Thơ Đường là một trong những nền thơ ca lớn nhất của nhân loại. Mặc dù hơn ngàn năm đã trôi qua, thơ Đường vẫn giữ vẻ đẹp tươi thắm, sức quyến rũ, chiều sâu triết học của nó. Kế thừa nền văn hóa, nền thơ Trung Hoa các thời trước, thơ Đường là đứa con tinh thần của chính thời đại mình với một sự “tập đại thành”, một sự đua nở chưa từng thấy trên cái nền của một chủ nghĩa nhân văn rạng rỡ như chủ nghĩa nhân văn Phục hưng châu Âu. Về mặt thi pháp, ngôn ngữ, hình tượng, vần điệu… thơ Đường là một mẫu mực mà thơ ca các đời sau khó vượt qua.
Việt Nam ta là đất nước của thơ Đường. Tiếng Việt với trên 70% từ gốc Hán vốn mượn âm Trường An thời Đường Tống (thế kỷ 9 - 10) đã vô cùng thuận lợi để tiếp nhận thơ Đường. Và đọc thơ Đường, yêu thơ Đường đã như một nét của văn hóa Việt hàng hai ngàn năm nay. Đã vậy, Việt Nam còn “vun trồng”, “tiếp biến” thơ Đường vào thơ Việt, để có thơ Đường luật ở ta… Bao nhiêu thời gian, bao nhiêu thăng trầm, duyên nợ…, đến nay, tuy nền văn hóa Việt đã biến đổi nhiều, nhưng thơ Đường vẫn giữ được vị trí hàng đầu của mình trong tâm thức Việt Nam. “Ước gì trong đời mình nhìn thấy cái lá lau trên bến Tầm Dương; ước gì nhìn thấy vầng trăng trên thành Phu Châu” (trong thơ Đỗ Phủ), ước gì… một ám ảnh như thế chỉ có thể là ám ảnh của thơ ca, của Đường thi…
Thơ Đường hay như thế và cái hay của thơ Đường là vô tận như cuộc sống con người. Vậy đâu là cái “mã” (code) của thơ Đường? Có nhà nghiên cứu cho rằng cái “mã” ấy là sự thống nhất trong mọi tương quan có trong thơ Đường. Nhưng chúng tôi lại nghĩ khác. Cái mã của thơ Đường chính là ở sự đối lập, sự nghịch đối trong mọi tương quan.
Điều này có lý do lịch sử của nó. Ngay từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên ở Trung Quốc cổ đại đã xuất hiện học thuyết của Lão Tử. Học thuyết của Lão Tử phát hiện ra những mâu thuẫn, những đối nghịch thường xuyên có và biểu hiện trong mọi mặt của xã hội. Nó đưa đến một cái nhìn cuộc sống qua những biểu hiện của sự đối lập và sự vận động của cuộc sống qua sự đối lập ấy. Chẳng hạn: “Đạo khả đạo phi thường đạo. Danh khả danh phi thường danh” (Đạo có thể gọi là đạo là cái đạo không hằng thường. Danh có thể gọi là danh là cái danh không hằng thường). Tất cả đều biến đổi, tất cả đều vô thường. Đầu đời Hán (Hán Linh Đế, 156 - 189) đạo Phật vào Trung Hoa. Đời Đường, môn phái Thiền tông chiếm vị trí chủ đạo trong Phật giáo. Thiền tông đã tiếp nhận những ảnh hưởng của tư tưởng Lão Trang vào học thuyết của mình. Các thi nhân đời Đường toàn là các vị tiến sĩ có học vấn cao rộng đã tiếp nhận ảnh hưởng của tư duy Thiền tông, mà tư duy Thiền tông thì lại ảnh hưởng từ tư duy Lão Trang, rất sành về đối lập.
Hình như nhà mỹ học lớn của Nga là Vưgốtxki có nói rằng đối lập là quy luật của nghệ thuật. Trong một tác phẩm lớn có những đối lập lớn, ví dụ đối lập giữa con người và xã hội, giữa cá nhân và hoàn cảnh, giữa tính cách và số phận. Truyện Kiều có thể nói là sự đối lập giữa cá tính tự do của Kiều và xã hội phong kiến thối nát. Nhưng trong những bài thơ ngắn, những tác phẩm nhỏ thì sự đối lập ấy thể hiện ra như thế nào? Thơ Đường đã gạn lọc, suy tưởng, chắt chiu một cách tuyệt vời những đối lập diễn ra trong cuộc sống. Chẳng hạn, đối lập giữa chiến tranh và hòa bình. Lép Tônxtôi trong tiểu thuyết, một thể loại anh hùng ca của nhân loại đã dành hàng ngàn trang để miêu tả cuộc sống của quý tộc trong chiến tranh và hòa bình. Và đó là cuốn bách khoa toàn thư của cuộc sống Nga. Nhưng trong phạm vi thể loại như tuyệt cú thơ Đường, nhà thơ chỉ được phép trong 4 câu, 28 chữ để thể hiện cuộc sống và thời đại. Như bài Lũng Tây hành của Trần Đào (Vãn Đường): “Thệ tảo Hung Nô bất cố thân/ Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ trần/ Khả lân Vô Định hà biên cốt/ Do thị xuân khuê mộng lý nhân” (Thề quyết liều thân diệt rợ Hồ/ Năm nghìn quân táng đất Hung Nô/ Thương thay xương chất bờ Vô Định/ Mà kẻ phòng khuê vẫn đợi chờ).
Sự đối lập ở đây là người chết đã chôn thây bên bờ sông Vô Định mà người vợ trẻ trong phòng khuê vẫn mơ thấy chàng. Xuân khuê, phòng khuê của người vợ trẻ là cảnh thanh bình đối lập một cách chua xót với xương cốt người chết trong chiến trận bên bờ sông Vô Định.
Đấy là những đối lập lớn. Còn như những đối lập giữa thiên nhiên vĩnh cửu và nhân sự tiêu điều thì vô cùng nhiều trong thơ Đường. “Đình thụ bất tri nhân khứ tận/ Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa” (Cây sân không biết người đi hết/ Xuân đến hoa xưa vẫn nở đều) (Sơn phòng xuân sự (kỳ nhị) - Sầm Tham).
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc vài bài thơ nhỏ xinh nhưng mang những đối lập sâu sắc giữa biến thiên lịch sử và thiên nhiên trường tồn.
Bài Đài Thành (*):
“Giang vũ phi phi, giang thảo tề/ Lục triều như mộng, điểu không đề/ Vô tình tối thị Đài Thành liễu/ Y cựu yên lung thập lý đê” (Phơi phới mưa sông, mượt cỏ sông/ Lục triều như mộng, tiếng chim buông/ Vô tình thay liễu Đài Thành ấy/ Như xưa rủ bóng khói đê lồng). Đây là bài thơ của Vi Trang (khoảng năm 860 - 910), người được xem là có thơ thanh diễm tuyệt vời. Nhưng ngoài thanh diễm, Vi Trang còn thiết lập nên một đối lập giữa phong cảnh trước mắt đẹp một cách vô tình với sự hoài niệm những triều đại đã qua ở Kim Lăng - tức Nam Kinh ngày nay.
Bài của Vi Trang ở trên nói về sự vô tình của thiên nhiên. Bài Ký nhân (kỳ I) của Trương Bí nói về sự đa tình:
“Biệt mộng y y đáo Tạ gia/ Tiểu lang hồi hợp khúc lan tà/ Đa tình chỉ hữu xuân đình nguyệt/ Do vị li nhân chiếu lạc hoa” (Mơ màng nhà Tạ đêm qua/ Bao lơn cong vắt dãy nhà vòng quanh/ Sân xuân trăng cũng đa tình/ Vì người ly biệt rọi cành hoa rơi) - Nguyễn Hữu Bổng dịch.
Trong giấc mơ màng anh chàng đến nhà người yêu đã chia biệt và chỉ thấy hành lang vòng quanh. Nhưng trong cảnh buồn đau vì ly biệt đó anh chàng thấy vầng trăng chiếu trên sân xuân lại rất đa tình: trăng chiếu vào cánh hoa rơi rụng như thương tiếc cho cảnh chia xa của cặp tình nhân.
Tinh tế biết bao nhiêu! Con người ở thế kỷ thứ 8 lại có thể có một nội tâm sâu sắc trước thiên nhiên và nhất là đã diễn tả được qua thơ cái đa tình của vầng trăng nội tâm của một người thất tình.
Thơ Đường đã để lại một di sản lớn về thi pháp, trong đó có thi pháp của sự đối lập. Câu thơ nếu không có sự đối lập ấy sẽ trôi tuột và nhiều khi chẳng để lại gì. Nhưng nếu có sự đối lập thì nó sẽ gây nên một ấn tượng, một lưu luyến, một nghiền ngẫm cực kỳ sâu sắc.♦
(*) Cũng có bản chép tên bài này là Kim Lăng đồ.