Tiến sĩ Sử học Phan Văn Hoàng sinh năm 1945 tại làng Nam Dương, Đà Nẵng. Ông tốt nghiệp Cử nhân khoa Pháp văn tại Đại học Sư phạm Huế, tham gia phong trào yêu nước cách mạng và bị tù. Vượt ngục, ông vào Nam Bộ hoạt động trong tổ chức tình báo cho đến ngày giải phóng miền Nam. Ông giảng dạy sử học tại Đại học Sư phạm TP.HCM, bảo vệ luận án Tiến sĩ Sử học dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Trần Văn Giàu.
Ông cộng tác với tạp chí Hồn Việt và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học từ 20 năm nay, viết bài, làm công trình, tận tụy hết lòng, mặc dù bị nhiễm bệnh sức yếu từ lâu.
Trước khi phẫu thuật ở Bệnh viện Tâm Đức, ông gởi e-mail cho chúng tôi:
“Tôi vào Bệnh viện Tim Tâm Đức mấy hôm nay. Lúc đầu định nong stent, nhưng bác sĩ bảo hệ tim mạch của tôi quá bết nên phải mổ tim (mổ hở) mới được. Sáng thứ hai tới sẽ làm ‘Tỉ Can’ để bác sĩ xem tim có đủ bảy ngăn (thất khiếu) như viết trong truyện Phong thần không. Chúc chư huynh chư tỉ sức khỏe và an lạc.
Tỉ Can thế kỷ XXI”
Bệnh viện Tâm Đức là một bệnh viện có tiếng. Tôi nghĩ rằng anh sẽ sớm thoát hiểm, liền gởi e-mail chúc lành anh, anh đáp lại: “Xin cảm ơn anh. Hẹn sớm gặp lại” nhưng chúng tôi đã không còn gặp lại, anh đã ra đi chiều ngày 21-6-2021.
*
Là một người giỏi tiếng Pháp (và biết cả tiếng Anh, tiếng Hán), TS Phan Văn Hoàng ngoài những tư liệu thông thường, còn đọc được nhiều tài liệu của các nhà nghiên cứu quốc tế về Việt Nam. Xem bất cứ bài viết nào, công trình nào của ông cũng thấy những chú giải tỉ mỉ thận trọng đúng yêu cầu của một công trình khoa học nghiêm túc. Đối với ông, tư liệu đúng là “không khí” của nhà nghiên cứu. Đi nghỉ với chúng tôi mấy ngày ở Mũi Né hay Bình Châu, ông suốt ngày đọc sách, hình như với ông không làm việc không chịu nổi.
Hiền lành, ăn nói nhẹ nhàng, nhưng Phan Văn Hoàng rất sắc sảo, tinh nhạy trong đánh giá khoa học, đánh giá các nhân vật lịch sử. Khi có một số người dao động, muốn sắp xếp lại lịch sử theo ý riêng, theo lợi ích nhóm, sắp lịch sử như một ván cờ mà ở đó mọi quân cờ đều ngang nhau, Phan Văn Hoàng đã có ý kiến với đầy đủ tư liệu về Hoàng Cao Khải, Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký... Đó không phải là “bảo thủ”, mà là công minh trước lịch sử và con người, sự việc của lịch sử. Lịch sử phức tạp, đan xen nhau nhưng rất rạch ròi. Máu bao chiến sĩ, bao người đã đổ không có chỗ cho sự thỏa hiệp sáng tối, công tội, dù nhân danh bất cứ nhãn hiệu giả mạo nào. Phan Văn Hoàng góp sức của mình cho đất nước, cho sự nghiệp chung, lặng lẽ, khiêm nhường.
Một tài năng của khoa học, một tia sáng ấm áp của tình cảm cách mạng, đã tắt. Vĩnh biệt Tiến sĩ Phan Văn Hoàng, anh ra đi giữa lúc Cách mạng và Đất nước cần biết bao nhiêu tâm huyết của anh.
Anh sẽ còn mãi trong tình thương yêu, trong thương nhớ của chúng tôi. Trong những ngày này, thành phố Hồ Chí Minh đang bị COVID-19 đe dọa, ngày đang lặng lẽ trôi trong im vắng, chúng tôi càng nhớ thương anh, tiếc xót cho một nhân tài của đất nước. Không dễ có một người như thế, một người đã tự đào tạo mình qua những thử thách hiểm nghèo. Có lần, chúng tôi đã nói với chị Hoàng rằng: hãy chăm sóc anh ấy cẩn thận, vì đấy là báu vật quốc gia.♦
.png)
HỒN VIỆT