình chưa thật sự biết yêu, chưa thật sự được yêu, đúng với nghĩa của nó, ngoài các ràng buộc, trên các khó khăn, tự nhiên như thở ánh mặt trời, như ngắm sáng trăng đêm nay vằng vặc. Có lẽ số em không phải để hạnh phúc. Mỗi lần nhìn anh, em lại cứ da diết muốn có một đứa con. Và em lại thấy khổ, thấy tiếc, thất vọng. Giá chúng mình được có với nhau một đứa con nhỉ? Một đứa thôi cũng là thừa để chúng mình nâng niu, yêu quý nhỉ? Để nó giống anh về tất cả, để mỗi chúng ta có hai người yêu và được hai người yêu; để em dạy cho nó biết sống một cách tự trọng, cương nghị, độc lập và tự chủ, biết thích đổ mồ hôi để hiểu giá trị của cuộc đời, biết yêu và biết ghét một cách nhiệt tình chân thực. Em sẽ dạy cho nó ghê tởm tất cả những ai chỉ thích được mọi thứ, dù to, dù nhỏ, bằng bọt mép của mình, trên mồ hôi của kẻ khác, bằng xin xỏ, ỷ lại, luồn cúi, lợi dụng. Những người như thế không thể nào có những tình cảm thực sự được phải không anh? 


_____ * Trích từ sách Nguyễn Khắc Viện - Yêu và mơ của nhà văn Nguyễn Khắc Phê, NXB Trẻ, 2015.

(1) Nguyễn Thị Nhất là người yêu và sau này là vợ của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện.

(2) Theo nhà văn Nguyễn Khắc Phê, em trai của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, lá thư này có thể được viết trong khoảng từ ngày 5 đến 7-1-1967.

(3) Bà Nhất nhắc chuyện cũ của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện tức là mối tình với cô M., một bác sĩ người Pháp. Dù hai chục năm đã qua, bà Nhất cũng bảo là “em không nghĩ gì đến đâu”, nhưng nói thế tức là đã có nghĩ ngợi. Trong hồi ký của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, đã thấy ông chủ động “cắt đứt” với cô M. Nhưng rồi ông thú nhận:

“… Nói thế nhưng không phải dễ. Tôi vào làm nội trú ở bệnh viện Trousseau, không có việc gặp nhau một tuần vài lần nữa. Tưởng thế là xuôi. Không biết duyên trời run rủi hay sao mà cô ta lại được chuyển làm ngoại trú ở bệnh viện tôi trực, nên hằng ngày lại gặp nhau. Một hôm trời mưa, làm việc xong, tôi mượn ô của bà y tá đưa cô ra đi tàu điện ngầm, bà y tá đùa: “Ôi hai cô cậu này đẹp đôi lứa quá!”. Chúng tôi nhìn nhau cười, nhưng tôi suy nghĩ chưa biết tính sao. Một hôm sau đó, nhân giờ rảnh trong một ca trực đêm, chúng tôi lên sân gác thượng ngồi chơi. Trời tối, lặng lẽ, khuya rồi tôi mới nói: “Bây giờ thế nào M. nhỉ?”. Cô im lặng một hồi. Tôi thì biết rõ thế nào rồi. Ngoài trở ngại là M. không thể theo tôi về Việt Nam, vấn đề lớn nữa là gia đình cô ấy theo đạo. M. nói: “Ông cụ em có nói với em là không lấy chồng xa, không lấy chồng ngoại đạo”. Mà bảo theo đạo thì tôi không thể chấp nhận. Lúc ấy tôi lại sực nhớ trước lúc lên tàu thủy sang Pháp, thầy tôi trao cho một bức thư dặn: “Thầy biết con sang bên Pháp học hành, chắc thầy không phải dặn, biết thế nào con cũng thành công. Thầy tin con. Thầy chỉ dặn một điều là nhất định đừng lấy vợ đầm”. Giữa chúng tôi có một sự ngăn cách là hai cái bóng của hai ông bố mà thực chất là hai đạo lý, một bên là đạo Khổng, một bên là Thiên Chúa giáo. Đó chính là bức tường ngăn cách... Cuối cùng tôi nói: “Bây giờ tôi định thi xong là về nước ngay. M. lấy chồng đi, có mấy người bạn Pháp thích M. đấy”. Cô lắc đầu không trả lời.

Từ đó, cho đến hết nhiệm kỳ M. chuyển sang bệnh viện khác, bề ngoài tưởng như không có vấn đề gì. Đầu năm 1942, khi tôi bị lao phổi, thì cô chạy đến thăm ngay. Khi tôi chuyển đến Sana vùng phía Nam cách xa Paris, vùng đấy cũng bị Đức chiếm đóng, nên không được viết thư gửi phong bì dán kín, mà chỉ được viết vài dòng một mặt, mặt kia đề địa chỉ. Dù hạn chế như vậy chúng tôi vẫn viết thư cho nhau, mặc dù lúc tôi ra đi đã dặn M. quên đi, quên luôn đi, tôi bị bệnh mặc tôi, M. lấy chồng đi. Năm 1945 sau khi nước Pháp được giải phóng, M. mới có điều kiện đến thăm tôi. Tôi nói bệnh tình tôi khá nặng, khó sống nổi, mà tuổi của M. cũng lớn rồi, phải dứt khoát đi, đừng thăm viếng gì, M. về lấy chồng đi. M. cũng lắc đầu. Đầu năm 1947, M. đến thăm, tôi nhờ bác sĩ Viện trưởng giới thiệu hồ sơ bệnh án của tôi rất kỹ, cho biết tất cả bệnh tình của tôi để cô ấy không còn hy vọng gì, đừng chờ đợi mất công.

Tình trạng không dứt khoát này kéo dài mãi cho đến năm 1947, lúc sức khỏe khá lên chút ít, tôi về Paris, M. nhắn tôi lại chơi. Hôm đó, tôi nghỉ tại nhà M. Lần đầu tiên chúng tôi ăn nằm với nhau sau hơn 8 năm trời bị một ngăn cách lạ lùng. Sáng hôm sau dậy, hai đứa có một sự thanh thản rất lạ lùng. Mấy năm trước, lúc tôi nói M. đi lấy chồng thì tôi biết là tôi tự dối lòng. Hôm ấy, lúc tôi nói: “Giờ M. đi lấy chồng nha” tôi nói rất dễ dàng, thốt ra một cách bình thản và M. cũng chấp nhận. Thực ra ở đây chúng tôi đã trả cho nhau được một cái nợ thành ra bây giờ có thể dứt khoát mỗi người đi một đường được…”.

Đoạn hồi ký này cũng chứng tỏ bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là người có số… đào hoa, được hoa khôi Trường Đại học Y ở Pháp theo đuổi, bất chấp chiến tranh và bệnh nan y của người tình. Nói vui một chút, sau này, khi biết chuyện riêng rất chi là bí mật này của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và biết ông không thể có con với bà Nhất, cô em bạo miệng nhất trong gia đình, đã có lần nói: “Tiếc thật! Giá như hồi ấy, anh Viện có con với cô M. thì tuyệt biết mấy! Chúng mình sẽ có thêm một đứa cháu “lai Tây” nhất định là cực kỳ xinh đẹp, thông minh!”.

Chuyện “giả sử” như là tiểu thuyết ấy, chứ sau này, tôi đã thấy bức ảnh cô M. gửi sang Việt Nam tặng bác sĩ Nguyễn Khắc Viện - một gia đình đông đúc, nhưng không có ai lai… Việt Nam cả!

(Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Khắc Viện - Yêu và mơ )

(4) Lá thư này cũng không ghi ngày tháng, theo Nguyễn Khắc Phê, có lẽ thư được viết trước ngày 21- 4-1967.

(5) Con nuôi của bà Nguyễn Thị Nhất trong thời gian sống với người chồng trước là triết gia Trần Đức Thảo, hai người đã chia tay từ 1963 và chính thức ly hôn ngày 5-1-1967

NGUYỄN KHẮC VIỆN