HV161 - Chức năng “thanh lọc” và vấn đề “hiện thực” trong văn nghệ - nhìn từ vấn đề “hiện thực” trong văn nghệ - nhìn từ hiện tượng văn học mạng

TS HUỲNH VŨ LAM*

“Văn chương giúp ta trải nghiệm cuộc sống ở những tầng mức và những chiều sâu đáng kinh ngạc. Nó giúp con người sống “ra người” hơn, sống tốt hơn, nếu ta biết tìm trong mỗi quyển sách những vệt sáng, những nguồn sáng soi rọi vào những góc khuất của cuộc đời và của con người”(1).

Tuy nhiên thực tế mà nói, tác phẩm văn học hiện nay được sáng tác và tiếp nhận trong một môi trường vừa đa dạng vừa phức tạp. Đa dạng trong phương cách sáng tác và phức tạp trong quan niệm về một số vấn đề có tính lý luận. Trong thế giới phẳng của mạng Internet, ai cũng có thể viết văn, ai cũng có thể là dịch giả, ai cũng có thể là “nhà xuất bản” tư nhân. Chỉ cần một chiếc máy tính xách tay kết nối mạng và một tài khoản mạng xã hội miễn phí, người ta có thể tham gia vào rất nhiều cộng đồng văn học mạng và có thể viết bất cứ vấn đề nào, đọc bất cứ thể loại nào và phê bình bất cứ tác phẩm nào mà không chịu sự chi phối nào từ kiểm duyệt và biên tập, miễn là không phạm luật an ninh mạng và điều kiện của nhà mạng. Về mặt lý luận, đã có sự thay đổi đáng kể trong việc giải thích một vài khái niệm quan trọng. Chẳng hạn khái niệm hiện thực, bấy lâu nay, đặc biệt là các nhà nghiên cứu mác xít, xem là những gì đang diễn ra trước mắt hoặc đã diễn ra trong lịch sử mà chúng ta được chứng kiến hoặc ghi lại, hiện thực phải nằm trong sự vận động của đời sống. Tuy vậy trong xu thế hiện tại, hiện thực không chỉ là những gì tai nghe mắt thấy, những gì đã được chứng kiến, những gì đã được tham gia mà còn là những gì chúng ta chưa thấy, chưa được chứng kiến và chưa được tham gia; thậm chí đó là những gì không thể thấy, không thể chứng kiến và cũng không thể tham gia nhưng được miêu tả trong tác phẩm văn học. Hiện thực còn là những gì chúng ta muốn cấu tứ, tổ chức lại sự kiện đời sống nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Vì vậy hiện thực trong văn học giờ đây không còn là thế giới không gian vật lý ba chiều mà là những thế giới đa chiều, đa không gian.

Minh chứng cho sự thay đổi vừa nêu là việc hình thành và phát triển các thể loại văn học mạng. Chỉ cần gõ từ khóa “Thể loại văn học” trên Wikipedia, chúng ta sẽ được dẫn đến trang chứa thông tin này, gồm 36 thể loại văn học (so với khoảng 10 thể loại văn học trong lý luận truyền thống). Trong đó có những thể loại rất mới như: đối thoại, giật gân, hành động viễn tưởng, hồi ký, kỳ ảo, cương thi, xuyên không, thơ tuồng, văn học điện tử, văn học mạng. Hoặc vào bất cứ một trang dành riêng cho thể loại truyện nào, chúng ta cũng sẽ thấy rất nhiều thể loại mới, chủ yếu có nguồn gốc từ văn học mạng Trung Quốc, như: tiên hiệp, kiếm hiệp, ngôn tình, đô thị, quan trường, võng du, khoa huyễn, hệ thống, huyền huyễn, dị giới, dị năng, quân sự, lịch sử, xuyên không, xuyên nhanh, trọng sinh, trinh thám, thám hiểm, kinh dị, ngược sủng, cung đấu, nữ cường, gia đấu, đông phương, đam mỹ, bách hợp, hài hước, điền văn, cổ đại, mạt thế...

Cách định nghĩa thể loại cũng rất đơn giản nhưng không dễ hiểu. Chẳng hạn, thể loại võng du được định nghĩa là: “thể loại truyện thuộc dạng khoa học viễn tưởng, lấy bối cảnh thường là các game online trên mạng với công nghệ cao, hình ảnh chất lượng cao, kỹ xảo đồ sộ, mức chân thật cao, kỳ ảo, và tác giả của thể loại này thường rất giàu trí tưởng tượng”(2). Hay loại điền văn được miêu tả là: “chủng điền văn là thể loại truyện cho những bạn thích những câu chuyện nhẹ nhàng, đơn giản. Truyện điền văn kể về cuộc sống điền viên, chăm sóc nhà cửa, lo toan cuộc sống sự nghiệp cũng như đời sống tình cảm của nhân vật chính. Truyện thể loại này thường ngọt ngào, không có cao trào, nút thắt, tranh đấu, tuy nhiên vẫn có một số ngoại lệ”. Tiếp tục, nếu ta chọn một tác phẩm thuộc loại võng du, Ánh trăng hôn lấy vì sao(3), ta sẽ gặp đoạn giới thiệu như thế này:

1. Châu Diễn Chiếu là một người nổi tiếng, có vô số fan hâm mộ. Lần gặp đầu tiên giữa Thẩm Tri Sơ và Châu Diễn Chiếu chính là lúc cô xếp hàng, trang phụ chỉ ở level 3, không biết thao tác thế nào mà trượt tay, tự nhảy xe, ngã chết.

Châu Diễn Chiếu... (lặng lẽ nhặt túi đồ)

Lần thứ hai, cũng là khi Thẩm Tri Sơ xếp hàng đến chỗ Châu Diễn Chiếu, cô mang một bọc thuốc và đạn. Không hiểu sao lại đi sai, lại ngã chết.

Thẩm Tri Sơ: “Nhặt tôi đi, nhặt tôi đi, nhặt tôi đi!”

Châu Diễn Chiếu dứt khoát nhặt chiếc dù.

Thẩm Tri Sơ bóp tay: “Nhặt tôi hơn nhặt dù chứ”.

Vừa nói xong, Châu Diễn Chiếu dùng AWM diệt cả đội của người vừa nhặt box của cô.

Giọng nói trong trẻo rõ ràng vọng ra từ tai nghe:

“Tôi muốn cả em và dù”.

2. Châu Diễn Chiếu là leader LUM hiển hách, dẫn dắt đội giành được chức vô địch đấu giao hữu PUBG toàn cầu nhờ vào điểm tích lũy cao nhất, thu hút vô số fan nữ.

Mày mảnh mắt sáng, khôi ngô phong độ, trầm mặc ít nói, thực lực xuất chúng, hoàn toàn xứng đáng là nam thần số một làng Esports.

Giữa lúc người hâm mộ còn đang bàn tán rộn ràng, Châu Diễn Chiếu lẳng lặng đăng một trạng thái Weibo:

“Đã kết hôn @Tri Sơ tiểu tỷ tỷ”

Từ khi gặp em, trăng sao mặt trời, ba bữa bốn mùa đều là em”.

Chúng tôi trích dẫn hơi dài để chứng minh một điều: Dù chỉ là đoạn giới thiệu, nhưng văn học mạng đã mang lại nhiều điều rất mới, phá vỡ các hệ thống giá trị trước đây. Chỉ nói về không gian hiện thực, chúng ta thấy đó là không gian trên game, không phải đời thực, các phương diện đời sống và sự tương tác diễn ra rất khác biệt. Có thể rất nhiều người sẽ cảm thấy sốc hoặc khó hiểu hoặc đặt ra câu hỏi là vì sao các tác phẩm kiểu ấy tồn tại và ai cho phép nó tồn tại. Ngược lại, đối với thế hệ trẻ, tuổi teen, thì những tác phẩm kiểu như vậy rất phổ biến và thậm chí trở thành một trào lưu trong nhiều nhóm người cùng lứa tuổi.

Vì vậy vấn đề đặt ra là: Ai cho phép những tác phẩm này tồn tại? Nó tồn tại vì cái gì? và giá trị của nó mang lại là gì? Câu trả lời cho câu hỏi này thật sự không đơn giản và cho đến nay thì cũng có rất nhiều định chế quản lý văn học đã bàn, đã trao đổi nhưng vẫn chưa có những kết luận cụ thể và rõ ràng. Nguyên nhân chính là vì văn học mạng nói riêng và văn học trong thời đại Internet nói chung có một định chế trong việc xuất bản rất khác biệt so với trước đây, đó là mỗi tác giả có quyền xuất bản tác phẩm của mình lên cộng đồng mạng mà không phải chịu bất cứ sự giám sát hay là kiểm duyệt nào của nhà xuất bản. Độc giả chính là những người kiểm duyệt gắt gao nhất và đại chúng nhất. Một tác phẩm ra đời có thể chết ngay tức khắc và không ai xem, có thể có một số người xem và người ta quên sau một vài tuần nào đó, nhưng cũng có những tác phẩm trở thành một trào lưu, một hiện tượng và người ta đua nhau đọc, đua nhau giới thiệu, đua nhau chia sẻ trên các trang cá nhân. Thậm chí được dựng thành phim. Thể loại phim tiên hiệp trên YouTube hiện rất “nóng” khi lượt view (xem) và like (ủng hộ) khá nhiều.

Tuy vậy vấn đề đặt ra cho những người có trách nhiệm quản lý văn hóa văn nghệ là: đọc những tác phẩm đó, con người được thanh lọc điều gì? Những thế giới mộng ảo đó có giúp chúng ta, hay con cháu chúng ta, sống mạnh mẽ chân chất và yêu cuộc sống hơn hay không? Những giá trị chân - thiện - mỹ nào đã được chuyển hóa vào tâm hồn con người? Đó là những câu hỏi đặt ra vô cùng cấp bách. Cấp bách là vì sự ảnh hưởng của văn học sẽ lan tỏa cả một thế hệ, nếu không làm từ bây giờ thì sẽ không có thời gian để sửa chữa. Vì vậy, cần có một quan niệm thật lâu dài cho vấn đề xem xét các giá trị văn học mạng, trong đó có yếu tố thanh lọc đời sống tâm hồn con người. Trong góc nhìn hạn hẹp chúng tôi đề xuất 3 quan điểm sau đây:

Một là, cần nhìn nhận các thể loại và sự phát triển của văn học như một hiện tượng bình thường và phải diễn ra trong thời đại toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các cơ quan lý luận phê bình cần chủ động đón nhận các hiện tượng này bằng cách đề xuất và cử người quan tâm nghiên cứu, tổ chức các hội thảo, các diễn đàn văn học. Do đặc trưng của mạng Internet, các diễn đàn là nơi thuận lợi để nắm thông tin và định hướng dư luận, cần khai thác triệt để các yếu tố này, cùng với mạng xã hội. Trong đó, cần nêu vấn đề làm rõ chức năng thanh lọc của tác phẩm văn học.

Hai là, tiến hành đặt hàng, định hướng cho các trường đại học, viện nghiên cứu và giảng dạy các vấn đề mới về xu thế văn học hiện đại thế giới nhằm tạo nền tảng vững chắc cho những người làm công tác văn học nghệ thuật sau này khi ứng phó với sự phát triển của thực tiễn văn học mạng. Có thể mỗi năm các giải thưởng của phê bình lý luận cần đặt ra tiêu chí riêng cho các tác phẩm văn học mạng, bình chọn và trao giải cho các cộng đồng mạng hoạt động có giá trị thanh lọc và nâng cao đời sống tâm hồn của người đọc.

Ba là, có biện pháp phê phán, đấu tranh với những tác phẩm hoặc thể loại có nguy cơ ru ngủ, mê hoặc hay cài cắm những tư tưởng cực đoan, thoát tục, xa rời cuộc sống hiện thực; cổ xúy cho lối sống bi quan, yếm thế. Những tư tưởng này có tính chất cảm tính, dễ dao động, là miếng mồi ngon cho các thế lực thù địch lôi kéo, xâu xé tinh thần thanh niên. Văn học mạng không là vũ khí đấu tranh trực diện nhưng là mảnh đất màu mỡ cho việc vun trồng các mầm mống lệch lạc làm băng hoại nhân cách con người. Trong đó, phần lớn tác phẩm văn học mạng hiện nay (chủ yếu là tiểu thuyết) được dịch từ Trung Quốc, điều này cần có những dịch giả am hiểu và tham gia dịch thuật để định hướng dư luận.

C. Caudwell viết: “Nghệ thuật có thể thay đổi thế giới cảm xúc, tức là thế giới hiện thực bên trong, còn khoa học thay đổi thế giới của các hiện tượng, tức là thế giới hiện thực bên ngoài”. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể thay đổi thế giới bên ngoài, còn văn học mạng lại có khả năng thay đổi thế giới bên trong con người. Khi văn học mất dần đi hoặc dẹp bỏ chức năng thanh lọc tâm hồn, nó cũng sẽ kéo nhân loại đi thụt lùi về tư tưởng, đạo đức và nhân cách. Vì vậy cần có những thay đổi ngay hôm nay.♦

_____

* Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng (HV)

(1) Theo “Nhà văn nói về môn Văn” - Văn học và tuổi trẻ - NXB Giáo dục, 2015.

(2) https://truyenfull.vn/the-loai/vong-du/ truy cập ngày 24-11-2020.

(3) https://truyenfull.vn/anh-trang-hon-lay-vi-sao/ truy cập ngày 24-11-2020.

TS HUỲNH VŨ LAM*