HV160 - Sứ mệnh nhà văn

Tôi vốn gốc gác con nhà nông, đã viết tiểu thuyết, bút ký, truyện ngắn về đề tài nông thôn. Tôi cũng viết bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết về đề tài công nghiệp.

Đến thực tế ở các nhà máy tôi thấy thoải mái, thân quen, như vào các làng quê, gặp từ công nhân đến kỹ sư, từ quản đốc đến giám đốc, tổng giám đốc cũng thấy thân mến dễ gần, cảm tưởng họ đều nhang nhác giống những ông hàng xóm nông dân của mình vậy.

Phải chăng vì họ vẫn giữ được bản sắc văn hóa của người Việt Nam vốn đi lên từ sản xuất nông nghiệp lúa nước.

Càng dễ gần, càng dễ vào sâu tìm hiểu kỹ từ cốt cách những con người công nghiệp ấy cho đến cung cách quản lý công nghiệp của họ bỗng lại giật mình thấy vẫn hao hao cung cách làm ăn của những anh nông dân quản lý mảnh ruộng khoán của họ vậy. (Xin lỗi nói thêm rằng, nông dân Việt Nam đã và đang chuyển từ nông nghiệp thâm canh sang nền nông nghiệp sinh thái với đầy những thuật ngữ, những khái niệm khoa học chứ không chỉ đơn giản như xưa có “Nước, phân, cần, giống”).

Công nhân, cán bộ ở nhà máy học cao hơn nông dân, cán bộ ở nông thôn nhiều là sự hiển nhiên. Có những xí nghiệp toàn bộ cán bộ quản lý từ tổ trưởng đến quản đốc, từ giám đốc đến tổng giám đốc đều tối thiểu có một bằng kỹ sư, thậm chí có nơi đòi hỏi đến hai ba bằng chuyên môn, một hai bằng ngoại ngữ, vi tính. Có thể họ quản lý rất giỏi, làm việc rất giỏi, sành ăn ngon, uống rượu tây tài, nhưng tôi vẫn đọc ra trong nếp nghĩ, trong cung cách ứng xử với nhau của họ vẫn đậm đà dấu ấn của anh nông dân sản xuất nhỏ. Phải chăng đây là sự cần báo động trước cho một nền công nghiệp bước vào thời kỳ hiện đại hóa đất nước. Bởi vì hiện đại hóa sẽ bị lực cản lớn do các tư tưởng vụ lợi, thói tản mạn tùy tiện cảm tính và những sự hẹp hòi, địa phương chủ nghĩa theo kiểu hương đảng nhà quê.

Nền kinh tế nước ta đã có nhiều năm ra khỏi cơ chế quan liêu bao cấp. Các doanh nghiệp trụ vững đến giờ coi như đã qua thử thách khắc nghiệt của cơ chế thị trường.

Thực chất về tình trạng của các nhà máy, các doanh nghiệp hiện giờ ra sao, với quan sát của mình tôi chia chúng ra làm ba loại:

- Loại một gồm những xí nghiệp ăn nên làm ra do nắm bắt đúng nhu cầu thị trường, linh động sáng tạo và quản lý tốt. Loại này chiếm tỷ lệ còn ít trong các nhà máy doanh nghiệp hiện nay.

- Loại hai gồm những xí nghiệp đứng vững do gặp may. Số nhà máy này sản xuất những mặt hàng “độc vị”, không có các thành phần kinh tế khác hoặc các xí nghiệp khác của Nhà nước cạnh tranh. Sản phẩm của họ vẫn được quyền phân phối theo kiểu bao cấp. Chẳng cần giám đốc có tài, loại nhà máy này vẫn sống.

- Loại thứ ba gồm những nhà máy, doanh nghiệp quốc doanh còn gặp rất nhiều khó khăn do trình độ và năng lực cán bộ có hạn. Hạn chế lớn nhất do tư tưởng nông dân sản xuất nhỏ còn sâu đậm trong đầu óc những cán bộ quản lý của những xí nghiệp ấy. Họ có mặt tốt là giàu tính thương người, không nỡ để nhà máy phá sản gây nên tình trạng công nhân mất việc làm. Tính cộng đồng cổ hủ thà “chết một đống hơn sống một người” còn nặng nề trong nếp nghĩ của họ.

Phần lớn các xí nghiệp loại này lình xình do có những cán bộ quản lý rụt rè làm ăn chắp vá tùy tiện “bấc đến đâu, dầu đến đấy” v.v… đặc tư tưởng nông dân sản xuất nhỏ rất xa với yêu cầu hiện đại hóa đất nước, chưa kể một số không ít cán bộ quản lý xí nghiệp ở đó còn nhiều tiêu cực không biết coi cái chung trên cái riêng.

Hiện nay chúng ta thừa nhận nhiều thành phần kinh tế đem đến bức tranh đa dạng và năng động cho nền kinh tế đất nước. Nhưng tôi nghĩ, kinh tế có phát triển vững chắc hay không, có đi chệch hướng hay không là tùy thuộc thái độ của chúng ta với các doanh nghiệp nhà nước. Đưa các doanh nghiệp nhà nước phát triển là công việc rất khó khăn, bức thiết, là tổng hợp nhiều biện pháp. Là nhà văn, tôi quan tâm đến những người công nhân, những cán bộ quản lý. Không có cái mới nào xảy ra mà lại không bắt đầu từ con người. Và người công nhân bây giờ gắn với hàng hóa, thị trường hơn trước. Và họ còn được phép cạnh tranh lành mạnh nữa. Để tồn tại và phát triển, cái tốt và cái xấu đấu tranh nhau rất gay gắt. Nhà văn sẽ không bị rối mù nếu biết nắm bắt chiều hướng chính của sự phát triển. Cách đây bốn năm có một doanh nghiệp đang ăn nên làm ra, nông dân của một huyện sống được phải nhờ vào sự hoạt động của doanh nghiệp đó. Ấy vậy mà mấy người có trách nhiệm định bán đứng doanh nghiệp ấy để được “ăn màu” đậm. Công nhân nhờ tôi lên tiếng giúp đỡ họa may họ còn có công ăn việc làm. Vì thương, vì nể họ mà tôi phải lao vào. Tôi phải viết một bài dài ca ngợi doanh nghiệp ấy. Ca ngợi cả những con người định bán đứng doanh nghiệp vì họ đã từng có công xây dựng ra nó. Cũng may nhờ vào dư luận rộng rãi của văn học, báo chí mà doanh nghiệp ấy tồn tại.

Tôi kể lại chuyện trên để thấy nhà văn muốn góp phần vào công nghiệp và hiện đại hóa cũng không phải là “ngon ăn” mà là vào trận hẳn hoi. Nhà văn là chiến sĩ trên mặt trận này.

Gần đây chúng ta chưa có những tác phẩm lớn về đề tài công nghiệp.

Những hình tượng điển hình sẽ là sự đóng góp tích cực cho công cuộc hiện đại hóa đất nước. Sự đóng góp có ý nghĩa lớn lao muôn đời. Đó là sứ mệnh cao cả của nhà văn ta hiện nay.♦


Vang vọng ốc u

ĐỖ THỊ THANH BÌNH

Tiếng ốc u vang giữa biển trời thê thiết

Tiếng ốc u giục giã bước chân người

Hoàng Sa đấy - đảo quê hương đất nước

Đi giữ quê hương chẳng tiếc thân người

Mỗi lần đi như là đi lần cuối

Bảy thanh tre, bảy chiếc lạt, một chiếu dài

Hành trang mang theo để đi cùng phút cuối

Khi sóng gió cuồng điên, bão tố dập vùi

Khi chiến đấu với kẻ thù xâm lược

Bảo vệ quê hương biển đảo, vùng trời

Từ xa xưa cha ông truyền lại

Tiếng ốc u là hiệu lệnh đời đời

Người lính Lý Sơn coi thường cái chết

Hào khí anh linh sáng mãi muôn đời

Tiếng ốc u mang hồn người lính biển

Vang vọng không gian, vang vọng đất trời!

Em về

VŨ QUANG NĂM

Ngõ nhỏ em về gầy năm cũ

Sông mòn thương lắm bóng đò quê

Chim non lạc tổ buồn tao tác

Nhị hồ ai nẩy, khúc chia ly

Buồn, vui nhung nhớ ngày vơi cạn

Lục bình trôi dạt bạc triền đê

Nhịp sống quay cuồng bao khác lạ

Cúc tần giậu vắng lạnh chiều mưa

Lòng quê sùi sụt giầu cau héo

Canh gà, chuông điểm, vọng dế khuya

Gói lại vầng trăng làm kỷ niệm

Chạnh lòng xa xứ nặng lòng quê.

NGUYỄN HỮU NHÀN