HV157 - Bản lĩnh một vị tướng

←Tướng Chu Huy Mân (1913-2006)

Tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với tướng Chu Huy Mân. Ông là một cán bộ chỉ huy nổi tiếng ở chiến trường Khu 5, giỏi cả chính trị, quân sự nên còn có tên gọi: ông “Hai Mạnh”. Năm 1973, trước khi có Hiệp định Paris, ông đã chỉ huy Lực lượng Vũ trang quân khu, mở những trận đánh táo bạo, giành thắng lợi lớn. Không ngờ, sau ký kết hiệp định, lợi dụng lệnh ngừng bắn, địch tung quân ào ạt, cướp đất, giành dân, gây nhiều thương đau cho quân dân ta trên chiến trường. Hồi đó, tôi đi theo Sư đoàn 2, xuống đồng bằng cắm cờ, giữ đất. Cán bộ các cấp trong sư đoàn động viên bộ đội gắng cắm thật nhiều cờ. Địch thì không làm vậy. Ngay từ đầu, chúng đã cho nã pháo tới tấp vào các khu vực nghi quân ta đóng quân. Chúng cho bộ binh vây ráp, tấn công những đơn vị ta đang giữ đất, cắm cờ. Bộ đội chủ lực quân khu không quen tác chiến ở đồng bằng, không thuộc đường đi lối lại, bị địch phục đánh, thương vong nặng nề. Nhân dân ở vùng giải phóng, nay địch lấn chiếm, bị chúng bắt bớ, đánh đập dã man. Ở Quảng Nam, đau xót nhất là vùng B, Đại Lộc, vùng giải phóng rộng lớn của ta, nay lọt vào tay địch. Đây là vùng đồng bằng duy nhất, giấu được hàng sư đoàn. Mất vùng B Đại Lộc, mọi hoạt động của bộ đội và du kích gặp vô vàn khó khăn… Trong tình hình như vậy, chỉ có hai lựa chọn: hoặc là rút bộ đội về căn cứ, hoặc dốc toàn lực, sống chết với kẻ thù, giành lại những gì đã mất. Lựa chọn thứ hai nguy hiểm khôn lường. Chủ lực của ta vừa tổn thất quá nhiều, dân quân tự vệ không còn bao nhiêu. Lương thực, súng đạn hao hụt gần hết. Có lẽ thấu hiểu trở ngại này, tướng Chu Huy Mân lệnh cho lực lượng du kích, dân quân tự vệ không để địch chiếm dân, chiếm đất thêm. Các đơn vị chủ lực, ông cho rút về căn cứ. Việc này đã gây nên làn sóng dư luận trái chiều, tràn lan từ trên xuống dưới, từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên, tướng Chu Huy Mân vẫn khẳng định quyết định của mình là chính xác.

Sau ngày đất nước thống nhất, tướng Chu Huy Mân được Đảng, Nhà nước điều ra Trung ương làm Phó chủ tịch nước, và giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Thời gian ông nghỉ hưu tôi có đến nhà vài lần, hỏi chuyện. Nhắc lại những ngày thật đáng nhớ đó, ông kể: Sau cái quyết định đầy khó khăn: Rút bộ đội chủ lực về căn cứ, bảo toàn và xây dựng lực lượng, gần như ngày nào ông cũng nhận được những lời kêu ca, phàn nàn. Khi thì của cán bộ bên Khu ủy, khi thì cán bộ nhân dân ở vùng giáp ranh, vùng sâu. Ngay ở Bộ Tổng tham mưu cũng có người trách cứ ông. Những người phản đối ông muốn huy động toàn lực phản công địch, lấy lại vùng B Đại Lộc, lấy lại những vùng đất khác đã mất. Làm theo họ, quân dân một số nơi sẽ thở phào, bớt cay cú, ông cũng bớt đau đầu. Nhưng là một vị tướng, chỉ huy trận mạc, ông không thể nghe theo họ. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ sẽ hy sinh chỉ vì một tính toán cá nhân, một sự bốc đồng. Dốc hết lực lượng, giành lại vùng B Đại Lộc là chấp nhận những tổn thất lớn. Mà để làm gì? Để thỏa mãn sự hiếu thắng ư? Cho là lấy lại được vùng B Đại Lộc, nhưng liệu có giữ được không? Nơi đây sẽ là cái túi đựng các loại đạn pháo của Thượng Đức. Quân địch từ Thượng Đức sẽ nống ra, bao vây, tiêu diệt quân ta. Lực lượng đã mỏng lại thêm tổn thất này nữa, thời cơ đến, lấy gì để tấn công địch. Ông nói: “Thà để mọi người chê bai, hiểu lầm, thà bị mất cấp, mất chức, chứ không thể làm như vậy. Trước sau cũng phải lấy lại vùng B Đại Lộc nhưng không phải lúc này, cũng không phải theo lối nghĩ của một số người”. Là thế, ông ráo riết cho bộ đội củng cố lực lượng, bổ sung quân, mở các lớp tập huấn, học quân sự, chính trị. Ông đề nghị Bộ Quốc phòng cho quân khu một số máy phát điện. Các vùng rừng thâm u, nơi bộ đội đóng quân, giờ bừng sáng ánh điện. Doanh trại trên quân khu, doanh trại sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn… có sân bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn… Ông phát động bộ đội trồng rau, trồng sắn, đào ao nuôi cá, trồng hoa, cây cảnh, làm đẹp doanh trại. Ông cho tích lũy lương thực và làm đường. Từ quân khu, từ nơi đóng quân của các sư đoàn, trung đoàn, một mạng lưới đường sá âm thầm mở ra, hướng đến những căn cứ lớn của địch. Bộ đội chủ lực, bộ đội, du kích các tỉnh, các huyện… được học quân sự, chính trị, sẵn sàng cho các cuộc chiến đấu mới. Riêng ông, ngày đêm suy nghĩ, tính toán các phương án tác chiến cho các vùng miền trên đất Khu 5 sẽ diễn ra một ngày không xa.

Tuy vậy, những việc làm này không tránh khỏi phiền lụy. Dưới vùng sâu, không ít lời đồn: “Mấy ông lính miền Bắc giờ chỉ lo hưởng thụ, bảo mạng, có nghĩ đến đánh đấm gì nữa đâu”. Tận hậu phương miền Bắc cũng có tin đồn: “Cánh chủ lực Khu 5 ớn lắm rồi. Giờ chỉ lo đào ao nuôi cá, tăng gia sản xuất, chờ đợi, được đâu hay đấy”. Cuối năm 1973 ông còn nhận được thư vợ từ quê gửi vô. Có người đã bịa đủ thứ chuyện nói với bà, khiến bà hoang mang. Thư viết: “Nếu thấy mệt mỏi, anh nói với cấp trên rồi về với vợ con. Đóng góp của anh vậy cũng được rồi, để người tài giỏi hơn, sức lực hơn làm”. Cũng những ngày này, ông tiếp đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do tướng Lê Trọng Tấn dẫn đầu, vào làm việc với quân khu. Linh tính mách ông: “Bộ Quốc phòng muốn Phó tổng tham mưu trưởng vào thay mình đây”. Nghĩ vậy, sau khi trình bày tình hình bên ta, bên địch và dự kiến những việc làm sắp tới một cách kỹ lưỡng, ông nói: “Thực tế là vậy. Tôi đã suy nghĩ, trăn trở rất nhiều. Không thể làm khác. Về đây, anh xem xét kỹ mọi mặt, tính xem nên thế nào. Tôi cũng sẽ tiếp tục suy nghĩ. Có gì tôi sẽ bàn với anh. Anh không phải băn khoăn gì cho tôi. Tôi sẽ xin Bộ về chỉ huy một đơn vị nào đó của quân khu. Tôi sẽ giúp được cho anh nhiều đấy”.


Tướng Chu Huy Mân (bìa trái) tại đài quan sát chiến dịch F2 tháng 6-1972

Ông kể rằng “tướng Lê Trọng Tấn lúc đó tỏ ra rất ngạc nhiên. Ông tưởng tôi chưa biết việc ông vào thay tôi mà”. Chuyện đang sôi nổi, bỗng ông dừng lại. Tôi hỏi: “Rồi thế nào nữa thủ trưởng?”. Ông chậm rãi như đang cân nhắc điều gì, sau đó nói tiếp: “Ông Lê Trọng Tấn cùng đoàn đi thị sát địa hình mấy ngày. Khi quay lại, ông nói: ‘Tình hình đúng như anh nói. Mai tôi ra Bắc thôi. Không ai làm tốt hơn anh đâu. Tôi sẽ báo lại với Bộ’”.

Một lần khác, tôi xin gặp tướng Chu Huy Mân để hỏi thêm về một số trận đánh hè thu 1974 ở Khu 5 mà ông là người chỉ huy chiến dịch. Mở màn chiến dịch, Quảng Nam có hai trận đánh lớn: Thượng Đức và Nông Sơn. Nông Sơn nổ súng sớm hơn Thượng Đức vài ngày. Trận đánh do Sư đoàn 2 đảm nhiệm, trực tiếp chỉ huy là Sư trưởng Nguyễn Chơn. Cứ điểm Nông Sơn nằm trên đỉnh núi cao. Nơi đây luôn có một tiểu đoàn địch trấn giữ. Gần đến ngày ta nổ súng, địch bỗng chuyển đến một tiểu đoàn nữa. Phương án tác chiến chỉ đánh một tiểu đoàn địch, nay có hai tiểu đoàn. Sư trưởng Nguyễn Chơn đến gặp Tư lệnh quân khu, tướng Chu Huy Mân, xin ý kiến. Hai “thầy trò” bàn bạc với nhau một chặp và tướng Chu Huy Mân quyết định: Đánh theo phương án đã chuẩn bị. Đây lại là một quyết định táo bạo chuẩn xác. Tôi hỏi thêm ông vì sao có quyết định đó. Ông nói: “Trước hết phải trả lời được câu hỏi: Địch điều thêm một tiểu đoàn đến Nông Sơn để làm gì? Chúng đánh hơi được ta chuẩn bị tấn công chăng? Giả thiết này khó xảy ra. Cứ điểm chỉ chứa được một tiểu đoàn mà ‘nhốt’ vào hai tiểu đoàn, thằng địch không đến nỗi khờ đến thế. Vậy thì chỉ còn một cách khác, chúng luân phiên, thay quân. Điều này có lợi cho ta. Dự kiến diệt một tiểu đoàn nay có cơ diệt hai tiểu đoàn. Tôi với anh Nguyễn Chơn nhận định: Địch đông hơn nhưng không mạnh. Bởi lẽ ta đánh vào lúc chúng đang rất lộn xộn và không đề phòng. Cũng có đôi người trong Bộ tư lệnh lo lắng về quyết định này. Kết quả trận đánh đã chứng minh quyết định của anh là chính xác. Trước khi nổ súng, nhiều người nhận định: đánh Nông Sơn khó hơn đánh Thượng Đức. Vậy mà Sư 2 diệt gọn 2 tiểu đoàn địch ở Nông Sơn ngon ơ, thương vong bên ta không bao nhiêu”.


Năm 1975, đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh trưởng Quân khu 5 đến thăm và động viên cán bộ,

chiến sĩ đơn vị xe tăng T54 quân Giải phóng trước giờ tiến công vào giải phóng thành phố Đà Nẵng

Về trận đánh Thượng Đức, tôi có tham gia với Sư đoàn 304 thuộc Quân đoàn 2. Thượng Đức là chi khu quận lỵ của địch được xây dựng kiên cố từ thời chống Pháp. Trước đây, lực lượng của quân khu và địa phương tổ chức tấn công mấy lần nhưng không thành. Lần này, lực lượng tham chiến là quân chủ lực của Bộ, kết hợp với lực lượng Quân khu 5. Tướng Chu Huy Mân chỉ huy chung. Ba ngày đầu, ta tổ chức tấn công, bộ đội thương vong nhiều mà không mở được cửa, đành phải rút ra. Lý do chủ yếu là do ta chủ quan. Sau khi rút kinh nghiệm, bổ sung lực lượng, vũ khí, lương thực, thực phẩm, ta tổ chức tấn công lần hai. Lần này, bộ đội tiếp tục thương vong nặng nề nhưng vẫn không vào được bên trong. Lại phải rút ra. Nguyên nhân chính do chỉ huy nôn nóng và cách đánh không thích hợp. Ở Sở chỉ huy quân khu, có nhiều ý kiến muốn thay Sư 304 bằng Sư 2 của quân khu với lập luận: Sư 2 vừa thắng lớn ở cứ điểm Nông Sơn, đang hừng hực khí thế. Mặt khác, bộ đội đã quen với cách đánh địch trong địa bàn của quân khu. Người quyết định cao nhất lúc bấy giờ là tướng Chu Huy Mân. Ông nói: “Phương án này làm tổn thương đến cả hai sư đoàn. Sư 2, dù sao cũng chỉ là chủ lực của quân khu, vừa trải qua một trận đánh lớn, chưa kịp nghỉ ngơi, củng cố, không khỏi hoang mang khi Sư 304 của Bộ mạnh là vậy, đánh còn không xong. Còn Sư 304 tránh sao được mặc cảm khi mình là sư ‘anh cả đỏ’ của Bộ, lại phải để quân địa phương giải quyết trận đánh. Không thể được. Sư 304 tạm dừng lại, rút ra củng cố, bổ sung lực lượng, rút kinh nghiệm. Khi nào thấy bảo đảm đánh chắc thắng mới đánh. Sư 2, cứ ở vòng ngoài, sẵn sàng cơ động, sẵn sàng nhận lệnh mới”. Trong Bộ tư lệnh còn đôi ý kiến qua lại. Ông nói dứt khoát: “Tôi chịu trách nhiệm về quyết định của mình”. Và điều gì đến đã đến. Cuộc tấn công lần thứ 3 này vẫn của cán bộ chiến sĩ của Sư 304, nhưng địch ở Thượng Đức đã bị bắt, bị tiêu diệt hoàn toàn. Thế là, từ lúc nổ súng đêm 29-7 đến trưa 7-8-1974, trận đánh kết thúc. Chiến dịch Thượng Đức toàn thắng, trong niềm vui vỡ òa của quân dân cả nước.♦ 

Hà Nội cuối năm 2020


* Nhà văn, Đại tá

NGUYỄN BẢO*