HV160 - Bài học tìm thấy từ bài khải văn Tạ sự quy nhàn của Trần Cảnh

Tháng 5 năm Bính Tý (1756) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 17 đời vua Lê Hiển Tông, Tham tụng, Thượng thư Bộ Binh Trần Cảnh đã 73 tuổi, liền viết Khải văn lần thứ hai dâng lên nhà Chúa xin được trao trả quyền bính đang nắm giữ trong tay để được về dưỡng nhàn tại làng Điền Trì, tổng An Hộ, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương. Bài văn ngắn gọn chỉ vẻn vẹn có 227 chữ Hán, song lại dung chứa một nội dung phong phú hàm súc, ý tứ sâu sắc, lời lẽ uyển chuyển, chân thành đủ để thuyết phục được nhà Chúa. Đọc đi đọc lại bài khải văn nhiều lần, chúng tôi tìm ra được một số bài học quý giá. Trước hết chúng tôi xin dịch nghĩa toàn bộ bài khải văn này:

Bài khải văn xin về dưỡng nhàn lần thứ hai của tướng công

Tham tụng Thượng thư Bộ Binh tước Quận công họ Trần dâng khải trình bày việc xin được trao trả lại chức nhậm. Hạ thần là kẻ già nua ngu tối chẳng có tài cán gì, may mà được dự hàng khoa mục ra làm quan đến nay đã gần bốn chục năm rồi. Trải qua các chức vụ trong triều ngoài trấn đều được sai phái, song mà vẫn chưa đền báo được chút tơ hào. 

Năm trước khi thần ở tuổi 65, vâng theo lệ định thần xin từ chức đã được chấp thuận cho thôi việc, thần đã an phận về quê dưỡng nhàn, đâu dám có yêu cầu đòi hỏi gì khác. Đội ơn Thánh đức chẳng bỏ kẻ già ngu dại, lại cho ra theo hầu sớm tối, thấm thoát đã được mấy năm, chẳng lập được chút công trạng gì. Nay thần tuổi tác càng cao, sức vóc ngày càng suy giảm. Đôi mắt quáng mờ, xem nhìn chẳng tỏ sự vật; đôi chân mềm yếu, bước đi chẳng kịp mọi người, thực khó tùy tòng các đại thần phụng hành công sự. Do vậy thần cúi đầu xin giãi tỏ lòng trung xin với bề trên soi xét cho thần được giao trả lại chức Tham tụng cơ mật cùng các công việc khác.

Còn như việc thần được ban ngụ lộc ở hai xã (Hộ Xá và Lôi Động) thì nay xin được nộp lại cho nhà Chúa, như thế thì may ra thần mới rũ hết ưu tư để lo điều trị, sống nốt năm tháng cuối đời, đó là nguyện ước cao nhất của thần, bởi vậy mới mạo muội giãi bày, cúi mong Thánh đức soi xét cho thần được toại nguyện.

Muôn ngàn lần cúi xin chờ đợi.

      Ngày tốt tháng 6 năm Cảnh Hưng thứ 17

                                                      (1756).

Bài khải văn ngắn gọn của vị Tiến sĩ đã vượt qua tuổi cổ lai hy rồi viết rất ngắn gọn súc tích, đầy đủ nội dung giãi tỏ chân tình để hơn 263 năm sau người đọc vẫn cảm thấy nhiều ý vị hứng thú rất đáng học tập.

Con đường tiến thân của các sĩ tử là dùi mài kinh sử, thi đỗ làm quan đến lúc tuổi cao thì về hưu dưỡng. Tham tụng Trần Cảnh rất ý thức được việc kẻ sĩ được ra làm quan là nhờ ơn Chúa, kẻ sĩ được về dưỡng nhàn cũng là nhờ ơn Chúa. Đây là luật lệ đã quy định. Các quan đến tuổi về hưu phải viết khải dâng lên Chúa. Ngay khi đỗ Tiến sĩ năm Mậu Tuất (1718), được triều bổ nhậm giữ chức Giám sát Ngự sử đạo An Bang, Tiến sĩ Trần Cảnh đã được mời đến dự lễ tiễn Ứng quận công Đặng Đình Tướng về hưu trí.

Tại cuộc tiễn đưa này, Giám sát ngự sử đạo An Bang là Trần Cảnh cũng có thơ họa dâng tặng. Đến lúc đủ tuổi nghỉ hưu, ông liền sẵn sàng viện lệ, dâng khải xin nghỉ(1), một lần viết chưa được chấp thuận thì ông lại viết lần thứ hai. Cách ứng xử có văn hóa này thực đáng làm gương cho hậu thế.

Khi giữ chức Tham tụng, để tạo điều kiện giúp ông “chịu việc quan”, nhà Chúa đã ban cho Trần Cảnh hưởng lộc thu thuế tại hai xã Hộ Xá và Lôi Động ở huyện Chí Linh, trấn Hải Dương. Cách trả lương bổng cho quan lại như thế gọi là ngụ lộc. Các vị treo ấn từ quan đương nhiên là phải trả hết bổng lộc cho triều đình rồi, còn các quan khi về trí sĩ theo lệ định cũng phải đem trả lại triều đình. Chút ơn vua lộc nước mà các quan được nhận, khi về trí sĩ thì chỉ còn lại là tưởng niệm ghi nhớ mà thôi. Trong cuộc hoan tiễn Quốc lão Đặng Đình Tướng có cả quan Đại Tư không Tuyên quận công Trịnh Quốc tham dự. Ông đã làm bài Họa nguyên vận thi đáp lại Quốc lão họ Đặng, có dùng đến từ “lộc thánh” để nói đến ý này:

Công thành danh vẹn mở lề nhàn,

Vui thấy đương triều Quốc lão quan. 

Áo gấm chưng lưng gương Bắc quốc,

Xe bồ lần lữa cảnh Nam San.

Rượu khi lộc thánh vầy duyềnh Tứ,

Cờ thuở vui tiên nhậm đá Bàn.

Trải tiệc kỳ anh cho phỉ ước,

Tiết lành sớm lại hội điền đan.

Thấu hiểu đạo lý “Ăn lộc triều quan chịu việc quan” này, Tham tụng Trần Cảnh trong tờ khải văn viết lần thứ hai đã ghi rõ: “Còn như việc thần được ban ngụ lộc ở hai xã (Hộ Xá và Lôi Động) thì nay xin được nộp lại cho nhà Chúa”.

Cuối tờ khải văn, quan Tham tụng đã giãi bày tấm lòng chân thực của mình rằng chỉ có đem giao trả lại ngụ lộc Chúa ban ấy thì lòng mình mới rũ bỏ hết ưu tư, thực sự thanh thản lo chữa trị bệnh tật để có đủ sức khỏe sống hết tuổi trời.

Cái đạo lý “Ăn lộc nhà quan chịu việc quan” ngắn gọn dễ hiểu, lại giúp cho người ta suy đoán rằng khi thôi chịu việc quan, thì phải trả lộc nhà quan đi chứ. Thế nhưng, trên thực tế cũng có không ít các ông quan, không ít các gia tộc quyền quý cứ khư khư giữ mãi ơn vua lộc nước ấy, bởi thế mới có chuyện Bao Thanh Thiên đứng ra xét xử đòi lại đạo lý cho đời. Tham tụng Trần Cảnh đã thực hiện được ước vọng cao nhất của mình là trả lại việc quan, trả lại lộc quan. Hơn thế nữa, sau khi ông mất, những di nguyện của ông còn lại đã được con trai ông là Tiến sĩ Trần Tiến thực hiện hoàn hảo.♦


* PGS-TS Nguyễn Tá Nhí - Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (HV)

(1) Trần Cảnh viết: Mình đã “ngu độn bất tài” lại già yếu, ở lại triều, chỉ làm “vướng đường của kẻ hiền tài”. “Bậc hiền tài đều đang tại vị, đâu có thiếu người” để thay thế cho chức vụ của tôi. (Trích từ khải văn của Trần Cảnh, Niên phả lục, NXB Văn học, 2003, tr.146 - 147).

PGS-TS NGUYỄN TÁ NHÍ*