HV158 - Ngôi nhà của người Lạc Việt

←Nhà theo kiến trúc cổ truyền ở đồng bằng sông Hồng

Người Lạc Việt là chủ nhân của trống đồng Đông Sơn; làm chủ nước Văn Lang cổ đại. Người Lạc Việt cũng được gọi là người Việt cổ - người tiền Việt Mường. Khi xưa cách ngày nay 4.000 năm, cửa biển ở Việt Trì. Trong quá trình biển lùi, một bộ phận cư dân Việt cổ cũng lùi dần khai phá vùng trung châu. Sau này vùng đồng bằng ven biển đất rộng người đông, khi ấy đất Tổ Phú Thọ chỉ còn thưa thớt những bản động của cư dân bản địa. Thời tiền Lê, để phân biệt với những địa điểm cư trú của người Kinh mới thiên di đến, triều đình gọi địa điểm cư trú của người bản địa là các động man.

Theo Hậu Hán thư và các sách cổ sử của Trung Hoa thì xứ ta họ gọi là quận Giao Chỉ, hồi người Hán mới sang, theo họ: dân ta còn ăn lông ở lỗ làm nhà ở trên ngọn cây giống như các tổ chim tổ cò vậy. Điều đó đâu có sai, vì mãi gần đây ở ta vẫn có những tộc người thiểu số làm nhà trên cây để ăn ở chống thú dữ. Còn ở vùng xuôi nếu ta vẫn ăn ở lạc hậu như thế, thì làm sao mà dân ta có tổ chức cao đánh đuổi được giặc Hán bao trận thua nhục nhã phải bỏ chạy về nước.

Về nhà ở của người Việt cổ cách đây trên dưới 3.000 năm đã có dấu tích để lại. Theo báo cáo khoa học của di chỉ khảo cổ Gò Mun, giới khoa học đã phát hiện ra ở tầng di chỉ một nền nhà của người Việt cổ. Bằng chứng nền nhà được đắp cao hơn thực địa bằng thứ đất lấy ở nơi khác đến, trong nền nhà người ta tìm thấy một bếp gio, có đầu rau và những nồi gốm, cùng những công cụ bằng đá: dao, rìu, búa hoặc các lọ gốm chứa đựng ngũ cốc... Quanh nền nhà người ta tìm thấy hai hàng lỗ chân cột đối xứng nhau. Do chỉ có hai hàng cột, giới khoa học kết luận đấy là loại nhà lều một mái. Theo đoán định như giới khoa học thì người Gò Mun đã dựng một hàng cột cao đối xứng với hàng cột thấp. Người ta dùng một cây gỗ nhỏ thật dài buộc từ đầu cột cao xuống đầu cột thấp, sau đó mới làm mái: buộc rui mè, rồi lợp tranh bằng các phên đan hay cỏ gianh, tre, lá v.v...

Vì không thấy có lỗ cột giữa nên nền lòng nhà chưa phân gian. Và như vậy thì nhà lều một mái ấy sẽ không chịu nổi sức nặng của cả mái nhà đè xuống vì không có cột giữa chống đỡ.

Mãi những năm 80 của thế kỷ trước, trong các chuyến đi thực tế sáng tác ở các bản người Mường vùng cao huyện Thanh Sơn, ở các xã Kim Thượng, Xuân Sơn (huyện Thanh Sơn), tôi mới được chứng kiến những ngôi nhà sàn cổ của người Mường làm đúng theo kiểu nhà của người Gò Mun trước đây: nhà có hai mái, nhưng không có cột chống nóc. Nhà chưa có lỗ đục, thay vào đó là các mối lạt buộc bằng sợi mây hoặc sợi song chẻ ra. Cột chôn sâu 40 - 50cm bằng gỗ khoai, loại gỗ cứng hơn sắt thép không hề bị mối mục dù có qua hàng trăm năm tuổi. Vì chôn chân cột nên người Mường Phú Thọ ngày nay vẫn gọi cột nhà là cọc nhà mặc dù cọc nhà ngày nay không còn chôn xuống đất mà chân cột kê trên đá để chống mối ăn. 


Nhà của người Mường

Người ta chôn hai hàng cột cách nhau bằng bề ngang lòng nhà. Mỗi hàng thường là 6 cột để có căn nhà dài tương ứng 5 gian. Dùng cây gỗ dài, thường là cây mỡ đẽo bỏ vỏ chỉ giữ lõi để làm duông, buộc ghì cây duông vào thân cột. Sau này cây duông được thay bằng cây hóp luồn vào 6 cây cột gọi là cây duổi chạy dọc nhà giữ cho hàng cột đứng thẳng hàng. Một cây gỗ dài buộc ghì vào hai thân cột gọi là xà nuột chạy ngang nhà, cao một đầu người. Trên xà nuột buộc các cây gỗ nhỏ, chắc làm rẩu, cùn để đặt tre nứa bổ ra dát mỏng làm sàn lên trên gọi là pạt. Pạt sau này làm bằng ván mỏng đặt khít vào nhau để sàn nhà được chắc chắn bằng phẳng hơn.

Khi đã có sàn nhà chắc chắn người ta tiến hành làm hai mái nhà, chôn những cây tre dài, buộc ghì vào xà nuột trên và xà nuột dưới rồi buộc một cây kèo từ đầu cột lên, buộc tạm vào cây tre chống giữ. Sau đó buộc cây kèo từ đầu cột hàng bên lên. Hai đầu kèo được buộc ghì vào nhau ở trên nóc. Sau này người ta đục, khoan lỗ dùng con sỏ để cố kết hai đầu kèo lại.

Để hai cây kèo đứng vững, người ta buộc một cây chống tréo từ đầu kèo thứ nhất xuống đầu cột hàng thứ hai và từ đầu kèo thứ hai xuống đầu cột hàng thứ nhất. Người Mường gọi đó là những cây chống gió. Khi các hàng cột đã buộc xong kèo và chống gió, người ta mới bắc cái nóc, chở dui mè và lợp mái bằng phên nứa, lá ranh, lá mía, lá cọ.

Làng Mường Phú Thọ xưa nay không có phường mộc vì không có thợ mộc chuyên nghiệp. Với cách làm nhà truyền thống như kiểu nhà cổ thì không cần đến người khéo tay bào trơn đóng bén mực thầy thước thợ, người đàn ông nào cũng có thể tham gia vào việc làm nhà. Trong bản khi có đám làm nhà thì đàn ông đều đến làm giúp. Với cách gọi cột nhà là cọc nhà, với việc lấy gian đầu là gian gốc để thờ cúng chưa bị ảnh hưởng theo kiến trúc đăng đối, coi trọng gian giữa theo người Tàu và trong thi công vẫn lấy chặt đẽo là chính, tuy có đục lỗ nhưng lỗ đục to, không làm mộng mang cá, chỉ cần có lỗ cột to đúc đầu xà vào cho dễ rồi dùng nêm đóng vào cho chặt... Nói tóm lại trong kiến trúc nhà ở của người Mường vẫn kế thừa nhiều cách thức làm nhà của tổ tiên thời tiền sử.

Tiếc rằng ngày nay vẫn còn nhiều người nghĩ rằng kiến trúc Việt Nam nói riêng, văn hóa nói chung đều của người Tàu hoặc bắt chước Tàu. Cả trống đồng Đông Sơn khoa học đã chứng minh là do người Lạc Việt đúc ra, người Lạc Việt là chủ nhân loại trống ấy nhưng vẫn có không ít người, có cả trí thức, nhà thơ vẫn không tin vì theo họ tất cả đều là của người Tàu!

Việc khảo cổ phát hiện ra nền nhà ở di chỉ Gò Mun, xã Tứ Xã niên đại trên dưới 3.000 năm và các ngôi nhà sàn của người Mường đất Tổ làm theo người tiền sử đã là bằng chứng về lịch sử kiến trúc của dân tộc ta.♦

NGUYỄN HỮU NHÀN