HV157 - Tình người trong Tết Mậu Thân

←Quân Giải phóng miền Nam tấn công sân bay Tân Sơn Nhất

Tôi là chiến sĩ biệt động thuộc đội 69, đơn vị F100, Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ: Tấn công Bộ Tổng tham mưu ngụy. Tôi xin ghi lại cảm xúc của mình trong những ngày chiến đấu ác liệt ấy.

Người chị và căn hầm bí mật

Đội biệt động 6 của chúng tôi từ căn cứ bàn đạp Củ Chi “đột nhập” vào Sài Gòn đủ mặt trong ngày mùng 1 Tết Mậu Thân. Ngay tối hôm ấy toàn đội được lệnh tập trung tại địa điểm nhà chị Tư (gần chợ Trương Minh Giảng) để nghe phổ biến nhiệm vụ “Tấn công vào Bộ Tổng tham mưu ”.

Sau khi xác định quyết tâm chiến đấu xong, các chiến sĩ khui hầm vũ khí ngay tại chỗ. Chị chủ nhà hướng dẫn vị trí miệng hầm trong gian phòng ngủ. Hầm được xây kiên cố dưới nền nhà. Nắp hầm khá nặng phải hai người khỏe mạnh mới nhấc lên nổi. Tôi bấm đèn pin chui xuống dưới, mùi ẩm mốc xông lên nồng nặc. Nước từ đâu thấm ra vẫn còn đọng lại nhớp nháp dưới chân. Thôi nguy rồi, vũ khí hỏng hết! Có 12 khẩu tiểu liên AK, tôi đưa lên cho mọi người xem. Tám Bền (đội trưởng) dậm cẳng kêu trời:

- Hư hết rồi! Như vầy còn đánh chác gì được nữa.

Báng gỗ của súng mục như bánh xốp bóp mạnh là vỡ. Những phần bằng kim loại gỉ sét một cách thảm hại. Ai nấy nhìn nhau hỡi ôi!

Nhìn số vũ khí nằm như đống sắt vụn trông mới thật thảm thương! Thử nghĩ đưa được bấy nhiêu khẩu súng này từ ngoài chiến khu vào nội thành là biết bao nhiêu gian khổ, vậy mà khi cần dùng đến nó chẳng tác dụng gì. Không dằn được bực tức, Thái kêu lên:

- Hỏng hết! Không sử dụng được... Tài sản này là xương là máu.

Anh chàng tổ trưởng này tánh nóng như lửa. Thái là sinh viên - tham gia lực lượng Biệt động thành - chiến đấu lỳ, cãi thì cũng chẳng chịu thua ai. Tài sản này là xương là máu - điều này không ai nghĩ khác hơn. Nhưng trong lúc này nói chi điều oán trách. Oán trách ai đây? Chị chủ nhà cắn chặt vành môi, đôi mắt đỏ hoe. Tưởng chị có thể òa lên khóc nức nở nhưng chị cố dằn không nói lời nào. Có phải những lời nói không đúng lúc kia làm chị tổn thương, hay chị đang mang trong lòng những nỗi niềm riêng.

- Còn nước còn tát, cố gắng khắc phục tới mức tối đa được cái gì dùng cái nấy.

Công việc lau chùi không đạt kết quả như mong muốn. Chỉ có lựu đạn và đạn AK còn trong thùng chưa khui là xài được. Tám Bền quay trở lại truyền lệnh:

- Súng hư không sử dụng được bỏ lại, trên cấp bổ sung vũ khí mới rồi!

Được tin này như đang chết đuối vớ được phao, ai nấy đều cười rạng rỡ. Có đủ vũ khí thì phen này quyết chơi đến cùng. Các chiến sĩ ngoéo tay nhau quyết tâm như vậy.

Khí thế mùa xuân “Tổng tiến công” đã làm con người vụt lớn nhanh như Phù Đổng. Chị chủ nhà sau khi dỗ con ngủ xong, đun nước sôi pha cho chúng tôi mỗi người một tách cà phê. Khi tôi gợi chuyện hỏi thăm về chồng con, chị kể: “Anh ấy thoát ly gia đình vào chiến khu đi bộ đội lúc tôi mang thai đứa con đầu lòng, đó là một bé gái rất dễ thương, được 4 tuổi thì mất vì bệnh. Tôi lại vào chiến khu thăm chồng, anh ấy muốn có con và tôi đã sinh cho anh ấy một đứa con trai. Tôi chưa kịp vào chiến khu lần thứ hai, anh ấy cũng chưa nhìn thấy mặt con thì đã hy sinh”.

Chị kể bằng giọng trầm buồn đứt quãng, không khóc nhưng ẩn chứa bao nhiêu niềm đau cố nén trong lòng. Dù có đau khổ đến đâu thì chị cũng vẫn phải sống, sống với đứa con thơ và căn hầm bí mật trong ngôi nhà này.

Oanh nghe chị kể mà không cầm được nước mắt. Thái cũng cúi mặt trầm ngâm, có lẽ anh hối hận vì những lời nói trước đó đã xúc phạm người phụ nữ đáng kính này.

Văng vẳng từ xa vọng lại một âm thanh gì đó nghe rền rền. Dường như là tiếng súng? Thái chạy ra cửa nghe ngóng. Đúng là tiếng súng đã nổ thật rồi! Đồng hồ treo tường chỉ 1 giờ 30 phút. Chị Tư vui mừng reo lên:

- Tiếng súng nổ rồi! Cách mạng đã về với đồng bào Sài Gòn rồi!

Tình người đô thị

Đơn vị biệt động 69 gồm 27 tay súng được trang bị: 6 khẩu B40, 12 tiểu liên AK và hơn 100 lựu đạn - do Ba Phong chỉ huy, chia làm hai cánh hành quân bằng ô tô tiếp cận mục tiêu là nổ súng ngay.

Bọn lính gác cổng số 5 Bộ Tổng tham mưu bị tấn công bất ngờ trở tay không kịp. Hỏa lực B40 “phụt” liên tiếp vào căn cứ địch. Sau những phút đầu lúng túng địch kịp triển khai hỏa lực chống trả dữ dội. Trận ác liệt diễn ra dai dẳng đến sáng.

Theo mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Tư lệnh tiền phương, đơn vị Biệt động 69 có nhiệm vụ chiếm giữ mục tiêu 3 giờ, chờ đại quân từ ngoài vào bàn giao. Trời sáng hẳn, chúng tôi càng nhìn thấy rõ địch hơn. Xác giặc nằm chết ngổn ngang, mới hay các chiến sĩ biệt động suốt đêm đã say chiến đấu. Căn cứ nhiệm vụ trên giao thì đơn vị đã hoàn thành vượt thời gian, đang cố gắng cầm cự với địch chờ quân tiếp viện của ta đến.

Để bảo tồn lực lượng, Ba Phong ra lệnh cho các tổ chiến đấu lui ra ngoài, bám vào khu cư xá sĩ quan ngụy, đối diện trước cổng mục tiêu, chờ quân tiếp viện. Địch đang bị căng ra đối phó nhiều nơi. Ở hướng bắc, cổng số 4 (phía sau Bộ Tổng tham mưu) trận địa bỗng trở nên dữ dội, thu hút lực lượng địch kéo về hướng ấy. Ở hướng tây, sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang chìm trong lửa đạn. Trận địa phòng ngự của các chiến sĩ biệt động ở trước cổng số 5, tiếng súng có phần lắng dịu.

- Cậu nhỏ… Cậu nhỏ…

Tôi đang nấp sau trụ điện chợt nghe có tiếng người gọi, cánh cửa nhà gần đấy hé mở và một gương mặt nhô ra. Tôi nhìn thấy một bà lão đang vẫy gọi. Khu này là cư xá sĩ quan ngụy, làm sao có thể tin họ? Tiếng vẫy gọi càng lúc càng tha thiết hơn buộc tôi phải chạy lại.

- Các cháu có đói bụng không? Lấy cái này ăn đỡ dạ.

Bà lão đưa ra một giỏ đầy bánh tét. Thấy tôi chần chừ chưa nhận bà ân cần nắm tay tôi nói giọng thân thiết:

- Tụi tôi không sợ các cậu… Sao các cậu sợ tụi tôi?

Trong nhà thập thò vài khuôn mặt lạ, cả nam lẫn nữ, đang nhìn tôi chăm chăm. Tôi cám ơn, nhận rồi mang giỏ bánh đến cho các bạn.

Cả ngày không có thứ gì vào bụng tôi cũng không cảm thấy đói, kể cả khát nữa. Bây giờ tự dưng sao trở nên cồn cào trong dạ. Miếng bánh đưa vào miệng mới ngon làm sao! Những hạt nếp dẻo nhẹo thơm thơm xen lẫn với hương đậu xanh và thịt mỡ béo ngậy, gây nên một cảm giác thật tuyệt diệu.

Sáng hôm sau (ngày mùng 3 Tết), bọn địch xiết chặt vòng vây vì chúng được tin: quân ta chỉ còn vài người đang lẩn trốn trong khu cư xá. Toàn đội hiện còn lại 8 người, duy nhất 1 khẩu AK còn vài viên đạn. Bấy giờ mới có lệnh: “Rời khỏi trận địa ”.

Bọn địch phát loa kêu gọi người dân trong khu cư xá rời khỏi nhà để bọn chúng vào khám xét. Hai cô nữ chiến sĩ cải trang trà trộn theo người dân thoát được ra ngoài.


Quân Giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

Tôi vào nhà bà lão ban sáng cho bánh xin được giúp đỡ, bà sẵn sàng lấy cho tôi một bộ quần áo mới của con trai bà. Qua trò chuyện tôi được biết bà có con là sĩ quan quốc gia, nhưng cũng có con tập kết ra Bắc, đó là lý do bà có cảm tình với quân Giải phóng. Nhìn thấy vai tôi đang cột băng, bà hỏi:

- Cháu bị thương sao?

- Dạ, chỉ nhẹ thôi.

Tôi bị một mảnh đạn M79 trúng vào bả vai tuy không nặng nhưng cũng ê ẩm. Bà đưa thêm cho tôi cái áo khoác bên ngoài và dặn:

- Đi ra cho nhanh trước khi lính tràn vào…

Tôi không ra đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ) vì nơi đó có đông lính dù đang kiểm soát, mà đi ra đường Trương Quốc Dung đang có một toán lính Mỹ chận ở lối đi về hướng ấy. Vừa nhìn thấy tôi, một tên lính Mỹ xông lại chĩa súng quát lớn:

- Surrender! Hands up! (Đầu hàng! Giơ tay lên!)

Vì bị thương ở vai trái tôi không thể giơ hai tay lên mà chỉ giơ tay phải, rồi đáp lại bằng tiếng Mỹ như chào:

- Hello! I am not a V.C. (Chào! Tôi không phải là Việt Cộng)

Một tên lính Mỹ khác hỏi tiếp:

- Where do you live? (Anh ở đâu?

- I live in this area. (Tôi sống trong khu này)

- What are you? (Anh là gì?)

- I am a student. (Tôi là sinh viên)

Tên lính Mỹ nói ngay:

- Show me your ID. (Cho xem giấy tờ)

Tôi cố gắng không để lộ mình đang bị thương, móc ví lấy giấy tờ tùy thân đưa cho tên lính Mỹ xem. Hắn nhìn gương mặt tôi và hình trong thẻ căn cước rồi hỏi thêm vài câu. Với vốn liếng tiếng Anh được học trong thời gian còn cắp sách đến trường, tôi bình tĩnh trả lời khá trôi chảy. Sau cùng hắn dịu giọng:

- Okey. You can go. (Được rồi. Anh có thể đi)

Thế là tôi thoát được ra khỏi vòng vây của địch.

Nước mắt chảy vào tim

Thoát khỏi trận địa Bộ Tổng tham mưu, tôi tranh thủ về thăm nhà, biết tin cha tôi lâm bệnh nặng đang nằm điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy.

Cha tôi tuổi đã xấp xỉ 70, những năm bị đày đọa trong lao tù của địch để lại cho ông chứng ung thư gan vô phương cứu chữa. Mẹ tôi luôn túc trực ngày đêm bên giường bệnh chăm sóc. Nhìn sắc diện vàng nhợt của cha, tôi không sao cầm được nước mắt. Thấy tôi, cha gượng dậy hỏi ngay:

- Các anh con có bình an không?

Tôi cố ngăn xúc động trả lời:

- Dạ, các anh con vẫn bình an…

Tôi đã nói dối cha. Hai người anh tôi - một đã hy sinh trong trận tấn công vào căn cứ Mỹ ở Lai Khê trước Tết và một đang tham gia chiến dịch Mậu Thân này không biết sống chết thế nào.

Cha nở nụ cười héo hắt, mẹ cũng hiện nét vui trên gương mặt tiều tụy. Nếu tôi nói sự thật thì sẽ ra sao?

Trở về cơ sở dưỡng thương được mươi ngày, tôi nhận được lệnh tham gia tiếp đợt đệm Mậu Thân, phối thuộc cùng đơn vị chủ lực đánh tiếp vào Sài Gòn lần nữa.

Đợt đệm Tết Mậu Thân bắt đầu từ đêm 17- 2-1968.

Nhận lệnh của cấp trên tôi đến phối thuộc với tiểu đoàn 267 của Phân khu 2 để làm nhiệm vụ dẫn đường. Vượt qua con lộ vành đai vào vùng Ngã tư Bốn Xã, đoàn quân âm thầm len lỏi qua khu Vườn Lài; khi đơn vị vào đến Phú Thọ thì trời đã sáng. Ban chỉ huy hội ý, Hai Tha (tiểu đoàn trưởng) hỏi tôi:

- Cậu nắm được địch ở vùng này không?

Tôi gật đầu, khu vực này tôi thuộc như lòng bàn tay, sang bên kia đường chừng vài trăm mét nữa là đến xóm Bình Thới, ở đó có ngôi nhà mà tôi đã lớn lên.

Sau khi nghiên cứu tình hình, Ban chỉ huy quyết định không tiến thêm nữa, mà dừng lại triển khai phòng ngự tại chỗ. Khu vực này thuộc vùng ven thành phố nhà cửa vẫn còn thưa thớt, có nhiều khoảng đất trống dùng làm nghĩa trang.

Đồng bào trong vùng này phần đông là dân lao động nghèo, ngủ một đêm thức dậy đã thấy “Việt Cộng ở đâu về đông quá!”. Ban đầu họ còn e dè, dần dà họ thấy quân Giải phóng cũng hiền lành như bao nhiêu người khác nên kéo đến hỏi chuyện. Một người đàn ông lớn tuổi đến vỗ vai tôi:

- Chú em này lực lưỡng quá! Vầy mà họ nói “Bảy thằng Việt Cộng đeo một tàu đu đủ không gãy” là sao?

Tôi cười trả lời:

- Họ nói lộn đó chú. Lẽ ra phải nói “Một thằng Việt Cộng cõng bảy người cũng dư sức đủ” mới đúng.


Quân Giải phóng miền Nam và lực lượng vũ trang địa phương Nam bộ vận chuyển đạn phục vụ Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968

Trên các ngả đường xe cộ vẫn qua lại dập dìu. Hướng ngã tư bót Nguyễn Văn Cự đã thấy xuất hiện những tên lính Biệt động quân sắc phục rằn ri nhưng chúng vẫn chưa dám tiến vào. Từ con đường đất đi vào khu Bình Thới có một chiếc xe tang trong xóm đang tiến ra. Chiếc xe tang trần trụi được kéo bằng một con ngựa già, phía sau có thêm một chiếc xe cải tiến chở những người đi đưa đám ngồi trên thùng xe. Tôi chú ý theo dõi, linh cảm đám ma này là người trong xóm nhà mẹ. Sợ người quen nhìn thấy nên tôi vội nép vào góc tường. Trên chiếc xe song mã ọp ẹp, có một người đàn bà và cô gái mặt đồ tang đang gục đầu bên cỗ quan tài. Bỗng có tiếng súng nổ, cô gái kia ngước mặt lên ngó dáo dác. Tôi nhìn thấy gương mặt ấy, toàn thân bủn rủn. “Trời ơi! Em Vân…”. Đó chính là em gái của tôi, đám tang kia không ai khác chính là của gia đình tôi. Như vậy cha tôi đã mất!

Tôi tối tăm mặt mày, thấy cảnh vật như quay cuồng, ngồi phệt xuống đất gục đầu, nước mắt cứ trào ra không sao kềm được. Hình ảnh người cha thân yêu đau khổ hiện ra, đến giờ phút cuối cùng vẫn không có đứa con trai nào về gặp mặt cha. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng ông đã nhiều lần bị tù đày khổ ải, nay ra đi thầm lặng tang thương chưa tròn được ước nguyện. Tôi không dằn lòng được buột miệng kêu lên:

- Cha ơi! Tụi con mang tội bất hiếu với cha rồi…

Tiếng súng bắt đầu nổ giòn. Nhìn thấy tôi đang ngồi ôm đầu khóc, Hai Tha vội chạy lại hỏi:

- Cậu sao vậy?

Tôi lau nước mắt, chỉ tay về hướng chiếc xe tang vừa đi qua.

- Đó là gia đình tôi. Cha tôi mất rồi!

Tiểu đoàn trưởng nghe vậy xúc động thốt lên:

- Trời ơi! Sao có chuyện éo le như vậy?

Thời gian đã 50 năm qua, nhưng những tình tiết đã diễn ra trong cuộc đời chiến đấu của mình thì không thể nào quên.♦

NGÔ BÁ CHÍNH