Chúng tôi đã có dịp đến Bảo tàng thành phố New Delhi năm 2014 để chiêm ngưỡng nền văn hóa vĩ đại… Những thành phố cổ đại Harappa và Mohenjo-daro từ năm 2800 TCN là những kiệt tác về đô thị với cách thiết kế tinh vi vừa được khai quật. Những bức tượng thần Brahma (thần sáng tạo), thần Vishnu (thần bảo tồn) và thần Shiva (thần hủy diệt) với vũ điệu Tandara trong vòng lửa…, những bức phù điêu, những vòng ngọc trang sức tinh xảo của con người mấy ngàn năm trước… Nói như bà Niharika Rai, Tổng thư ký Vụ Văn hóa Nghệ thuật: “Mỗi người trẻ Ấn Độ tự hào từ trong máu mình là người Ấn Độ. Cái nếp truyền thống ấy ăn sâu từ nền nếp của từng gia đình. Nhà nước chỉ góp phần giáo dục để dòng máu ấy sẽ chảy ngàn đời từ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác”. Mỗi mùa hè, học viện đều tổ chức chương trình đào tạo trẻ em từ 6 - 16 tuổi trong 1 tháng hè về văn hóa nghệ thuật Ấn Độ. Văn hóa ngoại lai xâm nhập vào giới trẻ là điều không thể tránh, nhưng cái gì từ bên ngoài đến rồi sẽ đi, truyền thống luôn luôn ở lại.
Đó chính là lời giải cho một câu hỏi ray rứt của một đất nước mới vừa chạm ngõ thị trường như Việt Nam. Ấn Độ là đất nước có lẽ duy nhất trên thế giới không sợ ảnh hưởng lai tạp của văn hóa ngoại lai đối với người trẻ. Bởi vì gốc rễ của họ quá bền chắc và họ vô cùng tự tin điều đó. Bởi vì muốn yêu thì phải hiểu và thực hành thường xuyên. Trẻ em Ấn được học múa hát, âm nhạc truyền thống từ bé, và tham gia các lễ hội truyền thống thường xuyên, vì thế văn hóa truyền thống đã thấm vào trong máu từng người dân Ấn. Với gốc rễ quá sâu và quá bền vững như thế thì những luồng gió văn hóa lai tạp phương Tây không dễ gì làm lay được cây cổ thụ mấy ngàn năm này.
Thủ đô New Delhi giống như một vườn cây xanh tĩnh lặng bên những ngôi biệt thự trắng uy nghi. Phong cách kiến trúc Tây phương in đậm trên từng con đường, từng hàng cây xanh mướt. Còn Delhi là thành phố cổ hơn 3.000 năm, một thành phố lớn ở trên con đường thương mại cổ từ Tây Bắc Ấn Độ đi Đồng bằng sông Hằng. Vì vậy, nơi đây ví như là một thành phố bảo tàng khổng lồ với nhiều tượng đài cổ, các địa điểm khảo cổ, những tòa lâu đài cổ được xây bằng đá, các viện bảo tàng, nhà triển lãm nghệ thuật và các tàn tích có tầm quan trọng quốc gia. Các hoàng đế Mughal đã cho xây một phần của thành phố (hiện được gọi là Phố Cổ hay Delhi Cổ) để làm kinh đô của Đế quốc Mughal. Trong thời kỳ thuộc Anh, New Delhi được hai kiến trúc sư hàng đầu người Anh là Sir Edwin Lutyens và Sir Herbert Baker xây dựng bên cạnh kinh đô cổ Delhi như một quận hành chính của thành phố với các công trình kiến trúc lớn như tòa nhà Quốc hội, Phủ Tổng thống, cổng Ấn Độ và các trường Đại học Tổng hợp, Đại học Bách khoa, Viện Hàn lâm Nghệ thuật quốc gia, Học viện Âm nhạc - Kịch - Múa và nhiều cơ sở văn hóa, cơ quan khoa học quan trọng khác…

Những cô gái Ấn với tà áo sari rực rỡ bên thềm đền Taj Mahal nổi tiếng ở Ấn Độ
Tất cả những gì nhìn thấy trước mắt như mở ra cho tôi một cái nhìn vừa lạ lẫm vừa say mê về một đất nước vô cùng đa dạng nhưng cũng đầy nghịch lý - vừa là một cường quốc trên thế giới nhưng cũng là một đất nước đầy rẫy những khu nhà ổ chuột với những người dân sống dưới mức của sự nghèo khổ, là nơi có số lượng người nhiều nhất (hơn 300 triệu người) sống dưới chuẩn nghèo quốc tế (1,25 USD/ngày)… Khoảng cách giàu nghèo ở Ấn Độ lớn như thế nào? 5 mét vuông nhà cho người nghèo và 40.000 mét vuông dinh thự cho người giàu. Ấn Độ luôn được biết đến là nghèo đói trong mắt người nước ngoài. Nhưng điều mà nhiều người không biết là đất nước bị người khác chê nghèo, nhưng số lượng tỉ phú lại đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Như người giàu nhất Ấn Độ, Mukesh Ambani. Thu nhập hàng ngày của ông có thể đạt 10,7 tỉ rupee. Ông đã vượt qua người giàu nhất Trung Quốc Jack Ma trước khi trở thành người giàu nhất châu Á và đứng thứ 16 trong danh sách người giàu toàn cầu.
“Chế độ đẳng cấp phân tầng xã hội đã được lưu truyền hàng nghìn năm. Xã hội Ấn Độ được chia thành bốn đẳng cấp, Bà La Môn, Kshatriya, Vaisha và Sudra. Theo quan điểm của họ, Bà La Môn là cửa miệng của người nguyên thủy và thuộc tầng lớp cao nhất của xã hội. Họ thuộc hàng tăng lữ và có quyền giải thích mọi kinh điển. Kshatriya là cánh tay của người nguyên thủy, do Bà La Môn trực tiếp điều khiển, phụ trách quyền lực quân sự và chính trị. Vaisha là đùi của người nguyên thủy, là những người bình thường bao gồm nông dân, người chăn nuôi và thương gia. Sudra là chân của người nguyên thủy, thuộc về thấp nhất. Những người thuộc đẳng cấp này bao gồm những người hầu, thợ thủ công, bồi bàn và đầu bếp. Đây là giai cấp đông dân nhất. Những người thuộc dạng Bà La Môn sẽ không hề coi người thuộc dạng Sudra là ‘người’, không chạm tay vào họ thậm chí nếu đang đi trên đường mà chiếc bóng của họ bị chiếc bóng của người Sudra đè lên cũng lập tức về ngay để tắm rửa sạch sẽ”(*).

Tác giả bên bức tường thành Pháo đài đỏ Agra ở Delhi
Với người Ấn, nghèo khó như là một số mệnh đã sắp đặt sẵn cho họ, cũng như thứ bậc giai cấp trong xã hội là chuyện lưu truyền nhiều đời. Không ai có thể chọn cho mình giai cấp thượng lưu hay bình dân. Đó là chuyện của số mệnh và người ta vui vẻ chấp nhận điều đó như là điều hiển nhiên. Trên đường phố, các cô gái với những tà áo sari sắc màu rực rỡ phơi mình dưới cái nắng gay gắt một cách bình thản. Dù là thủ đô, hay cả thành phố công nghiệp Mumbai, những chiếc sari và áo dài kiểu Ấn vẫn rực rỡ trên khắp mọi nẻo đường. Lạ lùng sao, một đất nước từng bị nô thuộc phương Tây hơn 1 thế kỷ, dù thành phố đã ghi dấu ấn rất nhiều kiến trúc phương Tây, nhưng con người nơi đây vẫn bền bỉ một cách kiên cường cùng với bản sắc dân tộc của mình: từ phục trang cho đến phong cách giao tiếp... Trên đường phố hay bất cứ trong ngõ ngách chật hẹp nào, từ nơi cực kỳ sang trọng hay trong những khu nhà ổ chuột rách nát, thật khó tìm thấy một bộ váy tân thời nào. Và khi sang tiếp xúc với các cơ quan văn hóa của Ấn Độ, những vị lãnh đạo nữ luôn tiếp chúng tôi trong bộ áo sari sặc sỡ, dù hầu hết đều được đi du học và tốt nghiệp từ những trường đại học danh giá ở Anh, Mỹ.
Mumbai, thành phố công nghiệp, thành phố của kinh đô điện ảnh, là thủ phủ của bang Maharashtra. Thành phố là trụ sở của ngành điện ảnh và truyền hình tiếng Hindi, với tên gọi Bollywood. Mỗi năm Ấn Độ sản xuất trên dưới 2.000 bộ phim điện ảnh, riêng Mumbai sản xuất từ 500 - 600 phim. Đó là chưa kể vài chục ngàn tập phim truyền hình chiếu trên 124 kênh truyền hình. Cả Ấn Độ có 15 phim trường mà Mumbai đã có 10 phim trường. Công nghệ làm phim của Ấn Độ phồn thịnh vì phim ảnh đối với người dân Ấn là một trong 3 nhu cầu thiết yếu của cuộc sống: quần áo, thức ăn và phim ảnh. Nghĩa là Điện ảnh Ấn Độ có một chỗ đứng duy nhất trong lòng nhân dân Ấn. Với số dân hơn 1 tỉ và chỉ thích xem phim nước mình sản xuất, việc làm phim coi như là một công nghệ nhiều lợi nhuận nhất. Vì thế, có lẽ Ấn Độ là đất nước duy nhất trên thế giới không hề sợ làn sóng Hollywood, bởi nó chỉ chiếm khiêm tốn không tới 10% trên các rạp chiếu ở Ấn Độ.
Cả Mumbai phải có đến cả ngàn rạp chiếu, từ những cụm rạp sang trọng, âm thanh vòng, 3D với giá vé cao nhất là 100 rupee đến những rạp nhỏ chỉ có giá vé từ 20 rupee. Ngoài ra người dân Ấn cũng có thể xem phim ở phòng chiếu gia đình (không cần phải xin phép) chỉ với giá vé 2 - 5 rupee. Nghĩa là một bộ phim ra đời có thể đến với đông đảo người dân bằng mọi hình thức quảng bá khác nhau. Ngành công nghiệp điện ảnh Ấn Độ không ngừng lớn mạnh trong những năm qua. Doanh thu của ngành này ở Ấn Độ dự kiến tăng trưởng từ 2 tỉ USD/năm lên đến 3,6 tỉ USD/năm trong vòng 5 năm tới.
Điều đó cho thấy, tất cả mọi sinh hoạt của đất nước này đã nằm trong một quỹ đạo trật tự rất rõ rệt , người giàu xem phim với giá vé 100 rupee, người nghèo chỉ cần 2 rupee, nhưng tất cả người dân Ấn đều được xem phim. Người giàu có thể sống trong tòa lâu đài 40.000m2 với 50 người hầu, người nghèo chỉ cần 5m2 nhưng họ vẫn sống hồn nhiên bên cạnh người hàng xóm cực giàu bằng cái nhìn bình thản và vui vẻ. Bất cứ đất nước nào cũng có sự phân cấp này, cũng có những khu ổ chuột dành cho người vô gia cư, nhưng có lẽ khu ổ chuột ở Ấn Độ là kinh khủng nhất, nhưng cũng bình an nhất. Bước vào đây, người ta dễ dàng bắt gặp những nụ cười thân thiện và cởi mở… Họ rất an tâm với cái nghèo của mình vì tin vào số phận đã sắp đặt cho dòng họ và gia đình mình. Không một ai có thể vượt qua ranh giới đó từ mấy nghìn năm nay… Đó cũng là lý do vì sao người dân nghèo Ấn gần như cuồng tín, bởi cuộc sống của họ chỉ còn biết tin vào bệ đỡ tâm linh duy nhất là thần linh. Vì thế, không có sức mạnh nào có thể cản trở làn sóng người đổ tràn về các lễ hội lớn, dù trong mùa dịch COVID.
Ấn Độ đã từng ứng phó rất nghiêm túc với COVID -19. Chính phủ đã tung ra gói cứu trợ gần 300 tỉ USD để giúp đất nước vượt qua những ngày khó khăn của cách ly và đóng cửa nền kinh tế. Số ca lây nhiễm giảm xuống, từ hơn 67.000 ca/ngày vào trung tuần tháng 9, xuống mức chỉ 8.000 vào trung tuần tháng 2-2021. Chính phủ của ông Modi và đảng BJP coi đó là thành công to lớn. Ủy ban bầu cử quốc gia Ấn Độ đã không hành xử giống như đất nước đang phải ứng phó với đại dịch. Các cuộc bầu cử ở từng bang vẫn được tổ chức một cách dàn trải, ông Modi có kế hoạch phát biểu tại 20 cuộc mít tinh trong chiến dịch vận động tranh cử. Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah và Chủ tịch đảng BJP phát biểu ở hơn 50 cuộc mít tinh.

Người dân nghèo Ấn Độ chỉ sống với mức 1,25 USD mỗi ngày
Ở một khía cạnh khác, chính phủ của ông Modi không có đủ tiềm lực để tung ra tiếp một gói cứu trợ mới sau gói cứu trợ 300 tỉ USD, và hàng trăm triệu người cần quay lại làm việc để mưu sinh, không dễ dàng để đóng cửa một quốc gia 1,2 tỉ dân. Mặc dù quốc gia đó đang sản xuất khoảng 60% vắc xin cho thế giới và đã tiêm chủng cho hơn 20 triệu người dân, nhưng 20 triệu dân chỉ là con số nhỏ nhoi so với 1,2 tỉ dân, mà cũng khó tới được người dân nghèo sống trong các khu ổ chuột, nơi mà COVID-19 thỏa sức hoành hành.
Hàng triệu người dân Ấn đã đổ về tham dự lễ hội Kumbh Mela, một lễ hội quan trọng có truyền thống từ thế kỷ thứ 8. Dịch bệnh bùng phát, người chết như rạ, những người giàu đã đáp máy bay riêng trốn sang châu Âu, để lại những người nghèo vật lộn với dịch bệnh đến nỗi không còn củi để thiêu xác và phải thả trôi xuống sông Hằng! Rất dau đớn, nhưng làm cách nào để cứu vãn tình hình khi mà con vi rút hung hãn đang có đầy đủ điều kiện để hoành hành?
Phải chăng cơn ác mộng cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã trở về với Ấn Độ? Lúc đó, khoảng 17 - 18 triệu người Ấn Độ đã thiệt mạng, chiếm hơn một nửa số người trên toàn cầu chết vì bệnh dịch này.♦
_____
(*) Theo Peter Pho