HV159 - Thời sự & Suy ngẫm

←Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc ngày 7-6-2021

Hội nghị Trùng Khánh giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN là một điểm nhấn trong tình hình thời sự hiện nay. Nếu chỉ căn cứ vào những lời lẽ tại hội nghị - nhất là của Trung Quốc, thì tình hình Trung Quốc và ASEAN là rất tốt đẹp. Không có vấn đề gì phải bàn cãi, phải lo. Giữa ASEAN, theo lời Trung Quốc, chỉ có một số nước rất nhỏ là có vấn đề tranh chấp với Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Mà vấn đề biển Đông là do Mỹ và các nước khác không dính gì với biển Đông khuấy lên, can thiệp! Cách lập luận này là có “hậu ý”. Nhưng mà thôi, hiện thời thì Việt Nam và Trung Quốc đang hòa dịu. Việt Nam hết sức nhún nhường, tinh tế để tranh thủ hòa bình, ổn định, giao thương… và những vấn đề lớn trong quan hệ hai nước. Còn vấn đề biển Đông, Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường quân sự (tập trận, điều tàu, tên lửa, cả tàu dân quân…, làm căng thẳng tình hình) thì Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã có ý kiến rõ ràng tại hội nghị và nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cũng liên tục phát ngôn chính thức. Như thế là, bên cạnh việc tăng cường quan hệ chính thức, tiến tới việc ký kết COC (sớm nhất có thể như ý Trung Quốc) thì ta vẫn quan tâm sâu sắc và chính đáng vấn đề biển Đông. Nơi đây, là nơi Trung Quốc và Mỹ đang “thử sức”, và như một số nhà bình luận quốc tế, biển Đông - nếu sơ suất, “ngu ngốc”, hiểu lầm… có thể tạo thành “tai họa” to. Việt Nam và các nước ASEAN đều tuyên bố “không chọn phe” - giữa Mỹ và Trung Quốc. “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết” (dù Việt Nam không nhỏ yếu như ruồi muỗi) - các nước lớn đang cạnh tranh lớn, quyết liệt, bên cạnh Mỹ còn có “bộ tứ kim cương”: Nhật, Ấn, Australia, Mỹ và cả Anh, Pháp, Đức cũng can dự, điều tàu chiến tới biển Đông để bảo vệ quyền tự do thông thương của cả thế giới. Trung Quốc muốn mượn cớ “đường 9 đoạn” để độc chiếm biển Đông là không thể.

Trung Quốc đang thoát nhanh ra khỏi tai họa COVID-19, trở thành nước có nền kinh tế phát triển hơn 8% trong năm nay. Họ tỏ ra ngang cơ và không ngại Mỹ. Tại hội nghị ngoại giao hai bên tại Mỹ, Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ chính trị phụ trách ngoại giao của Trung Quốc, đã “nổi giận” 15 phút, “mắng” trả bài phát biểu cứng rắn lên án Trung Quốc của đoàn Mỹ. Trung Quốc dùng chiến thuật ngoại giao “chiến lang”: con sói đơn độc. Nhưng Trung Quốc biết rằng họ đang bị cô lập và hình ảnh, uy tín của họ trên thế giới đang bị suy yếu. Họ đổ lỗi cho là do tuyên truyền phương Tây. Nên họ đang bỏ ra 10 tỉ USD để tăng cường tuyên truyền cho hình ảnh Trung Quốc trên thế giới.

Việt Nam ta là nước láng giềng, bên cạnh chiến tranh (mà đều là do Trung Quốc phát động) thì quan hệ hữu nghị là sâu sắc. Nên ta cũng cố nương theo, có tốt thì nói tốt (và ở Trung Quốc quả thực cũng có nhiều cái tốt, ta có thể học tập). Còn những gì theo “thuyết âm mưu” thì cũng dễ thấy, ta tạm thời bỏ qua.

Gần đây, có người nói ta sắm vũ khí là để không bắn. Ý nói là chúng ta muốn hòa bình và hết sức tranh thủ hòa bình, nhưng nói bóng bẩy như thế trong chính trị e rằng sẽ dễ bị hiểu lầm. Quân đội ta luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng, không để bị động, bất ngờ…, quân đội luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đất nước từ khi nước chưa nguy. Còn làm sao cho người ta không thể đánh mình, đó là chiến lược. Nhưng chuyện đó không phải chỉ phụ thuộc một mình ta. Nên phải tuân thủ mệnh lệnh cảnh giác, không được tự ru ngủ. Ta luôn luôn nhớ lời gan ruột của Julius Fucik: “Hỡi những con người mà ta hằng yêu thương, hãy cảnh giác!”.

Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình đã có mệnh lệnh chuẩn bị chiến tranh trên biển. Nay Tập Cận Bình lại ra lệnh cho quân đội quyết chiến và quyết thắng.

Tháng 10-2020, khi đến thăm một căn cứ của lực lượng bộ binh thủy quân lục chiến ở Triều Châu, Phúc Kiến, Tập Cận Bình đã kêu gọi binh sĩ dành toàn bộ tâm trí và sức lực để chuẩn bị chiến tranh. Khẩu hiệu “dám tiến hành chiến tranh và giành chiến thắng” được viết trên các bức tường doanh trại ở Trung Quốc.

Tháng 1-2021, Tập Cận Bình yêu cầu quân đội “kiên quyết thực hiện các chỉ thị của Đảng”, nâng cao tinh thần quyết chiến, không sợ gian khổ, hy sinh. Trung Quốc đang nỗ lực đầu tư một ngân sách khổng lồ để xây dựng một quân đội “tầm cỡ thế giới” vào năm 2050. Việc Trung Quốc phô trương vũ lực, bất chấp luật lệ quốc tế để thay đổi hiện trạng là cách mà Trung Quốc đang thực hiện.

Tranh chấp Mỹ - Trung trên tất cả các mặt, mà cái nổi bật là trên biển Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương sẽ để lại nhiều hệ lụy cho thế giới. Dự kiến của các nhà quan sát là xấu. Ta nên có một tính toán chiến lược sâu sắc là chuyện đã lo và sẽ phải lo. Trước mắt, Trung Quốc tập trung chú ý vào Đài Loan nơi họ cho là một tỉnh của mình và họ cho mình có quyền giải quyết Đài Loan bằng vũ lực.

Hội nghị G7 do Mỹ chủ trì bàn nhiều chuyện, có chuyện các nước chưa hoàn toàn nhất trí với Mỹ, như chuyện quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhưng họ nhất trí với nhau về việc đe dọa “phi pháp”của Trung Quốc ở biển Đông, ở Thái Bình Dương…

Một điểm nhấn được thế giới quan tâm nữa là cuộc gặp Nga - Mỹ giữa Tổng thống Nga V. Putin và Tổng thống Mỹ J. Biden. Trong một biệt thự xinh đẹp bên hồ Geneva - Thụy Sĩ, hai ông gặp nhau, đối thoại hơn 3 giờ. Kết quả là hai ông đều cho là cuộc đối thoại mang tính xây dựng, tích cực. Chứ quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức xấu nhất như ta đã biết. Thỏa thuận là các đại sứ của hai nước sẽ trở lại làm việc, mối quan tâm của cả hai bên về an ninh mạng sẽ tiếp tục được giải quyết, vấn đề vũ khí hạt nhân cũng được hai bên quan tâm, tuy còn có hàng khối vấn đề trong đó có vấn đề Ukraine, vấn đề tù nhân… thì Nga không nhượng bộ. Nhưng có đối thoại là tốt rồi. Nga tuyên bố sẽ tiếp tục đối thoại, và cả thế giới đều mong Nga - Mỹ cải thiện quan hệ. Nhưng vấn đề còn tùy thuộc vào Mỹ nữa…

Thế giới rối bời, “phức tạp và khó lường”, tất cả là vì quyền lợi của mỗi nước, tình hình không lúc nào yên. Việt Nam ta tuân thủ lời dạy của Bác Hồ: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, thì dù tình hình phức tạp đến đâu, ta vẫn vững vàng. Trước mắt thực hiện “mục tiêu kép”: Đẩy lùi đại dịch và phục hồi - phát triển kinh tế (thế giới dự báo nước ta vẫn tăng trưởng cao năm nay, từ 6,6% đến trên 7%).♦

Ngày 21-6-2021

HỒN VIỆT
Bình luận khác
hay
Từ: | Ngày: 07/10/2021 3:40 SA
cảm ơn báo
Từ: | Ngày: 07/10/2021 3:36 SA
Bài Báo ý nghĩa
Từ: | Ngày: 07/10/2021 3:30 SA