HV159 - Những đóng góp của nhạc sư Vĩnh Bảo đối với đờn ca tài tử

Nhạc sư Vĩnh Bảo không chỉ là một nhạc sĩ, mà ông còn là một người thầy, một nhà nghiên cứu và cải cách âm nhạc, một nghệ nhân đóng đàn, một nhà thơ đa ngữ.

←Nhạc sư Vĩnh Bảo hòa đàn trong lễ khánh thành Nhà trưng bày “Nguyễn Vĩnh Bảo - Giai điệu và cuộc đời”

Nhạc sĩ cổ nhạc hành nghề lâu năm nhất và có nhiều ảnh hưởng

Nhạc sư Vĩnh Bảo tên thật là Nguyễn Vĩnh Bảo, sinh ngày 19-8-1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp), mất ngày 7-1-2021 tại Đồng Tháp. Ông là con trai áp út trong một gia đình Nho học có 7 người con (4 trai, 3 gái). Cụ thân sinh là ông Nguyễn Hàm Ninh vốn là địa chủ, Hội đồng thẩm phán địa phương. Ông Nguyễn Hàm Ninh chơi nhạc tài tử rất hay, nhất là 3 cây đàn Kìm, Tranh và Cò đồng thời cũng rất rành hát bội. Ông Ninh thường mời nhạc sĩ cổ nhạc họp mặt đàn ca tại nhà, nên Vĩnh Bảo tiếp cận với lời ca tiếng đàn tài tử miền Nam từ thuở nhỏ.

Lên 5 tuổi, Vĩnh Bảo bắt đầu chơi được đàn Đoản; năm 12 tuổi có thể chơi đàn Kìm, Tranh, Cò, Gáo và Độc huyền. Năm 1938, ông đàn vọng cổ nhịp 16 thu đĩa Béka - Hãng John Keller (Đức) cho cô Ba Thiệt (chị cô Năm Cần Thơ) ca. Trong đĩa này, ông đàn Gáo, nhạc sĩ Năm Nghĩa (Trà Ôn) đàn Tranh, nhạc sĩ Ba Cân đàn Kìm. Và ở tuổi 20, tên tuổi Vĩnh Bảo đã đứng cùng với các nhạc sĩ cổ nhạc trứ danh lúc bấy giờ.

Cuộc đời nhạc sư Vĩnh Bảo kinh qua nhiều nghề để kiếm sống, nhưng chưa bao giờ ông rời bỏ con đường âm nhạc mà mình đã theo đuổi. Ông không chỉ chơi nhạc trong nước, mà còn nhiều lần biểu diễn ở nhiều nước để quảng bá cổ nhạc Việt Nam. Năm 1972, nhạc sư Vĩnh Bảo sang Pháp theo lời mời của Trung tâm Nghiên cứu âm nhạc Đông phương tại Pháp (Centre d’Etudes de Musique Orientale) và cùng Giáo sư Trần Văn Khê đàn thu âm nhạc tài tử Nam Bộ cho Collection Ocora của Đài phát thanh Pháp (Radio France), đàn thu cho tổ chức UNESCO tại Paris. Hiện tại bộ đĩa này vẫn đang được lưu trữ tại trụ sở UNESCO ở Paris - Cộng hòa Pháp. Năm 2002, Hãng Ocora (Radio France của Pháp) sang tận TP.Hồ Chí Minh mời nhạc sư đàn thu âm nhạc tài tử Nam Bộ trong bộ đĩa “Vinh Bao et Ensemble”. Góp mặt trong đĩa còn có các nhạc sĩ Ba Tu, Út Tỵ.

Tháng 5 năm 2018, nhạc sư Vĩnh Bảo về sinh sống tại Cao Lãnh theo lời mời của chính quyền tỉnh Đồng Tháp vì đó là nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Và dù ở cái tuổi 100, nhạc sư vẫn miệt mài truyền dạy âm nhạc trực tiếp hoặc qua mạng. Các thế hệ học trò ông vẫn thường xuyên tới lui để đàn ca với ông. Các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân đờn ca tài tử cũng thường tới nhà ông để nghe ông nói chuyện âm nhạc và đàn ca với ông. Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp cũng thường tổ chức những buổi nói chuyện để ông truyền nghề tại Nhà lưu niệm của chính ông trong khuôn viên Bảo tàng Đồng Tháp tại Cao Lãnh (Nhà trưng bày Nguyễn Vĩnh Bảo - Giai điệu và cuộc đời). Báo, đài cũng thường liên lạc và đến quay hình ông để ông nói chuyện về cổ nhạc miền Nam.

Nhạc sư Vĩnh Bảo rất có uy tín và ảnh hưởng trong giới cổ nhạc miền Nam và trên phạm vi quốc tế. Ông cùng với danh cầm Sáu Tửng (thân phụ của nữ danh ca tài tử Bạch Huệ) là một đôi tay đàn rất ăn ý và được nhiều thế hệ kính ngưỡng. Năm 2006, nhạc sư Vĩnh Bảo là một trong số 6 nhạc sư thế giới được vinh danh tại Hội thảo Dân tộc nhạc học thế giới tại thành phố Honolulu (Hawaii, Hoa Kỳ).

Bàn về nhạc sư Vĩnh Bảo, Giáo sư Trần Văn Khê cũng từng viết: “... nhờ anh Vĩnh Bảo mà tiếng đờn ngô nghê, chân thật, nhưng có vẻ ‘nhà quê’ của tôi từ trước đã trở nên mượt mà, bay bướm, và từ đó phát triển lên được đến giờ, nên đối với tôi, anh Vĩnh Bảo là một người anh em ruột thịt, một người bạn chí thân, tri âm, tri kỷ, nhưng tôi vẫn coi anh là một người Thầy đã gián tiếp và nhiều khi trực tiếp uốn nắn tiếng đờn tranh của tôi”(1)

Giáo sư Nguyễn Phụng, nguyên Giám đốc - sáng lập Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh) thì nhận xét: “...Về đêm tôi hay nghe lại tiếng đàn của anh, rất thấm tình thấm ý, thấm thía thiện-mỹ, hoàn toàn không ngôn ngữ nào sánh bằng”(2).

Một nhà đào tạo âm nhạc

Nhạc sư Vĩnh Bảo là một người thầy thực thụ trong truyền dạy âm nhạc. Ông là người có phương pháp sư phạm và cũng từng là giáo viên Pháp văn tại Trường trung học Ngô Quang Vinh, đường Arras (Cống Quỳnh ngày nay), Sài Gòn. Từ năm 1955 đến 1964, ông là giảng viên đàn Tranh và là Trưởng ban Giáo sư cổ nhạc miền Nam đầu tiên của Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh). Thế hệ học trò buổi đầu của ông có những người đã thành danh và trở thành trụ cột trong việc truyền dạy đàn Tranh sau này, có thể kể đến Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan của Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh - thân mẫu của Nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng. Những năm 1971 - 1972, ông là Giáo sư biệt thỉnh giảng dạy đàn Tranh và cổ nhạc miền Nam tại Đại học Southern Illinois (Hoa Kỳ). Trong giai đoạn này, nhạc sư đã cùng nhạc sĩ Phạm Duy, Giáo sư Trần Văn Khê có nhiều hoạt động quảng bá âm nhạc Việt Nam tại Mỹ.

Nhạc sư Vĩnh Bảo có cách truyền dạy đúng chất của nhạc tài tử Nam Bộ. Ông không rập khuôn theo những gì đã học được từ thế hệ trước. Ông luôn có sáng tạo trong cách đàn và cách truyền dạy. Lối truyền dạy của ông chủ yếu là theo kiểu “tâm truyền”. Tức là, mỗi khi thấy học trò đàn chưa đạt hoặc khi ông muốn nhắc nhở học trò về hồn nhạc Nam Bộ, ông thường hay kể những mẩu chuyện đời xưa. Những câu chuyện đó có thể là trong sách hoặc là chuyện rút ra từ chính cuộc đời ông. Học trò từ đó về nhà ngẫm nghĩ rồi cảm nhận, để ngộ ra điều ông cần nói. Và thật sự thì, nhạc tài tử Nam Bộ (tạm gọi là như vậy) phải được truyền theo lối cảm nhận này thì mới có thể giữ hồn và phát huy cái tinh hoa của nó được.

Nhạc sư Vĩnh Bảo đã là thầy của nhiều thế hệ học trò. Khi ở tuổi xưa nay hiếm, khi không còn có thể di chuyển nhiều được nữa, thì mỗi ngày ông vẫn truyền dạy âm nhạc. Ông truyền dạy âm nhạc cho học trò trực tiếp tại nhà hoặc ông giảng dạy qua Internet cho học trò nhiều nước. Ông có thể tự mở Skype để gọi video, rồi ông giảng dạy qua mạng bằng tiếng Việt, tiếng Anh hoặc tiếng Pháp tùy vào đối tượng học trò sử dụng tiếng gì. Có học trò ở nước ngoài cũng tranh thủ về tận nhà ông để học đàn. Điển hình như trường hợp vợ chồng Tiến sĩ Minh Đăng sinh sống tại Singapore. Mỗi tháng, cặp vợ chồng này về Việt Nam một lần để học đàn với nhạc sư. Khi nhạc sư đã về sinh sống tại Cao Lãnh, thì đôi vợ chồng này cũng tiếp tục về Việt Nam xuống tận Cao Lãnh để học đàn. Theo đôi vợ chồng này kể lại, thì thật ra họ sống và làm việc tại Mỹ. Nhưng vì để tiện về Việt Nam học đàn với nhạc sư thường xuyên nên họ đã quyết định xin về làm việc tại Singapore.

Học trò của nhạc sư Vĩnh Bảo không chỉ là dân trong nghề, tức dân sống bằng nghề có liên quan đến âm nhạc, mà hễ ai thật sự thích đàn thì ông sẽ dạy. Học trò của ông khi ông ở tuổi 100 vẫn thường xuyên đến học với ông có cả giảng viên đại học, bác sĩ, kỹ sư... Điều đó cho thấy được “độ che phủ” hay tầm ảnh hưởng của nhạc sư. Bởi lẽ, nhạc sư không chỉ ảnh hưởng đến dân trong nghề, mà còn đến đời thường.

Một nhà nghiên cứu - diễn giả

Nhạc sư Vĩnh Bảo là một nhà nghiên cứu thực thụ. Ông không chỉ chơi nhạc mà còn nghiên cứu về nhạc một cách bài bản. Hơn 90 năm kể từ khi bắt đầu chơi nhạc, ông đã sưu tập cho mình một khối tài liệu khổng lồ về cổ nhạc miền Nam. Khối tài liệu này đã được ông trao tặng cho tỉnh Đồng Tháp và Bảo tàng Đồng Tháp đã lập Nhà trưng bày Nguyên Vĩnh Bảo để lưu giữ và trưng bày khối tài liệu quý giá này.

Trên bước đường đờn ca cổ nhạc, nhạc sư đã có dịp tiếp xúc với rất nhiều nhạc sĩ cổ nhạc của nhiều thế hệ ở khắp miền Nam. Kết quả là ông đã thống kê cho mình một danh sách bao gồm hơn 200 nhạc sư - nhạc sĩ miền Nam mà ông đã có dịp tiếp xúc từ năm 1925. Với mỗi người, ông đều có ghi chép cẩn thận về tên tuổi, bút danh, quê quán, loại đàn sử dụng, sở trường, sở đoản... Danh sách này là độc nhất vô nhị tính tới nay và là một tư liệu quý giá cho nghiên cứu lịch sử đờn ca tài tử - cải lương Nam Bộ.


Nhạc sư Vĩnh Bảo đàn trong buổi mừng thọ ông

Nhạc sư Vĩnh Bảo không chỉ chơi đàn mà ông còn tìm cách cải tiến để phù hợp với nhu cầu thực tế của nhạc sĩ cổ nhạc miền Nam. Ông không hài lòng với lối ký âm “do re mi fa sol” của phương Tây khi sử dụng nó để truyền dạy âm nhạc Nam Bộ, bởi lẽ hai loại âm nhạc thuộc hai hệ thống khác nhau: nhạc Tây phương là nhạc cung (musique tonale), còn nhạc ta là nhạc điệu (musique modale). Bởi thế ông đã sáng chế ra cách ký âm riêng dành cho cổ nhạc miền Nam và ông đã sử dụng nó giảng dạy rất hiệu quả từ hơn nửa thế kỷ nay.

Nhạc sư Vĩnh Bảo cũng sớm có ý thức lưu truyền tiếng đàn của tiền nhân là cho thế hệ nhạc sĩ đời sau. Năm 1969, nhạc sư Vĩnh Bảo đã cùng với ông Nam Bình thực hiện hai băng cổ nhạc miền Nam mang tên Tiếng đàn Tranh. Trong băng này có sự góp mặt của những tay đàn hàng đầu của làng cổ nhạc Nam Bộ lúc bấy giờ như: Sáu Tửng, Mười Tiếng, Hai Phát, Năm Vĩnh, Hai Thơm, Chính Trích, Năm Cơ, Văn Vĩ, Bảy Bá, Nguyễn Đình Nghĩa... Cũng có hai giọng ca hàng đầu lúc bấy giờ tham gia theo lối ca tài tử là Út Bạch Lan và Thành Được. Mở đầu băng này, nghệ sĩ Thành Được giới thiệu chương trình và nói rõ là “do Nam Bình và Nguyễn Vĩnh Bảo thực hiện”. Băng Nam Bình được xem là một trong những tác phẩm kinh điển về đàn cổ nhạc miền Nam cho các thế hệ nhạc sĩ nghe và học tập. Hiện tại, như chúng ta đã thấy, hiện tượng lai tạp trong tiếng đàn của nhạc sĩ cổ nhạc miền Nam không phải là chuyện hiếm. Trong bối cảnh đó, ta thấy rằng, ý tưởng ngày ấy của nhạc sư Vĩnh Bảo là đúng, và giá trị băng Nam Bình càng được nâng cao.

Một nghệ nhân đóng đàn lớn

Vào năm 1930, khi ấy Vĩnh Bảo 12 tuổi, đã được bà Hai Phú tặng cho một cây đàn Tranh Tàu dài khoảng 90cm, mặt đàn cong như nửa mặt trời và sơn đen. Bà Hai Phú tặng ông vì bà là người tu hành, nên ít đàn. Ông được cây đàn Tranh, vừa đàn vừa mày mò. Theo lời ông thuật lại thì, trước khi cải tiến thành công đàn Tranh vào năm 1955 ông đã “phá hư không biết bao nhiêu cây đàn” từ việc mài mặt đàn, đục lỗ... Đầu những năm 1950, ông bắt đầu sự nghiệp đóng đàn. Ông chuyên đóng đàn Tranh, và cũng có đóng luôn đàn Kìm. Đàn ông làm ra có độ chuẩn âm cao vì ông là thầy đàn nên việc kiểm tra lại âm thanh khi làm đàn là đương nhiên chính xác. Bởi vậy, đến hiện tại, nhiều tay sành chơi đàn trong và ngoài nước vẫn chuộng sử dụng đàn thương hiệu Vĩnh Bảo.

Từ năm 1955, cũng chính ông là người đã cải tạo cây đàn Tranh truyền thống từ 16 dây lên 17, 19 rồi 21 dây với kích thước cây đàn lớn hơn. Loại đàn này có nhiều công dụng, giúp người nhạc sĩ chơi đàn trong đờn ca tài tử và cải lương đỡ được nhiều công đoạn lên dây, và âm thanh của cây đàn cũng có nhiều sự khác biệt. Hiện tại, loại đàn này đã được sử dụng rộng rãi.

Nhạc sư Vĩnh Bảo vừa chơi đàn vừa chính tay đóng đàn. Ông làm việc rất khoa học. Để đóng đàn hay, ông đòi hỏi người thợ đóng đàn phải là một thợ mộc giỏi, cao cấp, tức thợ mộc cao tay nghề có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật. Và như thế, với ông, mỗi cây đàn làm ra là một tác phẩm nghệ thuật thật sự. Theo ông, thợ đóng đàn cũng phải có kiến thức về âm thanh học và vật lý học để có thể chọn gỗ, hiểu gỗ, hiểu âm thanh, thẩm âm cho tốt… Ông đòi hỏi người thợ đóng đàn cũng phải biết chơi đàn, bởi vì như thế có thể tự tay kiểm định âm thanh của tiếng đàn chứ không lệ thuộc vào ai khác. Và chính ông đã làm được những điều đó.

Hồi năm 1972, ông đến nói chuyện nhạc tài tử Nam Bộ và nghệ thuật đóng đàn của ông tại Trung tâm Âm thanh nhạc học (Laboratoire d’Acoustique Musicale) thuộc Đại học Jussieu (Paris VI) tại Paris theo lời mời của Giáo sư âm thanh nhạc học lừng danh Émile Leipp. Giáo sư Leipp là bậc thầy âm thanh học và kỹ thuật đóng đàn phương Tây, là tác giả của Essai sur la lutherie (Khảo luận về kỹ thuật đóng đàn) xuất bản năm 1946 tại Paris. Sau khi nghe nhạc sư Vĩnh Bảo nói về kỹ thuật đóng đàn Tranh của chính nhạc sư, Giáo sư Leipp đã tỏ ra vô cùng thán phục. Giáo sư Leipp đã ký tặng nhạc sư quyển sách nêu trên với dòng chữ bằng tiếng Pháp, xin lược dịch: “Tặng người đồng nghiệp Vĩnh Bảo, người ở phía bên kia của chân trời, cũng đóng đàn như tôi”(3).

Một nhà thơ đa ngữ

Những năm cuối đời, nhạc sư Vĩnh Bảo vẫn thường xuyên đăng thơ trên trang Facebook của ông hoặc gửi tặng những người bạn tâm giao. Thơ của ông hiện cũng được trưng bày tại Nhà trưng bày Nguyễn Vĩnh Bảo tại Cao Lãnh. Ngoài ra có thể tìm thấy thơ của ông trong quyển Nguyễn Vĩnh Bảo - Những giai điệu cuộc đời.

Sau đây là bài thơ ông khóc vợ là bà Nguyễn Thị Trâm Anh khi bà mất vào năm 2014:

Khóc vợ hiền(4)

Sao Hôm vừa thắp chân trời

Em đi biền biệt vào nơi mịt mù

Xa anh không hẹn ngày về

Mang theo bao nỗi đam mê cháy lòng

Thế là hết, thế là xong…

Cầm tay lần cuối mà lòng quặn đau

Bao la, ôi! những mối sầu!

Thử ngăn dòng lệ, lệ trào chứa chan

Còn gì mong nữa hỡi Em!

Đời anh xa lánh mọi miền từ đây

Tình anh, trăm mảnh rơi đầy

Tận cùng vực thẳm, ai người biết cho!

Con đường định mạng sẵn chờ

Hai ta không trọn bến bờ tình yêu...

Thơ tình của ông rất tươi trẻ và lãng mạn. Như bài thơ trên: năm 2014, vợ ông qua đời ở tuổi trên 90 mà ông thì đã 94, thế nhưng giọng thơ của ông người đọc không thể nghĩ rằng đó là của một người tuổi gần bách niên. Có lẽ chính tâm hồn tươi trẻ đó đã khiến cho tiếng đàn của ông lúc nào cũng trẻ trung, sống động nhưng lại chan chứa, sâu lắng của cả một bề dày chơi đàn hơn 90 năm.

Thơ của nhạc sư Vĩnh Bảo không chỉ bằng tiếng Việt, mà ông rất thường làm thơ bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Sau đây là một đoạn trong bài thơ bằng tiếng Pháp (bản dịch của Phương Hà), cũng trích trong sách Nguyễn Vĩnh Bảo - Những giai điệu cuộc đời. Bài thơ này ông cũng viết cho vợ ông với giọng thơ rất trẻ trung và lãng mạn:

À ma bien-aimée Trâm Anh(5)

Ma belle rose, ô délire!

Qui exhale une vertu que j’admire,

Devant mes tours frivoles et étourdis

Raison ardente, sans violence ni envie

Sans y penser ni me tenir rigueur

Clémente, pardonne mes erreurs!

Dịch thơ:

Trâm Anh vô vàn thương mến

Đóa hồng diễm lệ của anh!

Ôi nguồn rung cảm tỏa thành làn hương

Của đức hạnh, của luân thường

Bằng lời hơn thiệt, em luôn dịu dàng

Bao dung, chẳng một lời than

Đời anh dù có ngổn ngang lỗi lầm!

Và đây là thơ đối đáp của nhà thơ Huy Cận và nhạc sư Vĩnh Bảo. Một tối nọ vào năm 1996, nhà thơ Huy Cận đến thăm nhạc sư tại tư gia và nghe nhạc sư đàn, nhà thơ Huy Cận đã có thơ cảm tưởng. Và sau đó, nhạc sư đã họa lại.

Thơ của nhà thơ Huy Cận:

Kìm, Tranh mấy tiếng dạo qua

Khi than thở, lúc vui hòa lứa đôi

Tiếng Kìm, tiếng mộc, tiếng người

Ngón đàn Vĩnh Bảo, tiếng đời thiết tha

Thơ họa của nhạc sư Vĩnh Bảo:

Năm cung to nhỏ dạo qua

Vắn dài trầm bổng vui hòa lứa đôi

Lung linh xao xuyến lòng người

Chia tay chủ khách lòng còn thiết tha

Và các thế hệ học trò và người yêu đàn thường hay thích thú khi có được một cây đàn do nhạc sư đóng mà bên dưới có đề hai câu thơ do chính nhạc sư ghi tay bằng bút lông:

Thơ tôi rụng xuống phím đàn

Cho người nghe tiếng xự xang não lòng.


_____

(1), (2), (4), (5) Nguyễn Thuyết Phong (chủ biên), Nguyễn Vĩnh Bảo - Những giai điệu cuộc đời, NXB Hồng Đức, TP.HCM, 2015.

(3) Émile Leipp, Essai sur la lutherie, NXB Chez l’Auteur, Paris, 1946, bản ký tặng nhạc sư Vĩnh Bảo (tư liệu gia đình).


Ru

ĐỖ CHU

Mỗi năm tám ngàn lễ hội

vẫn hiếm một ngày thanh thản

rất xa là chẳng tới đâu

rất lâu là còn chưa xa

Buồn vui đều là đang sống

được mất chuyện ngoài thân

khôn dại thật khó lần

miếng cơm nhai e sạn

Không hẹn không chờ lòng mở

vắng vẻ một mình sân Trấn Quốc

cảm ơn hồi chuông ngân nga

gió lành mây trắng ru ta.

Ngoài kia lòng bùn Tây hồ

sen tàn thức dậy cựa mình đơm ngó

con trai già ngậm ngọc âm thầm

xa sương mờ bóng ai lang thang

Một chấm đường dài 

TS HỒNG PHƯỚC