1) Trước tiên dược sĩ đã nhấn mạnh để chúng ta hiểu rõ về vắc xin ngừa COVID-19 lần này, so với các loại vắc xin xưa kia mà chúng ta từng được chích ngừa như: chủng ngừa đậu mùa, uốn ván, lao phổi, phong đòn gánh… Tạm gọi những vắc xin xưa đó là thuốc chủng ngừa truyền thống. Ở các thuốc chủng ngừa truyền thống đó phòng bào chế đã tạo ra bằng cách dùng chính con vi rút gây ra bệnh đó, làm cho nó suy yếu bớt đi, sau đó chích nó vào cơ thể con người. Cơ thể chúng ta luôn có sự đề kháng lại với bất cứ vật lạ nào, kể cả vi trùng lạ xâm nhập. Các kháng thể trong người chúng ta luôn giữ vai trò các chiến sĩ phòng thủ, mỗi khi thấy sinh vật lạ vào là các quân lính tinh nhuệ ấy sẽ bao vây và đánh nhau tơi bời với các sinh vật lạ ấy. Khi đó chúng ta có thể có phản ứng như: sốt, đau nhức… Và cuộc chiến ấy nhằm mục đích thao dợt trước cho các chiến sĩ đề kháng của chúng ta chiến đấu tốt để luôn sẵn sàng bảo vệ cơ thể chúng ta. Lỡ một mai, vi trùng các bệnh ấy xâm nhập thật vào cơ thể chúng ta, đội ngũ các chiến sĩ đã quen mặt quân địch rồi nên chúng sẽ kéo nhau ra bao vây và đập cho bọn vi trùng kia một trận tơi bời để bảo vệ cơ thể chúng ta.
Nhưng với COVID-19 ngày nay thì khác, tầm sát hại của nó quá lớn và mạnh, vì vậy ngành dược không thể áp dụng phương thức truyền thống, tức là lấy vi rút COVID-19 làm yếu đi để chích vào cơ thể chúng ta được, vì như vậy sẽ rất nguy hiểm cho bệnh nhân.
Do đó, vắc xin chủng ngừa COVID-19 lần này được các nhà bào chế áp dụng phương pháp mới có tên gọi là vắc xin mRNA. Vắc xin ngừa COVID-19 của Mỹ hiện nay do hai hãng Pfizer và Moderna bào chế hiệu quả 95% đều là loại vắc xin mRNA. Với loại vắc xin này các nhà bào chế không dùng vi rút COVID-19 làm suy yếu đi, nhưng họ đã nghiên cứu thấy hình thù của con vi rút COVID-19 có dạng của một tế bào có gai lởm chởm. Từ đó, các nhà bào chế đã chế tạo vắc xin mRNA này. Khi tiêm loại vắc xin này vào người, các tế bào trong cơ thể của chúng ta sẽ bao vây, nhai nuốt ngấu nghiến và ăn sạch các mRNA này, và ngay sau đó sẽ tạo ra một loại protein có gai lởm chởm giống y hình thù con vi rút COVID-19. Và ở ngay mũi chích thứ nhất, kháng thể trong cơ thể mình liền vùng lên chống lại những tế bào có gai đó. Đây chính là cuộc tập trận giả mà bia để bắn là hình thù y chang kẻ địch trong tương lai. Đến khi chích mũi thứ hai, lượng protein có gai càng nhiều hơn, quân lính kháng thể sẽ tha hồ đập tơi tả kẻ thù (giả). Và một ngày nào đó, nếu bạn chẳng may dính đúng COVID-19 thứ thiệt… Khỏe re! Kháng thể sẽ lao ra nhận diện kẻ thù. Ồ! Cũng toàn là đám giặc có gai, chẳng mấy chốc đã nghe quân kháng thể đồng lòng hét thật to: - Bọn gai đây rồi! Chiến đấu thôi! Vậy là vi rút COVID-19 thứ thiệt sẽ bị tiêu diệt chết như rạ thôi. Tóm lại, chích thuốc chủng ngừa COVID -19 lần này là chích chất liệu sẽ tạo các tế bào hình gai giống các tế bào COVID-19 thật cho cơ thể của mình. Hiện nay, chúng ta nói công nghệ bào chế vắc xin mRNA này là mới, nhưng thật ra Mỹ đã tìm ra cách đây 15 năm trước nhưng bây giờ mới mang ra sử dụng. Sau đây là những câu thắc mắc xoay quanh đề tài này và các giải đáp từ phía dược sĩ Bill.
2) Người đã bị COVID-19 rồi và đã khỏi bệnh có nên chích vắc xin ngừa COVID-19 nữa không?
- Chúng ta đã bị COVID-19 và đã khỏi, nhưng không có gì bảo đảm là chúng ta không dính lại và nặng hơn. Do đó khi được chích vẫn nên chích ngừa.
3) Nhiều người nghe nói hiện nay vi rút COVID-19 đã biến thể sang loại vi rút mới, vậy có nên ngồi chờ khi nào có vắc xin ngừa vi rút biến thể mới rồi hãy chích không?
.jpg)
Ảnh minh họa
- Đó là kiểu ngồi chờ chết. Chúng ta vẫn phải chủng ngừa vắc xin COVID-19, còn biến thể của chúng khi nào có thuốc sẽ tính sau.
4) Đã chích ngừa đủ 2 mũi vắc xin rồi, có còn phải tối ngày đi ra đường cứ phải bịt cái khẩu trang và lo giữ khoảng cách nữa không?
- Vắc xin của Mỹ tuy đạt được độ bảo vệ đến 95%, nhưng ai dám nói 5% còn lại không bị nhiễm và không gây tử vong? Hơn nữa nhờ mình đã chích ngừa đủ 2 mũi rồi nên khi dính COVID-19 lần nữa, mình sẽ không hề thấy rõ triệu chứng như ho, sốt, mất vị giác… và khi đó chính mình sẽ ỷ y mình không hề bệnh, và sẽ đi lây lan cho bao nhiêu người khác mà mình không hề biết.
5) Vấn đề dị ứng thuốc sau khi chích ra sao?
- Có người không hề bị dị ứng gì cả, hôm sau ngày chích chỉ có cảm giác chỗ chích hơi nhức chút thôi. Cũng có người sau khi về nhà bị sốt, nhức mình mẩy… Sau khi được chích mũi thứ nhất, nên ngồi lại đó khoảng 15 phút để nhân viên theo dõi xem mình có bị phản ứng gì nặng không. Với mũi chích thứ hai, bạn nên ngồi lại đó 30 phút. Trường hợp nếu bị khó thở, y tá có thể giúp chích thuốc để mở khí quản của bạn ra cho bạn dễ thở hơn. Nặng hơn nữa, sẽ đưa bạn đi cấp cứu.
6) Có nên uống thuốc Tylenol hay các loại thuốc chữa đau nhức trước ở nhà trước khi đi chích vắc xin không?
- Hoàn toàn không nên uống Tylenol hay thuốc đau nhức ở nhà trước khi đi tiêm vắc xin cả 2 mũi. Lý do: Tylenol hoặc thuốc chống đau nhức uống giữa lúc cơ thể đang bình thường, nó sẽ cho cái lệnh lên não là cơ thể sẽ dịu lại trong khi ta chưa hề chích thuốc. Lát sau khi ta đi chích thì tác dụng của các thuốc đó chẳng giúp ích được gì. Bạn chỉ nên uống 2 viên Tylenol hay thuốc đau nhức sau khi chích vắc xin, trở về nhà và thấy bị vật như hành sốt, đau nhức mình mẩy… Còn nếu cơ thể chỉ bị hơi đau chỗ chích thì khỏi uống Tylenol, 24 tiếng sau cảm giác đau đó sẽ tự hết.
7) Thời gian để chích mũi thứ hai?
- Thông thường, ai chích mũi thứ nhất của hãng Pfizer thì sau 3 tuần sẽ được chích mũi thứ hai. Ai chích mũi thứ nhất của hãng Moderna thì sau 4 tuần mới chích mũi thứ hai. Thời hạn sớm nhất từ lần chích thứ nhất đến thứ hai cỡ 18 hoặc 19 ngày là chấp nhận được. Thời hạn trễ nhất của mũi thuốc thứ hai cách mũi thứ nhất là trong vòng 6 tuần mà thôi.
8) Một người mới tiếp xúc với người bị bệnh COVID-19 có đi chích ngừa COVID-19 được không?
- Lúc đó vi rút COVID-19 có thể đã có trong cơ thể mình rồi, do đó bạn phải về nhà cách ly 14 ngày xong mới đi chích ngừa. Nên nhớ: vắc xin là thuốc ngừa bệnh chứ không phải là thuốc trị bệnh COVID-19.
9) Có người cho rằng sau khi đã dính bệnh COVID-19 và đã khỏi rồi, như vậy là họ đã kháng được bệnh, vậy họ đâu cần đi chích ngừa. Đúng hay sai?
- Sai. Vì kháng thể trong chính con người của bạn từng giúp bạn chống bệnh COVID-19 nó chỉ tồn tại trong cơ thể của bạn có 90 ngày, tức 3 tháng mà thôi. Do đó bạn vẫn cần chích vắc xin để tiếp tục cung cấp kháng thể cho cơ thể của bạn.
10) Thuốc chủng ngừa COVID-19 này tương lai sẽ ra sao?
- Tuy hiện nay mọi việc đang còn quá mới, nhưng tôi tin rằng rồi đây chúng ta cũng sẽ được chủng ngừa COVID-19 hằng năm, như chúng ta vẫn chích ngừa cúm mùa hằng năm vậy.
11) Mũi thuốc thứ hai ra sao?
- Nếu ở mũi thứ nhất ai bị dị ứng nhẹ thì mũi thứ hai này dị ứng có thể nặng hơn một chút.
12) Dược sĩ nói không uống thuốc Tylenol hay thuốc đau nhức khác trước khi đi chích vắc xin. Xin hỏi còn các thuốc trị bệnh hằng ngày như: huyết áp, tiểu đường, bao tử…có phải ngưng không?
- Các thuốc trị bệnh khác vẫn uống bình thường.
13) Trước khi chích vắc xin có cần xét nghiệm COVID-19 không?
- Trước khi đi chích vắc xin nếu không tiếp xúc với ai bị bệnh COVID-19, và trong người mình không có triệu chứng của bệnh COVID-19 thì không cần xét nghiệm, cứ đi chích vắc xin. Hơn nữa, ở nơi chích thuốc y tá sẽ đo nhiệt độ cho từng người trước khi chích, nếu họ thấy ai trên 100 độ F (hay 37,5 độ C) họ sẽ mời về nhà cách ly và sẽ chích sau.
Lưu ý: Có nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên mang kính, như kính cận, kính lão… nguy cơ mắc COVID-19 giảm đi 30% do họ không đưa tay lên dụi mắt để bắt nhịp cầu cho vi rút vào cơ thể mình. Những người thường xuyên dùng khẩu trang cũng vậy, vì họ hạn chế bớt việc đưa tay lên gãi mũi hay miệng.♦