HV159 - Nghĩa trang lộng gió

←Tác giả cùng anh Paulo trước Nghĩa trang những người bỏ mình trên biển

Đến lưng chừng đèo, anh Paulo dừng xe tại một ngã ba đường nói với tôi:

- Mời anh viếng Nghĩa trang trên biển.

Con đường ngắn dốc thoai thoải đổ về bờ Địa Trung Hải. Tôi hơi ngạc nhiên. Cái anh gọi là nghĩa trang ấy trông giống một đài tưởng niệm. Nhìn khắp bốn bên chẳng thấy bóng dáng một ngôi mộ nào. Tôi chợt nghĩ đến hai từ “mộ gió” quen thuộc với người Việt Nam ta. Gió thay người nghỉ trong lòng đất. Ở đây gió trời lồng lộng suốt ngày đêm, tùy thuộc mùa tiết và thời khắc mà đổi hướng xoay chiều. Như hiểu được ý nghĩ của khách, anh Paulo giải thích: “Đây là làng Cargoese của người gốc Hy Lạp. Người Việt Nam cũng có một làng riêng. Trưởng làng ấy có tiên tổ là người Việt nghe nói từ thành phố cảng Hải Phòng đến đây lập nghiệp sau thế chiến I. Anh ấy thật ra chỉ mang một phần tư dòng máu Việt trong người”.

Vợ anh, chị Alia, tiếp lời:

- Vâng, đây mới là lối vào nghĩa trang. Nó rộng lắm. Tên gọi chính thức là “Nghĩa trang những người bỏ mình trên biển”, bao gồm cả hai thánh đường anh nhìn thấy đằng xa kia. Hiện vẫn còn một số ngôi mộ cổ phía trước nhà thờ. 

Chị chỉ tay về phía biển, tôi chỉ thấy thấp thoáng sau các hàng thông và bờ bụi hai công trình kiến trúc khá bề thế, màu tường xây bằng đá lâu ngày đã xám đục bởi thời gian, cùng hướng mặt về phía biển nơi biết bao người xấu số mấy trăm năm nay vẫn dập dờn chìm nổi đâu đó theo làn sóng nước.

- Cách đây nhiều thế kỷ, Hy Lạp cũng như một số nước châu Âu, châu Á bị đế chế Ottoman thống trị. Để tránh nạn áp bức hoặc bị đồng hóa, nhiều người dân Hy Lạp vượt biển đến đảo Corse này náu thân kiếm sống chờ thời. Chỉ một số ít người may mắn đến được tận nơi. Còn phần đông hay là hầu hết lần lượt bỏ mình vì sóng gió. Anh chưa gặp đấy thôi, vào mùa gió chướng mặt biển ở đây đang yên lành bỗng dưng hun hút nổi lên những đợt gió Mistral mạnh khủng khiếp, mạnh không kém gì bão, sức gió có khi lên tới 100 hải lý/giờ. Thi hài một số người đắm thuyền trôi dạt vào bờ được người dân bản địa vớt lên chôn cất. Đó là những chuyến thuyền may mắn gặp nạn khi đã tới gần đảo. Còn biết bao nhiêu tàu thuyền khác đụng phải gió chướng giữa biển khơi. Hai thánh đường này được con cháu những người sống sót dựng lên vào cuối thế kỷ 17. Phong cách kiến trúc khác nhau. Một cái theo lối cổ truyền của các nhà thờ đạo Thiên Chúa với cây thánh giá trên ngọn tháp. Một cái dựng theo lối quen thuộc với các tín đồ người Hy Lạp theo đạo Cơ Đốc truyền thống của họ, gọi là chính giáo (orthodoxe). Từ thuở ấy cho đến ngày nay, hằng năm vào những ngày lễ trọng các cha xứ và giáo sĩ tuân theo lệ cũ vẫn cùng một số tín đồ làng Cargoese mang hoa ra khơi làm lễ nguyện cầu rồi đặt hoa xuống mặt nước biển kính viếng oan hồn những người xấu số vô danh.


Tác giả cùng chị Alia bên gốc cây mimosa cổ thụ đang nở hoa

Tôi chạnh lòng nghĩ tới những bè hoa được đồng bào và các cựu binh ta nhẹ nhàng hạ xuống mặt dòng sông Thạch Hãn, Quảng Trị vào Ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7 hằng năm. Lúc đầu là những cái bè nhỏ kết bằng mấy khúc thân cây chuối. Nhằm tránh làm ô nhiễm môi trường người ta thay dần các bè chuối nhỏ bằng những chùm hoa cắm cây nến dập dềnh trên mặt nước, thương nhớ “đáy sông còn đó bạn tôi nằm” (Lê Bá Dương). Tôi lại nghĩ đến làng của những người dân gốc Việt trên đảo Corse này. Chắc hẳn họ là hậu duệ của một bộ phận những nông dân hầu hết mù chữ ở nước ta bị thực dân Pháp bắt sang “nước mẹ” phục vụ chiến tranh chống Đức vào đầu thế kỷ 20, nói theo tiếng Pháp là ONS (ouvrier non spécialisé - thợ không chuyên). Gọi nôm na mà chính xác hơn là những người chuyên làm mọi việc được giao, kể cả làm bia đỡ đạn. Cũng vào khoảng thời gian đó nhà cầm quyền Pháp bỏ tiền ra thuê người Việt làm báo kêu gọi người dân Việt quyên góp tiền bạc, thóc gạo, vật liệu, kẻ cả phế liệu nhằm “Rồng Nam phun bạc, đánh đổ Đức tặc”, chia sẻ gánh nặng chi phí chiến tranh giúp người Pháp chiến thắng.

- Tôi có thể ghé thăm làng người gốc Việt?

Cả hai vợ chồng Paulo - Alia cùng lắc đầu:

- Rất tiếc chúng ta không có đủ thời gian. Chúng tôi muốn mời anh, trên đường về ta ghé thăm Đài kỷ niệm Hoàng đế Napoléon I ở thành phố Ajaccio.

Công trình tôn vinh người con sinh ra tại đảo Corse, Napoléon Bonaparte (tức Hoàng đế Napoléon I), hoành tráng hơn nhiều cái nghĩa trang trên biển của làng Cargoese. Ngất ngưởng trên đỉnh ghềnh đá cao nhìn ra biển cả là tượng đài đồ sộ nền lát đá hoa cương, đài xây bằng cẩm thạch theo hình dáng quen thuộc với người phương Tây: Trên ngọn tháp, bức tượng đồng vị tướng thống lĩnh chễm chệ oai nghiêm trên lưng ngựa, một vó chân trước con tuấn mã hơi co lại như đang bước theo nhịp nhạc duyệt binh. Bốn góc nền đài dựng tượng toàn thân bốn ông em trai của hoàng đế, na ná cung cách tứ trụ triều đình ở phương Đông thời trước. Đó là Joseph, Lucien, Louis và Jérôme. Có đến ba trong bốn vị này là tướng nhà binh, mỗi một người là chính khách - nhà ngoại giao từng làm bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp.

“Đây lại là mộ gió” - tôi nghĩ thầm. Bởi vị hoàng đế đã gây nên bao tranh cãi trong chính trường nước Pháp và làm đảo lộn cả châu Âu, từ Pháp, Ý đến tận nước Nga xa xôi vào đầu thế kỷ 19 ấy qua đời tại một đảo vắng nơi ông bị lưu đày. Di cốt ông sau đó được dời về Điện Les Invalides giữa thủ đô Paris hoa lệ, chứ ông đâu có nằm tại Corse, hòn đảo ngọc hoang sơ và dữ dội quanh năm lộng gió này.


Napoléon Bonaparte lên ngôi Hoàng đế

Sự đời lắm chuyện trớ trêu. Cư dân đảo Corse số đông đến từ các nước Bắc Phi, còn lại là những người gốc Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ... Người Corse bản tính kiên cường, thích khám phá. Họ thường có mặt trên các tàu viễn dương. Và thế nào rồi cũng đến ngày một số người sẽ dừng chân lập nghiệp tại một nơi nào đó. Riêng bang Pensylvania của Hoa Kỳ hiện có đến mấy thị trấn mang địa danh Corse, Corsica, Corsicana…, chưa kể Paoli, tên vị anh hùng từng giành lại độc lập ngắn ngủi cho đảo quốc này. Corse bị quân đội Pháp tấn công chiếm đóng ngày 3 tháng 5 năm 1769. Ba tháng sau, ngày 15 tháng 8, cậu bé Napoléon chào đời.

Tối hôm ấy, sau chuyến đi suốt cả ngày thăm viếng nhiều nơi, anh chị Paulo - Alia mời tôi dùng bữa tại một nhà hàng quen của anh chị tại L’ÎleRousse, thủ phủ vùng Corse Thượng. Nhà hàng mang biển hiệu Lactezia, tên thân mẫu vị Hoàng đế lẫy lừng. Thế nhưng khi nghe tôi hỏi chuyện về mấy anh em trai nhà Bonaparte ông lại đáp có phần thô lỗ: “Bonaparte? Napoléon? Tôi chẳng quan tâm đến mấy anh em nhà ông ấy. Họ có làm được tích sự gì cho đảo này!”.

Dường như cảm thấy mình khiếm nhã với người khách hàng lần đầu gặp mặt, ông dịu giọng nói thêm: “Thưa ông, giả dụ cậu Napoléon ra đời sớm hơn ba tháng thì ông ta làm sao rồi có thể trở thành hoàng đế Pháp? Bởi như thế thì ông đã là người Cộng hòa Gênes, chứ làm sao mang quốc tịch Pháp?”.

Tôi nghĩ bụng: Đúng, cuộc đời lắm chuyện trớ trêu. Trong thế chiến II, nước Pháp bị quân Đức quốc xã chiếm, người Corse đã làm giàu cho văn học Pháp mấy từ mới là maquis (căn cứ du kích), maquisard (chiến sĩ du kích). Vậy mà trong từ điển tiếng Pháp danh từ corsaire lại có nghĩa là kẻ phiêu lưu, tay giang hồ cướp biển!

Hai ngày nghỉ cuối tuần ấy tôi được vợ chồng Paulo - Alia cho thăm viếng nhiều nơi. Ấn tượng đậm nhất còn lại trong ký ức tôi vẫn là cái đài tưởng niệm mà anh chị gọi nghĩa trang. Nghĩa trang gió. Nghĩa trang những ngôi mộ gió. Nghĩa trang những người bỏ mình vì gió biển khơi. Nghĩa trang ngày đêm lộng gió.♦


Mộ Napoléon I trong Điện Les Invalides, Paris


Một chuyến đi

ĐẶNG NGUYỆT ANH

Nhớ em, liệt sĩ Phạm Duy Viên*

Nhớ chiều xưa ấy tiễn em đi

Gió bấc mưa phùn rét tái tê

Em hẹn ba năm rồi trở lại

Ngờ đâu từ ấy biệt không về…

Năm ấy em vừa tuổi hai mươi

Mắt sáng, răng hô, lại thích cười

Chị cứ trêu hoài: “Răng xấu thế

Chắc là con gái nó chê thôi!”

Chị vẫn đêm ngày dõi bước em

Ninh Bình, Thanh Hóa, lại Tây Nguyên

Được tin em đã vào Sông Bé

Trinh sát, em đi khắp mọi miền…

Thương em ngã xuống tuổi hai mươi

Mới chỉ quen đời lính, thế thôi

Có lẽ chưa cầm tay bạn gái

(Bao chàng trai trẻ giống em tôi)

Chị đến tìm em ở Bình Dương

Cao su lá đỏ ngập bên đường

Ngã ba Bố Lá tàn thu rớt

Em ở nơi nào? Vắng khói hương!

Hai ngả âm dương giờ cách biệt

Linh thiêng em hãy hiện về đây

Cầm tay dắt chị đi tìm mộ

Con lạy trời cao, lạy đất dày!

Cho con tìm thấy mộ em con

Dẫu chỉ mang về một nắm xương

Em sẽ ấm trong vòng tay mẹ

Trên đồng xanh lúa, đất quê hương!

Đã mòn thao thức, tràn đêm trắng

Nén nhang ai đốt, lạnh Thiên đường

Chiều ấy tiễn em, chiều vĩnh biệt

Để bao chiều đau nỗi hoài thương!…

Màu tím loang loang, nắng tắt rồi

Hình như… sâu thẳm đáy hồn tôi

Từ trong đất cát em vừa dậy

Mắt sáng, răng hô, miệng vẫn cười!…

Ngã ba Bố Lá, 9-1998


_____

* Liệt sĩ Phạm Duy Viên sinh năm 1948 ở tỉnh Nam Định, hy sinh ở Bình Dương ngày 25-8-1969. Đã tìm được hài cốt, đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.

PHAN QUANG