HV161 - Hồ Nghinh, huyền thoại của thời chiến đấu chống Mỹ


Ông Hồ Nghinh trong những ngày ở chiến khu

Ông Hồ Nghinh quê ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam; là con trai của một cử nhân Hán học, ông được học chữ Hán ở quê nhà và học chữ Pháp ở trường Quốc học Huế. Tham gia kháng chiến, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở quê nhà, làm chủ tịch huyện rồi làm thường vụ Tỉnh ủy trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau Hiệp định Genève 1954, ông ở lại miền Nam, tổ chức chỉ đạo cuộc chiến đấu chống Mỹ ở Quảng Nam, Đà Nẵng và làm Bí thư Tỉnh ủy.

Ông có điểm gì đặc biệt mà được coi là “ông già áo xanh huyền thoại” của cuộc chiến đấu ấy? Có nhiều điểm đặc biệt lắm, ở đây xin kể một vài câu chuyện trong tính cách của ông, tính cách của một người lãnh đạo.

Như đã nói, ông Hồ Nghinh xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Đất Quảng Nam được xem là đất có truyền thống học hành thi cử, đất của Nho học, đất của “Ngũ phụng tề phi” (5 ông cùng đậu tiến sĩ phó bảng trong một khoa thi). Hồ Nghinh thấm nhuần Nho học. Nhà báo Đặng Minh Phương, thường trú của báo Nhân dân ở miền Trung khi ấy gọi ông là “Nho cốt cách, Mác tinh thần”. Cốt cách Nho, Nho phong của ông thể hiện trong toàn bộ đời sống trong ứng xử, lãnh đạo. Đó là lòng nhân ái, tôn trọng người, tôn trọng nhân dân, yêu thương đồng bào chiến sĩ. Thượng tướng Lê Thế Kiệt có thời làm việc dưới quyền ông kể rằng có lần cơ quan trên núi được bữa ăn ngon, ông dành phần cho Lê Thế Kiệt và bảo “em ăn đi, anh đã cẩn thận trở đầu đũa dành phần cho em”. Cái nết dành cơm sẻ áo trong chiến đấu làm cho người lãnh đạo trở thành ngọn lửa ấm trên núi rừng của tình yêu thương trong cuộc chiến đấu lâu dài, gian khó. Phải luôn luôn bám vào dân, không có dân thì coi như mồ côi. Cho nên từ trên đỉnh núi Hoàng Cầu nơi đóng căn cứ Tỉnh ủy, ông cho dời Tỉnh ủy về Gò Nổi, lúc bấy giờ là một vùng trắng. Tỉnh ủy phải bám dân, ở trong dân dù muôn vàn nguy hiểm. Tỉnh ủy về đó thì Huyện ủy và Chi bộ sẽ không thể bỏ dân mà đi.

Cuộc tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968 ở Quảng Nam - Đà Nẵng coi như không đạt yêu cầu. Ở Đà Nẵng, địch đã chống lại được cuộc tấn công của ta. Hồ Nghinh liền vào nội thành Đà Nẵng để chỉ đạo phong trào. Ông đã cải trang mặc âu phục đi lại giữa các cơ sở nội thành và cuối cùng rút ra ngoài trên một chiếc Honda của một cơ sở chạy giữa đoàn xe của quân đội Mỹ để trở ra Điện Bàn. Vậy là Chính ủy Hồ Nghinh coi như đã được quân đội Mỹ hộ tống. Xuân Mậu Thân năm ấy đã để lại cho ông Hồ Nghinh rất nhiều day dứt theo lời ông Nguyễn Đình Nam, một trong những cán bộ chủ chốt thời ấy. Đà Nẵng đã không làm được điều mà Huế và Sài Gòn đã làm vì đã không có quả đấm mạnh về quân sự lẫn chính trị ngang tầm với vị thế chiến lược của hải cảng quân sự này. Đà Nẵng đã bị tổn thất lớn. Tiểu đoàn 1 (R20), đứa con cưng của Quảng - Đà đã được thành lập và dày công chuẩn bị từ mấy năm trước, nhưng 400 tinh binh của Tiểu đoàn để quyết tâm tạo một đột phá ở Quân đoàn 1 của địch mới vào đến hàng rào của Quân đoàn 1 thì lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan vì bị chống trả quyết liệt và chỉ còn có 70 đồng chí trở về. Đêm giao thừa năm ấy, Hồ Nghinh trong bộ comple sang trọng đã đi lễ chùa Tĩnh Hội để nhìn tận mắt và chỉ đạo tại chỗ cuộc nổi dậy của nhân đân Đà Nẵng. Nhưng điều đó đã không xảy ra như các anh dự liệu. Và anh cay đắng nhìn cảnh những người tâm phúc của mình tung vào cuộc chiến bị bắn trọng thương, bị bắt vứt lên xe, kỳ vọng về một cuộc nổi dậy toàn thắng đã không thành. Các mũi đấu tranh chính trị do những nữ tướng tóc dài từ nông thôn kéo vào Đà Nẵng đã bị chặn đứng giữa đường. Quân pháo địch dội ngay vào giữa đội hình. Còn những người mà anh thấy có mặt ở sân chùa Tĩnh Hội đêm giao thừa này đều đã có mặt trong trận quyết chiến cuối cùng. Nhưng anh thấy họ đơn độc và cả anh cũng vậy. Anh em tài xế, thợ máy, chị em tiểu thương, sinh viên học sinh đều không thấy có mặt, chẳng hiểu vì sao. Như vậy là anh đã không tạo được thời cơ, môi trường để họ xuống đường. Thất bại đó tuy đau xót nhưng anh Hồ Nghinh nhận định: “mục đích chúng ta chưa đạt nhưng chúng ta đã đánh một trận phủ đầu vào sào huyệt Mỹ - Ngụy. Mậu Thân còn dài, bài học là phải sâu sắc, phải tỉnh táo, phải thực tiễn…”. Cuối năm 1969 và đầu năm 1970, Mỹ - Ngụy phản kích quyết liệt, bộ đội và cán bộ “đói, đau, đạn, địch”. Hồ Nghinh đi thăm các đơn vị và tự xác định trách nhiệm lãnh đạo của mình đã không làm tròn để anh em đói. Anh Nghinh cùng các đồng chí đi thị sát chiến trường, anh nhận định “Chúng tràn ngập lãnh thổ, chúng đánh ra cùng ta, ta phải đánh mạnh vào vùng địch chiếm”. Ý tưởng đó của anh đã mang lại hiệu quả. Năm 1974, thế chủ động trên chiến trường đã thuộc về ta. Ngày 29-3-1975 giải phóng Đà Nẵng, anh Hồ Nghinh làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố. Sau giải phóng khi tiến hành cải tạo công thương nghiệp, anh Hồ Nghinh đã có cách làm sáng tạo, đổi mới theo cách của mình. Trong chiến đấu, biết bao nhà tư sản đã gia nhập hàng ngũ chiến đấu chống Mỹ - Ngụy, giờ đây nếu chúng ta làm theo kiểu triệt hạ giai cấp thì thật là bất công, vì vậy anh Hồ Nghinh đã bảo toàn lực lượng sản xuất khi lập ra những hợp tác xã như hợp tác xã vận tải với hàng mấy trăm ô tô.

Tôi tiếc chưa được gặp anh Hồ Nghinh. Nhưng tôi có kỷ niệm sâu sắc về anh Hồ Thấu, em ruột anh Hồ Nghinh, trong kháng chiến chống Pháp là một nhà thơ nổi tiếng ở đất Quảng, với những câu thơ lay động, đọc một lần là nhớ mãi:

Nhớ khi quán nước mưa chân núi,

Câu chuyện tương lai gió quạt mành

Nhớ lúc lao đao trên trận tuyến

Đêm khuya chung bóng, súng cầm canh

Anh Hồ Thấu chết trẻ, lúc anh là Tỉnh ủy viên. Và anh Hoàng Bích Sơn (Hồ Liên), Thứ trưởng Ngoại giao, hiểu biết rộng, cũng là em ruột anh Hồ Nghinh. Đó là một gia đình trí thức - cách mạng tiêu biểu ở đất Quảng Nam hiếu học, góp phần làm nên hồn thiêng đất Quảng.

Người ta nói nhiều lắm về anh Hồ Nghinh - Tôi có quen thân với Phan Duy Nhân, một cán bộ cốt cán của anh Hồ Nghinh và với ông Trần Bạch Đằng, người đã nói vui về ông Nghinh: “Ông là Hồ Ngang, chứ không phải Hồ Nghinh…”. Những tư duy “đổi mới” lúc đó gặp nhau, thân nhau, quý nhau… Tất cả đều đã qua theo năm tháng, nhưng xin mọi người nhớ: Không có những Hồ Nghinh thì không có thắng lợi của chống Mỹ, của Đổi mới…

Đó là những nhân vật lịch sử mà chúng ta không quên.♦

VŨ HỒNG NGỰ