HV161 - Rùa vàng đất núi vùng biên

Đi từ sớm tinh mơ sương khói đến buổi hoàng hôn gió mây mờ ảo, đội tuần tra nghỉ lại bên mạch suối lưng đồi. Đêm đứng gác giữa rừng sâu thâm u hoang vắng, hằng hà sa số tiếng côn trùng giun dế than vãn nỉ non, từ bốn phương tám hướng, tiếng thú đi ăn đêm gầm gừ, gào hú… có khác nào giữa thuở hồng hoang… Rồi sáng mờ sương lũng núi vừa tuôn mây, đèo cao vừa nổi gió, các anh lại rẽ mây, đón gió lên đường. Thảm lá rừng ẩm ướt sương đêm, người bước lên cứ rùng rình như đi trên đệm bông. Những chú trăn hoa, rắn ráo... ẩn dưới giật mình ngóc đầu dậy… Đội trưởng Bá dẫn đầu đội tuần tra dừng lại. Anh phát hiện dấu vết bếp lửa. Đội hình chiến đấu lập tức được triển khai. Đội trưởng nhìn kỹ bếp lửa có bùi nhùi vải tẩm dầu và xung quanh có vết máu loang. Anh xác định ngay: đây là dấu vết của bọn thủ phạm săn bắt rùa vàng. Máu “hảo hán” của bọn này khi bắt được con rùa đầu tiên thì chúng cắt tiết lấy mật pha với rượu uống…

… Rùa vàng, rùa hộp, rùa ba vạch là tài nguyên quý hiếm của nước ta. Sách Đỏ Việt Nam đã xếp các giống rùa này vào hàng nguy cấp gần bị tuyệt chủng - cấm triệt để săn bắt, phải bảo quản và tổ chức nuôi trồng. Sách Đỏ Thế giới, Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) cũng đã xếp giống rùa này của nước ta vào số 16 giống rùa quý hiếm của thế giới, cần phải bảo vệ.

Giống rùa vàng được gọi là “Kim quy bảo”, là nguyên liệu nấu cao. “Cao quy lộc nhị tiên” được đưa vào các kinh thận, can, tâm, tỳ, chữa bệnh tâm hư, thận kém, âm suy, nhức gối đau xương, suy nhược thần kinh… Thịt rùa vàng chữa được chứng cao huyết áp, tăng sức bền của tim, thận… Ngoài ra mai và yếm rùa còn chế tác được các mặt hàng mỹ phẩm đẹp.

Từ những năm 80 thế kỷ trước, tệ nạn con buôn nước ngoài cùng bọn thủ phạm trong nước ráo riết săn tìm các giống rùa quý hiếm này. Chúng đẩy giá rùa hộp, rùa vàng lên đắt hơn… vàng: 300 triệu đồng 1kg rùa vừa bắt ở rừng ra. Đến Hồng Kông thì giá rùa vàng “lên trời”, 1 tỉ đồng/kg. Một đĩa thịt rùa vàng vẻn vẹn 20g trong bữa tiệc của bọn trọc phú có giá đến nghìn đô la Mỹ. Chúng còn mài mai và yếm rùa vàng thành bột rồi pha với nước… có hương vị “thần tiên”. Chúng quảng cáo người uống thứ nước này sẽ “trường sinh bất lão”, “nhất dạ lục giao” không biết mệt mỏi trong chuyện phòng the!

Nên từ những năm ấy loại tài nguyên quý hiếm này của nước ta đã bị hao tổn. Sản lượng rùa vàng trong tự nhiên bị suy giảm từ 50% đến 80%. Mỗi năm nước ta đã mất đến hàng ngàn tấn rùa bị săn bắt giết thịt và bán ra nước ngoài.

Theo Bách khoa toàn thư mở, loài rùa đã từng gắn liền với các truyền thuyết thủy quái thế giới. Nó là loài bò sát đặc trưng ở các đảo san hô nhiệt đới vùng Ecuador đã bị tuyệt chủng. Nó có thể nặng tới 417kg, dài tới 1,5m. Chúng đã xuất hiện khoảng 250 triệu năm trước. Khi loài khủng long cùng thời biến mất thì loài rùa này cũng biến mất (khoảng 145 triệu năm trước).

Vào năm 2005 các nhà khoa học đã phát hiện được rùa hóa thạch tại một mỏ than ở Colombia và nó được đặt tên là “rùa than”. Sọ rùa hóa thạch to bằng quả bóng rổ và bộ răng hàm mạnh mẽ có thể nghiền nát mọi thứ cứng từ vỏ sò… Nó có thể xơi luôn cả cá sấu. Loài rùa này có kích cỡ gần bằng chiếc xe hơi. Nó từng cư trú trên vùng đất Nam Mỹ cách ngày nay hơn 60 triệu năm. So với con rùa bé nhỏ, xinh xẻo bây giờ, con rùa khổng lồ tổ tiên của chúng về cấu tạo cơ thể không khác mấy. Chỉ có con rùa ngày nay bé nhỏ hơn trăm lần. Hô hấp của loài rùa vẫn dùng mũi hít không khí vào phổi. Bên trong miệng rùa có chức năng giống mang cá lọc oxy và muối để hô hấp. Sinh vật cổ đại này cũng không có xương sống mà chỉ có 9 cặp xương sườn hình chữ T hình dạng như rùa ngày nay. Điều lạ lùng, ở Australia có giống rùa cổ dài. Khi gặp kẻ thù đe dọa cái cổ dài ấy phóng ra một chất dịch có mùi “kinh khủng” khiến kẻ thù khiếp đảm phải bỏ chạy và các loài động vật gần đó cũng phải tránh xa.

Điều hiếm thấy nhất trong loài rùa là các “nàng” rùa rất “kiên tâm giữ trinh tiết”. Đến 25 tuổi, các “nàng” mới trao thân cho “bạn tình”. Còn các “chàng” rùa thì cũng thật sự “nghiêm túc”, phải đến 30 năm các “chàng” mới vào tuổi trưởng thành, mới biết cặp kè bạn khác giới. Mà “nàng” rùa thì “chảnh” và cực kỳ khó tính. Dù “nàng” du ngoạn rừng nào, suối nào xa mấy thì cũng chỉ chăm chắm tìm về đúng nơi mẹ mình sinh mình ra mới chịu “động phòng” và sinh nở. Mỗi lứa rùa mẹ đẻ từ hai đến bốn quả trứng lấp kỹ dưới đất mùn, lá mục. Sau 55 ngày, chọn buổi đẹp trời ấm áp thuận nắng hòa mưa trứng mới chịu phá lớp vỏ để rùa con chui ra.

*

Loài rùa sống trên đất nước ta có đến 30 giống, ước tính chiếm 1/10 rùa của thế giới, 1/3 rùa châu Á. Trong đó có các giống rùa gần với cuộc sống con người: rùa biển, rùa cạn, rùa đầm hồ. Rùa biển sống trên đại dương bao la, thức ăn phong phú nên nặng tới 3, 4 tạ, dài tới 1,5m (con vích). Rùa cạn và rùa đầm sống ở đầm, hồ bé nhỏ nhất. Nước ta còn có giống rùa gọi là con giải, trọng lượng có thể đến 40kg, dài hơn 1m, sống ở hồ Đồng Mô, Hòa Bình, Thanh Hóa và vài nơi khác. Nó là họ hàng với “Cụ rùa” Hồ Gươm. Sách Đỏ Việt Nam năm 1992 đã xác định rùa Hồ Gươm là giống giải dài hơn 1m, nặng 140kg (đã chết ngày 19-1- 2016). Còn các giống rùa khác có tên gọi riêng: rùa đầu to, rùa răng, rùa núi Viền, rùa núi Đất, rùa Trung Bộ, rùa Trường Sơn… Đặc biệt nhất, nước ta có 3 giống rùa được xếp vào hạng tài nguyên quý hiếm: rùa vàng, rùa hộp, rùa ba vạch. Nhận dạng rùa ba vạch: mai màu vàng có ba vạch sẫm chạy dọc như ba cái gờ trên lưng. Giống rùa hộp thì rất khác lạ. Tấm yếm dưới bụng nó gồm có hai mảnh khép mở rất nhạy. Gặp nguy hiểm, đầu đuôi và bốn chân rùa nhanh chóng thụt sâu vào trong mai. Hai mảnh yếm và nắp che đầu, che đuôi cũng khép chặt lại. Con rùa trở thành một cái hộp kín mít như khối đá nhỏ. Còn giống rùa vàng có mai và yếm màu vàng đẹp như giát vàng. Trên đầu nó có nhiều đốm xanh, đen, trắng trông như đội vương miện, giữa mỗi tấm vảy màu vàng trên lưng có chấm hoa trông rất điệu nghệ.

Huyền thoại “Tứ linh” trong văn hóa cổ xưa của nước ta và một số nước Á Đông lấy tên bốn con vật để tượng trưng cho bốn chòm sao trên bốn phương trời và bốn vị thần linh: Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ. Và, bốn con vật đó còn là biểu tượng cho bốn nguyên tố: Lửa, Nước, Đất, Gió trong cuộc sống hằng ngày của con người. Đối với người Việt ta, Long - con rồng còn là biểu tượng của mây, mưa trong việc trồng lúa nước. Ly - con kỳ lân là hình tượng nghệ thuật. Theo trí tưởng tượng của người xưa, Ly là con vật nhân từ ẩn chứa sức mạnh tâm linh phúc lộc, thịnh vượng. Còn Phượng hoàng chỉ có trong các truyền thuyết. Nó là con vật tượng trưng cho sự tái sinh bất tử, cho thánh nhân và sự cao quý.

Duy nhất chỉ có Quy - con rùa là con vật có thật, gần gũi với con người. Rùa mang ý nghĩa trường thọ, tượng trưng cho sự thanh tao, thoát tục. Rùa là con vật hòa hợp âm dương. Bụng phẳng tượng trưng cho mặt đất. Mai khum tượng trưng cho bầu trời. Rùa là biểu tượng cho sự hiền từ, nhẫn nại, có khả năng chiêu hòa sát trấn giữ được thịnh vượng lâu dài. Rùa gắn với sự linh thiêng nơi chùa chiền miếu mạo.

Từ thuở bình minh dựng nước, rùa vàng đã trở thành linh vật trong sử sách và trong truyền thuyết của tổ tiên ta. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 225 trước Công nguyên, Rùa vàng - thần Kim Quy giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa, dựng nước Âu Lạc. Xây xong thành, thần Kim Quy trút chiếc móng thiêng làm lẫy nỏ thần “Linh Quy trảo thần nỏ” để An Dương Vương giữ thành, giữ nước. Mỵ Châu, con gái vua, mắc mưu gian của giặc ngoại bang giả vờ sang cầu hôn để đánh tráo lấy nỏ thần. Giặc cướp thành, mất nước, vua và con gái chạy đến cửa biển thì Rùa vàng - thần Kim Quy hiện lên chỉ cho vua biết “kẻ ngồi sau ngựa chính là giặc đấy!”.

Năm Kỷ Hợi, tháng 10-1119 vua nhà Lý khởi binh chinh phạt động trưởng Ma Sa làm phản quấy rối vùng biên ải. Thuyền chiến của vua Lý đậu ở thác Long Thủy (thác Bờ, Hòa Bình ngày nay), thổ dân dâng tiến vua con rùa vàng mắt có sáu con ngươi, trên lưng có chữ “Vương” - chữ Hán. Vua Lý nói “Đây là điềm trời, lòng dân. Ta sẽ thắng nhàn”. Phá tan giặc, vua Lý bắt được tên động trưởng Ngụy Bàng, giữ yên vùng bờ cõi.

Năm Bính Tý, tháng 3-1396, nhà Trần phát hành tiền giấy “Thông bảo hội sao”, đổi lấy tiền đồng trong dân, đã vẽ hình con rùa vàng trên tờ giấy bạc ăn hai tiền - 20 đồng tiền đồng...

Bà con dân tộc Thái - Tây Bắc lưu truyền sự tích rùa vàng dạy cho người làm nhà sàn mái đội trời có hình mai rùa, chân bám đất là những hàng cột bền vững. Bà con coi rùa vàng là “Thần hỗ dân”, treo thờ mai rùa trên đầu cột thiêng trong nhà. Rồi câu chuyện ly kỳ về con rùa thần được trả thanh gươm báu ở hồ Tả Vọng (hồ Hoàn Kiếm) ngày nay. Con rùa đã trở thành biểu tượng của thủ đô chúng ta...


Rùa vàng được coi là đem đến tài lộc, may mắn

*

Các mũi truy tìm, lùng sục khép vòng vây vùng suối vắng. Ba thủ phạm đang mò mẫm sục tìm rùa vàng trong các đám rong rêu, các bụi dong, bụi sậy rậm rạp bên bờ suối. Chúng lách vào các khe đá, tay cầm gậy khua khoắng, tay cầm vợt vớt rùa vàng. Bất chấp rắn độc, trăn hoa, thú dữ, chúng liều mạng để bắt cho được các chú rùa, vì ra đến cửa rừng, chúng đã thành... tỉ phú. Nghe tiếng đá lăn, cành khô gãy, bọn tội phạm nhớn nhác tháo chạy vào cánh rừng nguyên sinh rồi lẻn sang bên kia biên giới. Chúng bỏ lại hai bao tải rùa vàng, rùa hộp. Những chú rùa là tài nguyên quý hiếm của đất nước sống với linh khí đất trời trên núi cao bị bọn tội phạm bắt trói, dây chằng ngang buộc dọc trông thảm hại chẳng khác nào cục đá núi. Đội trưởng Bá cùng các chiến sĩ cắt ngay dây trói giải phóng cho các chú rùa. Được tự do, những chú rùa hộp đẩy tung hai mảnh nắp yếm, nắp che đầu ra. Chúng rón rén thò những cặp chân ngắn cũn, nhô cái đầu bé nhỏ, hé đôi mắt khuyên vàng nhìn vẻ ngỡ ngàng - “việc gì đến với nó vậy?”, rồi rón rén bò đi. Những chú rùa vàng thì táo tợn hơn, bò nhanh, miệng kêu “hét, hét...” như gọi nhau, như biểu cảm sự mừng vui, hoan hỉ. Bò được một đoạn trên thảm lá mục chú quay đầu lại ngúc ngắc cái cổ, những chấm đen, vàng, xanh, trắng... quanh đầu giống như vương miện chú đang đội rung rinh... Đội trưởng Bá chỉ chú rùa vàng nói với các chiến sĩ, giọng anh rất vui: “Rùa vàng quay lại cảm ơn chúng mình đấy, các cậu ơi!”.

Đêm ấy, đội tuần tra nghỉ lại ở chân đồi giáp biên. Gió heo may hun hút. Sương rơi nhiều. Rừng biên cương se lạnh. Bếp lửa hồng được nhen lên. Ánh lửa bập bùng trong hang đá, những người lính biên phòng ngồi vây quanh hong quần áo, tất, giày. Đội trưởng Bá cầm củ mài vừa nướng chín thơm phức, bẻ thành ba, thành bốn đoạn đưa cho các chiến sĩ ngồi bên. Anh nói: “Mình mở đầu, các cậu tiếp theo nhé. Nhiều anh em chúng mình là dân phường Vải, dân Tiên Điền - quê Nguyễn Du - cả mà. Chúng ta làm chung vài câu để ghi nhớ chiến công bảo vệ tài nguyên quý hiếm của đất nước”. Nói xong, đội trưởng Bá mở đầu luôn: “Rùa vàng ở lại non xanh”. Các chiến sĩ vừa ăn củ mài nướng, măng giang nướng vừa ngẫm nghĩ. Rồi mỗi người góp một câu, một ý tiếp theo. Ánh lửa bập bùng in bóng những người lính lung linh trên vách đá. Bài thơ vui Rùa vàng được hình thành:

Rùa vàng ở lại non xanh

Xênh xang một cõi đất lành biên cương

Trăng thu tìm suối soi gương

Khỏa mây tìm bạn, xua sương tìm mồi

Sống nơi linh khí đất trời

Núi xây sương trắng non phơi gió ngàn

Ơi con rùa hộp rùa vàng

Đã thành tiên dược trong hàng Tứ linh

Biên cương ấm nghĩa nặng tình

Rùa vàng cùng giữ yên bình với ta...

TRẦN HỮU TÒNG