Sau ngày Nhật đảo chánh Pháp (9-3-1945), một ít công chức và những người đi dạy học ở huyện, ở tỉnh lần lượt trở về làng. Lại có một số học sinh trung học ở Cần Thơ, ở Sài Gòn cũng bỏ về quê. Họ tập hợp nhau lại và tổ chức Thanh niên Tiền phong. Họ vác tầm vông vạt nhọn, xếp hàng dọc hàng ngang, tập nghỉ tập nghiêm, tập quay sang phải sang trái, tập đi một hai, một hai cho đều bước. Và họ hát vang những bài ca yêu nước. Một làng cù lao giữa sông Tiền vốn im lìm, quạnh quẽ bỗng thấy như trẻ ra, vui tươi hẳn lên. Và cậu bé Lưu Trần Nghiệp bị lôi cuốn bởi những tiếng hát hào hùng ấy. Những bài ca yêu nước lần đầu tiên bay đến làng quê hẻo lánh đã đánh thức năng khiếu âm nhạc có sẵn trong cậu bé Nghiệp mới 14 tuổi...
Ngày ấy, con rạch chảy qua trước nhà về đêm thật là thanh vắng. Một tiếng rao hàng cũng lọt đến tại mọi nhà hai bên bờ sông. Và cũng từ trên dòng sông ấy, nhiều đêm lại vang lên những giọng hò đối đáp. Những giọng hò cũng trôi theo sông, chất chứa nhiều nỗi niềm tâm sự. Những âm thanh trầm bổng nhặt khoan, mênh mông dìu dặt đó thường làm cho tâm hồn trẻ thơ tôi không sao chịu nổi. Nó gây cho tôi nỗi xốn xang bứt rứt(1).
Ở làng chỉ có thầy giáo Nguyễn Ngọc Bạch là người biết chơi đàn mandolin và là tác giả những bài hát Cương quyết ra đi, Tháp Mười anh dũng, Tuyên truyền lưu động.
Nhờ thầy Bạch mà trẻ con ở làng biết nhiều bài hát. Lúc bấy giờ mọi người chỉ thích hát. Còn cậu bé Nghiệp vừa thích hát lại vừa thích đàn. Hồi ấy, một cây đàn mandolin có giá tiền tương đương bằng mấy chục giạ lúa. Gia đình thì nghèo. Anh em trong nhà đều chỉ có quần xà lỏn để mặc.
Nhưng giờ đây tôi lại xin ba má tôi một cây đàn, mặc dầu biết rằng đó là một vật không phải ai muốn cũng được. Nó vượt quá khả năng của gia đình. Vậy mà, để chiều theo sở thích của tôi, ba tôi đành phải bán hết số lúa để ăn còn lại của cả nhà. Sau đó, cầm số tiền ấy, ba tôi còn phải len lỏi sang tận thị xã Long Xuyên (lúc bấy giờ đã bị giặc Pháp tái chiếm) để tìm mua và mang về cho tôi một cây đàn banjolin đã cũ(2).
Giữa năm 1948, chàng trai Lưu Trần Nghiệp gia nhập đoàn cán bộ đi sang tỉnh Long Châu Hậu (lúc này hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc được sáp nhập và chia thành hai tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hậu, lấy con sông Hậu làm ranh giới).
Đường sang Long Châu Hậu phải vượt qua hai con sông Cái vô cùng nguy hiểm. Do vậy, cơ quan không cho anh mang theo cây đàn banjolin, anh buộc lòng phải chia tay với cây đàn thân yêu từ đó.
Anh không hề có ý định sáng tác, nhưng trước cái chết của em ruột tên Tuyết, anh đành mượn giai điệu và lời ca đầu tiên để xoa dịu nỗi đau mất mát. Anh đã tạo ra một tác phẩm trong khi chưa hề có ý định trở thành một nhạc sĩ sáng tác âm nhạc.
Tôi chưa được trang bị những kiến thức sáng tác âm nhạc tối thiểu nào hết, nên những bài hát đầu tiên của tôi không có gì là xuất sắc cả. Tất nhiên, chúng chỉ sống thui thủi bên tôi, rồi dần dần lặng lẽ ra đi, không mấy người biết đến. Dẫu sao, tôi cũng không chút hổ thẹn mỗi khi nhớ lại. Bởi một lẽ là ở tuổi mười bảy, vốn sống của tôi còn quá non nớt, vốn âm nhạc hầu như chưa có gì. Thế mà tôi vẫn dám liều lĩnh dấn thân vào một con đường mà giờ đây, đến lúc bạc đầu, vẫn còn thấy là mênh mông vô tận(3).
*
Ngày 26-10-1956 là ngày khai giảng khóa đầu tiên của trường Âm nhạc Việt Nam tại 32 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Có những học viên đã từng nổi tiếng qua các bài hát như: Hoàng Việt (Lá xanh, Nhạc rừng, Lên ngàn, Mùa lúa chín, Tiếng còi trong sương đêm), Ngô Huỳnh (Con kênh xanh xanh, Tình Đồng Tháp), Nguyễn Thành (Qua miền Tây Bắc), Hồng Đăng (Giữa mùa sa nhân). Và những học viên lần lượt nổi tiếng như Hoàng Hiệp, Hồ Bông, Huy Thục, Hồng Thao, Tô Ngọc Thanh, Lê Quang Nghệ, Trương Đình Quang, Vĩnh Long, Vĩnh Cát, Nguyễn Liệu.
Chàng trai Chợ Mới Lưu Trần Nghiệp đang thực hiện ước mơ và hoài bão của mình để trở thành nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp. Những ngày cuối năm 1956, anh đi xe đò từ Hà Nội vào đặc khu Vĩnh Linh. Anh hiểu rằng sẽ không có hiệp thương tổng tuyển cử gì hết.
Những ngày đầu ở phía Bắc bờ sông Bến Hải, tôi sống trong một đồn biên phòng nằm cách cầu Hiền Lương chừng vài trăm thước. Ban ngày, tôi đội mưa đi dọc theo bờ sông, đôi mắt đăm đăm nhìn sang bờ Nam. Tôi bắt gặp nhiều em, nhiều chị từ bên ấy, hình như cũng nhìn thấy tôi nên giả đò ra sông rửa chân tay để được nhìn lại tôi...
Ban đêm, tôi hỏi chuyện các chiến sĩ biên phòng. Những người này cũng chỉ cho tôi biết những tin tức mà tôi đã nghe qua. Đồn này quá ít người. Họ lại thay phiên nhau đi làm nhiệm vụ luôn. Họ là những người rất ít lời...
Tôi muốn viết một cái gì đó, nhưng tâm trạng ngổn ngang nên cũng không viết được(4).
Anh từ giã đồn biên phòng để đi ra Cửa Tùng và đến sống với những người chài lưới ở một tập đoàn đánh cá. Anh làm quen và tìm hiểu tâm trạng của người gác đèn biển Cửa Tùng. Và cùng leo lên thang, nhìn ra biển khơi sóng vỗ, nhìn từng đàn chim hải âu đang bay, nhìn những cánh buồm đang từ từ trôi dạt vào cửa sông...
Rồi từ cái đêm hôm đó, bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương ra đời (lời Hoàng Hiệp và Đằng Giao). Và từ đây, bút danh Hoàng Hiệp xuất hiện đầu tiên và tồn tại trong làng nhạc Việt Nam. Bài hát được phổ biến rộng rãi qua giọng ca mặn mòi, khắc khoải của nghệ sĩ Tân Nhân, quê gốc Quảng Trị. Về sau có ý kiến cho rằng ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương mang đậm đà âm hưởng dân ca Trung Bộ!?
Bấy giờ, anh Hoàng Hiệp là một trong những học trò của thầy Trần Kiết Tường đang dạy hát dân ca Nam Bộ ở trường Âm nhạc Việt Nam. Tác giả vốn là người sưu tầm điệu Lý bánh bò vào năm 1952 tại Rạch Giá:
Hai tay bưng dĩa bánh bò. Giấu cha giấu mẹ chân đi ké né. Tối trời sợ té lén đem cho trò là trò đi thi í i ì i...
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp chưa có điều kiện để thấm nhuần dân ca Bình Trị Thiên. Bài hát của anh mang hơi thở thang âm điệu thức Oán. Và hai câu kết là sự phát triển của hai câu kết điệu Lý con sáo nổi tiếng, do nghệ sĩ lão thành Nguyễn Phương Danh hát, nhạc sĩ Trần Kiết Tường ký âm.
Trong hai năm cuối khóa (1958 - 1959), do tập trung vào việc “sôi kinh nấu sử” nên chẳng thấy anh sáng tác bài hát nào cả. Đến năm 1960, sau khi tốt nghiệp, anh về làm biên tập viên Nhà xuất bản Mỹ thuật - Âm nhạc, sau đó là Phó tổng biên tập.
Năm 1961, sau ngày Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, nhân dân hai miền Nam Bắc lại nghe hai bài hát Hành khúc giải phóng và Giờ hành động với bút danh Lưu Nguyễn và Long Hưng. Anh Hoàng Hiệp lấy họ Lưu của mình ghép với họ Nguyễn của người yêu là chị Diễm Lan. Về sau, khi đứa con trai đầu lòng ra đời được đặt tên là Lưu Nguyễn để kỷ niệm hai bài hát trên. Còn Long Hưng là bút danh của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Đến năm 1965 bài Hành khúc giải phóng nhận giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu. Còn bài Giờ hành động cũng đã bay vào tận các đô thị miền Nam, cùng với bài Dậy mà đi của Nguyễn Xuân Tân đã được hát vang trong những cuộc xuống đường chống chiến tranh của nhân dân Mỹ.
Dựa theo thơ của Mô Lô Y Choi, bài hát Cô gái vót chông là một thành công đáng kể của nhạc sĩ Hoàng Hiệp trong việc khai thác chất dân ca đặc sắc Tây Nguyên. Ngôn ngữ âm nhạc của ca khúc này không hề giống bất kỳ bài hát của những tác giả viết về Tây Nguyên trước đó. Cô gái vót chông được người nghe tán thưởng qua giọng hát có sức quyến rũ của NSND Tường Vy. Vài ca sĩ tốt nghiệp Nhạc viện thích vận dụng vocalise mô phỏng tiếng chim họa mi sau câu hát: “Chim hót không hay bằng tiếng hát em”.
Vào khoảng giữa năm 1965, cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đã leo thang ra đến phía Bắc thị xã Thanh Hóa. Đoàn của anh Hoàng Hiệp gồm có 7 nhạc sĩ sáng tác, phải ngồi xe lửa từ Hà Nội vào đến ga Đò Lèn, rồi bắt đầu đi bằng xe đạp vào các tỉnh thuộc Khu 4 cũ.
Thời gian này, máy bay giặc Mỹ đánh phá bất kể ngày đêm. Mục tiêu của chúng là các cầu phà trên sông rạch, các trận địa cao xạ, các kho tàng, bến bãi.
Rất may, anh Hoàng Hiệp và anh Tô Hải suýt chết khi cố vượt qua cầu Giác, và thoát chết ở bến phà Ghép. Qua chuyến đi này, anh Hoàng Hiệp đã tận mắt thấy về ý chí của quân dân ta, chi viện cho chiến trường vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và chứng kiến một hệ thống báo động phòng không. Đó là những ngọn đèn lồng có lắp kính hai màu xanh và đỏ được đặt ở khắp trên tuyến đường. Màu xanh là báo yên, màu đỏ là báo động.
Và những ngọn đèn như vậy trong những đêm dài chiến tranh không bao giờ nhắm mắt, cũng như những tâm hồn không bao giờ tắt của những người ra đi hồi ấy đã gây xúc động cho cả nhà thơ lẫn người sáng tác âm nhạc(5).
Anh Hoàng Hiệp đã tích lũy vốn sống như thế, nên khi “bắt gặp” bài thơ của nhà thơ Chính Hữu liền phổ ngay.
Trên đường ta đi đánh giặc
Dù về Nam hay lên Bắc
Ở đâu cũng gặp những ngọn đèn dầu chong mắt đêm thâu
Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt
Như những tâm hồn không bao giờ tắt
Như miền Nam hai mươi năm không bao giờ ngủ được
Như cả nước với miền Nam đêm nào cũng thức...
Qua giọng của NSND Mai Khanh, ca khúc Ngọn đèn đứng gác phản ánh lòng dũng cảm và không ngại hy sinh của đội ngũ nữ Thanh niên xung phong trên tuyến lửa. Bài hát đã bay cao, bay xa trên dãy Trường Sơn cùng đoàn quân đi cứu nước.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp trở về thời tuổi trẻ, nơi có chút tình yêu xao xuyến buổi ban đầu nên anh cảm tưởng hoài hoài. Nào là cánh đồng bên kia, Quốc Hương lấy tay trái làm bệ tì, bắn một phát rớt con cò. Nào là chỗ nọ sân chơi bóng chuyền mấy cây gòn còn kia. Còn chỗ này má Năm kê chiếc sạp tre, anh đau nằm trên sạp tre, má Năm đút cháo cho anh. Ngoài sân, chỗ gần bụi tre, má Năm thường ngồi đan đác lắng nghe tiểu đội thằng Nghiệp họp trong nhà. Đứa nào phê bình thằng Nghiệp, chút nữa thế nào má cũng gặp đặng má thanh minh cho nó. Má không muốn thằng Nghiệp bị phê bình, vì tình thương con, đúng sai gì má cũng nói bây nói oan nó!
… Má Năm của anh Hoàng Hiệp đã mất lâu rồi. Lúc nãy anh vừa rưng rưng vừa hát tặng má Năm bài hát Đất quê ta mênh mông. Bài hát khi tập kết ra miền Bắc, anh luôn nhớ về những bà mẹ miền Nam, những bà mẹ của những người lính đóng quân trong lòng đồng bào Nam Thái Sơn như Quốc Hương, Phan Nhân, Hoàng Hiệp, Hoàng Lưu... Nỗi nhớ thương tình nghĩa của anh khuýp với bài thơ của Dương Hương Ly(6).
Năm 1978, anh Hoàng Hiệp có tham gia giảng về kinh nghiệm phổ thơ cho trại sáng tác nhạc ở tỉnh Hậu Giang (bây giờ là thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang). Những ngày nghỉ, chúng tôi thường đi tham quan một số huyện trong đó có huyện Thốt Nốt. Khi xe chạy đến một cái cầu mang tên Thơm Rơm, bỗng cái mùi đốt đồng dưới ruộng thoang thoảng mùi rơm thơm bay lan tỏa. Và mọi người đều cảm thấy phấn chấn, yêu đời.
Khen ai khéo đặt tên cầu cho ta thêm thương
Đường dài đã qua tìm đáo lại
Xe lao nhanh chi để lòng ta thầm tiếc mãi
Cái mùi rơm thơm, ơi Thơm Rơm!
Trên đây là 4 câu mở đầu bài thơ Cầu Thơm Rơm của nhà thơ Lê Giang, gồm 8 khổ (32 câu). Mấy ngày sau thì anh Hoàng Hiệp phổ nhạc xong. Bài hát vui tươi sinh động, giống như ta đang ngồi trên “xe rước khách cuốn mùi rơm theo gió”. Vù qua, hít vội rơm thơm...
Qua giọng hát của ca sĩ Hồng Vân làm cho địa danh “Cầu Thơm Rơm” nổi tiếng. Bà con ở hai đầu cầu Thơm Rơm chờ ông nhạc sĩ làm ra bài hát dễ thương ấy đến, sẽ chặn lại, rồi “giết” cho một trận bằng đặc sản quê nhà, giữa cầu Thơm Rơm này...
*
Âm nhạc Hoàng Hiệp rất phong phú và đa dạng. Với hàng trăm ca khúc, không bài nào giống bài nào, không lặp đi lặp lại những sáng tạo của bài trước, đặc biệt, không giống ai. Giai điệu và tiết điệu của anh vừa trẻ trung vừa dày dạn, vừa đậm chất dân tộc vừa hiện đại.
Anh còn có biệt danh là “Ông hoàng trong nghệ thuật phổ thơ”. Như một pháp sư, anh đã biến hóa câu nhạc trên bài thơ có sẵn nhưng vẫn giữ được cái độc lập của âm nhạc mà lại không “diệt” bài thơ, trái lại còn chắp cho nó đôi cánh để bay xa(7).
Đó là những ca khúc: Chở pháo sang sông (thơ Cao Phương), Trường Sơn đông Trường Sơn tây (thơ Phạm Tiến Duật), Lá đỏ (thơ Nguyễn Đình Thi), Viếng lăng Bác (thơ Viễn Phương), Con đường có lá me bay (thơ Diệp Minh Tuyền), Mùa chim én bay (thơ Diệp Minh Tuyền), Thơ tình lính biển (thơ Trần Đăng Khoa), Về phía ấy tình yêu (thơ Lê Giang), Đánh mất (thơ Thanh Nguyên), Khi anh nhìn em (thơ Lê Thị Kim), Thơm Rơm và Em vẫn đợi anh về (thơ Lê Giang)...
Anh còn tìm đề tài và tự đặt lời tạo nên những ca khúc để đời như Đất mũi Cà Mau, Trở về dòng sông tuổi thơ, Nhớ về Hà Nội...
Ngoài ra, anh còn viết nhạc cho hàng chục bộ phim, trong đó có Mùa gió chướng, Bản nhạc người tù, Biệt động Sài Gòn, Ông Hai Cũ. Và viết nhạc cho sân khấu: Người ven đô, Xa thành phố yêu dấu. Anh còn dịch sách: Nhạc lý cơ bản, Bàn về các thể tài âm nhạc.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, Huân chương Độc lập hạng ba. Anh được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt II, năm 2001.♦
_____
(1), (2), (3), (4), (5) Trích trong cuốn tự truyện Nhạc và Đời, NXB Tổng hợp Hậu Giang ấn hành, 1989.
(6) Dân ca Kiên Giang: trích nhật ký điền dã của Lê Giang, về Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, ngày 17-3- 1984.
(7) Diệp Minh Tuyền: Trích lời giới thiệu Tuyển tập 100 ca khúc của Hoàng Hiệp, NXB Văn nghệ TP.HCM, 1995.