HV159 - Phải chăng “Nguyễn Tất Thành… không hề có ý định cứu nước giúp dân”?

KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC (5-6-1911 – 5-6-2021)

←Tượng người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại Bến Nhà Rồng

Tác giả Lê Mật trong bài Nhận diện và đấu tranh với luận điệu xuyên tạc quá trình Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước (báo Nghệ An điện tử, ngày 3-6-2021) đã cho hay: “Để xuyên tạc động cơ Hồ Chí Minh sang phương Tây năm 1911, họ bám vào cứ liệu mấu chốt là Đơn xin vào Trường Thuộc địa mà Người gửi cho Tổng thống và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp ngày 15-9- 1911. Họ vin vào đó rồi lập luận khiên cưỡng, xuyên tạc một cách vô lối, cho rằng Hồ Chí Minh ban đầu theo ý muốn của cha là học tập sau này làm quan triều đình nhà Nguyễn, nhưng sau hy vọng không thành vì ông Nguyễn Sinh Sắc bị mất chức, nên tìm cơ hội sang Pháp với “mộng làm quan cho thực dân Pháp”. Khi “bị từ chối thì bất đắc phiêu lưu kiếm sống, không có thời giờ suy nghĩ chuyện đất nước”; “đến Liên Xô học tập là hy vọng có việc làm kiếm lương hằng tháng, chứ không phải vì cách mạng Việt Nam…”.

PGS-TS Vũ Quang Hiển (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong bài viết Không gì có thể phủ nhận tấm lòng yêu nước thương dân của Nguyễn Tất Thành (báo Quân đội Nhân dân điện tử, ngày 3-6-2021) cũng cho biết: “Gần đây, có một số người chỉ dựa vào thư của Nguyễn Tất Thành viết ngày 15-9- 1911 gửi Tổng thống Pháp xin vào học Trường Thuộc địa (École Coloniale) ở Paris và sự từ chối của giám đốc trường này để rồi quy chụp rằng “Nguyễn Tất Thành, bỏ nước ra đi chỉ với mục đích tìm đường làm quan, để giải quyết chuyện cơm ăn áo mặc của riêng mình, chứ không hề có ý định cứu nước giúp dân…”.

Để đấu tranh với những quan điểm sai trái trên, tác giả Lê Mật và tác giả Vũ Quang Hiển đã đưa ra những chứng cứ thuyết phục. Tác giả bài viết này cũng xin đóng góp một vài thông tin để làm rõ hơn về tấm lòng yêu nước thương dân của người thanh niên Nguyễn Tất Thành.

Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã truyền dạy cho Người về lòng yêu nước thương dân

Thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cụ Nguyễn Sinh Sắc. Năm 1901, cụ đỗ Phó bảng. Tài nghị luận của cụ thể hiện trong văn quyển rất xuất sắc, nhưng cụ vẫn có ý phê phán triều đình thiếu chăm lo cho dân nên nhà vua chỉ cho cụ đậu học vị Phó bảng. Cụ nhận ra: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ” (Quan trường là nô lệ trong đám người nô lệ lại càng nô lệ hơn). Với lý do bị bệnh và để tang vợ, cụ từ chối làm quan và ở nhà dạy học để có cơ hội giao lưu với các sĩ phu yêu nước. Trả lời nhà báo Mỹ Anna Louise Strong vào năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ lại: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”(1).


Tượng Nguyễn Tất Thành và thân phụ Nguyễn Sinh Sắc ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định)

Năm 1906, để cho các con có thể tiếp cận nền tân học để thực hiện con đường cứu nước cứu dân sau này, cụ Nguyễn Sinh Sắc chấp nhận nhậm chức Thừa biện Bộ Lễ. Năm 1909, cụ bị Tòa khâm sứ Trung Kỳ khiển trách vì có con (Nguyễn Tất Thành) là học sinh trường Quốc Học - Huế đã nói trước mặt thầy giáo những lời chống lại nước Pháp. Triều đình Huế sau đó đã điều cụ đến huyện Bình Khê (tỉnh Bình Định) làm tri huyện.

Khi làm Tri huyện Bình Khê, cụ Nguyễn Sinh Sắc xử hòa tất cả những vụ kiện nông dân với nhau. Cụ nói: “Nước mất không lo, lo giành nhau cái bờ ruộng”. Với các tù chính trị, cụ đều cho thả tự do. Khi quan trên thúc thuế còn thiếu, cụ trả lời dân quá nghèo không có tiền để nộp. Khi Pháp bắt đi phu, cụ trình công văn nói dân đói quá không còn sức mà đi phu. Cụ thường bỏ huyện đường đi thăm dân và không xét xử các vụ kiện cáo, tranh chấp của bọn cường hào, ác bá địa phương.

Tháng 5-1909, trong thời gian cụ Nguyễn Sinh Sắc làm quan Tri huyện Bình Khê, Nguyễn Tất Thành đã đến thăm. Khi thấy con trai đến, cụ đã khuyên con nên tìm cách cứu nước cứu dân. Nghe lời cha, trong thời gian ở Bình Định, Người đã học thêm tiếng Pháp và văn hóa tại nhà thầy giáo Phạm Ngọc Thọ (cha bác sĩ Phạm Ngọc Thạch) để chuẩn bị xuất dương sang Pháp tìm đường cứu nước.

Khoảng tháng 8-1910, Nguyễn Tất Thành rời Bình Định vào Bình Thuận. Người cầm thư giới thiệu của cha và nhận vào dạy tại trường Dục Thanh. Tại ngôi trường này, Người cũng đã hun đúc tinh thần yêu nước cho các học trò của mình.

Sau cuộc gặp với con không lâu, cụ Nguyễn Sinh Sắc bị giáng 4 cấp và bị chuyển đi xa vì cụ đã đánh roi tên Tạ Đức Quang - một tên địa chủ tay sai cho Pháp và hai tháng sau thì hắn chết. Nhưng cụ quyết từ bỏ quan trường và vào Nam sống bằng nghề bốc thuốc, dạy học và gặp gỡ những người yêu nước. Năm 1926, gặp đồng chí Lê Mạnh Trinh đang lên đường tham dự lớp học của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, cụ đã nhờ nhắn cho con trai: “Cháu gặp thì nói bác vẫn khỏe, đừng lo, cứ cố gắng làm việc, trung với nước tức là hiếu với bác”.

Có thể khẳng định, chính cụ Nguyễn Sinh Sắc với tấm lòng yêu nước thương dân đã góp phần hun đúc nên lòng yêu nước cho các người con của mình như Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành - những người tham gia tích cực vào hoạt động chống Pháp ở trong nước và tại chính quốc Pháp.

Tấm lòng yêu nước thương dân của Người

Tại Huế, vào những năm 1895 - 1901, gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống tại ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan, vốn trước đó là một trại lính của Nha Hộ thành triều Nguyễn bị bỏ phế sau sự kiện thất thủ kinh đô 1885. Do đó, Người thường hay lui tới Miếu Âm hồn, nơi chôn cất các anh hùng chiến sĩ và đồng bào ta đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập của dân tộc trong sự kiện thất thủ kinh đô năm 1885. Bởi vậy, khi có phong trào chống thuế nổ ra ở Huế vào tháng 4-1908, Người cũng đã hăng hái tham gia dù đang là học sinh trường Quốc Học - Huế.

Đến Phan Rang (Ninh Thuận) trên đường đến Sài Gòn để xuất dương tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã đau xót khi thấy bọn thực dân Pháp khiến dân ta bị chết đuối khi phải bơi ra thuyền của chúng để giữ liên lạc khi có sóng to gió lớn bởi thuyền không thể cập bến và việc thả ca nô cũng không thể thực hiện. Trong sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, tác giả Trần Dân Tiên đã viết rằng lúc đó Người đã rất căm giận bọn thực dân: “Nhưng điều đó làm cho anh Ba hết sức cảm động, anh khóc… Bọn Pháp cười sặc sụa trong khi đồng bào ta chết đuối vì chúng nó”(2).

Tháng 2-1911, Nguyễn Tất Thành đến Sài Gòn, thành phố lớn nhất của Nam Kỳ. Nam Kỳ là vùng đất trực trị của thực dân Pháp và Sài Gòn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của cả Nam Kỳ. Tại nơi đây, Người đi làm ở một trường thợ máy, bán báo ở thương cảng để kiếm sống. Quãng thời gian này giúp Người nhận ra việc xuất dương tìm đường cứu nước không thể chậm trễ. Người nhận ra chế độ thực dân Pháp tại Nam Kỳ tàn bạo đến mức chúng không nương tay với cả người phụ nữ chân yếu tay mềm. Nhớ lại nỗi bi thảm này, trong bài Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp đăng trên báo Le Paria (Người cùng khổ) ngày 1-8-1922 ở Pháp, Người viết: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ lại càng bỉ ổi hơn nữa”(3). Trong Chương 11 “Nỗi khổ nhục của người phụ nữ bản xứ” của tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Người viết: “Không một chỗ nào người phụ nữ thoát khỏi những hành động bạo ngược. Ngoài phố, trong nhà, giữa chợ hay ở thôn quê, đâu đâu họ cũng vấp phải những hành động tàn nhẫn của bọn quan cai trị, sĩ quan, cảnh binh, nhân viên nhà đoan, nhà ga. Một người Âu mắng một phụ nữ An Nam là con đĩ, con bú dù(4) là một việc thông thường. Ngay giữa chợ Bến Thành ở Sài Gòn, mà người ta bảo là một thành phố Pháp, bọn gác chợ người Âu cũng không ngần ngại dùng roi gân bò, dùi cui đánh phụ nữ bản xứ để bắt họ tránh khỏi làm nghẽn lối!”(5).

Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành đã lên tàu L’Admiral Latouche-Tréville (một tàu lớn vừa chở hàng vừa chở khách của hãng Chargeurs Réunis của Pháp) với vai trò phụ bếp, rời bến cảng Nhà Rồng ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Về sự kiện trọng đại này, sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch viết rằng: “Một vị trí thức ở Sài Gòn kể lại cho tôi: ‘Trong khi còn học ở trường Chasseloup-Laubat, tôi gặp một người thanh niên ở Trung Bộ vào Sài Gòn ở nhà một người bạn. Vì cùng một lứa tuổi, cho nên chúng tôi lập tức trở nên đôi bạn thân…

…Sau ít hôm, anh đột nhiên hỏi tôi: - Anh Lê, anh có yêu nước không?

Tôi ngạc nhiên và đáp: - Tất nhiên là có chứ!

- Anh có thể giữ bí mật không?

- Có.

- Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta… Anh muốn đi với tôi không?

…Bị lôi cuốn vì lòng hăng hái của anh, tôi đồng ý. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ về cuộc phiêu lưu, tôi không có đủ can đảm để giữ lời hứa… Về sau, tôi chỉ biết người thanh niên yêu nước đầy nhiệt huyết ấy là Cụ Nguyễn Ái Quốc, là Hồ Chủ tịch của chúng ta ngày nay”(6).

Người sang Pháp để làm gì?

Một ngày làm việc của Nguyễn Tất Thành trên tàu L’Admiral Latouche-Tréville rất nặng nhọc, kéo dài từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối hằng ngày, suốt tháng không có ngày nghỉ, ông chủ chỉ trả mỗi tháng không quá 50 franc, là thứ tiền công rẻ mạt nhất cho một lao động, nhưng Người không nản lòng. Kỹ sư Bùi Quang Chiêu, một trí thức ở Sài Gòn, thật bất ngờ khi gặp Người trên con tàu ấy, ông đã nói với Người: “Tại sao con lại làm cái nghề khó nhọc này? Bỏ nghề này đi. Con nên chọn một nghề khác danh giá hơn…”. Người lễ phép cảm ơn ông Bùi Quang Chiêu nhưng vẫn kiên định con đường xuất dương tìm đường cứu nước.

Ngày 7-6-1911, lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành đặt chân lên đất Pháp. Người chứng kiến ở nước Pháp cũng có những người nghèo như ở xứ sở của mình. Người nói với một người bạn: “Tại sao người Pháp không ‘khai hoá’ đồng bào của nước họ trước khi đi ‘khai hoá’ chúng ta?”(7). Lần thứ hai Người đến Pháp là vào năm 1917 sau khi Người đã đi đến các nước tư bản tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Anh và các nước thuộc địa ở châu Mỹ, châu Phi. Năm 1918, Người đến đảo Réunion thăm Hoàng đế Thành Thái đang bị an trí tại đây. Nhớ lại việc này, năm 1947, khi trả lời các vị trong hoàng tộc, Hoàng đế Thành Thái đã nói: “Ngay từ năm 1918 khi trốn ra ngoại quốc, Nguyễn Ái Quốc đã đến gặp tôi ở đảo Réunion. Từ hồi ấy tôi đã thấy Nguyễn Ái Quốc là một nhà ái quốc nhiệt thành và sáng suốt”(8).

Đúng như nhận định của Hoàng đế Thành Thái, Nguyễn Tất Thành đã dành nhiều thời gian đi sâu sát những khu vực có đông Việt kiều, vận động cổ vũ tinh thần yêu nước, tố cáo tội ác của bọn thực dân đế quốc, dần dần được mọi người yêu quý tin tưởng và trở thành một trong những lãnh đạo chủ chốt của Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam”, gồm 8 điểm và được viết bằng tiếng Pháp gửi tới Hội nghị Hòa bình Versailles vào ngày 18-6-1919, đòi chính phủ Pháp ân xá các tù chính trị, thực hiện các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.

Ngày 6-9-1919, Albert Sarraut, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa (từng là Toàn quyền Đông Dương) đã đích thân gặp Người tại trụ sở Bộ Thuộc địa để kiểm tra lý lịch Người. Ngay ngày hôm sau, Người viết thư đòi Albert Sarraut thực thi Bản yêu sách. Trong một lần theo dõi buổi nói chuyện của Nguyễn Ái Quốc tại Paris, viên mật thám Pháp Paul Arnoux đã phải thốt lên dự cảm: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”(9).

Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đảng Xã hội Pháp. Trong các cuộc họp chi bộ, Người thường xuyên tố cáo những tội ác của chủ nghĩa thực dân, kêu gọi các đồng chí của mình giúp đỡ cách mạng ở thuộc địa. Tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp họp ở thành phố Tours, Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (12- 1920) vì Người nhận ra Quốc tế III kêu gọi những người cộng sản ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Tiếp đó, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa (1921) và đến năm 1922 Người trở thành chủ lực trong việc xuất bản tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) làm cơ quan ngôn luận của hội này.


Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp năm 1920 và Người đã tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp

Vào tháng 6-1922, Albert Sarraut, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, mời Nguyễn Ái Quốc đến gặp. Albert Sarraut lúc thì thì đe dọa, lúc lại ra vẻ ôn tồn khuyên Người từ bỏ hoạt động chống ách thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương. Albert Sarraut nói rằng hắn thích những thanh niên có chí khí như Người và hắn sẵn sàng giúp đỡ Người sống sung túc trên đất Pháp. Nhưng lúc đó, Người đã trả lời: “Cảm ơn Ngài! Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập… Kính Ngài ở lại, tôi xin phép về”(10).

Năm 1922, báo La Dépêche Coloniale (Công văn Thuộc địa) có nhiều bài viết phản ứng, phê bình gay gắt về những bài báo do Nguyễn Ái Quốc viết nhằm tố cáo chủ nghĩa thực dân. Báo này cho rằng, Người là người đầy tham vọng cá nhân, chẳng có sứ mệnh nào do nhân dân Việt Nam giao phó. Ngay sau đó, Nguyễn Thế Truyền, một trí thức Việt Nam yêu nước ở Pháp đã viết trên báo Le Paria, số 9, ngày 1-12-1922: “Anh Nguyễn đầy tham vọng ư? Đúng. Nhưng anh Nguyễn tham vọng cái gì? Tham vọng giải phóng anh em của anh bị rơi vào vòng bóc lột hết sức dã man. Có tham vọng nào cao quý hơn thế không?... Ngực anh không có huân chương. Túi anh không có ngân phiếu chính phủ. Nhưng anh mang nguyện vọng của một dân tộc bị áp bức... Nguyễn Ái Quốc có tham vọng giải phóng đồng bào thoát khỏi cùm kẹp của thực dân Pháp, đem lại tự do, hạnh phúc cho dân Việt Nam... Tiếng nói của Nguyễn Ái Quốc phản ánh khát vọng của dân Việt Nam muốn được cơm no áo ấm, được tự do, không bị áp bức. Tiếng nói của Nguyễn Ái Quốc là tiếng nói của toàn dân Việt Nam. Vậy, các ông ở báo La Dépêche Coloniale hãy im mồm đi, đừng vu khống”.

Người sang Liên Xô để làm gì?

Bắt đầu từ cuối năm 1923, Nguyễn Ái Quốc rời nước Pháp đi Liên Xô và theo học Trường đại học Cộng sản của những người lao động Phương Đông. Sau Đại hội V Quốc tế Cộng sản (tháng 6-1924), Người được bầu làm Ủy viên Bộ phương Đông, phụ trách Cục phương Nam của Quốc tế Cộng sản. Tiếp đó, Quốc tế Cộng sản đã cử Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu (Trung Quốc) công tác nhằm xúc tiến mọi điều kiện để xây dựng một tổ chức cộng sản ở Đông Dương và giúp đỡ các đại biểu cách mạng ở các nước Đông Nam Á. Năm 1925, Người tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức (1925). Cùng năm đó, Người đã sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam. Vào ngày 3-2-1930, Người đã sáng lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, Người tiếp tục hoạt động cách mạng của mình theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản. Một thời gian Người bị thực dân Anh bắt ở Hồng Kông vào năm 1931 và bị giam đến năm 1933 thì được thả.

Từ năm 1934 đến 1938, tại Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc theo học Trường Quốc tế Lênin và sau đó làm việc tại Viện Nghiên cứu dân tộc và thuộc địa của Quốc tế Cộng sản. Tháng 8-1938, Người không chọn con đường trở thành cán bộ giảng dạy của Quốc tế Cộng sản mà xin trở về nước. Ngày 28-1-1941, Người đã về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam.


Chủ tịch Hồ Chí Minh (hàng đầu, bìa trái) cùng với các đại biểu dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản tại thủ đô Moskva của Liên Xô năm 1924

Trong bài viết Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Lênin (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhớ lại: “Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình… Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(11).

Tháng 1-1946, trả lời với báo giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(12). Hai tháng trước khi qua đời, trả lời báo Granma (Cuba), Người nói: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”(13).

Tất cả các sự kiện này đã chứng minh Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một người yêu nước vĩ đại! Đúng như đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đã nhận định: “Với tấm lòng yêu nước nồng nàn, Hồ Chủ tịch đã sớm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin ánh sáng soi đường cứu dân, cứu nước… Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử”(14).♦


_____

(1) Báo Nhân dân, ngày 18-5-1965.

(2), (7) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Sự thật, 1975.

(3), (5) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.

(4) Con khỉ, ám chỉ người có đuôi, người chưa được khai hóa theo cách nghĩ của bọn thực dân.

(6) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Trẻ - NXB Chính trị Quốc gia, 2005.

(8) Báo Cứu quốc, số 748, ngày 6-11-1947.

(9) Hồng Hà, Thời thanh niên của Bác Hồ, NXB Thanh niên, 1976.

(10) T.Lan, Vừa đi đường vừa kể chuyện, NXB Chính trị Quốc gia, 2015.

(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, NXB Chính trị Quốc gia, 2000.

(12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, 2011.

(13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, NXB Chính trị Quốc gia, 2011.

(14) Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 9-9-1969.


Cuộc đời này là món quà bạn dành cho mình… Hãy mở nó ra!

KHUYẾT DANH

Trách nhiệm lớn lao đòi hỏi đức hạnh lớn lao.

ABIGAIL ADAMS

Đừng ước việc dễ dàng hơn, hãy ước bạn giỏi giang hơn.

JIM ROHN

Tình yêu tuy không làm cho trái đất quay, nhưng làm cho hành trình có ý nghĩa.

F. JONES

Không có gì đẹp hơn một người bạn đem sách đến tặng tôi. Vì tôi sẽ nhận được cả hai: lòng yêu mến và sự hiểu biết.

H. BERGSON

Một cuộc hôn nhân hạnh phúc là sự kết hợp giữa hai con người biết tha thứ.

ROBERT QUILLEN

Đôi khi chính cuộc hành trình dạy bạn nhiều về đích đến.

DRAKE

Sắc đẹp rất cần trong lễ cưới, còn hạnh phúc thì cần trong suốt cả cuộc đời.

NGẠN NGỮ NGA

Kinh nghiệm là thứ bạn không thể có mà không trả giá.

OSCAR WILDE

Hãy lao động như thể bạn không cần tiền. Hãy yêu thương như thể bạn chưa từng bị tổn thương. Hãy khiêu vũ như thể không có ai nhìn thấy.

SATCHEL PAIGE

NGUYỄN VĂN TOÀN