Nhà lao Chí Hòa được bọn thực dân Pháp khởi công xây dựng từ năm 1943 mãi đến năm 1950 mới khánh thành. Khám tọa lạc trên một khu đất rộng 7ha, nằm cuối đường Hòa Hưng cạnh trại Lê Văn Duyệt (Biệt khu Thủ đô Sài Gòn - nay là Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh). Nhà tù này do một kiến trúc sư người Nhật thiết kế theo hình bát quái (tượng trưng cho 8 quẻ), gồm một tầng trệt và ba tầng lầu. Tòa nhà này có 8 cạnh, mỗi cạnh là một ô, đánh số thứ tự theo các chữ cái A - B - C - D - E - F - I - H. Tám ô lại chia thành sáu khu là AB - BC - ED - FG - ID - IH, mỗi khu được sơn một màu khác nhau. Tù nhân phải mang thẻ bài đúng màu của khu mình ở, nếu đi sang khu khác sẽ bị phát hiện ngay. Ngoài 6 khu trên còn có 3 khu nằm nối lưng với tòa nhà, đó là: khu Hỏa thực, khu Bệnh xá và khu Kỷ luật.
Chính giữa tòa nhà bát giác là tháp nước và lô cốt hình tròn có nhiều lỗ châu mai, được xây theo hình một thanh kiếm có tên gọi là “Tru tiên kiếm” - mang ý nghĩa đây là thế giới riêng biệt, người nào đã trót vào đây rồi thì không thể nào ra được. Tin đồn rằng: Khi khởi công làm lễ động thổ, bọn thực dân Pháp đã tế sống một cô gái đồng trinh để yếm cho trận đồ bát quái này. Các dãy hành lang lên xuống cầu thang nối nhau theo đường vòng như xoáy trôn ốc, chỉ có một cửa ra vào duy nhất được gọi là “cửa tử”.
Ngoài công trình nhà giam ra còn có khu nhà lầu hai tầng là chỗ làm việc của nhân viên quản trị nhà lao. Một ngôi chùa và một nhà thờ cũng được dựng lên cạnh đấy. Khám Chí Hòa là nhà tù lâu đời và lớn nhất ở đất liền, gồm có 256 phòng giam, thường xuyên chứa khoảng 7.000 tù nhân gồm: thường phạm, quân phạm và tù chính trị.
Trong khu lao địch còn đặt một máy chém có từ thời Pháp, được chuyển từ Bót Catinat sang. Người tù bị xử cuối cùng của máy chém này là Ba Cụt (Thiếu tướng Lê Quang Vinh của Hòa Hảo). Hằng năm đến rằm tháng 7 âm lịch (ngày Xá tội vong nhân), bọn giám thị nhà lao đều phải tổ chức cúng máy chém. Cũng tại nơi này ngày 15- 10-1964 bọn địch đã dựng pháp trường cát, xử bắn người Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.
*
Khám Chí Hòa có một nơi chuyên giam giữ tù chính trị - đó là khu FG. Theo quy định của nhà lao, mỗi phòng giam đều có khắc một bản nội quy (dính chặt vào tường) gồm 10 điều, trong đó điều 1 ghi rõ “Phải chào cờ mỗi buổi sáng và hô khẩu hiệu đả đảo Cộng sản”. Các nhà tù của ngụy quyền ở miền Nam đều trực thuộc Nha Cải huấn. Nha này có nhiệm vụ cải tạo tư tưởng tù nhân - Phải xóa bỏ lý tưởng Cộng sản còn tồn tại trong đầu người tù chính trị - như mục đích của chúng đã đề ra. Điều 1 của bản nội quy là “quy định nhức nhối” buộc người tù chính trị phải chống lại để giữ vững khí tiết cách mạng. Việc tù nhân chính trị vùng lên đòi xóa bỏ “điều 1” của bản nội quy là không thể chấp nhận được; do vậy nơi đây thường xuyên diễn ra các cuộc đấu tranh của tù nhân và cùng với đó là những trận đàn áp đẫm máu. Điển hình là sự kiện đấu tranh của tù chính trị khu FG đòi xóa bỏ “bản nội quy” diễn ra vào những ngày tháng 9 năm 1970.
Quản đốc nhà lao Chí Hòa vào thời kỳ đông tù nhân nhất (1968 - 1972) là Trung tá Lại Nguyên Tuấn - một sĩ quan cải huấn có thâm niên trong ngành cai trị tù. Không thể “điều đình” với tù chính trị khu FG đang đấu tranh đòi xóa bỏ nội quy, hắn bèn tập hợp bọn tù trật tự ác ôn lại để thực hiện “công vụ sở trường” là đàn áp. Mục tiêu trước tiên là các phòng dưới đất và sau đó phát triển lên tầng trên.
Đối phó lại sự đàn áp của địch, tù nhân chuẩn bị bao vải (để chụp lựu đạn cay). Các cửa phòng giam đều được cột chặt bằng dây xé từ vải quần áo bện lại. Khi vừa thấy toán trật tự xuất hiện với gậy gộc trên tay, tức thì tiếng hô “Đả đảo đàn áp” vang lên.
Lúc đầu chỉ có dãy phòng bên dưới hô la “Đả đảo”. Sau đó toàn khu FG (gồm ba dãy lầu 28 phòng) cùng đồng thanh hô lên vang dội cả khám Chí Hòa. Bọn địch không vào đàn áp được vì cửa đã bị cột chặt, chúng đến gần là bị tạt nước sôi nên lui ra.
Tên trung tá Tuấn báo cáo tình hình về cấp trên. Nha Cải huấn điều động thêm lực lượng cảnh sát dã chiến, chúng ồ ạt xông vào nhưng vẫn không tài nào mở cửa được. Bọn lính mang mặt nạ phòng độc dùng lựu đan cay ném vào phòng giam. Bên trong tù nhân lượm ném trở ra. Khói tỏa mịt mù cay xé mắt, mọi người hô nhau lấy khăn tẩm nước tiểu của mình để đắp lên mặt chịu đựng.
Cuộc đấu tranh giằng co diễn ra từ đầu hôm đến gần sáng. Tiếng hô la “Đả đảo đàn áp” của tù nhân chính trị không lúc nào dứt, vang dội cả một góc trời.
Không thể để tình trạng bất lợi kéo dài. Sau một hồi bàn tính, chúng bèn lùi ra xa chỉ để vài tên ở lại. Có lẽ chúng sắp sử dụng loại vũ khí mới? Đúng vậy! Đó là lựu đạn gây ngạt - Chúng dùng súng phóng lựu M79 bắn vào từng phòng, mỗi phòng chỉ cần bắn vài quả cũng đủ có tác dụng. Loại này khi nổ tiêu hủy oxy trong không khí khiến không thở được, làm nhiều người bị ngất.
Vì cửa phòng giam đã bị cột chặt nên bọn địch phải dùng hàn xì để cắt mới xông vào được và lôi từng người ra ngoài hành lang. Số người chống nội quy bị đưa xuống phòng kỷ luật gọi là Phòng điện ảnh. Bọn trật tự đứng dọc theo hành lang, ai đi qua cũng đều bị đấm, bị đá gọi là “đánh cho bõ ghét” vì đã gây bạo loạn trong nhà lao.
Gọi là Phòng điện ảnh nhưng đó chỉ là cái tên ngụy trang, không có máy móc chiếu phim gì cả. Bên trong trống trơn với hai dãy quyện (còng chân) dọc hai bên, có thể chứa hàng trăm người. Những người tù chống nội quy bị còng chân thành xâu chuỗi, dính vào một thanh sắt dài từ đầu đến cuối phòng. Trong đợt đấu tranh này có hơn 100 người tù bị đưa xuống còng ở đây.
Trưởng khu điện ảnh là tên giám thị Sáu Đàn, khét tiếng ác ôn ở nhà lao Chí Hòa, thuộc hạ hắn là những tên thường phạm được chọn ra làm trật tự. Bọn này phạm những tội cướp của, giết người bị kêu án nặng, ra làm trật tự đánh tù để mong được giảm nhẹ án.
Cai quản đám trật tự này là Long “già”, một tên tù thường phạm tuổi chừng 50. Ngoài đời hắn là thuyền trưởng tàu đánh cá, buôn lậu đường biển bị bắt vào đây “gỡ lịch” với mức án 3 năm. Hắn là dân Bình Định, dáng người to ngang với nước da rám nắng của dân chuyên sống về nghề biển. Theo lệnh của Sáu Đàn, Long “già” chỉ huy đám trật tự đàn áp tù thẳng tay. Chúng thường kéo vào nhìn chòng chọc từng người - ghét cũng đánh mà thích cũng đánh - người bị đánh trong tư thế chân bị còng dính vào quyện, chỉ biết chịu đựng không chống trả được.
Chính sách “dùng tù trị tù” có từ thời hoàng đế Napoléon còn tung hoành ngang dọc ở châu Âu, đã được bọn thực dân Pháp du nhập sang các nước thuộc địa. Chính quyền Sài Gòn vẫn áp dụng chính sách này của bọn thực dân từng là quan thầy của chúng.
Chuyện dưới Khu điện ảnh
Một người tù lớn tuổi tên Sáu Thơm - là cán bộ binh vận của R - ông có khiếu kể chuyện, thường quay phim cho tập thể nghe. Có một chuyện ông kể làm mọi người vẫn nhớ mãi.
“Trời hạn hán, trong cái ao kia nước cạn dần, các loài cá đang sống trong tình trạng khốn khổ vì kiệt nước. Những con cá lớn cố vượt lên bờ để tìm nơi khác nhưng không được. Một con cò trắng xuất hiện với lời nỉ non - Các bạn ơi! Ở bên kia cánh đồng có một hồ nước rộng mênh mông, đầy tôm tép rong rêu tha hồ làm thức ăn. Các bạn đến đó sống cho thoải mái. Sống ở đây chi cho khổ sở, chết lần chết mòn không ai hay. Đàn cá nghe vậy nhao nhao hỏi - Làm sao sang bên đó? Cò trắng bèn trả lời - Dễ thôi, các bạn chịu khó để cho tôi gắp các bạn đưa sang bên ấy giùm cho. Đàn cá bàn tính, có con chịu con không chịu, vì cò là loài ăn cá - Ông gắp chúng tôi đi rồi ăn thịt luôn hả? Cò giở giọng nhân từ - Giúp nhau trong cơn hoạn nạn, ai làm chuyện thất đức vậy. Đàn cá nghe bùi tai, chấp nhận cho cò trắng gắp đưa đi. Từng ngày, từng giờ đàn cá cạn dần. Đến con cá trê cuối cùng nó tỏ vẻ nghi ngờ hỏi - Ông đưa bầy đàn chúng tôi đi đâu mà sao không có tin tức về vậy? - À các bạn anh đang ở một nơi rất sung sướng, anh không muốn đi đến đó sao? Cá trê đành nghe lời để cho cò trắng gắp đi. Cò trắng bay đến một đồi hoang, cá trê nhìn thấy ở đó có đầy xương đồng loại của mình. Khi cá trê hiểu ra sự thật thì đã muộn”.
Chỉ là một câu chuyện ngụ ngôn mà người lớn thường kể cho các cháu nhỏ nghe, Sáu Thơm đã khéo vận dụng trong hoàn cảnh này. Đó là những lời giáo dục sâu sắc, cảnh tỉnh cho những ai lập trường đang chao đảo muốn rời bỏ hàng ngũ lên khu chấp hành nội quy. Cũng từ đó Sáu Thơm còn có thêm biệt danh mà những người tù cấm cố đặt cho ông là Cò Trắng.

Đường hầm dẫn vào một khu giam
Biệt giam Khu ED
Sau một tháng bị giam cầm ở Khu điện ảnh, số tù chính trị chống nội quy được đưa lên nhốt ở Khu ED. Đây là khu biệt giam ba tầng lầu, được chia thành những phòng nhỏ như xà lim. Mỗi phòng nhốt từ 5 đến 10 người. Khu này do bọn quân phạm làm trật tự canh giữ. Mỗi sáng mở cửa từng phòng ra lấy nước - chúng đánh. Trưa ra lấy cơm - chúng đánh. Đi nhận quà thăm nuôi của gia đình cũng bị chúng đánh. Đánh để buộc phải chịu ly khai.
Mỗi lần bị đàn áp là toàn khu biệt giam đều nhất tề hô la phản đối, nhưng bọn địch vẫn ngoan cố không chịu dừng tay. Lãnh đạo khu biệt giam đề ra chủ trương “tự mổ bụng” để phản đối hành động đàn áp - theo kiểu tinh thần võ sĩ đạo (samurai) của Nhật. Mổ ở đâu? Khi nào? Theo kế hoạch là sẽ mổ bụng tại phòng thăm nuôi, để thân nhân nhìn thấy loan tin ra ngoài. “Xin sữa” là tiếng lóng để chỉ tự mổ bụng.
Phải chọn những người tình nguyện trong số có gia đình thăm nuôi. Những dũng sĩ tình nguyện phải bốc thăm, người được chọn là Thành. Người tù này còn rất trẻ, tuổi vừa 18 - xuất thân trong gia đình nông dân ở xã Bình Trị Đông thuộc huyện Bình Chánh. Thành là du kích mật bị địch bắt kết án 3 năm tù giam.
Hôm ấy Thành được gọi tên thăm nuôi. Cậu ta bước ra khỏi phòng theo trật tự đi xuống cầu thang. Số đi thăm nuôi chừng 10 người đang tập trung tại ED. Tên Tám - trưởng toán trật tự - lại diễn cái trò cũ rích, giở giọng hăm dọa rồi hỏi:
- Có đứa nào chịu qua khu thi hành nội quy không? Qua đó sống thoải mái được gia đình thăm nuôi đều đặn.
Thằng này là thượng sĩ dù, can tội giết người cướp của “gỡ lịch” rất nặng, nên cố lập công để giảm nhẹ tội. Nó là tên côn đồ vô giáo dục. Trong số tù đang có mặt, có những người đáng tuổi cha chú nó, mà nó không coi ra gì. Thấy mọi người yên lặng nó cười gằn:
- Được rồi, tụi bây còn gặp tao dài dài mà.
Nó khoát tay cho toán trật tự dẫn tốp người này đi. Có lẽ nó đợi khi thăm nuôi trở vô nó mới giở trò đàn áp. Có hôm, người tù cấm cố ra gặp gia đình, mang đồ nuôi về đến phòng chỉ còn tay không, mọi thứ văng mất hết, bị đánh đau đành phải “bỏ của chạy lấy người”.
Đến phòng thăm nuôi, chưa kịp trò chuyện gì nhiều với người thân là bọn giám thị đã huýt còi đuổi trở vô. Mọi người vừa kịp trao đồ nuôi thì Thành đứng lên dõng dạc nói:
- Chúng tôi là tù bị cấm cố cực lực phản đối nhà cầm quyền thường xuyên ra lệnh đàn áp tù nhân chính trị…
Những người tù đi cùng đã có sự chuẩn bị đồng loạt hô theo:
- Phản đối. Phản đối…
Thành lấy mảnh lưỡi lam ra tự mổ bụng, máu trào ra lai láng. Cậu bèn leo lên bàn đứng cho mọi người nhìn thấy, bình tĩnh nói to lên tố cáo hành động dã man của bọn cai ngục. Thân nhân đi thăm nuôi tù thấy vậy cũng nhao nhao lên phản đối theo. Bọn giám thị bị bất ngờ phải huy động lực lượng đến giải tán. Trung tá Tuấn được tin xuống dàn xếp, đưa ngay Thành vào bệnh xá điều trị. Chỉ ngày hôm sau thì báo chí Sài Gòn đưa tin. Hội bảo vệ tù nhân lên tiếng, buộc bọn cai quản tù ở nhà lao Chí Hòa phải chùn tay.
Tết năm ấy (năm Tân Hợi 1971) đối với tù nhân cấm cố ở khu ED là một cái tết không thể nào quên. Một cái tết đầy ý nghĩa trong cảnh tù đày. Do tù chính trị đấu tranh mạnh, quản đốc nhà lao Chí Hòa buộc phải “xả trại” cho tù nhân được tự do đi lại trong toàn khu trong ba ngày tết. Khu biệt giam ED đón tết làm bàn thờ Tổ quốc, có cờ Mặt trận giải phóng (bằng giấy màu). Tù nhân khu cấm cố còn làm lân đi sang múa ở các khu thường phạm. Toán trật tự và tù chính trị hằng ngày rất xung khắc, trong những ngày tết này mọi người đều xí xóa cho nhau, vui vẻ bắt tay nhau chúc mừng năm mới.♦
Tháng 6-2021
Nhớ lại những ngày bị giam ở khám Chí Hòa