Sau 1954, cách mạng miền Nam chìm vào khủng bố trắng với quốc sách chống Cộng của Mỹ - Diệm. Gần như hàng chục vạn đảng viên, hàng chục vạn đồng bào yêu nước bị giết, bị tù. Họ ngã xuống trước mũi súng, lưỡi lê của bạo lực mà không thể chống trả, vì sự ràng buộc của Hiệp định Genève. Nghị quyết 15 đã cởi trói cho chúng ta được cái quyền người bị giết phải vùng lên, nổ súng”. Mở đường, soi đường Trường Sơn từ Bắc vào Nam để đưa súng đạn, cán bộ, bộ đội vào Nam chiến đấu là một chủ trương chiến lược sống còn, và đồng chí Võ Bẩm được Trung ương, được Bác Hồ giao cho đứng đầu công việc ấy.
Từng hoạt động cách mạng từ thời trẻ tuổi, trước 1945, từng trải qua cuộc chiến tranh chống Pháp ở Liên khu 5 gian khổ và anh hùng, từng bị tù giam hãm ở Ban Mê, Ba Tơ... Võ Bẩm là một viên kim cương của cách mạng. Cuốn sách tái hiện cả cuộc đời chiến đấu ấy của ông. Qua cuốn sách, ta bắt gặp cả một Liên khu 5 trung dũng, đánh bại địch trong chiến dịch Atlante năm 1954 ở Tây Nguyên, diệt gọn cả trung đoàn cơ động của địch ở An Khê. Giải phóng cả một vùng rộng lớn ở Tây Nguyên, bảo vệ vùng tự do Nam - Ngãi - Bình - Phú suốt 9 năm, góp phần chi viện chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ta cũng bắt gặp ở đây những con người tuyệt vời, những người chói rạng cả một thời đại: Phạm Văn Đồng, Trần Lương, Nguyễn Chánh, Phạm Kiệt... bên cạnh Bác Hồ. Quảng Ngãi là vùng đất lạ lùng, nơi xuất hiện hàng loạt vị tướng tài.
Rất tiếc là chúng ta không có đủ nhân tài văn nghệ để làm những bộ phim, tiểu thuyết về thời ấy, trong đó có Thiếu tướng Võ Bẩm…
M.Q.L.
Đến đầu tháng 9 năm 1959, Đoàn công tác quân sự đặc biệt đã hoạt động được gần 5 tháng, với những thắng lợi bước đầu. Tuy vậy, trên thực tế mọi quyết định về việc thành lập đoàn, giao nhiệm vụ cho chúng tôi cũng chỉ được anh Nguyễn Văn Vịnh phổ biến trực tiếp. Căn cứ tình hình thực tế, ngày 21 tháng 9 năm 1959, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 46/QĐ-QP chính thức thành lập Đoàn 559 trực thuộc Bộ Quốc phòng; về Đảng, trực thuộc Tổng Quân ủy (sau là Quân ủy Trung ương). Nhiệm vụ của Đoàn 559 là: mở đường vận chuyển vật chất; đưa đón cán bộ, bộ đội từ miền Bắc vào miền Nam và từ Nam ra Bắc; vận chuyển bảo đảm vật chất cho Đoàn 959 (chuyên gia quân sự Việt Nam ở Trung - Hạ Lào).
Cùng với quyết định trên, tôi có quyết định được bổ nhiệm giữ chức Đoàn trưởng kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn 559. Anh Nguyễn Thạnh là Đoàn phó, Đảng ủy viên; anh Nguyễn Chương là Đảng ủy viên, phụ trách công tác bảo vệ.
Trường Sơn lúc này đã chớm vào mùa khô. Những trận mưa rừng thưa dần. Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, chúng tôi động viên các đơn vị dồn sức vận chuyển. Nhưng điều mà trước đây chúng tôi lo lắng, thì nay càng thấy bức xúc hơn. Ban chỉ huy Đoàn 301 đang cùng Trạm 5, Trạm 6 tìm cách tổ chức vượt đường 9 sao cho an toàn hơn.
Sau những chuyến dùng những mảnh ván nhỏ để theo đó mà vượt đường 9, anh em dùng một tấm vải ni lông rải qua đường, người mang vác hàng chạy qua trên tấm vải đó. Ai đi sau cùng có nhiệm vụ cuộn vải mang theo. Tuy vậy, lối vượt trên mặt đất cạnh đồn Rào Quán không đảm bảo an toàn. Chúng tôi tin sớm muộn kẻ địch sẽ phát hiện được.
Có dịp được làm việc với anh Lê Duẩn, tôi đã nêu điều mà chúng tôi băn khoăn, lo lắng. Thời gian này, anh Ba vừa ở chiến trường Nam Bộ ra Hà Nội. Thoạt nghe, anh Ba nói: Đúng là hoạt động theo kiểu du kích.
Rồi với kinh nghiệm hoạt động bí mật ở chiến trường Nam Bộ trong thời kỳ tối tăm, bi đát nhất (1956 - 1959), anh Ba gợi ý:
- Các đồng chí vào đó nghiên cứu xem có thể đào đường hầm xuyên qua đường số 9 được không?
Theo gợi ý của anh Ba, khi trở vào tuyến, tôi đã cùng anh em trinh sát Đoàn 301 trực tiếp nghiên cứu kỹ trên thực địa. Điều kiện địa hình cũng như địch tình cho thấy: việc đào đường hầm sẽ gây tiếng động lớn và đất đá không biết giấu vào đâu.
Tạm thời chưa thực hiện được giải pháp đào đường hầm, nhưng gợi ý của anh Ba đã giúp chúng tôi tìm được hướng “vượt khẩu” mới. Trước khi trở ra Hà Nội, tôi lưu ý anh em gắng tìm cho được một cống ngầm qua đường 9 ở khu vực này. Tôi nói với anh Thạnh: Địa hình ở đây lắm khe, nhiều suối. Khi thi công đường số 9 trước đây, chắc chắn người Pháp phải làm không ít cống ngầm, có điều chúng ta chưa tìm thấy mà thôi.
Chỉ mấy ngày sau, tôi được tin anh em đã tìm được chiếc cống ở khu vực Rào Quán, không xa lối vượt chúng tôi vẫn đi. Sau này, tôi đã nhiều lần chui qua cống ngầm này. Đường kính cống chừng một mét, người chui qua khá vất vả. Hai bên miệng cống cây cối um tùm. Thật là một điểm vượt lý tưởng. Chiếc cống này được chúng tôi sử dụng làm lối vượt đường số 9 cạnh đồn Rào Quán trong một thời gian khá dài mà kẻ địch không hay biết.
Tới cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 1959, từng đợt gió bấc đầu tiên thổi vào vùng giới tuyến, đem theo những trận mưa dầm. Hành quân mang nặng trên đường rừng, đường đèo những ngày mưa thật gian nan. Những ai từng trải cảnh đêm mưa, đường rừng, trên vai mang vác nặng... mới hiểu được những người lính Trường Sơn ngày ấy vất vả như thế nào!
Cuối năm - cao điểm mùa khô, địch tập trung đánh phá tuyến giao liên vận tải quân sự. Hệ thống chốt chặn của địch dọc đường số 9 từ làng Vây đi Lao Bảo lúc này được tăng cường, gồm bảy đồn. Địch còn cho bảo an, thám báo lùng sục suốt ngày đêm; cải trang thành người đi tìm trầm, phu đồn điền cao su, cà phê để phục bắt bộ đội. Cũng vì thế, điều phải xảy ra đã xảy ra với Đoàn 301. Một hôm, vào cuối tháng 10, vì mấy hôm liền trời mù đặc, chừng ba - bốn giờ chiều mà rừng đã nhuốm đen, mờ mịt. Ban chỉ huy Trạm 6 và Trạm 7 giao hàng sớm hơn thường lệ. Việc giao hàng nhanh gọn, trót lọt. Nhưng bất ngờ trung đội trinh sát của đồng chí Nguyễn Minh Thông đã đụng phải thám báo của địch tại một vị trí cách đường số 9 chừng 500 mét về phía bắc. Các chiến sĩ trinh sát buộc phải nổ súng chặn địch, bảo vệ cho anh em Đội 7 rút nhanh qua bờ nam sông Đăkrông, Đội 6 lùi ra phía ngoài an toàn. Thiếu úy Nguyễn Minh Thông, quê Nghi Lộc - Nghệ An, hy sinh anh dũng sau khi đã cùng đồng đội tiêu diệt bốn tên địch. Thượng sĩ Huỳnh Tương, quê Đại Lộc - Quảng Nam, bị thương và bị địch bắt.
.png)
Những đồng chí cùng hoạt động cách mạng với Thiếu tướng Võ Bẩm.
Từ trái qua: các anh Nguyễn Chánh, Phạm Kiệt, Trương Quang Giao, Bùi San; chị Phạm Thị Trinh và vợ anh Trương Quang Giao (ảnh chụp năm 1946)
Anh em Đội 6 và dân làng Cà Lư - một làng nằm dọc theo đường số 9, gần Rào Quán kể lại: Huỳnh Tương bị thương vào chân. Mấy tên lính ngụy xông vào bắt trói, đưa về Đông Hà - Quảng Trị. Vết thương và đòn roi của kẻ thù đã cướp đi vĩnh viễn người chiến sĩ trinh sát kiên cường của Đoàn 559.
Tổn thất đầu tiên của đoàn là khá nghiêm trọng. Chỉ vì một chút bị động, Đoàn 301 đã mất đi hai cán bộ trinh sát. Tuy vậy, gương chiến đấu hy sinh anh dũng của các anh - những người lính đầu tiên trên tuyến đường mang tên Bác là một dấu ấn không phai mờ trong tâm khảm của mỗi chúng tôi. Anh em Đội 7 đã tìm cách đưa được thi hài của đồng chí Nguyễn Minh Thông về chôn cất chu đáo.
Trong giao nhận hàng hóa giữa các đội với nhau, vì phải tiến hành ban đêm, chúng tôi quy định phải thực hiện “vai sang vai” để tránh bỏ quên. Nhưng trong một lần giao hàng giữa Đội 6 và Đội 7 đã bỏ quên một bó súng (hai khẩu) tại đồn điền cà phê Rô Mơ (Bà Rôm). Đồn điền này nằm giữa Rào Quán và Khe Sanh. Chủ đồn điền là một tay tư sản người Pháp, có vợ là người Việt. Tuy vậy, trong cái rủi cũng có cái may. Cai đồn điền là Cha Mồm - một cơ sở của ta, người Vân Kiều. Sau đêm bộ đội ta bỏ quên súng, tình cờ Cha Mồm cùng bà vợ chủ đồn điền đi thăm cà phê phát hiện được. Cha Mồm nhanh trí khuyên vợ chủ đồn điền không nên khai báo với lính đồn Rào Quán để chúng khỏi gây khó dễ. Vợ chủ đồn điền nghe theo. Sau đó, Cha Mồm bí mật báo cho Đội 7 tới lấy súng. Vụ việc trên được giải quyết êm thấm. Địch không có phản ứng gì. Tuy vậy, điều làm cho chúng tôi băn khoăn là sau gần một tháng sự việc trên xảy ra, anh Cha Mồm cũng không còn ở đồn điền Bà Rôm. Phải chăng vợ chồng chủ đồn điền sợ liên lụy đã thủ tiêu người thanh niên Vân Kiều mưu trí, khôn khéo này?
*
Vào một trưa tháng 5, chừng một giờ kém, đang chuẩn bị tới cơ quan, tôi nghe chuông điện thoại đổ dồn. Đồng chí trực ban ở cơ quan Bộ Quốc phòng báo tôi vào ngay cơ quan Quân ủy Trung ương có việc cần.
Bước vào phòng làm việc của Quân ủy, tôi sững sờ khi thấy Bác Hồ đang nói chuyện vui vẻ với anh Văn Tiến Dũng lúc đó là Thượng tướng - Tổng Tham mưu trưởng.
Sau một thoáng bình tâm lại, tôi đứng nghiêm chào Bác theo đúng điều lệnh. Bác đứng dậy, lại gần tôi và tươi cười nói:
- Chú Bẩm đã vào đấy à? Nghe nói chú vào Nam, ra Bắc như con thoi.
- Thưa Bác, vâng ạ! - tôi xúc động đáp.
Bác nắm chặt tay tôi, kéo lại ngồi cạnh chiếc bàn gần cửa và hỏi:
- Thế chú ở trong tuyến ra khi nào? Có được khỏe không? Ta vừa uống nước vừa nói chuyện.
Tôi chợt nhớ lại lời dặn của anh Tô năm xưa khi gặp Bác, bình tĩnh trả lời từng câu hỏi của Bác. Sau đó, Bác hỏi tiếp về công việc của Đoàn 559 đã làm được đến đâu? Anh em cán bộ, chiến sĩ trong đó sinh hoạt ra sao? Đồng bào các dân tộc trên Trường Sơn có đủ cơm ăn, áo mặc không? Quan hệ giữa anh em ta với bạn Lào như thế nào?...
Tôi báo cáo Bác tình hình sinh hoạt, sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559; mặc dù phải hoạt động cực nhọc, khó khăn, nguy hiểm, nhưng không một ai thoái thác nhiệm vụ, hết lòng, hết sức vì miền Nam. Tuy vậy những việc chúng tôi đã làm cũng chưa được là bao đối với yêu cầu của đồng bào, chiến sĩ ta trong đó.
Để Bác nắm được cụ thể công tác mở đường của đoàn, tôi phải sử dụng bản đồ quân sự. Tại phòng làm việc của Quân ủy có mấy tấm bản đồ cỡ lớn treo trên tường, khi cuộn vào hay giở ra phải dùng trục quay. Nếu tôi dùng bản treo tường, Bác sẽ phải đứng. Tôi bèn mở cặp, lấy tấm bản đồ cỡ nhỏ mang theo, trải lên bàn báo cáo chi tiết tình hình phát triển của tuyến cả đông và tây Trường Sơn, từng cung đường giao liên, những trục dùng cho xe đạp thồ và dự kiến dùng cho cơ giới; kết quả vận chuyển và bảo đảm giao liên hành quân; những thuận lợi lớn kể từ khi chuyển hướng sang tây Trường Sơn.
Nghe tôi báo cáo tới đó, Bác nhắc luôn:
- Các chủ phải tận dụng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển đường tây Trường Sơn, sắp tới phải đưa ô tô vào. Nhưng cũng phải chủ động phát triển đường đông Trường Sơn, có đường chính, đường dự bị và phòng khi tình hình ở Lào không thuận cho ta.
Tiếp đó, tôi báo cáo tình hình đồng bào các dân tộc vùng núi tây Trị - Thiên, dọc những trục đường chúng tôi vừa mở, đời sống của nhân dân vô cùng cơ cực. Nhưng tấm lòng của nhân dân với cách mạng, với Bộ đội Cụ Hồ thì trọn nghĩa, vẹn tình. Có bản làng người Vân Kiều ở miền tây Quảng Trị, nơi trục giao liên vận tải của Đoàn 559 chạy qua, từ cụ già đến cháu nhỏ đều tham gia cảnh giới, bảo vệ đường; thanh niên trai tráng vác hàng giúp bộ đội. Gặp lúc bộ đội thiếu đói, bà con gom góp thóc gạo, khoai sắn đem cho. Bộ đội không dám nhận, đồng bào nói: “Tao đói còn đi đào được củ rừng để ăn. Tụi mày làm cách mạng còn phải đi làm mãi. Củ, lúa chúng tao dành cho chúng mày ăn...”.
Nghe tôi kể tới đó, Bác quay mặt nhìn ra ngoài cửa sổ, như muốn giấu đi những giọt nước mắt không kìm giữ nổi. Cả hai bác cháu lặng đi trong giây lát. Sau đó, Bác bảo tôi:
- Các chú mở đường vận chuyển hàng vào miền Nam được như vậy là rất tốt. Quân và dân miền Nam rồi sẽ phải đánh lớn, cần nhiều người, nhiều vũ khí. Các chú cần phát huy kết quả làm được và phải khôn khéo hơn; nhanh chóng mở đường vào sâu tới Tây Nguyên, tới Nam Bộ. Sau đây, việc đầu tiên là chú về lập danh sách những anh em hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc để Quân ủy Trung ương và Bác khen thưởng. Đồng thời, chú tổ chức chuyển ngay cho đồng bào những nơi tuyến vận tải đi qua 30 tấn muối, 10 tấn vải.
Những ngày sau đó, tôi trực tiếp bàn bạc với các anh ở Ủy ban Thống nhất Trung ương, quyết thực hiện sớm lời Bác dặn. Xong việc, tôi vào ngay Quảng Bình. Nhân đang vào cao điểm mùa mưa, trừ lực lượng chốt giữ các cổng trạm, phần đông anh em lùi về tuyến sau, tôi triệu tập ngay hội nghị cán bộ toàn tuyến. Bộ đội vô cùng xúc động khi nghe tôi kể lại những điều căn dặn của Bác Hồ, tình cảm mà Bác dành cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn cũng như đồng bào Pa Kô, Vân Kiều... Tại hội nghị này, tôi cũng phổ biến nhiệm vụ của đoàn trong mùa khô tới; gợi ý một số vấn đề để anh em bàn bạc tìm giải pháp tối ưu, hạ quyết tâm thực hiện thắng lợi.
Lúc này Ủy ban Thống nhất Trung ương cũng đã chuyển vào cho chúng tôi số lượng muối, vải mà Bác Hồ dặn. Dù đang là mùa mưa, chúng tôi vẫn quyết tâm cho bộ đội chuyển ngay số hàng này vào để chính quyền các địa phương phân phát cho đồng bào.♦
Thiếu tướng VÕ BẨM