Ngày 14-1-1965
Một ngày giữa tháng giêng. Trời nắng gay gắt. Đoàn hành quân từ sáu giờ sáng, vượt qua ba quả đồi, đến một giờ trưa, trước mặt là một núi đá sừng sững. Đoàn nghỉ để lấy sức. Tôi ngồi dựa ngửa trên ba lô, mệt quá không buồn tuột quai ba lô ra nữa. Đá bị nung nóng, bốc hơi nóng lên hầm hập.
Từ dưới suối xuất hiện hai mẹ con người dân tộc thiểu số mặc váy đen, áo màu gụ đi lên cùng chiều với đoàn. Hai người đi hơi khom vì họ gùi hàng nặng lắm. Bà mẹ trạc hơn 40 tuổi da ngăm đen và cằn cỗi đi trước. Cô gái đi sau khoảng 18- 19 tuổi, tóc búi cao, da bóng mượt mồ hôi. Khi đi ngang qua đoàn đang ngồi nghỉ, cô gái ngước lên cười ngượng nghịu vì thấy ai cũng nhìn mình. Phương hỏi đồng chí giao liên:
- Họ gùi gì, có đổi được không đồng chí?
- Họ đi tải đạn đó!
Tôi trật quai ba lô đứng lên, bàng hoàng nhìn theo. “Đi tải đạn”. Tôi cảm thấy mình nhỏ bé trước họ. Cô gái và bà mẹ thoăn thoắt đi lên dốc, cái kiện hàng cao quá đầu che mất cái búi tóc của cô. Tôi ngơ ngẩn nhìn theo cho đến khi họ khuất sau những chỏm đá lô nhô uốn khúc giữa lưng chừng dốc. Tôi tò mò hỏi đồng chí giao liên:
- Sao họ lại đi chỉ có hai mẹ con?
- Họ vượt trạm, đi trước.
“Vượt trạm”. Mình chỉ mang cái ba lô mà còn bết bát. Thế mà bà mẹ và cô gái gùi nặng lại thầm lặng vượt trạm chuyển đạn ra phía trước cho tiền tuyến. Hình ảnh bà mẹ và cô gái cứ day dứt trong tôi suốt chặng đường hành quân. Lời ca Trường Sơn như vọng lại “Miền Nam đang giục chúng ta đi”!
Xuống khỏi dốc núi đá, lội qua con suối sâu, trước mặt là một trảng cỏ xanh mượt. Xung quanh toàn là cây sim và hoa mua nở tím ngắt, nắng chiều vàng rực rọi chênh chếch đoàn hành quân. Tôi đi sau, chặp chặp lại chạy vô bìa trảng ngắt hoa sim. Đi hết trảng vô bìa rừng. Tôi ôm cả một bó hoa sim, những hoa sim cái thì đã nở, cái thì còn chúm chím, những hạt nhụy nhỏ xíu rung rinh.
Ngày 18-1-1965
Đoàn hôm nay được trạm phổ biến sẽ vượt đường 14. Năm thanh niên có vũ trang súng các bin đi tiền vệ trong đó có Phương và tôi. 11 giờ trưa đoàn đến địa điểm đổi trực. Hai giao liên mới đều là người dân tộc thiểu số. Cậu lớn chừng 16 tuổi, đen và vạm vỡ. Cậu bé chừng 12 tuổi, gầy, da hơi mốc, mi mắt thâm, lòng mắt long lanh thoắt nhìn chỗ này thoắt nhìn chỗ khác, mang khẩu súng các bin cao quá đầu cả hai gang tay. Em mặc bộ đồ ka ki giải phóng đã cũ, có lẽ cắt may lại từ bộ đồ người lớn rộng thùng thình. Em đi trước với tổ tiền vệ, nói tiếng Kinh còn lơ lớ. Đặc biệt hay nói hai tiếng “nguyên tắc”: nguyên tắc chỗ này không nghỉ được, nguyên tắc không được đi qua bản. Thấy em gùi hàng nặng tôi bảo đưa mang hộ, em bảo: tài liệu mà, nguyên tắc không để khách mang. Thấy em bé bỏng nụ cười bẽn lẽn, thật thà lại đảm đang việc nặng ai cũng thương. Tôi bắt chuyện với em:

Những cuộc chia tay ở chiến trường, dẫu biết có thể không bao giờ gặp lại nhưng vẫn rạng rỡ nụ cười
- Em ơi bao giờ ta đến trạm?
Em không nhìn lại đáp:
- Đi mau đến mau, đi chậm đến chậm, không đi không đến.
- Này, nhà của em đâu?
Em không nói gì, lẳng lặng bước đi.
Sắp đến đường 14, em quay lại bảo:
- Biểu đoàn dừng lại dớ!
Em giao liên đi sau vượt lên, cả hai đi ra đường nắm tình hình. Một lát hai em quay lại, em lớn bảo:
- Các chú đi với bọn tui.
Ra tới gần đường, nghe tiếng động cơ xe, em khoát tay. Chúng tôi nằm rạp xuống các lùm cây. Sáu chiếc xe cam nhông địch bịt mui kín chạy lên, cuốn bụi mịt mù. Thoắt cái, hai em giao liên đã lao qua bên kia đường trong đám bụi còn phủ kín. Vài phút sau cậu nhỏ quay lại ngoắt tay gọi tổ tiền vệ băng qua. Em bố trí các tay súng vào từng gốc cây như một vị chỉ huy thành thạo rồi thoắt vọt trở lại dẫn đoàn qua. Chờ cho đoàn qua hết, em nhanh nhẹn nghi trang không còn dấu vết rồi cùng tổ tiền vệ tiến lên theo. Nghỉ giải lao 15 phút, tôi lấy ra một huy hiệu Bác Hồ để tặng em. Phương nháy mắt: “Lại nguyên tắc cho xem”. Tôi kéo em: “Tặng em nè!”. Em mừng rỡ chộp lấy chiếc huy hiệu, ngắm nghía rồi đeo lên ngực. Tôi hỏi:
- Em có biết đây là ai không?
- Bác Hồ đó.
Nhưng ngay sau đó, cậu tháo huy hiệu ra dúi vào tay tôi. Tôi ngạc nhiên:
- Em không thích à?
Em hơi buồn buồn:
- Ưng lắm nhưng nguyên tắc không được nhận quà của khách.
Phương phì cười. Em giao liên đỏ tai, bỏ đi. Tôi chạy theo năn nỉ nhưng nói sao em cũng lắc đầu từ chối.
Về tới trạm, tôi nhờ thầy Vân trưởng chi, gặp trạm trưởng chuyển cho em chiếc huy hiệu Bác Hồ. Lúc bấy giờ em mới đeo chiếc huy hiệu, nhảy lưng tưng, bíu vào một cành cây đu người qua rãnh nước, lột xác thành một chú bé tinh nghịch, hồn nhiên khác hẳn.♦