HV158 - Nét đặc sắc nghệ thuật viết vọng cổ của Viễn Châu

Với giới mộ điệu sân khấu cải lương, Viễn Châu có những đóng góp quan trọng: là người sáng tạo nên “tân cổ giao duyên”,

đưa vọng cổ hài phát triển đến đỉnh cao, “đo ni đóng giày” làm nên hàng loạt tên tuổi nghệ sĩ Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Tấn Tài, Lệ Thủy, Diệu Hiền, Minh Cảnh, Minh Vương… Có lẽ, chính nghệ thuật viết vọng cổ đặc sắc đã làm nên thành công cho hơn 2.000 bài vọng cổ của ông.

Chất triết lý trong bài vọng cổ

Là người vươn lên từ con đường tự học, Viễn Châu có kiến thức sâu rộng về cả Nho học lẫn Tây học. Mỗi bài vọng cổ, người viết, bên cạnh hóa thân vào tâm trạng nhân vật, vào cảnh sắc được miêu tả, hẳn ông cũng muốn gửi vào đấy những nỗi niềm, tâm tư hay một tư tưởng, một cách đối nhân xử thế. Chính vì vậy, người nghe, người hát chợt nhận ra chất triết lý của tác giả về con người, về cuộc đời ở mỗi bài ca. Hãy nghe cô gái trong Lá trầu xanh than thở: “Thu về rụng lá trầu xanh, trầu xanh rụng lá tình anh hết rồi/ Một gánh trầu còn oằn nặng đôi vai như gánh nặng u hoài muôn vạn kiếp/ Mưa rơi lạnh buốt khung trời, anh phụ em rồi em còn biết tin ai”. Những liên tưởng, so sánh bình dị, đơn sơ mà thấm vào lòng người, để lại nỗi đau dài theo năm tháng. Còn ở bài Anh đi xa cách quê nghèo, câu kết vừa là lời nhắc khéo người đi xa trở về đất quê, nguồn cội, vừa là lời giới thiệu rất khéo về đặc sản quê em: “Anh đi xa cách quê nghèo nhớ bún nước lèo hương vị xứ mình không?”. Từ câu chuyện tận mắt chứng kiến tình cảm của cua đực-cua cái, đến việc thử lòng người của vua nước Sở, hai câu kết của bài vọng cổ Lòng dạ đàn bà vừa là lời kết cho câu chuyện vừa là sự nhắc khéo của tác giả về lòng chung thủy con người: “Cho hay trong đạo vợ chồng, biết ai chung thủy, ai lòng bạc đen”. Còn vị “khách” nhiều tâm trạng dừng chân ghé lại “quán hàng năm cũ” trong Lá bàng rơi sau khi chứng kiến bao biến thiên cuộc đời đã buồn rầu thốt lên: “Lá bàng rơi rụng về đâu/ Lá thu rụng hết đoạn sầu còn đây”.

Những lời ca mang tính triết lý thường được Viễn Châu “bố trí” khi dứt câu 2, xuống câu 4, câu 5, nhiều nhất là khi dứt câu 6: “Dầu cho sông cạn đá mòn/ Còn non còn nước dạ còn thương anh” (Đêm khuya trông chồng); “Mùa xuân đất khách ai sầu hơn ai?” (Xuân đất khách); “Đêm nay dưới cội anh đào/ Ta nhớ ta sầu bên men rượu sa kê” (Trúc Lam Phương Tử); “Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ hơn là đi tu” (Tu là cội phúc).

Ông thầy dạy học người Đà Nẵng của tôi rất thích bài Tình anh bán chiếu. Màn ca hát trong các bữa nhậu chỉ có thầy-trò hoặc thêm vài đồng nghiệp quen thì thế nào thầy cũng bắt tôi hát cho bằng được Tình anh bán chiếu. Chăm chú lắng nghe mà cảm nhận, mà nhập tâm đến đoạn Thơ Vân Tiên trong câu 4 thế nào thầy cũng hòa hát cùng: “Người ta đã có đôi rồi/ Chiếu chăn đâu ấm bằng người tình chung/ Để mình vác cặp chiếu bông/ Chờ đợi chi nữa uổng công đợi chờ” (Tình anh bán chiếu). Bởi lẽ, tâm trạng ấy, nỗi niềm kia đâu phải của riêng anh bán chiếu mà còn là tâm trạng, nỗi niềm của trái tim yêu thổn thức, đợi chờ… Đến nỗi, có những câu, những ý của từng bài ca đã trở thành những giai thoại hấp dẫn trong các câu chuyện làng quê Nam Bộ. Soạn giả Viễn Châu có lần kể: ông đến dự đám cưới ở vùng quê, bàn bên cạnh đang chén tạc chén thù, đến đoạn ly rượu chuyền đến anh nọ, anh bỗng cao hứng nói kháy bằng câu hát “Giết kẻ thù chớ giết bạn đành sao”. Về sau có người chế lời nhại của người đối ẩm của anh bạn đó, sau khi nghe hát thế, anh dốc bầu: “Giết kẻ thù rồi giết bạn mình luôn”. Dĩ nhiên đây chỉ là câu chuyện phiếm trên bàn tiệc nhưng chừng đó đã đủ thấy sức sống của lời bài hát vọng cổ trong các sáng tác của Viễn Châu.

Tích xưa nhưng thật là nay 


Bài vọng cổ Tình anh bán chiếu đã làm nên tên tuổi nghệ sĩ Út Trà Ôn

Viễn Châu tự nhận xét là khi mới bắt đầu viết tuồng, ông chưa nghĩ ra được cốt chuyện nên dùng những truyện cổ tích mà mọi người đều biết giống như bên hát bội hay cải lương tuồng Tàu, người ta soạn tuồng dựa vào chuyện Tam Quốc, chuyện Thuyết Đường, Tiết Nhơn Quý chinh đông, Tiết Đinh San chinh tây… Với cốt truyện cổ tích được nhiều người biết, người viết chỉ cần có văn chương tươi mát, trữ tình và viết vui vui, hài hước một chút là dễ được khán giả chấp nhận thưởng thức. Cho nên không lạ gì khi ông cũng mang đến nhiều tâm sự của nhân vật trong tích Tàu cho các bài vọng cổ của mình (vốn quá quen thuộc với người Việt Nam) như Hạng Võ biệt Ngu Cơ (Tấn Tài, Lệ Thủy, Điền Tử Lang ca), Bàng Quý Phi (Tấn Tài), Tôn Tẩn giả điên (Út Trà Ôn ca), Đào Tam Xuân (Út Bạch Lan ca), Hận Kinh Kha (Tấn Tài ca), Trang Tử thử vợ (Hữu Phước ca), Hạng Võ Sở Bá Vương (Hà Bửu Tân ca)… Nhưng nét đặc trưng nội dung chủ yếu trong hàng ngàn tác phẩm của Viễn Châu, ta luôn cảm nhận được cái tình, cái cảnh và cuộc sống của vùng sông nước phương Nam - như một lời giới thiệu cho khách phương xa và chia sẻ tình yêu với những tâm hồn Nam Bộ, dù đang ở quê hay xa xứ: Anh đi xa cách quê nghèo, Sầu vương ý nhạc, Lá trầu xanh… hoặc viết về những nhân vật truyền thuyết, cổ tích Việt Nam như Trọng Thủy - Mỵ Châu (Ngọc Giàu ca), Người điên yêu trăng (Minh Cảnh ca), Tâm sự Mộng Cầm (Tấn Tài, Phượng Liên ca), Chuyện tình Hàn Mặc Tử, Tấm Cám… hoặc triết lý sâu sắc của nhà Phật trong Thích Ca tầm đạo (Út Trà Ôn ca), Tu là cội phúc (Minh Cảnh ca)…

Thơ trong bài vọng cổ

Nghệ thuật viết vọng cổ của Viễn Châu đã đạt mức “thượng thừa” nhưng lại vừa bình dị. Sở dĩ người hát thích hát, người nghe thích nghe những bài ca cổ của soạn giả Viễn Châu vì cái tình người viết hóa thân vào cảnh, vào nhân vật. Phần vì sự uyển chuyển mượt mà trong sử dụng điệu thức lồng vào, làm cho bài ca không cứng nhắc, đơn điệu. Nếu đó không phải là những bài bản nhỏ (Mạnh Lệ Quân, Hoài cầu, Lý con sáo…) thì cũng là những câu hò, ngâm thơ Lục Vân Tiên. Đặc biệt là đặt thơ trong bài ca cổ, thường xuất hiện ở đầu câu 1, đầu câu 2 hoặc đầu vào vọng cổ câu 4 (5), hay đầu câu 6, dứt xề câu 6, cũng có khi nằm ở dứt câu 6. Một con số thống kê chưa đầy đủ, trong 100 bài vọng cổ của Viễn Châu, có đến 99 bài tác giả đưa thơ vào. Điều đó chẳng những khiến bài bát thêm phần linh hoạt hấp dẫn, mà còn giúp lời bài ca chuyển tải một cách mượt mà.

Bài vọng cổ Hoa đào năm ngoái viết về mối tình của Thúy Kiều và Kim Trọng, ta tìm thấy hai câu thơ trứ danh của nhà thơ Đỗ Phủ: “Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ/ Cô chu nhất hệ cố viên tâm” (Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ/ Con thuyền buộc chặt mối tình nhà) hay hai câu thơ bất hủ của Thôi Hộ: “Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong” (Người đẹp năm xưa đâu rồi nhỉ/ Chỉ thấy hoa đào cợt gió đông). Viễn Châu cảm hứng về thơ và tình của vua Tự Đức để viết nên bài vọng cổ Khóc Bằng Phi: “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi”.

Viễn Châu thật là nhà thơ của vọng cổ. Thơ trong vọng cổ Viễn Châu xuất hiện nhiều nhất ở các bài mang hơi hướm hoài cổ, có “yếu tố cổ” như liên quan đến một tích truyện, một nhân vật nào đó… Chẳng hạn trong bài vọng cổ Hoa đào năm ngoái, 4 câu thơ trước khi vô vọng cổ câu 1:

Cánh chim về tổ chở mây xa

Liễu biếc sầu ai quạnh nắng tà

Người đẹp đâu rồi, cây nhớ bóng

Lan Đình còn đọng dấu hài hoa.

và 4 câu thơ khác gác vô câu vọng cổ 5:

Hương tóc mơ màng, hương cố nhân

Người xưa lưu lạc bước phong trần

Hồn thơ rũ rượi sầu ngăn cách

Lá chết rơi nhiều quyện gió đông.

Và hai câu thơ kết lại bài vọng cổ: “Bơ vơ trước cổng Lan Đình/ Ta đứng một mình khẽ gọi cố nhân (ơi)”.

Trong bài vọng cổ Phàn Lê Huê - Tiết Đinh San, 4 câu thơ tâm sự của Phàn Lê Huê gác vô câu vọng cổ 4:

Chăn gối hững hờ, chăn gối lẻ,

Phấn hương lợt lạt phấn hương tàn

Bao nhiêu thương nhớ bao nhiêu lệ

Mộng ước thôi rồi chịu vỡ tan.

Bài Cô hàng cà phê, 4 câu thơ trước khi vô vọng cổ câu 1: 

Gió thổi tơi bời xác lá bay

Mưa rơi từng giọt mái hiên ngoài

Em ngồi lẳng lặng bên khung cửa

Hướng nẻo chân trời để nhớ ai.

Và đây 4 câu thơ gác vô câu 5:

Chiều xuống lâu rồi, mưa vẫn tuôn

Ngoài kia phố thị hắt hiu buồn

Tôi nghe rười rượi hồn du tử

Không kẻ mong chờ cũng nhớ thương.

Thú thật, có lúc tôi muốn tách những câu thơ trong các bài vọng cổ của Viễn Châu để “đóng khung” thơ tứ tuyệt, hoặc thất ngôn bát cú… trở thành bài thơ độc lập. Thử tiếp tục tìm:

Trước vô vọng cổ câu 1:

Em có chồng rồi em có đôi.

Còn tôi cánh nhạn lẫn phương trời.

Chúng mình đã lỡ câu chung thủy.

Một buổi tao phùng lệ đắng môi.

                            (Người yêu nay đã có chồng)

Thơ trong tuồng, trong các bài ca vọng cổ của Viễn Châu rất nhiều và phải chăng nó cũng trở thành một “đặc sản” của ông?! Thơ nên lời ca trong các bài vọng cổ của ông cũng êm ả, mượt mà như thơ “chính cống”vậy. Đúng ra, Viễn Châu viết lời ca vọng cổ với một tâm hồn thi sĩ, tâm hồn lãng mạn đã yêu thơ từ thuở thiếu thời:

Mưa lạnh run run gió dật dờ

Thành đô bỗng chốc hóa tiêu sơ

Đôi dây khoan nhặt cười ray rứt

Năm ngón cung thương khóc sững sờ

Tháng lụn năm tàn già héo hắt

Quê người xứ lạ trẻ bơ vơ

Chiều nay có kẻ nhiều tâm sự

Nước mắt hòa trong nhạc với thơ.

Thử làm một bài toán cộng để hình dung cái khối sáng tác vọng cổ đồ sộ của Viễn Châu (tuy biết rằng chất lượng tác phẩm không tính bằng những con số): mỗi bài vọng cổ hồi xưa 20 câu, sau đó rút còn 12 câu. Trong những năm của thập niên 60, rút lại còn 6 câu, về sau còn 4 câu với thêm các bài bản nhỏ.

Phép tính vui cụ thể: ở bài vọng cổ chuẩn 4 câu như bài Xuân đất khách, đếm thử số chữ trong 4 câu vọng cổ, gồm luôn thơ nói lối gác vô vọng cổ thì thấy cả bài vọng cổ gồm 401 chữ. Chỉ lấy 400 chữ làm chuẩn mà tính thử thì 2.000 bài vọng cổ, nhân với 400 chữ, nghĩa là Viễn Châu đã viết 800 ngàn chữ trong các bài ca vọng cổ của mình. Nếu cộng thêm hơn gần 70 tuồng cải lương, số chữ trong một tuồng cải lương phải nhiều gấp 50 lần một bài vọng cổ, vậy thì số chữ Viễn Châu dùng để bày tỏ tâm tình, thương mây khóc gió, nói lên tình cảm chân quê của người thôn dã Việt Nam, con số đó phải kể đến hàng chục triệu chữ. Mỗi bài vọng cổ của Viễn Châu có ít nhất là 8 câu thơ, tính chung 2.000 bài vọng cổ, Viễn Châu đã viết 16.000 câu thơ! Kiên Giang Hà Huy Hà từng chào thua khả năng sáng tác thơ của Viễn Châu, nhưng kết luận: “Viễn Châu không phải là thi sĩ chuyên về thơ, anh ta làm thơ để thay đổi ‘văn phong’ vọng cổ trong các bài vọng cổ, trong tuồng, chớ nếu Viễn châu là thi sĩ chuyên về thơ ‘than mây khóc gió’ như kiểu các nhà thơ thì thi sĩ Viễn Châu cũng ‘đói nhăn răng’”.

Nghệ thuật tả và kể

Nếu coi mỗi bài vọng cổ được viết như một chuyện tình ngắn, một bài thơ tâm sự, mỗi bài đều có nhân vật khác nhau, tâm tình khác nhau, câu chuyện khác nhau, vậy thì 2.000 bài vọng cổ là 2.000 câu chuyện ngắn khác nhau... Nói thế để thấy nghệ thuật tả, kể trong các bài vọng cổ của Viễn Châu thật đáng để suy ngẫm. Là câu chuyện về anh bán chiếu, ông lão chèo đò, cô hàng cà phê, cô gái bán lá trầu xanh, cô gái bán sầu riêng với anh đờn sĩ nghèo... Trong Ông lão chèo đò, khung cảnh bến sông, con đò với một thân cô độc của ông lão chèo đò đã trở thành câu chuyện hấp dẫn người nghe. Sự biến thiên của cuộc đời, của 18 năm khói lửa được nhìn qua lăng kính của lão với độ trầm tư, thiền định, tự tại của một con người vốn xem thường vinh nhục. Cái nỗi niềm, tâm tư của lão được đặt hết vào lối thơ Vân Tiên trong bài:

Trước vô vọng cổ câu 1:

Linh đinh trời rộng, sông dài

Đò ngang một chiếc lần hồi sớm trưa

Chiều rồi, nghỉ một chuyến đưa

Nằm nghe lá rụng như mưa trên đò

Cơm ngày hai bữa cầu no

Dám đâu bàn chuyện cơ đồ viễn vông

Đời này có cũng như không

Sớm còn tối mất bận lòng mà chi.

Vô câu 2:

Người ta đi ngược về xuôi 

Kẻ ham phú quý, người đòi đỉnh chung

Lữ hành kia đã sang sông

Có ai còn nhớ đến ông chèo đò.

8 nhịp kết câu 2:

Mặc dù tuổi đã già nua

Vẫn còn chèo nổi con đò sang sông

Tai còn tỏ, mắt còn tinh

Bàn chuyện nhân tình lão chẳng nhượng gì ai.

Trước vô vọng cổ câu 5:

Chim bay về núi, tối rồi

Lão lo xúc gạo, rửa nồi nấu cơm

Bình minh rồi lại hoàng hôn

Năm cùng tháng hết, lo buồn mà chi…

Lồng trong câu 5 và xuống hò:

Chuyện đời như cánh phù du

Sớm còn tối mất dạ sầu mà chi?

Sang giàu như áng mây bay

Mới vừa thấy đó phủi tay không còn.

Bài vọng cổ Ông lão chèo đò với nhiều chiêm nghiệm về thế sự qua giọng ca Út Trà Ôn càng thêm thấm thía. Những bài ca của Viễn Châu dễ đi vào lòng như vậy chính ở nghệ thuật kể chuyện nôm na, giản dị như lời tâm sự với nhau của những người bình dân. Những số phận, những nghịch cảnh éo le đi vào trong tác phẩm của Viễn Châu một cách tự nhiên nhất. Kiểu vui, kiểu buồn, kiểu yêu, kiểu ghét trong bài ca của Viễn Châu đích thị là những kiểu rặt Nam Bộ: cười vui lạc quan về cuộc sống, buồn vì góc tối cuộc đời nhưng có khi chạnh lòng chỉ vì cảnh tình sông nước, cô gái thì thủy chung chờ đợi, chàng trai thì nhút nhát âm thầm, ghét những thói trưởng giả và giả tạo, yêu những điều tốt đẹp không đo bằng thước đo vật chất…

Một điều hết sức hấp dẫn trong các sáng tác vọng cổ của Viễn Châu khiến nhiều người dễ thuộc dễ nhớ, dễ ca đó là Viễn Châu đã uốn lời bài hát một cách uyển chuyển, mượt mà với cách phân chữ rất “vô khuôn”, bố cục rõ ràng. Phải chăng chính một bên tay đờn, một bên tay viết, mỗi bài vọng cổ vừa sáng tác, ông đã ôm đàn khảy bài để nếu có xảy ra chệch choạc thì sửa ngay lập tức, và như vậy, mỗi bài ca ra đời đã được người nghệ sĩ tài ba ấy gọt giũa một cách “chuẩn vọng cổ” nhất.♦

NGUYỄN VĂN HIẾU