Vào những năm đầu thế kỷ 20, Mỹ Tho là mảnh đất sinh sôi của phong trào đờn ca tài tử và cũng là cái nôi của nghệ thuật sân khấu cải lương. Rất nhiều soạn giả, nghệ sĩ, bầu gánh nổi tiếng là người của đất Mỹ Tho. Đây là một giai đoạn mà các điều kiện về tự nhiên, văn hóa, xã hội hội đủ các yếu tố để cho ra đời một thể loại nghệ thuật mới phù hợp với đất và người Nam Bộ.
Cơ sở hình thành phương thức quản lý tư nhân của sân khấu cải lương Nam Bộ
Tư bản Việt Nam đầu thế kỷ 20 xuất thân từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Ở các thị tứ, các thị dân làm kinh tế dựa vào buôn bán. Khi đã giàu có, nhiều tiền họ trở thành những ông chủ. Các gánh hát đầu tiên được thành lập và ngày càng phát triển mạnh là có sự đóng góp rất lớn của những ông chủ, những nhà tư sản này. Tầng lớp thị dân của những năm 1920 - 1930 được gọi là công chúng của nền văn hóa mới. Họ là khán giả của sân khấu chèo, sân khấu cải lương trong nhà hát, là khán giả của các ca khúc tiền chiến, là độc giả của những nhà văn, nhà thơ mới. Họ là những công chúng đẩy văn hóa Việt Nam hòa nhập vào văn hóa chung của nhân loại.
Từ gánh hát đến đoàn hát (nhà hát) là một khoảng cách. Các nhà hát chỉ xuất hiện khi Pháp thực hiện cuộc khai thác ở Việt Nam. Trước đây, nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa quà tặng bởi tư tưởng Nho giáo chi phối “làm văn để chở đạo”. Văn hóa, nghệ thuật là nơi chốn để vui chơi vì vậy các vở diễn tuồng, chèo... không có tác giả. Khi văn hóa phương Tây du nhập vào Việt Nam, do ảnh hưởng của nền kinh tế hàng hóa, văn hóa nghệ thuật Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc. Để vào xem các vở diễn, người dân phải mua vé và từ đây ngành kinh doanh sân khấu hình thành. Cũng từ đây, xã hội xuất hiện một tầng lớp mà sự sáng tạo tinh thần của họ trở thành hàng hóa, đó là những tác giả, những diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ, những nhà quản lý (bầu gánh)... Nền kinh tế hàng hóa, cạnh tranh trong cơ chế thị trường chính là tác nhân để sân khấu cải lương phát triển mạnh mẽ.
Nam Bộ là vùng đất vừa có bề dày trong diễn trình lịch sử của văn hóa Việt Nam, lại là vùng đất giàu sức trẻ của cả các tộc người ở đây. Vị thế địa chính trị, địa văn hóa của Nam Bộ, khiến nó trở thành trung tâm mà quá trình tiếp biến văn hóa diễn ra nhanh chóng cả về bề mặt lẫn bề sâu, cả về lượng và chất, tạo cho vùng văn hóa Nam Bộ có những đặc thù riêng và trở thành một gương mặt riêng khó lẫn trong diện mạo các vùng văn hóa Việt Nam.
Cải lương có một lịch sử hình thành và một đời sống thực tiễn rất phong phú. Có cội nguồn từ đờn ca tài tử, cải lương vừa có tính chất dân tộc vừa có tính chất hiện đại, vừa là sân khấu truyền thống lại vừa cách tân, liên tục vận động theo xu hướng tiến bộ. Không những thích nghi và dung nạp cái mới, cải lương luôn hướng tới sự thay đổi và cải cách để làm mới mình, tạo cho mình sức lôi cuốn, hấp dẫn. Điều này có thể thấy rất rõ từ khâu sáng tác, trình diễn, quản lý gánh hát... Đến nay, trải qua nhiều sóng gió, thăng trầm, cải lương vẫn tồn tại, đó là nhờ vào sự mềm dẻo trong khả năng hòa nhập của những con người miền sông nước Nam Bộ.
Những bầu gánh cải lương đầu tiên trên đất Nam Bộ...
Bầu gánh Lê Văn Thận (André Thận) là một công tử quê ở Sa Đéc, xuất thân từ một gia đình giàu có, ăn chơi khét tiếng. Ông thuộc nhóm tân tiến, có học nhiều năm ở Trường trung học Chasseloup-Laubat (Sài Gòn). Ra trường, André Thận có đi làm “cò tàu” coi sóc một chiếc tàu thủy của hãng Tây chạy từ đường Hậu Giang lên Mỹ Tho, sau đó nghỉ làm, quanh năm lêu lổng chơi bời. Ông thường cùng các thầy đờn, các danh ca và các điền chủ đi từ chợ tỉnh này qua chợ kia, tổ chức ca ngâm đàn địch. Thấy gánh xiếc Anh Armstrong Circus biểu diễn thu được rất nhiều tiền, ông liền nảy ra ý định bắt chước. André Thận về quê nhà, tụ hội anh em, lập một ban tạp kỹ vừa hát bóng câm, vừa có xiếc và ca tài tử.

Bầu Thơ (đứng giữa) và NSƯT Thanh Nga (trái) trong một buổi khai trương tại rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân, TP.HCM)
Phước Georges (Bạch công tử) là con trai của một ông đốc phủ, từng đi Tây du học. Ông say mê cô Bảy Phùng Há, cưới cô làm vợ và lập gánh Huỳnh Kỳ để cô làm đào chính kiêm luôn quản lý gánh hát. Khác với “Công tử hạt xoàn” Tư Cương, “Bạch công tử” Phước Georges thuộc loại người ăn chơi phóng đãng, rất chú ý ăn diện, nổi tiếng là người “ăn mặc bốn mùa”.
Ông Đẩu, bầu gánh Nghĩa Hiệp Ban, trước là một triệu phú ở Đa Kao, từng mở nhà băng. Nhưng gặp lúc kinh tế khủng hoảng, ngân hàng bị phá sản, ông chuyển sang kinh doanh gánh hát.
Là những người có học, hiểu biết rộng, các bầu chủ rất coi trọng các soạn giả có trình độ Nho học, Tây học. Họ cùng chung lưng đấu cật với các soạn giả để tìm ra phong cách nghệ thuật của gánh hát và là những người có công đầu trong việc đề cao vai trò quan trọng của soạn giả, góp công lớn trong việc thúc đẩy nhanh quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu cải lương. Các bầu gánh thành công là những bầu gánh có công phát hiện ra những soạn giả giỏi để hướng dẫn gánh hát của mình theo một phong cách nghệ thuật nhất định.
Soạn giả của gánh còn gọi là thầy tuồng. Các thầy tuồng sáng tác kịch bản, phân vai và hướng dẫn đào kép luyện tập và biểu diễn. Vai trò của các thầy tuồng rất quan trọng trong các gánh hát. “Các ông viết sao, anh chị em tập vậy. Không được tranh cãi chi hết. Hát bài bản nào, do các ổng sắp xếp phân vai cho làm Tiết Giao, ai làm Võ Tam Tư, rồi coi mọi người tập, thấy cần sẽ uốn nắn đôi chút”. Các bầu gánh cùng với các soạn giả đã sáng tạo nên hai phong cách nổi bật nhất của nghệ thuật sân khấu cải lương là phong cách cải lương tuồng Tàu và phong cách cải lương tuồng xã hội.
Với mô hình quản lý tư nhân, NSND Ba Vân đã có sự đánh giá về các thực trạng tốt xấu của bầu chủ gánh hát cải lương trong giai đoạn này. Theo ông, nghệ sĩ được tôn trọng khi người bầu chủ có tâm, bằng ngược lại thì nghệ sĩ phải chịu cảnh chủ - tớ và tính chất bóc lột, áp chế. “Bầu hồi ấy đều là những người nghề nổi tiếng, dạy một số người mới vào nghề, rồi kiếm thêm vài ba bạn cũ mà lập gánh. Đi hát được bao nhiêu, trừ chi phí ăn nhậu, còn lại đem chia cho mọi người theo mức nghề. Những bầu bì sau này, thì tuy cũng lắm người giỏi nghề đấy, nhưng đối xử với nghệ sĩ thì cũng chẳng khác hội đồng Thăng ‘chăn dắt’ tá điền của hắn”. Tuy nhiên, do đặc điểm vùng miền, do đặc điểm cá tính của người dân Nam Bộ nên phương thức quản lý tư nhân của nghệ thuật sân khấu cải lương cũng có những đặc điểm riêng. Nghệ thuật sân khấu cải lương Nam Bộ ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần của người dân Nam Bộ. Người Nam Bộ vốn rất yêu nghệ thuật đờn ca, phong trào cải lương cũng tìm được miếng đất màu mỡ trong quần chúng. Khi bộ môn nghệ thuật này hình thành, đã tạo thành một phong trào văn nghệ sôi nổi. Một số anh em lại tổ chức thành những đoàn, những nhóm hát nhỏ đi diễn các chợ như Tân Hiệp, Nhật Tân, Bến Tranh, Củ Chi, Phú Mỹ v.v... Hoạt động của các nhóm đó có tính cách văn nghệ nhân dân, biểu diễn để phục vụ đồng bào chứ chưa có tính cách kinh doanh. Một số người có uy như Lê Văn Thận, một công tử quê ở Sa Đéc, Châu Văn Tú v.v... cũng vì yêu nghệ thuật đờn ca mà lập gánh. Cho đến những giai đoạn sau này, các bầu gánh như Phước Cương, Năm Nghĩa, Nguyễn Thị Thơ, Kim Chưởng v.v... ngoài mục đích kinh doanh để duy trì và phát triển gánh hát thì trên hết mục đích lập gánh hát vẫn là vì họ yêu nghệ thuật đờn ca, yêu hình thức kịch hát dân tộc đầy sức cuốn hút, làm say đắm lòng người này.
Nghệ thuật sân khấu cải lương - định hướng và phát triển
Hiện nay, đứng trước sự thoái trào của sân khấu cải lương, nhiều ý kiến cho rằng: Cải lương đã chết vì không có kịch bản mới, không sáng tạo, không theo kịp hơi thở của cuộc sống, không có chất liệu văn học, không có sân khấu xứng tầm, không có diễn viên ra dáng đàn ông cho ra đàn ông, đàn bà cho ra đàn bà. Nhìn đâu cũng thấy đồ bơm, đồ độn, thẩm mỹ kém ngay chính phong cách ăn mặc nói năng. Cải lương chết là thuận theo tự nhiên thôi.
Theo anh Trần Khánh Như - kiến trúc sư: “Đây chỉ là ý kiến cá nhân, là người thụ hưởng nghệ thuật, có thể mình sai, nhưng khi mở ti vi mà có cải lương xem thử với giọng hát ẻo lả quá điệu đàng nghe không chịu nổi so với các bậc đàn anh đàn chị Thanh Nga, Thành Được, Út Bạch Lan, Thanh Sang, Bạch Tuyết, Phượng Liên... nghe mà rụng tim từng lời ca đầy sâu sắc, đầy nỗi niềm, ta thấy ta trong từng câu hát. Còn bây giờ môi nào cũng mọng tròn vo, giọng hát đẩy đưa đầy giả tạo không thể nào mà bình tĩnh để xem thêm. Sân khấu bao nhiêu năm hiện đại thêm chỗ nào nói thử mà xem?”.
Cũng theo anh Trần Khánh Như: “Tôi đã xem vở kịch Tiên Nga của Thành Lộc mà cảm xúc dâng trào, sân khấu thiết kế mới tiếp cận với khán giả mới, đi xem mà mở mang thêm vốn sống. Cải lương thì sao? sân khấu chưa bao giờ lộng lẫy sang trọng để người xem thèm thuồng muốn đến rạp, nếu dựa vào giá trị truyền thống thì tôi sẵn lòng ngồi hàng buổi để xem hát bội, những nghệ sĩ hát lưu động ở khoảnh đất còn sót lại một vài chỗ trong nội thành, tôi rất trân trọng”.
Sân khấu không hiện đại không có nghĩa là không còn cải lương. Nghệ sĩ cải lương hiện nay sống trong dân gian, nhiều người vẫn sống được bằng nghề của mình. Trong điều kiện hiện nay, đầu tư cho một vở cải lương kinh phí rất lớn. Hiện nay tại khu vực Nam Bộ nói chung và miền Tây Nam Bộ nói riêng vẫn có nhiều đoàn cải lương vẫn hoạt động. Anh Minh Mẫn, Trưởng đoàn Đồng Tháp, cho biết: “Đoàn Văn công Đồng Tháp vốn dĩ là một đoàn nghệ thuật tổng hợp. Sau giải phóng, đoàn đổi tên thành Đoàn Cải lương Đồng Tháp. Đến 2010, đoàn không còn chỉ diễn thuần cải lương. Mỗi năm, đoàn dựng khoảng từ một đến hai vở. Mỗi vở diễn có thể công diễn được từ 10 đến 30 suất diễn”.
Theo đạo diễn trẻ Trần Tuấn Linh, Đoàn Cải lương Bến Tre: “Khó khăn trầm kha hiện nay là vấn đề kịch bản. Vì thiếu nguồn kịch bản nên đoàn phải dàn dựng lại các kịch bản cũ”. Tuấn Linh cũng cho biết thêm: “Khán giả hiện nay rất thích xem tuồng cổ và các vở diễn lịch sử. Riêng các vở tuồng cổ được sử dụng rất nhiều trong các mùa lễ hội. Tuy nhiên, khi dàn dựng lại gặp khó khăn giữa khán giả và ban ngành liên quan. Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch ưu tiên xét duyệt những vở đề tài xã hội mà khán giả lại không muốn xem đề tài này. Các vở tuồng cổ thì rất khó được thông qua vì hầu hết đều là tuồng tích của Tàu”.
Hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn một đơn vị cải lương công lập hoạt động, đó là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Sau khi mở cửa hoạt động, khai thác mặt bằng vừa mới được xây dựng, nhà hát đã xây dựng một số vở mới: Ngày đó họ đều còn trẻ (kịch bản: Lê Thu Hạnh), Tình yêu tướng cướp (kịch bản: Ngọc Tranh, Anh Thư; đạo diễn: Điền Trung), Rể quý (kịch bản: Lam Tuyền, đạo diễn: Quốc Kiệt), Đả chiến phá sông Ngân (kịch bản: NSND Năm Châu, đạo diễn: Lê Trung Thảo), Truyền thuyết hồ đoạt mệnh (kịch bản: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Lê Trung Thảo) nhưng lượng khán giả đến rạp còn rất thưa thớt, chưa có một kịch bản nào thu hút được sự quan tâm nồng nhiệt của khán giả. Nghệ sĩ Quỳnh Khôi: “Khán giả thích xem diễn viên nổi tiếng. Vé chủ yếu bán cho các ‘fan’ hâm mộ của các nghệ sĩ. Vở diễn tuồng cổ còn bán được vé, các vở xã hội chỉ phát giấy mời. Các vở diễn tại nhà hát có doanh thu, còn lại 70 suất dành biểu diễn phục vụ”.
Người nghệ sĩ cải lương Nam Bộ đã nuôi cải lương trong điều kiện mới với sự khát khao được sống với nghề bằng sự linh động, sáng tạo của mình. Họ không thể trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước, không thể trông chờ vào một ông bầu để cho họ một suất diễn. Ngoài một số ít diễn viên trực thuộc biên chế tại các đơn vị công lập, các nghệ sĩ tự do phải tự “PR” cho mình, tự tìm đối tác biểu diễn. Người nghệ sĩ cải lương hôm nay mang trên vai hai vai trò: diễn viên và là người quản lý.
Các nghệ sĩ, diễn viên cải lương (kể cả biên chế, hợp đồng, hoạt động tự do) hầu hết đều tham gia biểu diễn ở các đình chùa, miếu mạo. Mỗi suất diễn tùy theo mức giá của từng người hoặc đồng giá... tùy theo sự thỏa thuận của nghệ sĩ với nơi tổ chức. Cát sê trung bình từ 1 triệu - 1,5 triệu đồng/diễn viên chính. Dàn bao có giá 500.000 đồng/người. Các nghệ sĩ nổi tiếng như: Lê Tứ, Lê Hồng Thắm... hát tại các buổi lễ thượng thọ, thôi nôi, cưới hỏi, giỗ chạp, đám tang được trả thù lao cao, trung bình từ 5 triệu đồng/người.
Cũng cần nói thêm rằng, nghệ sĩ cải lương có tên tuổi vẫn sống khỏe. Nhiều nghệ sĩ mua được nhà, xe, đời sống đầy đủ sung túc bằng chính thu nhập của mình. Bên cạnh các “fan” hâm mộ, các nghệ sĩ: Lê Tứ, Tú Sương, Võ Minh Lâm... còn có các nhà tài trợ là những nhà doanh nghiệp, đại gia. Các nhà tài trợ không những ủng hộ các đêm diễn bằng cách mua vé cho công nhân, nhân viên của công ty họ mà họ còn tổ chức các sô diễn mời bạn bè, thân hữu đến thưởng thức giọng ca của nghệ sĩ.
Một số nghệ sĩ rất năng động, ngoài công việc biểu diễn, họ làm dịch vụ: cho thuê phục trang, âm thanh, ánh sáng... Nhờ vậy, đời sống nghệ sĩ ổn định. Thu nhập nhiều hay ít tùy mùa, tùy sự kiện nhiều hay không. Diễn viên trẻ Bạch Long vừa tốt nghiệp, tâm sự: “Em sống cũng tạm ổn. Em mở phòng thu, thỉnh thoảng tham gia hát chầu. Nói chung chịu khó theo nghề vẫn sống được”.
Người viết cho rằng: nếu có nhà hảo tâm yêu nghệ thuật cải lương, chịu bỏ tiền “nuôi” gánh hát như trước đây; biết dùng nghệ thuật cải lương làm du lịch ở vùng đất phương Nam này thì cải lương vẫn có đất sống rất màu mỡ.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, ông bầu của sân khấu IDECAF, Huỳnh Anh Tuấn, là một người rất nặng lòng với sân khấu dân tộc, một nhà quản lý tài giỏi. Mong rằng một ngày gần đây, bầu Tuấn và những nhà quản lý giỏi sẽ quan tâm hơn đến các vở diễn cải lương. Khán giả thành phố và nghệ sĩ sẽ có thêm một địa chỉ cải lương sáng đèn có chất lượng tốt.♦

Vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga