Dựa vào cốt truyện và lấy tên nhân vật chính của một tác phẩm văn học kinh điển là Truyện Kiều để đặt tên phim là một sự “liều lĩnh” của đạo diễn. Phim tên là Kiều (kịch bản Phi Tiến Sơn, đạo diễn Mai Thu Huyền) nhưng nội dung không nói về cuộc đời Vương Thúy Kiều mà chỉ khai thác mối quan hệ tay ba giữa Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư như một cận cảnh.
Phim bắt đầu từ cảnh Kiều (Trình Mỹ Duyên đóng) bị bán vào lầu xanh với giá 400 lạng vàng. Kiều “được” Tú Bà dạy dỗ, bị ép tiếp khách. Xuất hiện một khách làng chơi là công tử Hiền Bá, dáng người thô kệch, tính hung hãn (Hiếu Hiền đóng), muốn Kiều nhưng nàng không chịu. Thúc Sinh mang tiền đến chuộc Kiều nhưng bị Hiền Bá cướp mất để làm sính lễ hỏi cưới Kiều. Trong đám cưới, Thúc Sinh đưa Kiều chạy trốn khỏi động của Tú Bà (cảnh Kiều chạy trốn giống như phim hành động). Thúc Sinh đưa nàng vào khu rừng hoang vu, sống với nhau trong một căn nhà sàn cô quạnh giữa núi rừng (mô típ “một túp lều tranh hai trái tim vàng”!). Hiền Bá cay cú, cho tay chân theo dõi (có hai cuộc tỉ thí võ nghệ của Thúc Sinh Với Hiền Bá và với bọn tay chân của gã). Rồi Hiền Bá mách với Hoạn Thư (Cao Thái Hà đóng) rằng Thúc Sinh có vợ bé. Đích thân Hoạn Thư lặn lội tới khu rừng để tận mắt nhìn thấy cảnh Thúc Sinh và Kiều ân ái trên bãi cỏ trước nhà (cảnh phim: Hoạn Thư một mình, đi bộ). Đến ngày Thúc Sinh phải về giỗ cha vợ, chàng đi kiếm đâu không biết và mang một cái túi vải thô về nói với Kiều rằng chuẩn bị thức ăn cho nàng trong lúc mình về nhà. Hoạn Bà (NSND Lê Khanh đóng) quyết không để cho chàng rể thân phận “chó chui gầm chạn” làm láo với con gái mình - một tiểu thư đài các. Bà ta cho người đến bắt Kiều về làm con ở, sai hầu hạ Hoạn Thư. Kiều phải làm những việc lao động tay chân vốn không quen... Kiều phải trồng hoa ở khu vườn nơi Hoạn Thư sẽ mở tiệc tẩy trần với Thúc Sinh. Trong bữa tiệc, Hoạn Thư gọi Kiều đến trước sự sửng sốt của Thúc Sinh và Kiều. Hoạn Thư bắt Kiều hầu rượu, hoạnh họe nét buồn của nàng, bắt nàng chơi đàn hầu Thúc Sinh (hình ảnh nàng Kiều và các phụ nữ phong kiến chơi đàn luôn gắn với cây đàn tì bà yểu điệu mềm mại. Trong phim này là đàn nguyệt. Việt Nam hóa?). Kiều khóc, Thúc Sinh cũng khóc, họ bị Hoạn Thư rỉa rói. Phim kết thúc ở cảnh tay ba ồn ào này, mỗi người “bắn” ra một góc. Đó là một cái kết không rõ ý đồ.
Trong phim có nhân vật hồn ma Đạm Tiên (Mai Thu Huyền đóng) về ba bốn lần, mấy lần đặt dao găm vào tay Kiều xui nàng hành động. Lần cuối cùng là lúc Kiều hầu rượu, ra ý xui Kiều giết Hoạn Thư những Kiều không đâm. Xem xong phim, tôi hỏi mấy khán giả trẻ rằng nếu không liên hệ gì với Truyện Kiều thì họ thấy phim này thế nào? Họ trả lời: không hay, không hoàn chỉnh. Nhưng đại đa số khán giả Việt Nam đều biết về Truyện Kiều, có người đã đọc, có người thuộc nhiều câu, hay vận dụng trong đời sống nên liên hệ đến nguyên tác là chuyện tự nhiên. Chưa kể trước khi chiếu, râm ran trên các phương tiện thông tin đại chúng là những tin, những bài viết về phim Kiều. Đạo diễn Mai Thu Huyền đã từng tuyên bố “ấp ủ giấc mơ làm phim Kiều nhằm tri ân Nguyễn Du nhân kỷ niệm 200 năm Ngày mất của đại thi hào”, rằng sẽ “giữ nguyên tinh thần tác phẩm nhưng bổ sung một số yếu tố mới để phù hợp với khán giả ngày nay”. Nhưng rồi phim chẳng ra cổ, không ra kim. Và những sự thêm thắt, thay đổi của phim khiến khán giả không dễ chấp nhận. Nhân vật Kiều là trung tâm thì diễn viên diễn không biểu cảm, mà Kiều từ đầu đến cuối truyện, và ngay cả ở phim này, luôn có tâm trạng. Một vài cảnh khóc biểu hiện sự đau buồn uất ức thì chưa đủ thể hiện nội tâm của Kiều. Không thể tận dụng cách diễn khóc không ra nước mắt, chỉ bằng cặp mắt khô hoặc chuyển động cơ trên khuôn mặt cùng sự hỗ trợ của ngôn ngữ điện ảnh. Khán giả mong đợi sự thể hiện nội tâm sao cho khán giả se lòng.
Ở phim này, Thúc Sinh văn võ toàn tài, thơ văn cũng thạo mà võ nghệ lại cao cường. Chàng Thúc đấu võ tả xung hữu đột để bảo vệ Kiều. Nhưng võ nghệ không làm cho con người này cứng rắn hơn mà vẫn tỏ ra bạc nhược, cam chịu trước cảnh Hoạn Thư hành hạ tinh thần Thúy Kiều (khóc mà không phản kháng). Chỉ khóc mà không có cảnh diễn tả bằng mắt, cơ mặt (diễn viên Lê Huy Anh được tập luyện võ thuật với đạo diễn hành động Nguyễn Anh Tuấn).
Hoạn Thư được xây dựng sắc sảo hơn, Cao Thái Hà diễn xuất cũng tốt hơn, thể hiện tâm lý của người vợ bị phụ bạc, hành hạ tinh thần Thúy Kiều để hành hạ Thúc Sinh cho hả giận. Khai thác tâm trạng của Hoạn Thư trong phim này được xem là nét sáng tạo nhưng chưa đủ sức nặng để tải nội dung một bộ phim mang nhan đề Kiều. Với quán tính, nghĩ đến Hoạn Thư trong nguyên tác thì thấy Hoạn Thư ở đây có phần xa lạ. Cô tiểu thư đài các này tự mình đi bộ tìm đến túp lều của Thúc Sinh và Thúy Kiều để tận mắt nhìn thấy hai người âu yếm nhau. Đoạn hay của Hoạn Thư trong truyện là ở lúc Kiều báo ân báo oán, cô ta tự cãi cho mình, rằng chuyện ghen tuông cũng là chuyện người ta thường tình, rằng khi Kiều đi trốn trộm đồ thờ quý giá của nhà mình mà không đuổi theo, không truy xét... đó là cái tâm của Hoạn Thư thì không có trong phim. Phim Kiều như vậy là chưa có sự cảm thông đầy đủ với Hoạn Thư.
Trong phim, khách làng chơi là công tử Hiền Bá xuất hiện được hiểu là để tạo không khí thanh lâu và như kẻ đối trọng với Thúc Sinh, tạo nên đoạn xung đột gay cấn.
Nhân vật được chú ý nhiều hơn là hồn ma của Đạm Tiên hiện hình ba bốn lần những lúc Kiều gặp khó. Đạm Tiên có mấy lần đặt dao găm vào tay Kiều giục đâm, lần cuối cùng là trong bữa tiệc của Hoạn Thư, nhưng Kiều không nghe. Có thể biên kịch và đạo diễn quan niệm Đạm Tiên tính ác (ví dụ phê phán việc Đạm Tiên “xui Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường”!) nên xây dựng hình ảnh Đạm Tiên vừa gồ ghề về ngoại hình, vừa dữ dằn về tính cách (ngoại hình phù hợp với tính cách). Nhưng trong quan niệm của người đời, Đạm Tiên là số mệnh mỏng manh bạc phận, như một kiểu người tiên tri báo cho Kiều biết những đoạn trường nàng sẽ phải trải qua, về kết thúc của đời nàng là “phận mỏng phúc dày”. Nguyễn Du tả Đạm Tiên thoắt ẩn thoắt hiện, lần đầu ở cạnh ngôi mộ là: “Phút đâu ngọn gió cuốn cờ đến ngay/ Ào ào đổ lộc rung cây/ Ở trong dường có hương bay ít nhiều/ Đè chừng ngọn gió lần theo/ Dấu giày từng bước in rêu rành rành”. Rồi Đạm Tiên hiện về trong lúc Kiều thiu thiu ngủ: “Thoắt đâu thấy một tiểu kiều/ Có nhiều phong vận có chiều thanh tân/ Sương in mặt tuyết pha thâu/ Sen vàng lãng đãng như gần như xa”. Đạm Tiên báo mộng cho Kiều biết nàng có tên trong sổ đoạn trường, bảo nàng ứng tác mười khúc ngâm đem đi. Lần sau cùng Đạm Tiên xuất hiện khi Kiều vừa gieo mình xuống sông Tiền Đường và đang còn thiêm thiếp, bảo nàng: “Đoạn trường sổ rút tên ra/ Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhanh” và báo cho Kiều: “Còn nhiều hưởng thụ về sau/ Duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào...”. Theo những hình ảnh được gợi ra này, nếu phim xây dựng được hồn Đạm Tiên là một phụ nữ mảnh mai, là bạn tâm linh của Thúy Kiều, là người an ủi Kiều trong những nỗi khốn khó, cảm thông với Kiều thì hợp lý hơn và dễ được khán giả chấp nhận hơn.
Với dụng ý “làm mới cho phù hợp với khán giả trẻ ngày nay”, phim đã có những cảnh không giống Truyện Kiều. Mấy cảnh nóng (Thúy Kiều và Thúc Sinh làm tình giữa rừng, Hoạn Thư làm tình với Thúc Sinh cho Thúy Kiều phải nhìn), vài cảnh đánh võ mùi mẫn giữa Hiền Bá công tử và tay chân của người này với Thúc Sinh khiến một nhà báo phải thốt lên là: chập cả Từ Hải vào Thúc Sinh.
Phim có cảnh khi Thúc Sinh đưa Kiều đi trốn khỏi nhà Tú Bà đã ở với nàng trong một ngôi nhà sàn đơn sơ giữa núi rừng hoang vu, thật là thơ mộng và lãng mạn. Nhưng không đúng với hoàn cảnh của Thúc Sinh (lại liên hệ với nguyên tác)! Thúc Sinh là nhà buôn giàu có, “quen thói bốc rời”, “trăm nghìn đổ một trận cười như không”, lại là rể của nhà quyền quý, sẽ phải lo cho Kiều một cuộc sống xứng đáng, khác với cảnh anh ta xách đâu một túi vải nói với Kiều để nàng dùng lúc anh ta về giỗ cha vợ, cứ như một anh chàng nông dân thực thụ.
Thực ra trong Truyện Kiều, những vấn đề Nguyễn Du đặt ra không hề lạc lõng với thời hiện tại, ví dụ chuyện báo hiếu, chuyện buôn người, cảnh ghen tuông, chuyện người anh hùng lãnh đạo những người nông dân chống áp bức... Nếu khéo khai thác thì tính đương đại của tác phẩm sẽ ngồn ngộn trong phim. Liên hệ, gần đây có vở rối cạn Thân phận nàng Kiều của Nhà hát múa rối Việt Nam, đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng dàn dựng. Với tiêu đề “thân phận”, vở diễn không nói về cả cuộc đời với cuộc gặp gỡ ban đầu và buổi tái hợp Kim Trọng. Nhân vật thằng bán tơ đi về suốt vở vì nó là kẻ gây nghiệp chướng cho Kiều. Những cái mốc chính của cuộc đời Kiều, những con người tác động đến cuộc sống của Kiều đều xuất hiện như Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà, Từ Hải... Vở rối cạn Thân phận nàng Kiều với sự sáng tạo ngôn ngữ múa rối và về dàn dựng, với sự chọn lọc chi tiết, nhân vật xác đáng nên được sự hoan nghênh của giới chuyên môn và khán giả.
Mai Thu Huyền, trong khi chọn một tác phẩm kinh điển lại lấy đó để thực hiện một bộ phim mang tính thị trường. Bởi thế phim Kiều không ra dạng phim gì; cũng có thể xem đây là một cuộc phiêu lưu của Mai Thu Huyền khi chọn một tác phẩm văn học kinh điển để làm phim đạo diễn đầu tay. Thiết nghĩ, đạo diễn dù ấp ủ mười năm hoặc có lâu hơn nữa thì cũng không thay đổi được gì khi đã chọn lệch hướng. Tôi vẫn chưa thể cảm thông được với những người cứ nhân danh vì khán giả trẻ (cả trong âm nhạc) mà làm méo mó những tác phẩm kinh điển, có giá trị bền vững như Truyện Kiều. Giá trị đương đại của Truyện Kiều, như trên đã viết, không hề cũ để phải làm mới; chỉ cần khai thác tốt đã hay, đã gần gũi với khán giả trẻ rồi. Tại sao không làm cho tốt, làm cho hay những giá trị đã được khẳng định đó để giúp khán giả trẻ hiểu, yêu được tác phẩm hay. Cũng không hiểu tại sao những người “làm mới” này quá tự tin khi nghĩ rằng tác động của mình sẽ làm cho tác phẩm hay hơn?
Cách mà phim Kiều thể hiện, theo ý đồ của đạo diễn, thì phim này không nên đặt tên là Kiều. Có lẽ chỉ nên đặt là Khúc phóng tác Truyện Kiều hoặc Ngẫu hứng Kiều, đại loại như vậy, thì khán giả sẽ bớt tâm lý so sánh với nguyên tác của Nguyễn Du.♦
* Trường hợp phim Kiều của đạo diễn - nhà sản xuất Mai Thu Huyền, 2021
NGUYỄN THỊ NAM