HV158 - Lập công nhờ âm nhạc và rượu

Mùa khô năm 1969. Sư đoàn 2 quân Giải phóng Quân khu 5 kết hợp với Tiểu đoàn 8 Quảng Ngãi tấn công tiêu diệt một tiểu đoàn Biệt động quân Sài Gòn tại Giá Vụt, bắt sống nhiều tù binh trong đó có trung tá Hùng, Liên đoàn phó Liên đoàn 1 Biệt động quân.

Bộ Quốc phòng ta ở Hà Nội cử ngay hai trung tá Cục Quân báo và Cục Địch vận vào khai thác. Tên trung tá Hùng ngoan cố giở công ước Genève và La Haye về tù binh để chống chế. Mặc dù các sĩ quan ta tuyên bố Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chưa ký các công ước này nhưng tên Hùng nhất quyết không khai.

Trên đường về, sau khi xuống thẩm vấn tên trung úy pháo binh về tội vượt ngục cùng với tên Bê, trung úy Nguyễn Bé gặp Hùng cùng với toán tù binh đi lao động về. Anh hỏi xã giao:

- Anh mới về đây hả?

- Báo cáo cán bộ, tui về đây hơn một tháng rồi.

- Anh ở đơn vị nào?

Hùng nói lảng qua chuyện khác: 

- Cán bộ đến đây mấy ngày nay chúng tôi thích lắm, vì tối được nghe nhạc hay quá đi!

- Sao biết?

- Tui chắc nhạc của cán bộ mới về. Tui ở đây mấy tuần không thấy ai có.

Hồi còn là sinh viên đại học sư phạm ngoại ngữ, Bé rất thích đĩa nhạc Ý do ca sĩ trẻ Robertino ca. Về chiến trường anh cũng thu lại các bài hát Come back to Sorrento, Siboney, Santa Lucia…, đêm đêm mở băng cát xét nghe lại.

Thì ra âm nhạc cũng có thể đưa con người gần lại với nhau dẫu đứng ở hai bờ chiến tuyến.

Hùng vui vẻ:

- Cán bộ cho mở tiếp nghe đi!

Bé nghĩ bụng: anh này khai thác không khó. Bé ngồi xuống lớp lá khô ven đường, mở gói thuốc rê và bịch giấy quyến mời Hùng:

- Đây là thuốc lá của người dân tộc thiểu số, anh hút thử.

Hùng cũng ngồi xuống, vấn điếu thuốc. Bé đưa hộp quẹt cho Hùng đốt thuốc, anh ta rít một hơi dài, từ từ nhả khói:

- Ngon quá!

Bé hỏi thăm gia cảnh, quê quán, Hùng cũng thành thật tâm sự.

Trước khi về anh ngắt một nhúm thuốc rê và gỡ mấy tờ giấy quyến bỏ vào tay Hùng.

Đêm đó Bé suy nghĩ lung lắm, liệu có thể khai thác anh ta được không. Hai ông trung tá ngoài Bộ vào còn bất lực? Sáng ra anh quyết định đi bộ một ngày đường, lội rừng đến trạm cơ yếu, điện về phòng địch vận quân khu xin phép khai thác trung tá Hùng. Hai ngày sau, phòng địch vận điện vào đồng ý, cấp kinh phí và cho phép khai thác với lời nhắn: Tay này khó đấy, nhưng cậu thấy được thì phòng đồng ý.

Phòng đồng ý rồi, Bé càng lo lắng. Lỡ không khai thác được, mấy chả lại nghĩ thằng Bé thèm rượu nên bày vẽ chuyện.

Đêm không ngủ được, sẵn có quyển Những điều bất ngờ trong vật lý anh mở ra đọc. Sáng sớm anh dậy pha ly cà phê uống cho tỉnh ngủ. Anh nhờ ông Luật giám đốc trại cho lính lấy mấy viên đá lửa đi vô chỗ đồng bào dân tộc thiểu số đổi mấy ống lồ ô rượu đoát(*). May mắn đêm qua vệ binh của trại bắn được con heo rừng, anh Luật giám đốc trại cũng nhiệt tình dành cho Bé 2 ký. Phòng địch vận còn cấp cho Bé một chai rượu ngoại và một gói thuốc lá.

Bé ngồi ở phòng khai thác chờ thì vệ binh dẫn Hùng từ trại tù binh lên. Hùng định bước vô phòng, Bé đưa tay ngăn lại:

- Anh chờ để anh em vệ binh báo cáo đã!

Sau khi vệ binh báo cáo xong đi ra, Bé nhìn Hùng, Hùng lễ phép:

- Xin phép cán bộ tôi có mặt.

- Anh vô đi! Ngồi đây.


Trung úy Nguyễn Bé năm 1969

Nhìn hai ly cà phê đã pha sẵn trên bàn, mặt anh ta rạng rỡ. Bé bật máy cát xét mở bản nhạc Come back to Sorrento rồi bóc gói thuốc Ruby Queen mời Hùng. Anh ta đốt điếu thuốc rồi xin phép ngả lưng tựa vào vách lán, rít lấy rít để mấy hơi thuốc, tàn thuốc chưa kịp cháy hết, đỏ lừ, nhọn hoắt. Bé hỏi thân mật:

- Anh học hết lớp mấy rồi?

Hùng dè dặt:

- Nói chung chúng tôi học đàng hoàng, hết tú tài.

- Anh giỏi môn nào, dở môn nào?

- Tui môn nào cũng giống nhau, hổng môn nào giỏi, môn nào dở.

- Anh nói chơi, dứt khoát có môn anh giỏi, có môn anh dở. Tui cũng vậy, môn văn là tui dở. Môn nào dở là mình hay trốn học. Anh có trốn không?

- Trốn chớ! Nhứt là đầu giờ hay kiểm tra, giả vờ đi tiêu đi tiểu vô trễ. Chỉ có môn vật lý và sinh ngữ là khá nên không trốn.

- Sinh ngữ anh học môn gì?

Hùng nhìn Bé, hơi ngập ngừng:

- Ờ… Anh văn.

Trong lý lịch Hùng ghi sinh ngữ là Pháp văn, có lẽ anh ta nghĩ Việt Cộng ngoài Bắc chỉ có thể biết Pháp văn nên khai biết Anh văn để qua mặt đây.

May mắn tối qua Bé cũng mới đọc Những điều bất ngờ trong vật lý, anh hỏi:

- Anh nói khá về vật lý, thế có biết vì sao gỗ thả xuống nước thì nổi mà sắt thì chìm không?

- Thì… gỗ nhẹ hơn sắt.

- Anh có biết ông tổ của ngành vật lý là ai không?

Thấy Hùng ậm ừ, Bé giải thích:

- Phải nói là trọng lượng riêng của gỗ nhỏ hơn của nước nên gỗ nổi, còn sắt thì ngược lại. Ông giỏi vật lý mà không biết ông tổ của ngành vật lý là ai à? Ông Newton là tổ sư đó với phát minh định luật vạn vật hấp dẫn.

Hùng hơi đỏ mặt, cười giả lả:

- Cán bộ giỏi thật!

- Anh giỏi tiếng Anh thì ta nói chuyện bằng tiếng Anh cho oai hén:

What your name? (Anh tên gì?)

- My name is Hùng (Tôi tên Hùng)

- Yes! How old are you? (Vâng, anh bao nhiêu tuổi?)

- I am forty six (Tôi 46 tuổi)

- Yes, where did you get your English education? (Vâng, anh học tiếng Anh ở đâu?)

- At middle school (Ở trường trung học)

- Yes, during the army you learn English or not? (Vâng, trong thời gian ở quân đội anh có học tiếng Anh không?)

- A little, I am no time! (Chút đỉnh, tôi không có thời gian)

Bé phì cười:

- Anh nói tiếng bồi rồi. Người Anh không nói “I am no time” mà nói “I have no time”.

Hùng cũng phì cười:

- Cán bộ nói đúng. Thôi ta nói tiếng Việt đi! Tôi chỉ biết tiếng Anh chút ít để giao tiếp với mấy ông Mỹ.

Tiếng kẻng báo giờ ăn trưa vang lên. Hùng đứng dậy:

- Xin phép cán bộ…

Bé khoát tay:

- Ông ở lại đây. Ông lên đây một tháng nay có thèm rượu không?

- Cán bộ ơi, thèm thấy con đĩ mẹ, hi hi.

- Bữa nay tôi cho ông uống loại rượu ông chưa từng uống, rượu đoát. Cây tà vạt, ông đi thấy đấy, cao to như cây dừa, người dân tộc thiểu số chặt buồng trái, hứng nước làm ra rượu đoát.

Bé ngoắt vệ binh đem lên hai mắc ống lồ ô rượu đoát, rót vô hai ca inox Mỹ. Hùng cúi nhìn rượu sóng sánh màu trắng đục, hít hà:

- Cán bộ, giống rượu nếp than quá hả! Không biết bao nhiêu độ?

- Nhẹ thôi, uống bổ, không sao hết!

Bé mở tiếp bản nhạc Ý bài Mama, rồi bưng ca rượu mời Hùng:

- Vô đi!

Hùng nhấp thử một tí rồi uống một ngụm:

- Ngon quá cán bộ ơi! Anh ta lại ngả người dựa vào vách lán để cho bài ca về mẹ được rượu của người dân tộc thiểu số chuyên chở chạy lan tỏa khắp cơ thể.


Thượng tá Nguyễn Bé năm 2020

Uống hết ca rượu, Hùng xin phép về ăn cơm. Bé ôn tồn:

- Thôi ở đây ăn cơm với tôi.

Hùng cười sung sướng, nhìn Bé vẻ như cảm ơn.

Cô nuôi quân bưng lên một mâm thịt heo rừng luộc. Lát sau lại bưng tiếp một chai rượu Napoléon và hai ly nhựa màu vàng. Hình như chưa tin, Hùng cầm chai rượu màu xanh đục xoay xoay nhìn ngắm. Bé bảo:

- Ông rót đi!

Hùng khui chai rượu:

- Rót bao nhiêu, cán bộ?

- Ly đầu rót đầy đi!

Rượu Napoléon loại đặc biệt nồng nồng, thơm ngát.

Mâm thịt vơi dần, cả hai đã ngà ngà say. Hùng để đũa xuống bàn nhìn Bé:

- Bây giờ xin hỏi thiệt, cán bộ đối xử với tôi như vầy có mục đích gì không?

- Không! Không có mục đích gì. Tui thấy ông chịu chơi, thoải mái cũng thích. Tui cũng lính tráng như ông. Đời lính cũng có lúc thắng lúc thua. Tui cũng có lúc bị mấy ông đuổi chạy mất dép. Nhà thơ Tố Hữu của chúng tôi có câu:

Ai chiến thắng mà không hề chiến bại

Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?

Huống đường đi còn lắm bước gian truân

Đây chưa phải trận sau cùng chiến đấu!

Thì đứng dậy, xoa tay, và tự bảo:

Chí còn đây sức lực hãy còn đây!

Hùng xuýt xoa:

- Hay quá cán bộ ơi, nếu có giấy bút tôi xin chép bài thơ này.

Bé lại rót tiếp và cụng ly với Hùng. Anh nói rành rẽ:

- Anh thấy đó, anh bị bắt chúng tôi không ai tra tấn đánh đập anh. Bây giờ anh giúp cho tôi biết những gì anh biết về quân đội Việt Nam Cộng hòa, về Biệt động quân…

- Cái đó dễ, không có gì khó.

Thấy Hùng sốt sắng, Bé vừa mừng vừa lo, không biết anh ta có thật lòng không hay khai láo thì ê lắm. Bé thẳng thắn hỏi, Hùng kể thành thật hồi nhỏ cũng cầu bất cầu bơ, chăn trâu, tát nước. Trước năm 1954 đăng lính, học trường sĩ quan Thủ Đức. Sau hiệp định Genève biên chế qua Biệt động quân. Trước khi bị bắt là Liên đoàn phó Liên đoàn 1 Biệt động quân. Thường thường biên chế liên đoàn có 3 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn có 400 quân, trang bị vũ khí khí tài…

Bé vui vẻ:

- Tui không ghi chép kịp, ghi âm được không?

Hùng hào hứng:

- Được! Được! Cứ thoải mái!

Bé ghi âm mãi đến 11 giờ đêm, được 2 băng cát xét 60 và 1 băng 90. Anh xuống bếp bưng lên hai ca cháo xương heo, hồ hởi:

- Cảm ơn anh! Bồi dưỡng miếng cháo đi!

Sáng hôm sau anh tức tốc gởi ba băng cát xét tư liệu khai thác và điện về quân khu báo cáo thắng lợi. Hai tháng sau quân khu gởi quyết định tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba cho trung úy Nguyễn Bé.

Gần cuối năm, quân khu họp hội nghị tổng kết công tác địch vận với 11 tỉnh thành về công tác binh địch vận. Thiếu tá Tùng trưởng phòng địch vận quân khu yêu cầu Bé viết báo cáo kinh nghiệm khai thác tù binh. Suy nghĩ hồi lâu, Bé bảo với anh Tùng:

- Báo cáo tôi không viết được đâu!

Anh Tùng ngạc nhiên:

- Trình độ cậu vậy mà không viết báo cáo được à?

- Không phải vậy, hồi học đại học sư phạm ngoại ngữ tôi được dạy nhảy đầm và nghe nhạc Tây, giờ tôi cũng thích nghe nhạc, tay trung tá Hùng cũng mê nhạc Tây. Âm nhạc làm cho con người hướng thiện và trở nên gần nhau hơn. Âm nhạc cũng cần rượu để tạo hưng phấn. Rượu vào lời ra, trong rượu có sự thật, anh biết mà!

- Ờ, ờ!… Cậu nói đúng. Thôi để nghiên cứu thêm, không phải ai cũng làm được và đối tượng nào cũng vận dụng được.

Kẻ thù có thể không khuất phục trước uy lực nhưng có thể thu phục bằng nhân tâm.♦


_____

(*) Rượu đoát: Cây tà vạt giống như cây cọ, cao, to thường mọc ở rừng miền Trung; khoảng tháng 4 đến tháng 7 người dân tộc thiểu số chặt buồng trái, đốt cho ra loại nước lên men gọi là rượu đoát.



 Nhà thơ Hồ Dzếnh 

Hồ Dzếnh*

ĐẶNG NGUYỆT ANH

“Em cứ hẹn, nhưng em đừng đến nhé”

Cho lòng chiều thi sĩ bơ vơ

Trong vườn ta hoa cỏ ngẩn ngơ…

Em cứ hẹn, cho lòng ta mong đợi

Cho ngàn sau thương nhớ phút giây này

Ta đăm đắm thương về “chân trời cũ”(1)

“Quê ngoại”(2) buồn hun hút chân mây!

Em cứ hẹn, bao giờ em đến vậy?

Lá thơm tho đã trải lối em về

Thánh đường chiều nay Chúa không mở cửa

Ta ôm trời, ru trọn những đam mê.


_____

* Nhà thơ Hồ Dzếnh (1916 - 1991), tên thật là Hà Triệu Anh, còn có bút danh Lưu Thị Hạnh.

(1) (2) Chân trời cũ, Quê ngoại là tên tác phẩm của Hồ Dzếnh.