HV161 - Chiếc lá bồ đề và chùm hoa dẻ

♦ PHAN QUANG

Mùa thu năm ấy tôi cùng đoàn nhà báo Việt Nam sang thăm Lào theo lời mời của bạn. Chúng tôi được đón tiếp thân tình, cho dự một lễ hội rồi đi thăm nhiều thắng cảnh.

Một chiều bạn đưa chúng tôi đến viếng một ngôi chùa xây bên bờ sông Mekong, trên sườn một ngọn núi, nghe nói trên đỉnh núi có một tòa tháp cổ di sản văn hóa Lào. Tôi đau chân ngại leo dốc dù con đường dẫn lên tháp có xây những bậc cấp bằng đá. Trong khi các bạn trong đoàn háo hức leo núi ghi hình, tôi ngồi một mình trên chiếc ghế đá đặt dưới tán lá sum suê cây bồ đề khá nhiều năm tuổi, nhìn ra con sông đã vơi bớt dòng nước xanh, trầm ngâm trong ánh chiều tà về thế sự đổi thay. Chờ lâu sốt ruột, tôi mở cuốn sách trong chiếc túi đeo bên mình đọc cho đỡ buồn. Đấy là tác phẩm mới của nhà văn Gabriel Marquez, mới có bản dịch tiếng Pháp, tôi mua được nhân một chuyến sang châu Âu tháng trước.


Nhà văn Gabriel Marquez (ảnh in ở bìa cuốn sách Nhật ký một cuộc bắt cóc)

Cảnh quan tĩnh mịch. Ngôi chùa được kiều bào ta sinh sống lâu năm tại nước bạn xây theo phong cách kiến trúc cổ truyền với những bức tượng Phật từ bi thân kính của người Việt tôn thờ Phật giáo Bắc tông, dáng dấp có hơi khác chùa tháp và tượng Phật ở nước bạn nơi theo Phật giáo Nam tông. Cảnh vật thân thiết gợi tôi hoài tưởng ngôi chùa làng quê xưa qua mấy cuộc chiến tranh nay không còn dấu vết, dựng trên một gò đất cao giữa bát ngát đồng lúa phì nhiêu, cạnh con đường thiên lý từ Nam ra Bắc nay là quốc lộ 1A.

Hồi còn bé, vừa qua mấy tháng vỡ lòng, tôi được cha mẹ cho ra trường tỉnh học tiểu học. Tôi thường đi ngang qua trước ngôi chùa ấy. Gần chùa có một dải cây xanh có nhiều chùm hoa dẻ tỏa hương ngan ngát, đặc biệt vào sáng sớm khi sương đêm kịp chưa tan dưới ánh mặt trời. Mùi hương cuốn hút, dù vội đến trường cho kịp giờ vào lớp tôi vẫn không nén được lòng ham, chạy ù xuống bứt mấy chùm hoa nhét vào cái cặp nhỏ lộn xộn sách vở bút mực cùng nắm xôi hoặc củ khoai lang, khoai sọ. Xôi hay khoai lúc nào cũng chén hết trước khi tới cổng trường, trong khi các chùm hoa thơm lại bỏ quên trong cặp. Đến cuối học kỳ, lục soạn mớ sách vở nay không còn dùng tới nữa tôi chợt nhận ra khá nhiều chùm hoa khô đét từ màu vàng tươi đã chuyển sang nâu chẳng rõ từ bao giờ, vậy mà vẫn thoang thoáng lưu giữ hương quê.

Tôi đang trầm ngâm nhớ hoa dẻ quê hương, chợt một làn gió từ mặt sông Mekong thổi mạnh vào bờ. Các cành lá cây bồ đề mềm mại đu đưa, mấy chiếc lá vàng rụng bay lâng lâng trước khi sà xuống đất. Một chiếc lá bồ đề nhẹ nhàng đỗ xuống mặt chiếc ghế đá cạnh chỗ tôi ngồi. Tôi cầm chiếc lá vàng lên ngắm nghía, vừa lúc nghe tiếng cười nói của mấy người bạn đang tới gần. Kẹp vội chiếc lá vào giữa hai trang sách đọc dở, tôi đứng lên hòa nhập vào đoàn.

Vài chục năm sau, một lần có mấy người bạn đến nhà thăm bác đồng nghiệp già. Sôi nổi bàn luận chuyện đời, chuyện nghề. Có ai đó nhắc tới nhà văn Gabriel Marquez, tác giả cuốn tiểu thuyết hiện thực hư ảo Trăm năm cô đơn được trao Giải thưởng Văn học Nobel năm 1982. Gabriel xuất thân nhà báo, từng làm phóng viên mấy tờ báo lớn rời châu Mỹ sang thường trú nhiều năm tại Paris trước khi trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Về cuối đời, đạt đỉnh tới vinh quang, dường như do tưởng nhớ nghề cũ ông nhận lời viết tác phẩm Nhật ký một cuộc bắt cóc. Nhân vật chính là một nhà báo nữ có thật trên đời, chủ nhiệm một tờ báo kiên trì chống mafia tại nước Colombia. Một chiều, chiếc xe con chở bà cùng cô thư ký riêng rời tòa báo trở về nhà thì bị bọn mafia chặn bắt. Anh lái xe bị chúng bắn chết tại chỗ. Hai người đàn bà bị hai tên vũ phu tóm chặt, nhét mỗi người nhét lên một chiếc xe đưa về giam cách biệt.


Cuốn sách Nhật ký một cuộc bắt cóc của G. Marquez

Sách không ghi thể loại lên mặt bìa, bên dưới tên tác phẩm như thông lệ, chắc hàm ý ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Tác phẩm gồm 11 chương cùng một khúc vĩ thanh, độ dài các chương xấp xỉ như nhau. Các chương mang số lẻ đậm chất văn học, mô tả tâm trạng người đàn bà đứng tuổi những ngày căng thẳng trong nhà giam dưới con mắt xoi mói của mấy tên gác trại, những chàng trai mặt còn non choẹt như con trai bà, họ cũng vừa bị bọn mafia bắt và ép làm bộ hạ của chúng. Các chương mang số chẵn bàn về diễn biến thời cuộc, khung cảnh chính trị châu Mỹ La tinh cùng các cuộc vận động ở hậu trường nhằm tìm cách giải thoát nhà báo nữ. Khúc vĩ thanh hòa quyện báo chí với văn chương, cuối cùng kết thúc bằng một tình tiết mượt mà như trong tiểu thuyết diễm tình.

Sau khi rời khỏi nơi bị giam cầm trong sáu tháng, nhà báo nữ về nhà nghỉ ngơi lấy lại sức. Một buổi sáng, hai vợ chồng đang dùng bữa điểm tâm thì có tiếng chuông gọi cửa. Nhà vắng người, ông chồng đích thân ra mở. Một chàng trai trân trọng trao cho ông hộp quà được đóng gói sang trọng, thắt bằng dải lụa kết dạng bông hoa từa tựa quà mừng sinh nhật. Ông chưa kịp hỏi, người giao hàng đã quay lưng bước vội xuống cầu thang. Nghĩ đến một quả bom có thể giấu bên trong, ông mang sang một phòng xa nơi ăn sáng, thận trọng mở gói quà. Hóa ra bọn mafia sai người mang trả lại bà chủ chiếc nhẫn cưới có gắn viên kim cương quý bị quân của chúng chiếm đoạt hôm bắt cóc bà. Nhà báo nữ đeo luôn vào tay và vui mừng nhận ra chiếc nhẫn khớp vừa vặn ngón tay mình, chứng tỏ sau mấy ngày nghỉ ngơi thoải mái tại gia đình bà đã lại sức…


Gabriel Marquez (ký họa của báo Le Monde)

Nhật báo Pháp Le Monde số ra ngày thứ sáu 21-3-1997 tường thuật buổi ra mắt cuốn sách của Gabriel Marquez được truyền hình trực tiếp với sự có mặt của tác giả vừa bay từ châu Mỹ sang Paris đối thoại với người dẫn chương trình, khẳng định: “Câu chuyện về một cuộc bắt cóc của Gabriel Marquez hòa quyện văn phong một tiểu thuyết gia xuất sắc với phong cách một nhà báo lành nghề”.

Đang lúc chuyện trò hăng say, tôi đứng lên mở tủ sách rút tác phẩm của Gabriel Marquez ra khoe với các bạn. Từ cuốn sách bỗng rớt xuống mặt bàn một chiếc lá bồ đề màu nâu từa tựa màu nâu trang phục các nhà sư quê tôi. Chiếc lá khô đét đã bị tập sách ép phẳng phiu như mảnh giấy, dù vậy cuống lá và những đường gân trên lá vẫn giữ nguyên hình.

Thì ra tôi quên khuấy trong bao năm chiếc lá và cuốn sách mang về từ hai chuyến đi, như đã cố tình không nghĩ tới dòng chảy thời gian những năm cuối đời. Màu nâu chiếc lá bồ đề vàng năm nào làm tôi nhớ những chùm hoa dẻ cũng từ vàng biến thành nâu bỏ quên trong cặp sách cậu bé học trò. Lá bồ đề vẫn giữ được dáng cổ kính, hoa dẻ vẫn thoáng thoáng hương xưa. Người cao tuổi đêm nằm hay trăn trở, suy nghĩ vẩn vơ. Trong đêm vắng thoang thoáng mùi hoa dẻ tuổi ấu thơ và chập chờn ẩn hiện hình chiếc lá bồ đề giữa hai trang sách.♦

2021

PHAN QUANG